Nghệ An có đường biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bôlykhămxay của nước CHDCND Lào; điều kiện này thuận lợi cho việc thông thương, phát triển kinh tế giữa Nghệ An với các địa phương nước bạn. Hơn thế nữa, đó còn là để kết nối, thông thương hàng hóa với các nước Thái Lan, Myanmar…
Trên tuyến biên giới Nghệ An với nước bạn Lào có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn), Cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy (Thanh Chương), 3 cửa khẩu phụ tại Cao Vều (Anh Sơn), Thông Thụ (Quế Phong), Tam Hợp (Tương Dương) và nhiều lối mở dọc các huyện biên giới.
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, với 16 tuyến quốc lộ đi qua và cao tốc Bắc – Nam đang được xây dựng. Địa phương cũng có hệ thống hạ tầng sân bay quốc tế, cảng biển đồng bộ với sản lượng hàng hóa thông qua hàng năm khá lớn. Sản xuất công nghiệp của Nghệ An có sự tăng trưởng cao; mặt hàng vật liệu xây dựng (xi măng, gạch ốp lát, tôn và sắt thép…) là một trong những lợi thế sản xuất của Nghệ An, đã và đang xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Lào đạt 15-20 triệu USD/năm.
Chưa kể các mặt hàng nhiên liệu (xăng, dầu, khí đốt hóa lỏng), với những doanh nghiệp hàng đầu có hệ thống cảng chuyên dụng và kho chứa lớn như: Công ty CP Thiên Minh Đức (DKC), Petrolimex… ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường Lào, với kim ngạch xuất khẩu đạt 5-10 triệu USD/năm. Bên cạnh đó, các mặt hàng truyền thống của Nghệ An như: gạo, dầu ăn, phân bón, đồ nội thất, thủy, hải sản….) đã từ lâu quen thuộc với người tiêu dùng tại Lào.
Từ năm 2018 đến quý 1 năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Nghệ An và Lào đạt 139,1 triệu USD, trong đó, xuất khẩu đạt 132,3 triệu USD, nhập khẩu đạt 6,8 triệu USD. Hàng trăm nghìn lượt người và phương tiện qua lại để thăm thân, làm việc, trao đổi, mua, bán hàng hóa, tham quan du lịch. Chỉ tính từ ngày 1/1/2022 đến ngày 10/8/2022 tại Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã có 102 doanh nghiệp, trong đó, có 71 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, 31 doanh nghiệp tham gia hoạt động nhập khẩu. Tất cả các doanh nghiệp đều thực hiện thủ tục hải quan trên hệ thống thông quan tự động. Cũng trong khoảng thời gian này, đã có 13.516 phương tiện vận tải làm thủ tục xuất, nhập cảnh, trong đó, có 6.976 phương tiện nhập cảnh và 6.540 phương tiện làm thủ tục xuất cảnh; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 21,7 triệu USD.
Ông Phan Văn Nhâm – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cho biết: Sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngày 9/5/2022, Chính phủ Lào quyết định mở cửa trở lại các cửa khẩu quốc tế, trong đó có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã góp phần giúp cho các hoạt động xuất, nhập khẩu cũng như qua lại thăm thân của người dân hai bên tấp nập trở lại. Công tác thông quan hàng hóa, phương tiện, xuất, nhập cảnh… được hai bên phối hợp thực hiện thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước trao đổi, mua bán hàng hóa. Tính đến ngày 10/8/2022, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã thu nộp ngân sách hơn 11,2 tỷ đồng, đạt 127,79% chỉ tiêu được giao. Trong đó, các mặt hàng đóng góp nguồn thu lớn là: gỗ xẻ các loại, quặng sắt nhập kinh doanh, tinh bột dong riềng…
Ngoài Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn tại huyện Kỳ Sơn, Cửa khẩu Thanh Thủy tại huyện Thanh Chương cũng là một cửa ngõ quan trọng, có vị trí rất thuận lợi để phát triển giao thương với nước bạn Lào khi chỉ cách TP. Vinh khoảng 50 km, cách Cảng Cửa Lò và Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An chỉ khoảng hơn 60 km. Để thúc đẩy giao thương giữa hai nước, năm 2011, Cửa khẩu Thanh Thủy được nâng cấp thành Cửa khẩu Quốc gia. Đến năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch Cửa khẩu Thanh Thủy với tổng diện tích 21,97 ha để xây dựng các khu chức năng.
Đến năm 2016, Cửa khẩu Thanh Thủy là một trong các lựa chọn để xây dựng đường cao tốc Việt Nam – Lào, nối Hà Nội với Viêng Chăn dài khoảng 725 km. Đến năm 2018, khi quy hoạch đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn được Chính phủ hai nước đồng ý thực hiện, việc quy hoạch Cửa khẩu Thanh Thủy thành khu kinh tế cửa khẩu được coi là động lực phát triển của vùng. Một khi tuyến đường cao tốc này trở thành hiện thực thì nó sẽ trở thành “huyết mạch” thúc đẩy dòng chảy hàng hóa từ các nước Lào, Thái Lan, Myanmar đi qua Nghệ An để tiến ra Biển Đông.
Thời gian qua, trên cơ sở các Hiệp định Thương mại song phương được ký kết và các văn bản pháp luật được Chính phủ ban hành, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương có cửa khẩu tổ chức thực hiện tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, thương nhân hai bên trao đổi, mua bán, xuất, nhập khẩu hàng hóa. Công tác thông quan hàng hóa, phương tiện, xuất, nhập cảnh… được hai bên phối hợp thực hiện thuận lợi. Hai bên cùng phối hợp đề xuất Bộ Công Thương lập quy hoạch tổng thể phát triển thương mại biên giới chung giữa hai nước Việt Nam – Lào giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Hiện đang khảo sát, lập kế hoạch đầu tư xây dựng một số chợ cửa khẩu, chợ biên giới, trong đó, có chợ biên giới Thanh Thủy đang từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng với diện tích 12,8 ha.
Bên cạnh đó, hàng năm, Nghệ An cũng đã thành lập các đoàn gồm nhiều doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đầu tư tại Lào nhằm giới thiệu, đưa sản phẩm có chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng Lào. Tính đến thời điểm hiện tại, có trên 90 doanh nghiệp của Nghệ An tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Lào, với số vốn khoảng 200 triệu USD. Song song với đó, còn mời các doanh nghiệp, hộ kinh doanh của Lào tham gia các chương trình hội chợ thương mại trên địa bàn thành phố để kết nối cung – cầu giữa các doanh nghiệp Lào và doanh nghiệp Nghệ An…
Trong giai đoạn 2019 – 2022, để thúc đẩy kim ngạch xuất, nhập khẩu và tạo điều kiện tốt hơn trong quá trình thông quan hàng hóa, UBND tỉnh Nghệ An đã và đang từng bước đầu tư, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng cửa khẩu; hệ thống kho bãi, vận tải, logistics,… bố trí lực lượng tại hệ thống cửa khẩu, lối mở đảm bảo cho quá trình xuất, nhập khẩu và nhiều lần hội đàm với chính quyền các tỉnh biên giới Lào để đề xuất nâng cấp một số cặp cửa khẩu phụ, lối mở. So với năm 2013, cơ sở hạ tầng phục vụ cho vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới nhìn chung được cải thiện rất nhiều.
Nhiều năm qua, dân cư biên giới qua lại, giao thương để trao đổi, mua bán qua các cặp chợ biên giới hai nước như chợ Đin Đăm (tỉnh Bôlykhămxay), chợ Thanh Thủy (Thanh Chương), chợ Thông Thụ (Quế Phong), chợ Nậm Cắn (Kỳ Sơn)… Hiện tại, sau 2 năm bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, chợ phiên Nậm Cắn tại Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cũng đã hoạt động trở lại vào các ngày cuối tuần, góp phần giúp hoạt động giao thương, tham quan mua sắm và du lịch của người dân hai bên trở nên sôi động. Kể từ khi được mở trở lại đến nay, mỗi phiên chợ diễn ra đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm và giao lưu, tìm hiểu văn hóa. Ông Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, chợ phiên biên giới Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn được mở lại từ dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5/2022, vào sáng Chủ nhật hàng tuần. Có chợ phiên ở vùng biên giới, hàng tuần lượng khách du lịch qua lại huyện Kỳ Sơn đang tăng lên đáng kể.
Không chỉ tích cực hợp tác phát triển kinh tế, tại khu vực biên giới, công tác đối ngoại giữa huyện với huyện, xã với xã và bản với bản giữa các địa phương hai bên biên giới cũng được quan tâm thực hiện thường xuyên và toàn diện nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Thỏa thuận tại Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại Việt Nam – Lào lần thứ XI, năm 2018. Ông Cao Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, tiềm năng hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa Việt Nam – Lào nói chung và Nghệ An và các tỉnh của Lào nói riêng còn dư địa rất lớn. Điều quan trọng là cần phải biến các tiềm năng, lợi thế thành động lực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế giữa hai bên biên giới.