Tại một số địa bàn, dễ nhận thấy còn tình trạng hộ kinh doanh bày hàng hóa, đặt biển quảng cáo dưới lòng, lề đường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và ATGT đường bộ. Đơn cử, ở thị trấn Con Cuông, là trung tâm huyện lỵ với nhiều cơ quan, khu dân cư buôn bán khá sầm uất, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đặc biệt, ngang khu vực chợ, tình trạng hàng quán, biển bảng lấn chiếm vỉa hè diễn ra tràn lan, khách mua hàng dừng, đỗ xe ngay dưới lòng đường. Anh Trần Anh Vũ, một du khách đến Con Cuông cho hay: “Đi du lịch nhiều nơi nhưng tôi chưa thấy ở đâu biển quảng cáo của các hộ dân buôn bán lại lớn như ở đây. Bộ mặt của thị trấn vốn không lớn càng trở nên bức bí, rối rắm, chưa kể làm che khuất, hạn chế tầm nhìn, ảnh hưởng đến ATGT…”.
Tương tự, tại huyện Anh Sơn, tình trạng tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông vẫn còn diễn ra, đặc biệt là tình trạng biển bảng, ô che, mái tạm, chợ cóc… Tại thị trấn, khu vực chợ trung tâm còn bày bán hàng hóa lấn chiếm vỉa hè, khu vực đối diện nghĩa trang Việt – Lào; đoạn từ ngã tư đèn đỏ vào đến Trung tâm Y tế huyện, một số điểm, ốt kinh doanh trước khu vực chợ chiều khối 6 có nhiều điểm bày bán hàng hóa trên lòng, lề đường, nguy cơ mất ATGT cao. Tại xã Khai Sơn, vẫn còn tình trạng tái lấn chiếm để kinh doanh, họp chợ trên lề đường, vỉa hè và đặc biệt khu vực ngã tư đường Hồ Chí Minh vẫn chưa được xử lý, một số biển quảng cáo vẫn còn tồn tại trong hành lang ATGT.
Tại huyện Yên Thành, công tác giải tỏa vi phạm hành lang ATGT ở một số địa phương chưa thực hiện dứt điểm, tái lấn chiếm còn xảy ra nhiều, nhất là tình trạng họp chợ, lắp đặt biển quảng cáo, tập kết vật liệu, buôn bán tập kết phế thải đồng nát… trên hành lang ATGT, phổ biến như tại các xã Mỹ Thành, Hợp Thành, thị trấn… Một số tổ chức, cá nhân cố tình sản xuất, kinh doanh, tập kết vật liệu, phế thải trên đất hành lang ATGT dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, dẹp bỏ như các hộ kinh doanh phế liệu từ ô tô cũ (doanh nghiệp tư nhân Thức Hà, Thoan Bình…) tại Km24+700 trên Quốc lộ 7, thuộc xóm 12, xã Mỹ Thành. Tại đây như một “đại công trường”, bởi các loại máy móc từ ô tô cũ được tập kết với đủ các chủng loại, chiếm dụng phần lớn hành lang ATGT.
Tại huyện Diễn Châu, tình trạng tái lấn chiếm còn diễn ra tương đối nhiều (dựng biển quảng cáo, để các mặt hàng kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng…) trên hành lang ATGT gây ảnh hưởng đến trật tự ATGT như tại thị trấn, ngã 3 Yên Lý, Diễn Thành, Diễn Kỷ, Diễn Xuân, Diễn Hồng, Diễn Thịnh… Tình trạng họp chợ lấn chiếm trên lòng, lề đường tại các xã Diễn Thịnh, Diễn Hạnh, Diễn Bích, Diễn Yên…
Tại TP. Vinh, vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm trên các địa bàn phường, xã với đa dạng hình thức. Trong đó phổ biến là tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, ăn uống, café, để vật liệu xây dựng… như trên các tuyến đường Lý Thường Kiệt, Hồng Bàng, Chu Văn An, Đặng Thai Mai… Có tuyến đường bị chiếm dụng để xe như đường Nguyễn Sỹ Sách. Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm để họp chợ diễn ra hầu khắp, có thể kể đến như chợ Quán Bánh, chợ Cọi, chợ Cửa Đông…
Ngoài ra, hiện ở một số địa phương còn có những vi phạm do lịch sử để lại. Tại huyện Hưng Nguyên, hàng chục ki-ốt dọc Tỉnh lộ 542C được UBND các xã Hưng Tân, Hưng Thông, Hưng Xá và thị trấn Hưng Nguyên cho thuê trước năm 1995 chưa được xử lý dứt điểm. Tương tự, nhiều trường hợp bán, cho thuê trái thẩm quyền, cho thuê đất, ki-ốt trong hành lang ATGT để kinh doanh từ lâu đời như tại Diễn Trung, Diễn Thịnh, Diễn Thành, thị trấn và Diễn Kỷ (Diễn Châu); Hoa Thành, thị trấn (Yên Thành)…
Trên thực tế, việc tái lấn chiếm bắt nguồn từ thói quen kinh doanh, buôn bán bám đường của người dân và thường sau giải tỏa, vắng lực lượng chức năng thì lại tái lấn chiếm. Trong khi đó, chế tài xử phạt không đủ sức răn đe, lực lượng chức năng không đủ nhân lực, phương tiện và kinh phí mỗi lần ra quân, giải tỏa vi phạm… Theo ông Đậu Ngọc Long – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Diễn Châu, hệ thống giao thông huyện với 4 quốc lộ, 3 đường tỉnh, 1 đường sắt Bắc-Nam chạy qua, gần 1.400km đường giao thông nông thôn, nên tình hình giao thông tương đối phức tạp, ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân chưa cao, vẫn còn tâm lý tái lấn chiếm khi lực lượng chức năng không có mặt. Trong khi đó, nhân lực, ngân sách địa phương còn hạn chế, chưa đủ đáp ứng kịp thời các hoạt động giải tỏa, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT.
Bên cạnh đó, để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, còn do các địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa đồng bộ, kịp thời. Ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, công chức về công tác giải tỏa vi phạm và chống tái lấn chiếm hành lang ATGT chưa cao. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, cơ quan vẫn chưa thực sự chặt chẽ. Ban ATGT cấp huyện, cấp xã còn thực hiện theo hình thức kiêm nhiệm nên chưa thực sự tập trung, hiệu quả chưa cao. Năng lực một số cán bộ, công chức phụ trách công tác giải tỏa vi phạm và chống tái lấn chiếm hành lang ATGT còn hạn chế. Bố trí nhân lực trong công tác thực hiện quản lý giao thông ở các xã, thị trấn thường xuyên thay đổi gây khó khăn trong việc quán triệt, triển khai thực hiện cũng như công tác quản lý hồ sơ chưa được đảm bảo.
Ngoài TP. Vinh và thị xã Cửa Lò có đội trật tự đô thị phường, xã được bố trí lực lượng chuyên trách, phương tiện, hầu hết ở các địa phương khác mỗi khi triển khai công tác giải tỏa phải huy động nhiều lực lượng mang tính chất kiêm nhiệm nên trách nhiệm không cao. Ông Bùi Đình Thủy, công chức phụ trách lĩnh vực xây dựng giao thông đô thị, thị trấn Nam Đàn cho biết: “Đáng ra công chức như tôi chỉ ra kế hoạch, ban hành văn bản tham mưu UBND để tổ chức giải tỏa, đằng này phải vừa trực tiếp tuyên truyền, vừa ra tháo dỡ, thu giữ… Trên thực tế có phần “khó coi” nhưng không làm không được và đương nhiên không tránh khỏi va chạm với người dân”.
Còn về phía lực lượng công an các địa phương đều thừa nhận, hiện nay đã được bố trí công an chính quy, tuy nhiên cũng có cái khó. Đại úy Nguyễn Quốc Văn – Trưởng Công an thị trấn Con Cuông cho biết: mỗi lần tổ chức giải tỏa hầu như đều phải thuê từ người tháo dỡ, đến phương tiện vận chuyển. Về phía lực lượng công an, cùng với phối hợp tuyên truyền vận động, chỉ giữ vai trò đảm bảo an ninh trật tự, chứ không thể trực tiếp vào cưỡng chế tháo dỡ…
Trong công tác giải tỏa, thu hồi đối với các trường hợp vi phạm, theo chia sẻ của nhiều địa phương, bởi lực lượng phần lớn đều kiêm nhiệm, lại là người trên địa bàn nên ít nhiều có phần cả nể, không quyết liệt. Còn nếu làm căng thì có người chấp hành, nhưng cũng có những người chống đối, bày tỏ thái độ, thậm chí chửi bới, xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ. Ông Dương Đăng Hoàng – Chủ tịch UBND xã Diễn Yên (Diễn Châu) cho biết: Chợ tạm thuộc xóm 11, cùng với những hộ bán hàng sành sứ, đồ thờ gần đó nằm dọc Quốc lộ 48 là một trong những điểm tái lấn chiếm, xã đã nhiều lần tổ chức giải tỏa bằng những biện pháp kiên quyết, thu giữ vật dụng vi phạm. Nhưng có khi bị tịch thu đưa về trụ sở UBND xã thì người dân lại đưa lên mạng xã hội “tố” chính quyền.
Ngoài những khó khăn nêu trên, tại nhiều địa phương còn vướng nhiều nguyên nhân khiến công tác giải tỏa hành lang ATGT chưa thể triệt để. Theo ông Lê Mạnh Hiên – Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu: Việc xác định mốc GPMB đối với các dự án nâng cấp, mở rộng của các tuyến đường trước đây rất khó khăn, hồ sơ GPMB khá phức tạp, qua nhiều giai đoạn giải phóng khác nhau trong khi hồ sơ không thống nhất. Một số trường hợp đất của dân nằm trong phạm vi hành lang ATGT nhưng chưa được bồi thường, hỗ trợ qua các thời kỳ (QL48 có 3 trường hợp tại Diễn Lâm, 2 trường hợp tại Diễn Đoài; nhiều trường hợp tại QL1A, QL7A, QL7B) nên chưa giải tỏa được; thực trạng giao đất trước đến nay không đồng đều do đó gây ra tình trạng giải tỏa răng lược, không đều, tạo tâm lý không thống nhất, tái lấn chiếm trong nhân dân.
Ông Trần Anh Tuấn – Trưởng phòng Hạ tầng huyện Con Cuông cũng cho hay: Tại khối 4, thị trấn Con Cuông do lịch sử để lại, trên tuyến QL7 mở rộng nhiều lần nhưng Nhà nước chưa đền bù, thu hồi hành lang bảo vệ an toàn giao thông nên trong bìa đất của các hộ dân được xác định là từ mép ngoài của mương thoát nước trở vào gây khó khăn khi xử lý vi phạm.
Hay như tại huyện Yên Thành, trong 5 năm qua có hơn 55km quốc lộ, 6 tuyến với hơn 111km đường tỉnh được hình thành, cho nên ranh giới, phạm vi bảo vệ hành lang đường bộ và hành lang ATGT bị xáo trộn, sai khác với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên chưa được sự đồng tình, ủng hộ của người dân dọc hai bên tuyến đường trong công tác GPMB và công tác đo vẽ, cắm mốc.
Để tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, ra quân rầm rộ nhưng sau đó việc lấn chiến hành lang ATGT vẫn tái diễn, rất cần sự vào cuộc quyết liệt không chỉ của ngành chức năng mà còn của cả hệ thống chính trị.