Quỳ!

Xin lỗi bạn đọc, đây không phải là hai câu thơ nói về hình ảnh đang rất thời sự của các cô giáo mầm non vừa tổ chức quỳ tập thể ở huyện nọ! Vâng, nó không liên quan gì đến chuyện đó. Đây là những câu thơ trong tác phẩm thi ca kinh điển ra đời cách đây chừng 200 năm – Truyện Kiều. Ừ nhỉ, đọc hai câu này rồi liên tưởng đến hình ảnh các cô giáo mầm non “quỳ có tổ chức” ở huyện nọ mà giật cả mình, cứ như cụ Nguyễn Du “thấu cảm” cả nồi canh hẹ của ngành giáo dục hiện đại không bằng!

Tạm gác lại những gì thuộc về văn học cao siêu, nhân dịp cuối tuần, tác giả xin tản mạn đôi điều về câu chuyện đang lúng túng hóa các nhà quản lý thông thái của chúng ta trong thời gian qua – quỳ!

Phải nói gần đây, cứ mỗi lần xuất hiện thì chữ “quỳ” lại làm ngổn ngang và có phần diêm dúa thêm bức tranh giáo dục vốn dĩ lắm chuyện của nước nhà. Cách đây mấy tháng một cô giáo bỗng dưng nổi tiếng vì quỳ để bảo toàn tính mạng trước sự cưỡng chế bằng ngôn ngữ không khoan nhượng của phụ huynh. Tất nhiên cũng phải nói cho rõ quy trình là trước khi ngồi lên ghế “quỳ online” thì chính cô giáo cũng đã đắc chí đưa ra hình phạt quỳ 45 phút với một học trò đáng tuổi con mình. Tóm tắt ngắn gọn câu chuyện này là cô giáo phạt học sinh quỳ để nắn gân và phụ huynh phạt lại cô giáo quỳ để “xóa nợ”. Kết quả hòa 1-1. Vỗ tay!!!

Tranh minh họa: DAD
Tranh minh họa: DAD

Trong khi câu chuyện cô giáo quỳ xóa nợ chưa đủ ngày tháng để nguội thì tuần qua liên tiếp lại có hai vụ quỳ khác đua nhau lên sóng và ngay lập tức ngùn ngụt đốt cháy cộng đồng mạng. Vụ cô giáo mầm non quỳ theo kiểu trang trí đường diềm để “kêu oan” với huyện và vụ thầy giáo quỳ chồm hổm trên sân khấu để đút vật cầu hôn vào tay nữ sinh trong buổi lễ trao bằng tốt nghiệp! Hai cái quỳ, à quên cả ba cái quỳ, cái nào cũng xảy ra ngay trong khuôn viên trường học! Thế mới hay, thế mới lạ, thế mới tá hỏa!

Không biết trước khi sân khấu hóa cái mớ tình cảm riêng tư nửa tây nửa ta mà nói như bà con nhà mạng là vừa lố vừa sến sẩm ấy, thì liệu “đồng chí thầy” có quan sát thấy cái không gian trang trọng của những phông màn, những cờ Đảng, cờ Tổ quốc và cả tượng Bác trên kia không nhỉ? Dẫu sao cũng mừng cho nhân vật chính vì đã trở nên nổi tiếng mà không mất một xu chi phí quảng bá nào. Thưa đồng chí Phó Bí thư Đoàn trường, cho tôi hỏi bừa chút là nếu mai đây, trong đại hội Đoàn trường, học tập đồng chí, ai đó lại rút nhẫn và quỳ gối cầu hôn khi ban chấp hành mới nhận nhiệm vụ thì sao ạ? Đồng chí có hoan hô mô hình để nhân ra diện rộng không? Không à, nhưng mà nó cũng từa tựa như hành động của đồng chí hôm vừa rồi đấy!

Cách đây chưa lâu dư luận cũng gạch đá không nương tay với một danh hài dám cướp sóng truyền hình trong lễ trao giải để cầu hôn cô diễn viên xinh đẹp. Tuy nhiên, hai sự việc không hoàn toàn giống nhau bởi cái anh cướp sóng truyền hình ấy không quỳ, còn anh cầu hôn nữ sinh trong lễ tốt nghiệp là Phó Bí thư Đoàn trường chứ không phải diễn viên hài! Nếu buộc phải chọn một người để thông cảm thì có lẽ dư luận nhiều lý do  nghiêng về anh “sâu bít”. Đó là thế giới của nghệ sĩ, khác với chúng ta, lại càng khác với một ông thầy giáo kiêm cán bộ Đoàn, ấy là họ sống bằng scandal! Công bằng mà nói, nếu phân tích dưới góc độ hình thể và nghệ thuật thì động tác quỳ cầu hôn trong lễ tốt nghiệp ấy rất đẹp và thuần thục, nó không khác gì so với nguồn gốc thủy tổ các màn cầu hôn bên phương tây. Nó đúng hết, đúng động tác, đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng thời cơ, chỉ mỗi tội không đúng chỗ mà thôi! Thế đấy quỳ cũng phải đúng chỗ, thưa thầy!

Còn một vụ quỳ khác nữa, vụ quỳ của các cô giáo mầm non, cảm giác vụ này quỳ đúng ý đồ, đúng lắm, quỳ ngay trước ô tô chủ tịch thị trấn cơ mà, tất nhiên chỉ là cảm giác thôi! Nói trộm vía, nhìn hình ảnh đang lan truyền trên mạng nếu cắt đi phần hậu cảnh thì nó không khác nhiều so với một buổi tụng kinh của đạo tràng trong chùa! Dư luận buồn mồm hỏi nhau, họ quỳ để làm gì? Quỳ theo “nghị quyết” của đơn vị, hay quỳ vì sự nghiệp trồng người như người ta đang ca tụng? Chịu nhỉ. Khó thế ai mà đoán được, và khó thế mà họ cũng nghĩ ra!

Quỳ để cầu xin được cống hiến! Nghe ngộ ghê, cống hiến mà cũng phải quỳ xin ư? Tin được không ạ? Ai tin thì cứ tin, còn ai không tin thì cứ việc không tin, công dân được phép làm những điều pháp luật không cấm, và trong 689 điều của bộ luật dân sự thì cũng chả có điều nào cấm quỳ cả! Quỳ nhìn đơn giản thế mà cũng có nhiều mục đích ra phết, quỳ để rèn luyện sức khỏe, quỳ để hành đạo, quỳ để tri ân đấng sinh thành, quỳ để thực hiện tín ngưỡng, quỳ để hỏi vợ, quỳ để hạ mình, vân vân, nhiều lắm, kể không hết được! Chỉ có một điều sau khi quỳ xuống thì người ta phải có bổn phận tự mình… đứng dậy! Nhỉ?

Quỳ vì sợ bị kỷ luật, bị đuổi việc... Tranh minh họa: DAD
Quỳ vì sợ bị kỷ luật, bị đuổi việc... Tranh minh họa: DAD

Quỳ thông thường là hành vi chủ động hạ thấp mình theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vậy sao các cô giáo, người được vinh danh là kỹ sư tâm hồn, là “mẹ hiền” là cô Tiên, cô Tấm lại phải quỳ xin trước lãnh đạo huyện nhà? Vì để được đi dạy! Sao lại để được đi dạy? Vì trường phải đóng cửa! Sao trường lại bị đóng cửa? Vì xây dựng khi chưa được cấp phép! Ồ, đây rồi, té ra là thế! Vụ này làm khó chính quyền cho mà coi! Không cho thì bảo là người ta quỳ xin được cống hiến mà cũng “cu đỉn”, còn cho thì than ôi, cả ngàn công trình xây dựng không phép chủ nhân sẵn sàng chuyển sang quỳ! Có nhiều cách để nổi tiếng, đây cũng là một cách, có nhiều cách để tuyên truyền pháp luật, đây cũng là một cách! Qua vụ việc này ít nhất tôi và các bạn có thể nhận ra rằng, pháp luật không phải là khoảng trống cho những kỳ kèo! Pháp luật là khuôn thước mà ai cũng có bổn phận tuân thủ. Sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật, không chỉ là khẩu hiệu treo tường, nó là mệnh lệnh. Ai đó đang nói kiểu như “nên xử lý vụ việc có lý, có tình”, ơ kìa, khi xây dựng pháp luật hay nói nôm na là khi xây dựng “cái lý” người ta đã cân nhắc cái tình trong đó rồi chứ. Làm gì có cái lý nào vô tình đâu! Pháp luật không mềm lòng như bún.

Nhưng cuộc sống là vậy, đôi khi chúng ta phải chịu cả những vụ tai nạn không do mình gây ra. Chúng ta đi đúng đường, chúng ta không vượt đèn đỏ, nhưng không loại trừ chúng ta vẫn phải vào bệnh viện vì một cú lạng lách của người đồng hành! Chỉ mong sao vụ tai nạn này sẽ không nghiêm trọng, vết thương sẽ chóng lành và các cô sẽ sớm được trở về với con trẻ. Mong vậy, tin vậy. Nếu có thời gian, chúng ta cứ mạnh dạn lên Google gõ từ khóa “Bạo hành trẻ mầm non” mà xem, cả triệu kết quả và đáng buồn khi hầu hết trong số đó lại là các cô bảo mẫu làm việc trong những cơ sở “chui”. Mình đường hoàng, mình vì sự nghiệp trồng người thì cần gì phải “chui” như người ta, phải không các cô nhỉ? Quỳ không giải quyết được vấn đề đâu. Nếu quỳ mà nó mọc ra được thủ tục thì tôi cũng xin tự nguyện mang đầu gối của mình ra quỳ cùng các cô, thật đấy.

Nghe nói huyện cũng đã “nới” thời gian hoàn thiện thủ tục. Người ta đang tranh thủ vận dụng sự đàn hồi của chính sách mà khép câu chuyện này lại một cách êm ả nhất có thể. Mọi ồn ào rồi cũng sẽ qua nhưng những bài học thì vẫn còn lắng lại. Bài học về ứng xử bao giờ cũng là bài học mang giá trị cộng đồng lớn nhất. Sau những cái quỳ nổi tiếng tất cả đều đã đứng dậy, tất nhiên rồi, giáo dục Việt Nam cần một tư thế đĩnh đạc hơn cơ mà.