Trong cái nắng như rang của ngày hè tháng 6, chúng tôi tìm về xã Nghi Trung (Nghi Lộc) hỏi về nghề làm quạt giấy. Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Trung Phạm Văn Hiền vui vẻ cho hay hiện nghề làm quạt giấy chủ yếu tập trung ở xóm 10 thuộc giáo họ, giáo xứ Làng Nam. Gia đình ông Lê Văn Trung (70 tuổi) là một trong những hộ có nhiều đời gắn bó với nghề làm quạt giấy, khi chúng tôi ghé thăm, ông Trung đang ngồi giữa sân tỉ mẩn cắt từng tệp giấy theo hình cung xếp thành từng chồng xung quanh, còn vợ ông – bà Nguyễn Thị Thu, 70 tuổi ngồi phết hồ (nước của cây vỏ sắn) lên những chiếc quạt đã hình thành. Xung quanh khoảnh sân nhỏ trước nhà phơi đầy nan quạt đã được chẻ nhỏ, mỏng, vót trơn, mượt.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Trung cho hay: “Chẳng rõ nghề làm quạt có từ bao giờ, chỉ biết từ thời cha ông chúng tôi đã làm quạt giấy. Những đứa trẻ làng Nam đều lớn lên nhờ những làn gió mát lành từ những chiếc quạt nan phe phẩy từ tay bà, tay mẹ những ngày hè nóng bức, bản thân tôi từ lúc 5 – 6 tuổi đã phụ giúp cha mẹ một số công đoạn như phơi nan, lắp nan, phơi, xếp quạt giấy, đến 9 – 10 tuổi thì bắt đầu tham gia làm cho đến tận bây giờ”. Ưu điểm của nghề này là có thể làm tại chỗ, làm trong bóng râm, tận dụng mọi thời gian trong ngày và tận dụng được nhiều lao động. Từ người già đến trẻ em đều có thể tham gia vào quá trình khác nhau trong quy trình sản xuất quạt giấy. Cao điểm nghề làm quạt thường tập trung vào tháng 3 đến tháng 7 âm lịch hàng năm, đây là thời điểm vào hè nắng nóng nên quạt bán chạy hơn. Nghề làm quạt tuy không quá vất vả nhưng trải qua rất nhiều công đoạn và đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ.
Trước hết phải tìm được loại tre già, cao lóng, về cưa thành thanh sau đó chẻ ra thành nan, vót, phơi ngâm, dui lỗ, lắp lại, gọn đầu trơn, re giăng ra từng nan cho đều. Quạt giấy làng Nam có màu nâu tím, do được quét nước hồ từ cây vỏ sắn. Theo đó, sau khi bóc vỏ của cây sắn về giã nát, ngâm với một lượng nước lã 3 ngày để đảm bảo độ kết dính, người làm quạt bắt đầu giăng giấy đã cắt lên nan quạt và phết hồ (thường phết 2 nước) và đem ra phơi nắng, chỉ cần phơi vừa đủ để nước hồ bám dính. Quạt phơi nắng xong sẽ có mùi thơm ngai ngái dễ chịu của nước cây vỏ sắn. Ngày xưa giấy làm quạt là giấy dó, giờ giá cây dó đắt phải chuyển sang vỏ cây niệt đặt mua ở xã Nghi Phong (Nghi Lộc). Làm quạt cũng như trau chữ, quá trình làm từ khi hình thành “xương” là phần nan quạt đến “thịt” là phần cắt, vào giấy đều phải khéo léo, tỉ mẩn sao cho giấy không bị nhàu, nếp gấp phẳng, đều thì quạt mới đẹp, mới bền ”, ông Trung chia sẻ.
Trước đây chốt để giữ nan quạt (còn gọi là cốt) thường được các cụ trong làng làm bằng sừng trâu, không đẹp nhưng chắc còn giờ chủ yếu được làm bằng nhôm. Về nước hồ, ngoài nước từ cây vỏ sắn nhiều người còn chế thêm phèn đen để có màu nâu tím, còn màu đỏ tím thì thêm nước cây Hường. Người làm nghề chuyên nghiệp và thành thạo như vợ chồng ông Trung 1 ngày làm tích cực được khoảng 30 cái quạt phết hồ hoàn chỉnh, trừ 200 tiền vốn, còn khoảng 150 nghìn. Gia đình ông Trung làm 3 loại quạt và được bán với giá thành khác nhau (quạt chợ 10 – 12 nghìn đồng/chiếc, quạt thường 12 – 15 nghìn (từ 7 – 12 nan), quạt mua làm quà (20 nan) là đắt nhắt, tầm khoảng 20 nghìn/chiếc).
“Sản phẩm làm ra chủ yếu nhập ở khu vực Diễn Châu, các huyện miền núi Nghệ An, và các tỉnh Đắc Lắc, Hà Tĩnh, Quảng Bình, gần thì họ đến lấy còn xa thì gửi xe khách”, vừa thực hành các công đoạn làm quạt cho khách xem, ông Trung vừa chia sẻ, “nhà có 6 đứa con trai đứa nào cũng biết làm quạt nhưng không ai theo nghề, đứa thì đi miền Nam, đứa đi nước ngoài, đứa theo nghề gốm đá, đi xây nhưng hai vợ chồng tôi vẫn quyết theo nghề quạt bởi nghề này cũng phù hợp với tuổi già, còn sức thì còn làm thôi…”.
Gia đình ông Nguyễn Bá Tám (SN 1953) – cũng là một trong những hộ gắn bó lâu đời với nghề làm quạt, ông Tám chia sẻ “Nghề do cha ông truyền lại, hồi nhỏ chủ yếu phụ giúp cha mẹ, thời thanh niên cũng ít làm, chỉ khi lập gia đình riêng mới theo nghề. Nhờ làm nghề mà tôi nuôi được 7 đứa con ăn học giờ đi mỗi đứa mỗi nơi, hai vợ chồng cũng không làm thường xuyên nữa, chỉ tập trung làm trong khoảng tháng 3 – tháng 8 còn nữa thì làm 5 – 6 sào ruộng, chăn nuôi bò, gà…”. Bình quân 1 ngày ông Tám có thể làm thành sản phẩm hoàn chỉnh khoảng 30 chiếc quạt. Gia đình ông chỉ làm loại quạt bình dân, quạt hàng (loại từ 10 – 12 nan). “Người buôn họ bán lẻ 10 nghìn thì mình nhập cho họ 7.000 – 7.500 đồng/ chiếc phục vụ cho các hội lễ, phục vụ hoạt động du lịch, bệnh viện, tàu xe…”, ông Tám cho hay.
Theo chia sẻ của xóm trưởng Hoàng Vinh: Ngày xưa cả làng có tới 80% hộ làm quạt, tập trung ở các xóm Đông Thuận, Làng Nam, Kẻ Sựa, vào chính vụ tấp nập, nhộn nhịp lắm. Người dân chủ yếu sống bằng nghề quạt, như ông Hoàng Văn Chiêm (nay đã mất) nổi tiếng là làm giỏi, nhanh nhất làng, từ mồng 2 đến mồng 7 Âm lịch phiên chợ Vinh hàng tuần bán cả nghìn chiếc. Còn làm quạt đẹp nhất trước đây phải kể đến ông Nguyễn Văn Hiệu (nay cũng đã mất), quạt của ông tay cầm mỏng, dai, bền. Hiện tại 3 xóm (19, 20, 21) sáp nhập lại thành xóm 10 với 352 hộ, 1.417 khẩu, nhưng chỉ có khoảng 10 hộ còn gắn bó với nghề. Bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ điện tử với điều hoà, quạt điện, quạt máy… thì nhu cầu sử dụng quạt giấy cũng không còn nhiều. Mặt khác, các nguyên liệu như tre, giấy cũng không còn dễ kiếm như trước nên người theo nghề làm quạt cứ chuyển đổi nghề dần “nhà tôi cũng mấy đời làm quạt, mới dừng mấy năm trở lại đây thôi…”, ông Vinh cho hay.
Ấy thế nhưng theo dòng thời gian, một số hộ trong làng vẫn nuôi dưỡng nghề như nghề phụ bên cạnh làm nông nghiệp để vừa có thêm thu nhập, vừa lưu giữ nét truyền thống của cha ông. Đến bất kỳ gia đình nào ở Làng Nam đều thấy có quạt giấy, những ngày hè đi họp, người dân cũng cầm theo quạt, ra đồng cũng cầm theo quạt. Sáng sớm hay chiều muộn, các bà, các cụ tụ tập dưới những tán cây râm mát hay quây quần bên ấm chè xanh vừa vui vẻ trò chuyện, vừa phe phẩy quạt giấy vẫn là hình ảnh quen thuộc giữa những ngày hè nắng nóng.
Một tín hiệu vui cho người dân làm nghề quạt ở làng Nam là hiện nay, ngành du lịch phát triển hơn nên đầu ra cho những chiếc quạt giấy mang đậm dấu ấn nông thôn xưa cũng khả quan hơn. Việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống cũng được quan tâm hơn xưa. Trong mạch chuyện với chúng tôi, vợ chồng ông Nguyễn Văn Trung, bà Nguyễn Thị Thu – hai thợ làm quạt giấy lành nghề của Làng Nam hồ hởi khoe, hè này hai ông bà được cán bộ Bảo tàng Nghệ An về tận nơi mời về hướng dẫn cho các em học sinh làm quạt giấy. Mục đích là giúp thế hệ trẻ được trải nghiệm những làng nghề thủ công truyền thống của xứ Nghệ. “Vợ chồng tôi cũng bận rộn nhưng thấy chương trình “em làm quạt giấy truyền thống” rất có ý nghĩa. Qua đó, góp phần giáo dục các em biết trân quý và gìn giữ những giá trị văn hóa lâu đời mà cha ông ta để lại nên hai vợ chồng nhận lời tham gia”, bà Thu chia sẻ.
Trong chương trình trải nghiệm ngoài việc giới thiệu quy trình làm quạt giấy truyền thống, ông Trung và bà Thu còn mang theo khung nan và giấy làm quạt để các cháu nhỏ thực hành. Phần thi trang trí quạt được nhiều học sinh ưa thích vì thể hiện sự sáng tạo và năng khiếu nghệ thuật của các em. Sau khi hoàn thành các em học sinh còn có phần tự thuyết trình giới thiệu về ý tưởng trình bày của các đội, nhóm. “1 lớp trải nghiệm như vậy có khoảng 100 cháu, các cháu sáng tạo lắm, cắt giấy nhiều màu sắc hoặc vẽ hình ngôi sao, cờ tổ quốc lên quạt rất đẹp, phết hồ cũng rất nhanh và đều”, bà Thu cho hay.
Có lẽ với người làm nghề truyền thống không gì vui bằng nghề được thế hệ con cháu đón nhận, yêu thích. Như Cụ Phạm Đình Tân năm nay đã 87 tuổi nhưng vẫn còn lưu luyến với nghề quạt giấy. Cụ Tân cho biết nghề làm quạt, cứ cha truyền con nối, thế hệ sau nối tiếp, gìn giữ nghề truyền thống của tổ tiên. Bản thân cụ chính thức làm nghề quạt từ năm 20 tuổi đến nay tuổi đã cao nhưng thỉnh thoảng vẫn làm quạt, vừa vui, vừa giữ nghề. Cụ bảo trải qua thời gian, nghề làm quạt của làng Nam đã dần mai một bởi sự du nhập của công nghệ hiện đại nhưng điều những người như cụ mong mỏi là thế hệ sau có thể không theo nghề nhưng phải biết làm nghề cha ông để lại. Bởi vậy, gia đình có 7 người con, 13 cháu nội, ngoại, 17 đứa chắt, trong đó không có nhiều người theo nghề nhưng hầu như đều biết làm nghề. Em Nguyễn Thị Phương Mai (SN 2006) – cháu ngoại cụ Tân đang là học lớp 10 cho biết: “Em biết làm quạt từ năm lớp 5, thỉnh thoảng những lúc rảnh rỗi, không phải đi học, em vẫn ở nhà giúp bố mẹ làm nghề. Mùa hè, em vẫn hay mang quạt tới lớp, quạt còn dùng trong các dịp lễ hay biểu diễn văn hoá, văn nghệ…”.
Theo những người nhiều tuổi trong làng, hiện nay, mẫu mã của quạt giấy Làng Nam cũng được cải tiến hơn nhiều so với trước, số lượng người làm quạt cũng không còn nhiều như xưa, nhưng người dân làng Nam vẫn tự hào với nghề truyền thống có từ trăm năm như một thương hiệu riêng đã đi vào thơ nhạc: “Anh về xứ đạo Làng Nam quê em/ Làng Nam tre mát, quạt nhiều/ Êm đềm giọng hát mến yêu, đạo lành…”.