ười không đóng được cửa miệng, đúng là thời đại “bốn chấm không” này thì chuyện gì cũng có thể bị lôi xềnh xệch lên mạng để đày đọa. Một trong những nạn nhân của tuần qua chắc phải kể đến cái video clip “ông huyện” nọ vào nhà nghỉ để “chăm sóc sức khỏe” cho một cô trưởng ban có ngoại hình “gạo trắng nước trong” bên cơ quan kia.
Kể ra nhóm người đến “phát trực tiếp” ấy cũng hơi bị tệ, vuốt mặt mà cũng chả chịu trừ cái lỗ mũi. Ai lại vén loa ngoài lên oang oang gọi thẳng tên cúng cơm của người ta giữa thanh thiên bạch nhật như thế. Lại còn cả cảnh quay cô trưởng ban chui qua cửa thông gió nữa chứ. Nếu không phải là Hollywood thì chắc khó để có bất kỳ một đạo diễn điện ảnh nào đủ tài dựng được cảnh quay giàu năng lượng hơn. Nó chân thực đến nỗi mọi mô tả bằng ngôn ngữ khác đều trở thành tối nghĩa. Thái độ lúng túng và ê chề của bên trốn chạy dường như đã kể tường tận và sống động sự việc rồi. Những tưởng là đứng trên đỉnh điểm của trơ trẽn ấy, người ta sẽ dành chút thể diện cuối cùng để cứu vớt lương tâm. Ô không, nhân vật chính trong show diễn kia lại cãi bay cãi biến. Không còn tư thế và giọng điệu quan trường, ông thảng thốt khẳng định mình bị gài bẫy! Ghê chưa, chỉ một cú bẻ lưỡi nhà quan mà chuyển bại thành thắng nhé. Người này giỏi quá ta, “bí” thế mà cũng “thư” được. Kỳ cục, đám nhàn rỗi ngồi nghĩ mãi mà không ra rằng kẻ xấu đã gài bẫy ông thứ gì? Chả nhẽ ông được trang bị bằng cấp dày đặc thế mà lại không đủ kiến thức để phân biệt sự khác nhau giữa khách sạn và bệnh viện, chả nhẽ ông không đủ khôn ngoan để tránh chui vào một cái “bẫy gái”? Chả nhẽ ông đang muốn kể lại câu chuyện “buộc giày giữa ruộng dưa” thuở nào? Ai là người trên 6 tuổi có thể tin ông? Úi giời, làm quan mà ông coi dân như trẻ con thế thì dân coi ông là người lớn sao đặng. Giấu dân thì có thể dân chịu, còn dối dân thì chưa chắc dân tha. Nhận đi ông, nhận đi cho nó tiến bộ. Năm ngoái thuật ngữ hành chính đã buộc phải sản sinh ra cụm từ “nâng đỡ không trong sáng” rồi, giờ ta cải biến thành “chăm sóc sức khỏe trong tối” nữa thôi.
Ừ thì cán bộ cũng là con người, ông không phải là thần thánh, ngạn ngữ có câu không ai nắm tay được tối ngày, đành vậy, nhưng đã là con người thì cũng phải ứng xử làm sao cho nó ra dáng một con người chứ nhỉ. Còn nhớ cách đây chưa lâu, vào những năm 90 của thế kỷ trước, một vị Tổng thống Hoa Kỳ cũng dính bê bối tình ái với cô thực tập sinh Nhà trắng đấy thôi. Cả nước Mỹ bàng hoàng đón nhận hung tin, rồi lại cả nước Mỹ lặng người khi nghe người đàn ông thuộc hàng quyền lực nhất thế giới ấy lên truyền hình thú nhận sự thật. Họ thở phào nhận ra Tổng thống cũng là một con người. Tổng thống cũng có thể sai và đủ đầy khuyết điểm, nhưng Tổng thống đã dũng cảm, đường hoàng và thành thực thừa nhận điều ấy. Người ta tin và tha thứ cho vị lãnh đạo tối cao mà chính họ đã cầm lá phiếu bầu ra. Thú thực trong sâu thẳm lòng mình tôi thán phục ông ấy, một con người dám làm dám chịu, điều mà tôi, bạn, và kể cả người đàn ông xuất hiện trong cái clip kia dễ gì đã có!
Cãi là dùng lời lẽ chống chế, bác bỏ ý kiến người khác nhằm bảo vệ ý kiến hoặc việc làm của mình. Đôi khi nó giống như một loại phản xạ tự vệ có điều kiện. Cãi có thể chở che cái đúng nhưng cãi cũng có thể là dung túng cái sai. Rất tiếc trong trường hợp này thì mọi bằng chứng đều quay lưng với những gì thuộc về lẽ phải. Càng cãi càng dở. Chúng ta có thể hiểu mối quan hệ ngoài luồng kia nhưng quả là khó hiểu với cách ứng xử với khủng hoảng truyền thông của nhân vật chính. Một lần nữa từ khóa “gài bẫy” bị trục lợi một cách thô bạo. Nó thấp thoáng bóng dáng của một cuộc trốn chạy không đường hoàng. Nói vậy là có kẻ nào đó rắp tâm lật ông ấy chăng? Xin phạm húy để hỏi rằng trước khi bị lật ông đang ở tư thế nào nhỉ? Ngược hay xuôi? Nếu ông đang tư thế ngược, người ta có lật xuôi lại càng tốt có sao đâu.
Người trẻ hay tếu táo “buôn có bạn, bán có phường, yêu đương có giuộc”, đúng là có “giuộc” thật. Chủ tịch xã Thuần Lộc (Thanh Hóa) đi qua đúng chỗ nhà nghỉ thì lên cơn đau bụng và một sự trùng hợp thần kỳ là cô nhân viên trẻ trung xinh đẹp đúng lúc tình cờ đi qua vội chạy vào phòng khóa trái cửa để chữa đau bụng “định kỳ” cho ông. Tháng 7/2017, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tượng Lĩnh (Nông Cống, Thanh Hóa), cũng long thể bất an phải vào nhà nghỉ gọi cô cán bộ chính sách đến để “trao đổi kinh nghiệm”. Tương tự, Trưởng công an xã Phong Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) cũng gọi “vợ người ta” đến nhà nghỉ để “tâm sự”.
Thấy chưa, họ giống nhau đến từng dấu phẩy. Đám nào cũng có công chức, lúc nào cũng có đàn bà, nhà nào cũng có… cãi! Cãi là sở trường của một bộ phận không nhỏ chúng ta. Cứ có khuyết điểm thì việc đầu tiên là cãi. Cãi không được thì tìm cách… cãi tiếp. Thậm chí có kẻ chỉ biết dùng cái miệng vào hai chức năng chính là ăn và cãi. Con người mà, có khi cãi để thắng chứ không phải cãi để đúng. Dân gian lại truyền nhau câu “Không xin là dại, không cãi là đần” thế mới biết, không ai trong số họ bị đần cả.
Giải bóng đá lớn nhất hành tinh Fifa cup đã đi được nửa chặng đường. Theo một báo cáo của ban tổ chức thì số lượng quả phạt năm nay tăng đột biến, thậm chí có thể tăng gấp 3 lần so với mùa trước. Điều gì vậy? Ai đang thô bạo hóa môn thể thao vua này? Không phải, chả là năm nay có cái “máy chống cãi” gọi là công nghệ Var (video assistant referee) Người ta đã phải chấp nhận đánh mất một phần cảm xúc bóng đá để tìm đến lẽ phải coi như đó là cái giá phải trả cho công lý. Con người có thể cãi nhau với con người, nhưng con người lại không hứng thú cãi nhau với một cái máy.
Việc áp dụng công nghệ Var đang gây náo loạn cả trong và ngoài sân cỏ. Người ủng hộ, kẻ lên án, chỉ có điều sau khi trọng tài đã quyết theo “máy” thì tất cả đều hết cãi! Oái ăm, đó là bóng đá, trong cuộc sống lại chưa có cái Var nào cả. Giá như những vụ vào nhà nghỉ kia mà có công nghệ Var thì hồi hộp và kỳ thú lắm. Có hai khả năng xảy ra, hoặc là nó giải oan cho các vị công bộc mẫu mực, hoặc là nó sẽ trở thành tài liệu cấm lưu truyền vì thuộc nhóm văn hóa phẩm đồi trụy.
Ơn giời, Var mới chỉ được đưa vào bóng đá, cuộc sống vẫn chưa có Var, đúng rồi, chưa có Var thì tiếc gì mà không cãi cho đã công suất cơ quan phát ngôn!