Rồi khi những nhạc phẩm “Hoa sữa”, “Biển hát chiều nay”… của ông được phát trên sóng phát thanh, được lan tỏa thì tôi càng tự hào quê hương mình có người nhạc sỹ tài năng. Tôi đã luôn khao khát được gặp ông. Mãi đến năm 1989, khi ra Hà Nội dự họp, gặp gỡ các vị lão thành, các trí thức người Yên Thành để thông qua bản thảo Lịch sử huyện Yên Thành tôi mới được gặp ông. Bấy giờ ông ở cùng cụ thân sinh Phan Đăng Tài tại một căn hộ nhỏ cạnh Hồ Gươm.
Nghe tiếng nhạc sỹ Hồng Đăng đã lâu, mấy lần gặp hai cụ thân sinh của ông hỏi thăm về người nghệ sỹ tài hoa, rồi đọc những bài viết, nghe kể nhiều giai thoại về một nhạc sỹ lớn, lãng tử, đa tài, đa tình lại gặp nhiều tai ương trong cuộc sống tôi cứ mường tượng ông là người có tướng mạo dung nhan khác thường. Thật không ngờ ông lại là người dung dị, rất đỗi khiêm nhường, lịch lãm sang trọng, lại cũng hóm hỉnh, dễ gần. Tôi có mời ông dành thời gian đọc bản thảo, góp ý kiến và tham dự hội nghị với các cụ nhưng ông nhỏ nhẹ: Cảm ơn các anh ở huyện đã nhớ đến, có ông cụ tham dự là đủ rồi, tôi thuộc hậu sinh chưa làm được gì cho quê hương.
Sau này, năm 1994 khi ông dẫn đoàn nghệ sỹ gồm nhiều nhạc sỹ tên tuổi như: Văn Ký, Mộng Lân, Hoàng Long về đi thực tế Yên Thành. Rồi năm 2002 kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu, tôi tìm tư liệu viết “Những người thân trong gia đình Phan Đăng Lưu”, được gặp ông nhiều lần càng cảm phục về tài năng, nhân cách của một nghệ sỹ lớn.
Nhạc sỹ Hồng Đăng có hồng phúc là được sinh ra ở làng Đông, xã Tràng Thành, nay là xã Hoa Thành. Dòng họ Phan Đăng của ông có gốc gác họ Mạc, do thời cuộc biến loạn đã chạy vào xứ Nghệ mai danh ẩn tích rồi đổi thành họ Phan. Dòng họ Phan ở đây có 2 nhánh lớn Phan Xuân và Phan Đăng. Ông nội của ông là cụ Phan Đăng Dư, một nhà nho yêu nước đã có công sinh thành 4 người con trai trong đó có 3 người làm thông phán nên dân gian thường gọi là cụ Phán. Người con đầu là Phan Đăng Lưu, học Trường Cao đẳng Canh nông ra làm ở các trại tằm Phủ Diễn, Bình Định nên gọi là Phán tằm. Người con thứ hai là Phan Đăng Triều gọi là Phán Triều. Người con thứ ba là Phan Đăng Tài làm thông phán Tòa sứ Hà Tĩnh nên gọi là Phán Tài.
Lúc sinh thời, khi bỏ việc quan đi làm cách mạng, Phan Đăng Lưu dặn các em: Làm cách mạng là phải hy sinh, các em phải lo học để làm việc quan mới có điều kiện tiếp xúc rộng để lo cho đất nước. Nhớ lời anh, cụ Phan Đăng Tài làm Thương tá trong Tòa sứ Hà Tĩnh nhưng vẫn liên hệ với cụ Phó bảng Phan Võ – khi đó làm Án sát Hà Tĩnh tìm cách giúp đỡ những chiến sỹ cách mạng Hà Tĩnh hoạt động. Chính ông sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945) đã liên hệ với bác sỹ Trần Đình Nam bấy giờ là Bộ trưởng Nội vụ cử bạn của mình là Lưu Văn Xân về làm Tri huyện Yên Thành để che chở cho dân và giúp đỡ Việt Minh hoạt động. Nhờ vậy mà trong cao trào khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, tỉnh Hà Tĩnh khởi nghĩa sớm nhất và vị thương tá của Tòa sứ cũ Phan Đăng Tài trở thành Phó Chủ tịch lâm thời đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh rồi làm Chánh Văn phòng Ủy ban Liên khu 4 trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp.
Năm 1994 , khi dẫn nhạc sỹ về thăm lại ngôi nhà cũ của mình, ngôi nhà mà ông đã cất tiếng khóc chào đời, ông có kể chuyện: “Lúc nhỏ tôi học Trường Tiểu học Pháp – Việt Yên Thành. Năm 1947 về học trường Trung học Lê Doãn Nhã, trường đóng ở đình Bảo Lâm và Nhà Thánh gần nhà tôi. Tôi có tham gia đội văn nghệ của học sinh và thường dẫn đội văn nghệ về tập sau vườn. Mẹ tôi thường luộc khoai cho các bạn ăn. Tôi ham thích ca nhạc từ những ngày học ở Trường Lê Doãn Nhã, ham đến mức tôi rủ bạn đi bộ hơn sáu chục cây số vô Vinh mua sách nhạc về tự học rồi mở nhóm học nhạc tại nhà mình. Năm 1950 tôi tự sáng tác bài hát “Nhớ ơn Cụ Hồ” phổ biến cho học sinh trong trường và nhờ thầy Phan Ngọc gửi lên Văn nghệ Liên khu 4”.
Khi về thăm nhà của ông bà nội Phan Đăng Dư cũng là nhà của bác đầu Phan Đăng Lưu, ông có nhắc hồi nhỏ thường cõng em Liên sang nhà ông bà. “Vườn này bà tôi trồng nhiều hẹ. Tôi nhớ nhất món trứng gà bác lá hẹ bà tôi thường đúc cho con cháu ăn. Ông nội tôi làm nghề bốc thuốc Nam, có cả nghề phong thủy lý số. Mỗi lần có lộc hoặc nải chuối, có khi xôi gà, bà tôi thường chia cho con cháu trong xóm” – Nhạc sỹ Hồng Đăng kể.
Lần dẫn ông về thăm lại cố hương, khi ăn cơm ở nhà văn hóa, tôi có hỏi ông về chuyện đại gia đình ông yêu nước, có đóng góp nhiều cho cách mạng, nay về quê ông suy nghĩ gì về sự mất mát trong giảm tô và cải cách ruộng đất?. Ông trầm ngâm một lúc lâu rồi nhỏ nhẹ: Năm 1952 /1953 cuộc giảm tô, thanh lọc tổ chức, cha tôi đang làm Chánh Văn phòng Liên khu 4 bị quy thành phần nên bị huyền chức điều về quê làm Hiệu trưởng Trường Trung học Phan Chu Trinh rồi bị khai trừ Đảng. Cải cách ruộng đất ông nội tôi bị quy địa chủ, bị kết án 20 năm tù đày đi Bến Hới… Cả đại gia đình bị tịch thu hết nhà cửa ruộng vườn, tao tác mỗi nhà một nơi. Nhưng năm 1957 Đảng và Chính phủ thực hiện sửa sai, gia đình tôi được trả lại nhà cửa nhưng cha mẹ tôi thấy những người được chia nhà quả thực đều là anh em con cháu nghèo trong họ cả nên xin không nhận lại nhà. Vả lại sai thì đã sai rồi, không riêng nhà tôi mà có nhiều nhà còn mất mát lớn hơn. Tôi hỏi ông có phải vì điều này mà vận vào câu hát: “Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương, biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương”, ông chỉ cười: Mỗi dân tộc, mỗi gia đình, mỗi con người, kể cả mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật đều có số phận, duyên phận. Đất nước có nhiều biến động thăng trầm thì mình cũng vậy thôi. Quan trọng là mình biến cái rủi thành cái may, thứ tha rộng lượng với những va đập trong cuộc sống để vươn tới cái đẹp.
Cũng lần về thăm quê ấy, sau buổi nói chuyện về âm nhạc cho các hạt nhân văn hóa trong huyện, có người hỏi ông đại ý là ông đã sáng tác hàng trăm tác phẩm âm nhạc sao chưa có bài nào hay về quê hương, về xứ Nghệ. Ông nói: Cha tôi là người sưu tầm và đã có những tập sách về dân ca ca dao, mẹ tôi thường hát ru chúng tôi bằng dân ca ví giặm, nếu không có những đêm nằm nghe sóng biển từ Phủ Diễn dội về Tràng Thành, nếu nhà tôi, quê hương đất nước tôi không trải qua những thăng trầm đau thương mất mát thì tôi và bạn bè tôi không có những tác phẩm âm nhạc được công chúng yêu thích.
Nhạc sỹ Hồng Đăng rất lãng tử, mơ mộng, đa tài, sống tử tế, khiêm nhường, vợ chồng ông vẫn đèo nhau bằng chiếc xe máy đời cũ và sống thanh đạm bằng tiền lương hưu ít ỏi và nhuận bút bài hát mỗi quý khoảng hơn 1- 2 triệu đồng. Có người nói Hồng Đăng viết về hoa sữa hay đến thế: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm, có lẽ nào anh lại quên em…” thế nhưng 25 năm sau ông mới đến đứng dưới gốc hoa sữa để xem hoa!
Mấy năm gần đây biết ông bị tai biến, rồi bị tai nạn không đi lại được, chỉ mong ông “trụ” được đến tháng 5 vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu – bác ruột ông. Nào ngờ ông đã rời cõi tạm vào ngày 21 tháng 3. Ông thuộc lớp người hiền tài đã làm rạng danh cho quê hương đất nước, âm nhạc của ông, nhân cách sống của ông sẽ còn sống mãi cùng quê hương đất nước.
Xin viết đôi điều kỷ niệm nhỏ về một nhạc sỹ lớn như là nén tâm hương kính viếng!