Mặc dù các đoàn làm phim đã rất cố gắng để tái hiện văn hóa Mông một cách sâu sắc và chi tiết nhưng cả hai phim Vợ chồng A Phủ và Chuyện của Pao đều cùng mắc chung một số lỗi cơ bản. Ngoài lỗi dịch thuật ngôn ngữ dẫn tới hiểu sai về một số khái niệm đặc thù trong văn hóa Mông như đã trình bày ở bài 1 chuyên đề, thì còn lỗi dựng sai bối cảnh văn hóa Mông mà tác giả phân tích ở dưới đây.
Ở phim Vợ chồng A Phủ (1961), việc xây dựng sai bối cảnh văn hóa đầu tiên là sự tái hiện hình ảnh trai gái có phần quá lẳng lơ và gợi tình, thân mật ngay giữa hội Tết – một sự kiện công cộng với rất nhiều người tham dự. Trong phim, các nhân vật nam nữ xuất hiện đi theo từng đôi, nắm tay hay ngồi chơi tình tứ cạnh nhau giữa bãi đất làm hội – một không gian rất công cộng, điều mà, theo nguyên tắc văn hóa người Mông ở bối cảnh của tác phẩm là hiếm gặp.
Cần phải làm rõ ràng, sự ra đời của trò chơi ném pao (laim pov) hoàn toàn là để những người trai gái có thể kết nối với nhau thông qua một trò chơi. Ở đó, những cô gái sẽ cầm quả pao của mình, đứng thành một hàng hoặc một nhóm tụ lại, chờ các chàng trai đi qua, khi ưng, cô gái sẽ chủ động ném quả pao về phía chàng trai và mở lời kiểu như “Pov tuaj lawm aus, paab txais ov” (Pao bay qua nha anh bạn ơi, giúp em bắt lấy nhé). Chàng trai, bằng sự tôn trọng hết mực, dù thích hay không, phải bắt lấy quả pao (hoặc trường hợp bắt hụt, phải nhặt quả pao), ném trả về phía cô gái và đáp lời “pov rov os” (trả lại quả pao này). Như thế, quả pao là mở đầu câu chuyện giữa nam nữ. Còn trò ném pao (thay vì trò gì đó truyền tay nhau chẳng hạn) là thể hiện giữa nam và nữ phải giữ khoảng cách. Đó là khoảng cách đủ xa để có thể ném đi một vật tròn được khâu từ vải vụn như quả pao. Do đó, trong nguyên tắc văn hóa Mông, những người trai gái chơi ở hội Tết, phần đa là qua trò ném pao, với một khoảng cách nam nữ nhất định, như thể hiện ở trong phim Ib Leej Tub của Xab Thoj – một đạo diễn người Mông Thái Lan. Thay vì đứng xúm lại và thể hiện cử chỉ quá thân mật như trong Vợ chồng A Phủ (1961).
Phim Chuyện của Pao (2006) lại tái hiện sai đám tang của người Mông. Trong cảnh đám tang mẹ già của nhân vật Pao ngay đầu phim, đoàn làm phim mời về một nhân vật người Mông và hát một bài hát bằng tiếng Mông. Tuy nhiên, bài hát được sử dụng ở đây là một trong những bài hát trong phần lễ hu plig – lễ gọi phần hồn về nhập thể tiếp tục cuộc sống trần gian của người Mông. Lời bài hát này bằng tiếng Mông, trong phim không có phụ đề, tôi nghe và dịch lại như sau:
“Ob ploj tsi cuag rab teb as, yaj tsi cuag rab ntuj es. Tshuas coj qaib mus o, ruas hu tau tus niam plog nev as yaj tshi 88 rab raj. Coj qaib mus txa tau nus tus ntsuj duab rov qhos qov los. Ob ploj tsi cuag rab teb, yaj tsi cuag rab ntuj. Tshuas mus os mus txa tau nws rau fo los. Hu tau tus niam pos li 88 rab raj. Coj qaib mus txa tau nws tus ntsuj duab rov qhos qov los.”
Nghĩa đại ý là:
“Ôi, [linh hồn đã] biến mất không khỏi mặt đất và cũng không thể đến được bầu trời. Nên [tôi] mang theo con gà này gọi được về đây 88 phần hồn của bà này. Mang gà đi dựng được phần linh hồn của bà quay trở về đây [để phụ thể]”.
Với ý nghĩa này, bài hát đã sai bối cảnh đám tang hoàn toàn, khi mà đám tang với người Mông là để tiễn đưa phần hồn đã lìa khỏi thân thể vật lý của người chết quay về với tổ tiên, lên bầu trời để chuẩn bị đi đầu thai vào một thân thể vật lý khác; còn với bài hát hu plig này thì mang ý nghĩa ngược lại, rằng gọi phần hồn thất lạc của một người còn sống quay về với thân thể vật lý của người đó (txa tau rov qab los nghĩa là đã đón được phần hồn về phụ thể) để tiếp tục cuộc sống của mình. Đó là cả một sự đảo ngược về ý nghĩa văn hóa.
Chúng ta có thể suy nghĩ rằng, cách sử dụng lời bài hát hu plig cho đám tang là một ẩn ý nghệ thuật của đoàn làm phim về việc nhân vật mẹ già của Pao không hề chết đi và sẽ được quay trở lại với cuộc sống, với bộ phim. Nhưng có lẽ điều đó là không đúng khi mà đoàn làm phim đã không thể hiện rằng họ dành sự chú tâm đủ lớn cho nội dung lời hát. Điều đó thể hiện qua việc không dịch ý nghĩa bài hát hu plig, trong khi ở một cảnh khác, khi mẹ trẻ hay mẹ đẻ của Pao sinh ra Pao là con gái, nhân vật nói tiếng Mông chê việc đẻ con gái là không có gì đặc biệt và được đoàn làm phim dịch thoại rất sát nghĩa cả ở phần phụ đề tiếng Việt và tiếng Anh. Như thế, ta có thể loại trừ khả năng ẩn ý nghệ thuật của đoàn làm phim khỏi cảnh phim này; đồng thời khẳng định chắc chắn rằng đây là một lỗi hiểu sai văn hóa của đoàn làm phim.
Chúng ta cũng cần phải nói thêm rằng, phim Chuyện của Pao được quay trong ngôi nhà của một gia đình người Mông thuộc thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Trước và sau khi đoàn làm phim đến tác nghiệp, gia đình này vẫn sinh sống bình thường trong ngôi nhà đó. Trong khi đó, người Mông tin rằng đám tang là một nghi lễ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, tuyệt đối không được làm giả trong nhà. Có lẽ đây cũng là một lý do gây khó khăn cho đoàn làm phim khi muốn tái hiện tang lễ của người Mông một cách sâu đậm trong phim. Nhưng trong điện ảnh, có nhiều cách ẩn dụ về đám tang mà không cần trực tiếp quay cảnh tang lễ thật song vẫn gợi mở được nét đặc sắc trong tang lễ của người Mông.
Phim Chuyện của Pao (2006) dựng sai bối cảnh trang phục người Mông khi nhân vật Pao trong phim, lúc thì mặc đồ của người Mông Đồng Văn, khi lại mặc đồ của người Mông Mèo Vạc. Đó là một hiểu sai khác của đoàn làm phim về người Mông, khi không làm rõ được Pao là một người Mông Đồng Văn.
Nếu đặt trong bối cảnh năm 2022, đúng là có thể có lúc một người Mông này mặc bộ đồ của nhóm Mông khác, nhưng phim do Bộ Văn hóa Thông tin đặt hàng vào năm 2006 và kể về câu chuyện có thật dựa trên tác phẩm được sáng tác vào năm 1997, và xã hội được mô tả là người Mông ở Đồng Văn vào những năm 1980; chuyện nhân vật được cho mặc phục trang người Mông Mèo Vạc và không có một chi tiết nào thể hiện lý do mặc trang phục này, cho thấy người thiết kế thời trang trong phim không hiểu rằng trang phục của các nhóm Mông khác nhau là khác nhau.