ẻ nói khôn người bảo dại, cuộc sống chưa bao giờ hết dùng dằng trước bất kỳ một sự lựa chọn nào. Chắc có lẽ khi đặt tay lên “nút bấm 99 năm” của thời hạn thuê đất đặc khu các đại biểu Quốc hội cũng sẽ cân nhắc kỹ lắm chứ không một ai lại có thể vô cảm đến mức đánh cược vận mệnh dân tộc bằng một kèo âm dương đâu. Mỗi đại biểu Quốc hội trước hết là một người dân, tôi không tin một người dân yêu nước nào lại lơ đãng đến mức “cõng rắn” khi mà “gà nhà” đã thổn thức lên tiếng. Việc quan tâm của “bà con nhà mạng” là dễ hiểu và cũng cần thiết, nhưng vì điều ấy mà hoang mang đến mức cực đoan “nói không với đặc khu” rồi dùng bàn phím để chì chiết thì có lẽ cũng hơi… vội!
Quá trình phát triển là quá trình đấu tranh của các mặt đối lập. Làm gì có chuyện chúng ta đi lên mà không chịu “trầy vi trợt vảy”. Thị trường mà, người được có thể được rất nhiều, người mất cũng có thể mất rất nhiều, nhưng chắc chắn không ai mất tất cả, cũng không ai được tất cả. Vấn đề là mất cái gì và mất bao nhiêu, được cái gì và được như thế nào? Hãy biến trăn trở của mình thành tư duy xây dựng thay vì “ném đá”. Ném đá có thể là sở trường nhưng ném đá không phải là giải pháp. Thời hạn cho thuê đất đặc khu kinh tế chừng bao nhiêu năm là đủ? Điều gì sẽ xảy ra với con cháu chúng ta 99 năm nữa nếu thời hạn kia được bấm nút? 99 năm là đột phá hay 99 năm là mạo hiểm? Vâng, đó là những câu hỏi mà phần trả lời trên mạng xã hội mấy bữa nay hầu hết đều mang tính… tiên tri! Làm sao để trả lời một cách chính xác được khi mà 99 năm nữa có lẽ 100% chúng ta ngồi đây chỉ còn cách liên hệ với đặc khu qua… thế giới tâm linh! Dư luận đang hình thành một cơn “áp thấp” tranh luận mà mọi dự báo đều không loại trừ nó sẽ thành bão, thậm chí siêu bão.
Điều đầu tiên lúc này cần nói đến cũng coi như hồng phúc của quốc gia đó chính là sự quan tâm của đồng bào mỗi khi Đảng và Nhà nước ta đứng trước những quyết định lớn. Người dân Việt Nam là vậy, dù bận rộn đến đâu, vất vả đến mấy, không phân biệt bất kỳ thành phần xuất thân nào, cứ mỗi khi chữ “vận mệnh dân tộc” được xướng lên thì lập tức lòng dân đổ về một mối, hướng cùng dòng chảy ngàn đời của non sông.
Và lần này từ khóa “đặc khu kinh tế” cùng con số 99 năm đã chở theo hai chữ thận trọng vào diễn đàn Quốc hội. Đặc khu kinh tế là gì? Nó là đôi đũa thần hay con ngáo ộp? Thực ra, đặc khu kinh tế không phải là một mô hình mới mẻ gì trên thế giới. Lần giở lại lịch sử kinh tế thế giới thì nó phát triển hàng trăm năm với sự hình thành các “cảng tự do” đầu tiên ở Ý vào năm 1547, rồi lan tỏa nhanh chóng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào đầu thế kỷ 18. Trước khi Quốc hội “bấm” cho Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong được làm thủ tục khai sinh thì trên thế giới đã kịp có xấp xỉ 4.500 đặc khu kinh tế tại 140 quốc gia. Nó nào đâu xa lạ, ngay ở châu Á nó cũng đã quen thuộc với Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Singapore…
Nhắc đến đặc khu, chắc mọi người nghĩ ngay đến Thẩm Quyến. Chính đặc khu Thẩm Quyến đã tạo nên những cú hích thần kỳ để trong vòng vài ba chục năm Trung Quốc vùng lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Còn nhớ những năm thập niên 1990, Thẩm Quyến được miêu tả là một thành phố “mỗi ngày xây một cao ốc, 3 ngày làm một đại lộ”. Cả Thẩm Quyến là một đại công trường. Năm 2016, GDP của thành phố đạt 294 tỷ USD, nhiều hơn cả Bồ Đào Nha hoặc Ireland. Các đặc khu đã đóng góp tới 22% GDP cho Trung Quốc, 45% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tới 60% kim ngạch xuất khẩu. Những con số mà kể cả ai có ý định dùng bàn phím ném đá chắc cũng phải xuýt xoa thán phục.
Lịch sử sẽ mãi mãi tri ân các bậc lãnh đạo tiền bối đã thông minh và dũng cảm để rũ bỏ cái cũ lạc hậu, chấp nhận nền kinh tế thị trường. Không ai có thể phủ nhận những thành tựu vĩ đại mà công cuộc đổi mới mang lại. Nhưng chả nhẽ chúng ta mãi cứ lấy cái thước đo xuất khẩu gạo làm niềm tự hào dân tộc chăng? Kể từ năm 1986, tức là 32 năm đã trôi qua, chúng ta vẫn chưa hết cái thói quen so sách trục dọc để cảm nhận sự tiến bộ. Chỉ có thể thấy từ cái nhà tranh lên cái nhà cao tầng, chỉ thấy từ cái xe đạp cọc cạch nay lên cái xe máy. Tất nhiên rồi, chúng ta đã tạo nên độ dốc tăng trưởng thần kỳ nếu so sánh với quá khứ. Nhưng liệu đã bao giờ chúng ta dùng trục ngang để ngắm mình với bàn dân thiên hạ? Cũng 30 năm Singapore đã làm được những gì, cũng 30 năm Hàn Quốc đã tiến bao nhiêu, cũng 30 năm Nhật Bản tăng mấy bậc? Còn ta sau khi “tự sướng” bằng cách chĩa ống nhòm vào quá khứ thì liệu có bao nhiêu người tra tìm xem đất nước hình chữ S của mình đứng đâu trên bản đồ kinh tế thế giới?
Không việc gì chúng ta phải phát cuồng với đặc khu, nhưng cũng không việc gì chúng ta tẩy chay nó. Trở lại với con số 99 năm đang làm nóng dư luận, tôi nghĩ rằng nếu ai đó dùng cái thời hạn thuê đất 99 năm, 70 năm, hay 49 năm như một thứ mồi nhử để “dụ” nhà đầu tư thì đó sẽ là sai lầm. Tôi thích câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên hành lang kỳ họp Quốc hội rằng: “Thời hạn thuê đất 99 năm không phải là mấu chốt của luật đặc khu”. Đúng rồi, đặc khu phải là nơi hội tụ tổng hòa các điều kiện thuận lợi nhất, mở mang nhất nhưng cũng an toàn nhất cho phát triển. Nếu nó có thể xâm phạm đến chủ quyền quốc gia thì không phải 99 năm mà một năm, một ngày, thậm chí một giờ cũng không thể chấp nhận.
Hình như ai đó bóng gió kiểu như thông qua Luật Đặc khu thì có dự án, mà có dự án thì có “hoa hồng”. Tôi không biết đó là phân tích khôn hay dại, chỉ biết rằng hoa hồng, dù có quyến rũ đến mấy thì tổ tiên của nó cũng là một loài hoa… dại! Thế thôi. Lại ai đó vừa cảm thán: “Quốc hội không nghe dân là dại!”. Tôi không bình luận ý kiến này, chỉ xin được trích nguyên văn lời của đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) rằng, “Quốc hội đang nghe từng tiếng dân!”.