Những bộ phim kể trên đều được sản xuất dựa trên các tác phẩm văn học sáng tác bởi các tác giả người Kinh và tiếp tục được sản xuất bản điện ảnh bởi những người Kinh; cũng không có thông tin nào khẳng định sự tham gia cố vấn văn hóa sâu sắc của những người Mông địa phương. Bởi vậy, dù ít hay nhiều, những câu chuyện được kể, những yếu tố văn hóa dân tộc thiểu số trong truyện và phim có thể khác so với những gì thực hiện trong cộng đồng.
Phim Vợ chồng A Phủ (1961), chuyển thể từ nguyên tác truyện ngắn cùng tên của nhà văn Tô Hoài kể về nỗi thống khổ của những thân phận nhỏ bé, nghèo khó giữa ách đô hộ, áp bức của phong kiến, thực dân. Đó là nhân vật Mị phải thành người gánh nợ cho bố mẹ và bị bắt ép làm vợ A Sử – con trai thống lý Pá Tra; là A Phủ – một nhân vật mồ côi, không thân thích – kiểu nhân vật điển hình trong văn hóa dân gian người Mông. Những nhân vật này sống ở cộng đồng người Mông thuộc khu vực địa lý Hồng Ngài, Bắc Yên, Sơn La. Khi phân tích và hiểu về những chi tiết trong bộ phim này, ta cần sử dụng những hình ảnh, thực hành và cách hiểu về văn hóa Mông ở cùng bối cảnh.
Trong nguyên tác truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã dịch sai về khái niệm “ma” (dab) trong văn hóa Mông và điều này được sử dụng lại trong bản phim điện ảnh năm 1961 mà không có thêm giải thích nào về khái niệm này.
Cảnh phim tại phút 1:10:34 diễn tả nhân vật A Sử ngăn trở nhân vật Mị đi theo đoàn di cư của quân Pháp sang Lào tránh chiến tranh; liên tục gào lên lặp lại và giữ chặt Mị, rằng: “Mày là con ma của nhà tao nuôi rồi… Mày là con ma của nhà tao rồi… Con ma của nhà tao, thì chỉ được chết ở nhà tao thôi… Chỉ được chết ở nhà tao thôi.”
Câu này thực tế là một thành ngữ nổi tiếng trong tiếng Mông, nguyên gốc là: “ciaj ua koj neeg, tuag ua koj dab”. Đại ý chỉ việc người con gái sẽ phụ thuộc vào đàn ông trong xã hội Mông ở phần hồn như sẽ phân tích bên dưới.
Thứ nhất, cần phải hiểu, trong văn hóa Mông, con người tồn tại gồm hai phần cơ thể: Là phần thân thể vật lý (lub cev) và phần hồn (ntsuj plig). Một người Mông theo tín ngưỡng truyền thống, nhất quyết không thể tồn tại nếu thiếu một trong hai phần này của cơ thể.
Thứ hai, trong tiếng Mông, từ “dab” mà thường xuyên được dịch sang tiếng Việt là “ma”, thực tế là một từ dùng chung để chỉ các thực thể sống không có thân thể vật lý, bao gồm: linh hồn (ntsuj plig), thần linh (dab qhuas/dab neeb), hồn ma (dab/dab qus), ác quỷ (dab tuag, dab phem), (riêng từ “dab neeg” dù có chứa chữ “dab” nhưng mang nghĩa là truyện thần thoại). Tùy vào bối cảnh sử dụng khác nhau mà cần phải hiểu từ “dab” nguyên gốc sang tiếng Kinh là khác nhau.
Thứ ba, khi con người sinh ra, bất kể là trai hay gái thì phần thân thể vật lý sẽ được sinh ra trước. 3 ngày sau, người Mông làm lễ đón phần hồn (hu plig) với lời bài hát tương tự như lời hát đã được sử dụng ở đầu phim trong tang lễ của mẹ già của Pao trong phim Chuyện của Pao (2006) để gọi về phần hồn (plig) nhập vào thân thể vật lý. Khi đó, đứa trẻ người Mông sẽ được gộp vào hệ thống thần linh (dab qhuas) của dòng họ nhà bố đẻ. Sau đó, nếu là con gái, khi kết hôn, người Mông dùng đôi gà hoặc khóm củi cháy quay vài vòng trên đầu đôi tân lang tân nương ngay khi vừa đón dâu về, đang đứng trước cửa chính trước khi bước vào nhà trai để mời về phần hồn (ntsuj plig) của người con gái vào hệ thống thần linh (dab qhuas) của dòng họ người chồng. Kể từ đây, người con gái sẽ phải sống thân thể là của nhà chồng và linh hồn thuộc hệ thống thần linh dòng họ nhà chồng. Việc người con dâu/ con rể khi tham gia vào dòng họ chồng/ vợ sẽ trở thành người của dòng họ này tới cuối đời cũng xuất hiện trong nhiều văn hóa, như quan niệm “tam tòng” trong Nho giáo hoặc tục “nối dây” của nhiều tộc người ở Tây Nguyên.
Do đó, khi không hiểu hết các nghĩa khác nhau của từ “dab”, người ta thường dễ dịch nó thành “ma” trong tiếng Kinh. Điều này dẫn tới những hiểu lầm như là người Mông làm lễ gọi ma về thành ma của nhà bố mẹ đẻ, lấy chồng thành ma của nhà chồng như những gì đã thể hiện trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.
Đặt ngoài bối cảnh của phim, việc hiểu sai từ “dab” là đa nghĩa trong tiếng Mông, dễ dẫn tới nhiều nhận định sai lầm về văn hóa Mông mà ta thường dễ bắt gặp như người Mông thờ ma (mà đúng ra là thờ thần linh và gia tiên là linh hồn của tổ tiên và những người đã mất); hay người Mông cúng ma (mà đúng ra là cúng các vị thần hoặc diệt trừ, làm hòa với hồn ma).