Tôi có anh bạn đồng nghiệp từng là cây bút viết phóng sự điều tra chắc tay. Anh bạn ấy rất “mê” ông Hồ Xuân Hùng – Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Anh bạn nhà báo không chỉ “mê” một cán bộ lãnh đạo từng là lính Trung đoàn 271 lừng danh miền Đông Nam Bộ thời chống Mỹ, cử nhân kinh tế, thăng tiến từ Phó Ty Thương mại lên Phó Chủ tịch tỉnh rồi trở thành Chủ tịch tỉnh ở độ tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”. Kể cả sau này Chủ tịch tỉnh Hồ Xuân Hùng ra Hà Nội nhậm chức Phó ban Vật giá Chính phủ rồi Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngẫm ngợi về sau, thấy anh bạn có lý khi vị nể một vị cán bộ đầu tỉnh xông xáo, bản lĩnh, quyết đoán.
Cái sự quyết liệt của ông Hồ Xuân Hùng bắt đầu từ quyết định “bứt” Nhà máy Đường Sông Lam khỏi địa phương, có dãy núi Lam Thành lịch sử thuộc đất Hưng Nguyên thường xuyên ngập lũ, diện tích, sản lượng, năng suất mía nguyên liệu thấp, bấp bênh. Nhà máy nhanh chóng được chuyển lên vùng đất đỏ bazan Bãi Phủ nằm cuối huyện Anh Sơn, đầu huyện Con Cuông với bạt ngàn đồi, bãi phù sa màu mỡ, rộng hàng nghìn ha. Đương nhiên trước đó ông Hùng nghe hầu hết ý kiến chuyên gia, kể cả ý kiến trái ngược rồi chỉ đạo quy hoạch mở rộng vùng nguyên liệu ổn định, gắn với thị trường tiêu thụ đường và sản phẩm tận thu sau thành phẩm hạt đường tinh. Ông cũng không quên lộ trình chỉ đạo ngành Giao thông vận tải mở đường vào vùng nguyên liệu, định hướng xen canh, cây công nghiệp, cây ăn quả với cây rau màu hàng hóa trên đất bãi, đất đồi. Chủ trương và chính sách táo bạo ấy còn nguyên giá trị đến tận bây giờ.
Sớm nhận ra tiềm năng phát triển kinh tế miền Tây Nam và Tây Bắc mà chủ lực là cây chè, cây mía đồi, ông sốt sắng ủng hộ chủ trương nhân rộng mô hình Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng kinh tế số 1 ở Anh Sơn.
Và từ năm 1988 đến giai đoạn (1994-2000) lần lượt ra đời 4 tổng đội. Tới sau này đã có 11 tổng đội TNXP xây dựng kinh tế, trải khắp vùng sâu, vùng xa các huyện Quế Phong, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Kỳ Sơn. Lực lượng lao động trẻ làm thay đổi miền Tây nghèo khó với diện mạo xanh ngút ngát hàng vạn ha chè công nghiệp, mía và dứa nguyên liệu thỏa mãn nhu cầu chế biến chè búp rồi đường tinh luyện. Tuổi trẻ trở thành người bảo vệ rừng phòng hộ, trồng mới hàng vạn ha cây lấy gỗ, chế biến bột giấy mà cây keo lá tràm là nguyên liệu chủ lực…
Còn nhớ nỗi ám ảnh đói nghèo sau tách tỉnh, cảm thức thường trực của người lãnh đạo là lo cái ăn, an ninh lương thực. Chưa mấy ai hướng tới mục tiêu, đổi mới chính sách, giải pháp đồng bộ phát triển công nghiệp trọng điểm, công nghiệp động lực, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm có sản lượng lớn, giá trị hàng hóa cao, tạo tiền đề tăng trưởng kinh tế – xã hội, bền vững. Tư duy và hành động mới của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Xuân Hùng đã từng bước thay đổi nhận thức trước kia là thiếu tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp đặc điểm từng đơn vị, địa phương, ngành nghề, đầu tư giàn trải theo cảm tính. “Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, không tạo được bước đột phá trong chọn lọc thu hút đầu tư. Trong nông nghiệp đã cởi trói hạn chế nhiều năm lúng túng xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực cho cả tỉnh và từng vùng miền.
Trong bối cảnh mà điểm xuất phát thấp, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Xuân Hùng đã như người lĩnh xướng cùng tập thể lãnh đạo tỉnh xây dựng đường hướng phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn (1994-2000), rồi (2000-2010) có tầm nhìn tới (2015-2020). Ông rốt ráo chỉ đạo xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế, cụ thể cho từng lĩnh vực công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, chăn nuôi quy mô tập trung gia súc, gia cầm quy hoạch phát triển giống cây, giống con cho năng suất cao, ổn định chịu hạn và sâu bệnh rồi mở mang công nghiệp không khói bụi. Ông tập hợp quanh ông những chuyên gia, trợ lý kinh tế hiểu biết sâu sắc từng lĩnh vực, từng chuyên ngành. Ông trực tiếp phản biện, nội dung, mục tiêu, khả năng nguồn vốn cho từng chương trình, từng dự án.
Thời ông, rất hiếm có thư ký, chuyên viên “tay ngang”, học hành “chắp vá kiến thức”. Ông xác lập trách nhiệm người đứng đầu một chương trình, một dự án rất cụ thể. Ông nói “Chúng ta là một tá chung chung”. Ông rất quan tâm giá trị tiềm năng đất đai, khoáng sản nổi, khoáng sản chìm vùng Tây Bắc, Tây Nam và khu vực miền Trung. Sổ tay của ông chi chít, dày đặc những con số tài nguyên biết nói. Đó là tổng trữ lượng đá vôi sản xuất được xi măng ở các huyện Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Tân Kỳ…, nguồn đá sét; đá trắng (calcit); đá hoa (dolomit) 114 triệu tấn; cao lanh 1 tỷ tấn; thiếc riêng vùng Tây Bắc là hơn nghìn triệu tấn.
Đó là cơ sở khoa học tin cậy để ông vững tin chỉ đạo quy hoạch thu hút đầu tư giai đoạn (2001- 2005) với 103 dự án, tổng giá trị đầu tư khoảng 27.843 tỷ đồng. Cả trước mắt và lâu dài vùng Tây Bắc Nghệ An có cơ sở và hiện thực phát triển công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản và sản xuất hàng triệu tấn xi măng theo tiêu chuẩn quốc tế. Vùng đất Nghĩa Đàn, Thái Hòa hôm nay đã định hình khu công nghiệp tổng hợp và là hạt nhân cho trọng điểm kinh tế động lực của tỉnh.
Với vùng đất đồi núi bazan Tây Nam và Tây Bắc ông chỉ đạo quy hoạch hình thành vùng chuyên canh hàng chục nghìn ha thâm canh, chuyên canh cây chè công nghiệp, mía nguyên liệu chế biến đường tinh luyện và chế biến chè búp xuất khẩu.
Khát vọng ngày nào của ông về nhịp độ sinh sôi, tăng trưởng ở vùng đất Tây Nam và Tây Bắc đã thành hiện thực sống động có thể đo đếm được từng tháng, từng ngày thành quả. Đó là hiện thực những con số tưởng như khô khan trong quy hoạch do chính ông cùng tập thể lãnh đạo tỉnh dày công tâm huyết lập nên những năm cuối thế kỷ XX, tạo vị thế cho hội nhập và phát triển sớm vào đầu thế kỷ XXI.
Giới báo chí Trung ương, địa phương thường gọi ông với cái tên “ông Hùng liên kết”, bởi ông Hồ Xuân Hùng là người khởi xướng đầu tiên về mối quan hệ mật thiết giữa sản xuất, dịch vụ, tiêu thụ, hỗ trợ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở khoa học công nghệ với nhà nông, cùng chia sẻ đầu tư, cùng hưởng lợi từ sản phẩm liên kết.
Còn nhớ, đến cuối năm 2014, ước tính cả tỉnh có 500 trang trại, sử dụng gần 18.000ha đất canh tác, tạo việc làm cho 3.000 lao động với mức thu nhập hàng tháng bình quân từ 3-3,5 triệu đồng, có trang trại mỗi năm cung cấp ra thị trường 256 tấn thịt hơi; hơn 1 triệu quả trứng gà; 100 tấn chè búp tươi… Hiện thực hiệu quả kinh tế trang trại, nông trại hôm nay có thể dễ dàng đo đếm nhưng thời Chủ tịch tỉnh Hồ Xuân Hùng nêu chủ trương, vẫn có người không ủng hộ. Ông bảo “không sợ đẽo cày giữa đường, vấn đề cốt lõi là cho người ta thấy cái cày mình đẽo có lật được đất lên không”.
Chủ tịch tỉnh Hồ Xuân Hùng còn là người giải tỏa thông thoáng mạch nguồn đầu tư cho Nghệ An. Ông khởi xướng thu hút dự án đầu tư Nhà máy Xi măng Hoàng Mai; phát triển hạ tầng giao thông hiện đại không chỉ dành cho TP. Vinh mà điểm nhấn là đại lộ Lênin nối trung tâm đô thị Bắc Trung Bộ với Cảng hàng không Vinh. Ông góp phần để hình thành nhiều dự án, công trình quan trọng, thay đổi diện mạo TP. Vinh, trong đó có Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ – một công trình mang tầm vóc thế kỷ cả về giá trị tư tưởng, giáo dục truyền thống lẫn giá trị kiến trúc mỹ thuật thời đại. Có người ví ông như thỏi nam châm mà nguồn năng lượng khá sung sức, dồi dào, có sức lan tỏa và quy tụ rất rộng.
Tôi bỗng nhớ một cái Tết cổ truyền, mấy anh em nhà báo quây quần tại nhà riêng, đường Trần Phú (TP. Vinh) của Chủ tịch tỉnh Hồ Xuân Hùng, dịp ông ra nhận trọng trách Phó ban Vật giá Chính phủ. Tại đây tôi đã bị hút mắt vào giỏ hoa rất lạ đặt trên bàn trà. Một loài hoa chưa từng gặp bao giờ. Ông bảo, hoa thật của Nhật đấy. Một người bạn vừa tặng chơi Tết. Tôi nhìn ông, buột lời: “Thật, giả bây giờ khó đoán định giá trị lắm anh Hùng ơi. Chỉ dấu ấn mà anh để lại cho Nghệ An mới là thật, thật một trăm phần trăm”. Tất cả ồ lên, nâng cốc chúc nhau, đầm ấm nghĩa tình như hồi ông còn là vị Chủ tịch tỉnh thân quý của cánh nhà báo chúng tôi.