Tích cực chuyển đổi số, thực hiện các mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số. Đó là yêu cầu được đặt ra với các cấp, ngành ở Nghệ An nói riêng trong giai đoạn mới nhằm tăng khả năng, cơ hội kết nối, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Đầu tháng 8/2022, huyện Thanh Chương chính thức đưa vào sử dụng phần mềm “Tương tác số Thanh Chương” để ghi nhận, những phản ánh, tương tác thông tin giữa người dân và chính quyền huyện, xã. Phần mềm này được đưa lên kho ứng dụng CHPlay của Google và AppStore của Apple. Cùng đó, khẩu hiệu hành động của chính quyền huyện Thanh Chương cam kết với người dân và doanh nghiệp là: “Lắng nghe – thấu hiểu – cùng hành động!”.
Qua trao đổi, ông Trình Văn Nhã – Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương chia sẻ, trên thực tế, việc tương tác số giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền trên địa bàn huyện từng được triển khai thông qua nền tảng mạng xã hội. Phần mềm mới là một trong những ứng dụng đảm bảo tính chân thực cao hơn giữa các chủ thể trong tương tác số. Ở đó, số điện thoại gắn với từng người dân cụ thể, hạn chế bớt những “tương tác ảo”; hướng tới minh bạch hơn trong thực hiện xã hội số, chính quyền số.
Thanh Chương là địa phương thứ tư trong tỉnh (sau thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai) tiến hành ứng dụng phần mềm tương tác với người dân và doanh nghiệp. Ở thành phố Vinh đã tiến hành xây dựng chính quyền điện tử, trên cơ sở hình thành Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, ứng dụng chuyển đổi số và theo dõi giám sát giao thông và các hoạt động xã hội, đảm bảo an ninh đô thị. Cùng đó, nhiều địa phương, sở ngành tích cực triển khai chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực. Hệ thống văn bản các cấp cơ bản đã được số hóa và ứng dụng chữ ký số trong xử lý công việc. Một số lĩnh vực như Du lịch, Y tế, Giáo dục… đã xây dựng được dữ liệu số có thể kết nối sâu rộng.
Còn tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 100% hồ sơ thủ tục hành chính khi người dân, doanh nghiệp trình qua trung tâm đều được số hóa. Ông Nguyễn Đình Mỹ – Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cho biết: Hoạt động này góp phần liên kết giữa các sở, ngành trong xử lý hồ sơ và theo dõi tiến độ thực hiện một cách thuận tiện, minh bạch. Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2022, hơn 96,57% hồ sơ thủ tục được giải quyết đúng hạn và trước thời hạn, chỉ còn hơn 3% hồ sơ quá hạn vì nhiều nguyên nhân được chuyển tiếp xử lý. Theo đánh giá của các sở ngành, đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa các sở, ban, ngành được cấp chứng thư số.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá trong cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2030. Chuyển đổi số cũng là chủ đề cải cách hành chính năm 2022. UBND tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, ban hành Công văn số 5010/UBND-TH ngày 06/07/2022 về việc tập trung nghiên cứu và triển khai các nền tảng số trên địa bàn tỉnh Nghệ An; chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai các nền tảng phục vụ chính quyền, doanh nghiệp, người dân theo đúng định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trước đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 589/KH-UBND ngày 18/10/2021 về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Nghệ An năm 2021, 2022 và định hướng đến năm 2025. Cùng đó, trên các lĩnh vực thương mại, ngân hàng, thanh toán điện tử cũng được đông đảo người dân, doanh nghiệp sử dụng hiệu quả.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ở Nghệ An, kế thừa những kết quả triển khai trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách tăng cường chuyển đổi số. Mới đây, ngày 05/8/2022, Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 09 đề ra: Chuyển đổi số hướng đến thực hiện mục tiêu toàn diện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trọng tâm là phát triển cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số; gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp.
Trên cơ sở đó, Nghị quyết của Tỉnh ủy đặt ra yêu cầu đối với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh phải tích cực đổi mới, nhanh chóng vận dụng công nghệ kỹ thuật để giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, hiện nay việc kết nối dữ liệu số giữa các cấp ngành còn nhiều vấn đề đặt ra. Đó là hạ tầng viễn thông, internet mặc dù được nâng cấp, nhưng việc kết nối còn những tồn tại; một số ngành còn e dè trong việc chia sẻ dữ liệu… Kinh tế số, công nghệ số đã ứng dụng trong đời sống như: thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, quảng cáo trực tuyến, vận chuyển, giao nhận hàng hóa,… nhưng phần lớn người dân chưa tiếp cận, mới chỉ đa số người trẻ và người dân đô thị tham gia.
“Rõ ràng, công cuộc chuyển đổi số bắt đầu từ cán bộ, công chức, các ngành, nhưng để vận hành chính quyền số, kinh tế số, xã hội số cần sự vào cuộc của tất cả mọi người trong xã hội”, ông Phan Nguyên Hào – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định như vậy và cho rằng, để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong chuyển đổi và ứng dụng số đang cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, đơn vị nhằm giải quyết 3 vấn đề cơ bản, đó là: Hạ tầng (bao gồm đường truyền và dữ liệu); Chia sẻ (dữ liệu các ngành có được chia sẻ hay không) và Thể chế (cần thể chế đủ mạnh để bắt buộc các địa phương, ngành, doanh nghiệp phải kết nối, chia sẻ dữ liệu số, trừ lĩnh vực bí mật quốc gia). Thực hiện tốt 3 vấn đề đó sẽ góp phần vận hành tốt 3 mục tiêu về phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
– Về chính quyền số
+ 100% cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây.
+ 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng hoặc tự bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng số; 100% cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin.
+ Triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối với hệ thống hội nghị trực tuyến quốc gia.
+ Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.
+ 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước, hồ sơ công việc có nội dung mật).
+ 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế – xã hội được thực hiện trực tuyến và liên thông với hệ thống báo cáo quốc gia.
+ 100% cơ sở dữ liệu quốc gia được kết nối, ứng dụng trên địa bàn tỉnh theo lộ trình của Chính phủ; từng bước hình thành cơ sở dữ liệu mở của tỉnh kết nối liên thông trên 80% cơ sở dữ liệu của các ban, sở, ngành để phục vụ quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, khai thác trọn đời.
– Về kinh tế số
+ Kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP.
+ Từ 80% người dân 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.
+ Phấn đấu có ít nhất từ 1 đến 2 cơ sở giáo dục triển khai đào tạo về thương mại điện tử; trên 3.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ kinh doanh, cán bộ công chức, viên chức, sinh viên, thanh niên khởi nghiệp được tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về thực thi pháp luật và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử. Từng bước hình thành các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp số và hợp tác xã số.
+ 100% hộ sản xuất nông nghiệp được lập danh sách và chuẩn hóa, số hóa dữ liệu theo hướng dẫn của Bộ Thông tin &Truyền thông và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
– Về xã hội số
+ Trên 50% người dùng thiết bị đầu cuối thông minh được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh.
+ 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.
+ Triển khai thí điểm và nhân rộng các dịch vụ số (y tế, giáo dục, giao thông, an ninh, trật tự, du lịch…) thuộc hệ thống dịch vụ đô thị thông minh tại thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai.