Tôi đón cô con gái nhỏ của mình từ nhà bạn về sau buổi sinh nhật bạn. Mẹ bạn đưa con ra tận xe, trò chuyện vài câu. Trên đường về, con kể hôm nay bác ấy hỏi con rất kỹ về gia đình mình. Tôi biết con tôi sẽ nghĩ gì nói nấy, và tôi cũng tin là tôi biết con nghĩ gì. Tôi càng hiểu vì sao bà mẹ của cậu bé kia lại hỏi han kỹ đến thế, khi trong buổi sinh nhật ở nhà bạn, chỉ có mỗi một cô bé là con gái tôi, còn lại đều là các bạn trai. Các bà mẹ đều cẩn thận như vậy, không ngoại trừ tôi.
Phải chăng cuộc sống hiện đại ngày nay làm chúng ta bất an hơn, và cũng hay hồ nghi hơn? Tuổi thơ của tôi, tầm tuổi con bây giờ, học cấp hai, cứ sáng đi học trưa về, chiều hoặc ra đồng hoặc lên rừng. Bạn bè có đứa tận bên kia sông phải đi mảng sang bên này chỉ để mua cho mẹ nó cân muối, thế rồi cũng quen, cũng thân, lần nào gặp cũng ríu rít cả buổi không về được. Có đứa nhà tít bên kia núi. Để sang đến bên này nó phải đi bộ mất tiếng rưỡi, leo lên đỉnh núi lại leo xuống, băng qua cánh đồng, qua suối mới gặp được nhau. Đến tên bố mẹ còn chẳng biết chứ đừng nói bố làm gì, mẹ làm gì. Tất nhiên, phần lớn thì cũng là nông dân như nhau cả. Sao bố mẹ tôi, bố mẹ bạn lại không thấy bất an? Sao lại không phải mất công tìm hiểu xem gia đình kia như thế nào?
Chúng ta đang phải và nhất thiết phải nuôi dạy lũ trẻ trong một tâm thế của người bảo vệ. Và cái nề nếp gia đình trở nên đặc biệt quan trọng, sự gắn bó của các cá thể trong mỗi gia đình cũng nói lên cách giáo dục của các ông bố, bà mẹ. Chưa kể, càng ngày, theo các chuyên gia xã hội học, tỷ lệ ly hôn ngày càng cao. Số các ông bố, bà mẹ đơn thân ngày càng nhiều, đồng nghĩa với số trẻ lớn lên thiếu hụt sự chăm sóc của hoặc bố hoặc mẹ càng lớn. Sự tan vỡ của các cuộc hôn nhân có nhiều lý do, nhưng lý do lớn nhất, như tôi hình dung, như tôi so sánh với thế hệ cha mẹ, ông bà của mình, là bởi vì mỗi người đều không thể vặn nhỏ ngọn đèn của mình đi để cả hai cùng tỏa sáng.
Cha mẹ tôi đều đã trên dưới 90 tuổi, sống với nhau hơn 60 năm. Mặc dù cũng có những mâu thuẫn nọ kia, nhưng chưa một lần nào chúng tôi thấy ông bà “dọa” ly hôn. Họ có xung khắc không? Có chứ. Họ có khả năng sống độc lập không? Có chứ. Họ có tự tin không? Có chứ. Nhưng cái mà họ có, còn chúng ta rất khó, đó là “một điều nhịn chín điều lành”.
Gia đình không phải chỉ đơn thuần là phép cộng, để khi không muốn cộng nữa thì trừ đi. Gia đình là sự nỗ lực gắn kết của không trừ một thành viên nào, bao gồm cả cha mẹ và con cái. Tôi hỏi con gái tôi: Con có thấy tủi thân khi con chỉ có mẹ ở bên cạnh bao năm qua không? Con gái tôi đáp khẽ: Không ạ. Con thấy bình thường mà. Nhưng tôi biết, không một đứa trẻ nào có thể thực sự “thấy bình thường” khi lớn lên trong sự thiếu hụt, dù người còn lại có cố gắng bù đắp đến đâu đi nữa.
Hình ảnh minh họa: Tư liệu