P.V: Chúng ta vừa trải qua năm 2021 với rất nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát trên nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó có Nghệ An. Đây có lẽ cũng là một năm đáng nhớ với Vũ bởi em đã đồng hành với công tác hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm và nhiều hoạt động phòng chống dịch bệnh?
Bùi Minh Vũ: Do đặc thù của trường y nên trong thời gian qua, khi dịch bệnh bùng phát, chúng em luôn sẵn sàng để được tham gia vào cuộc chiến phòng chống dịch bệnh. Cá nhân em cũng đã viết đơn tình nguyện và chính thức được bổ sung vào lực lượng từ tháng 6/2021.
Thực tế là lúc đó toàn bộ sinh viên đã nghỉ hè và số ở lại trường không còn nhiều, nhưng xác định được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh nên trong lá đơn của mình em đã xung phong sẵn sàng vào điểm nóng, chung tay cùng mọi người và xin chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Bối cảnh lúc đó cũng không cho phép chúng em chần chừ hay lo ngại bởi chưa khi nào dịch Covid-19 lại có những chuyển biến nhanh như vậy. Những thông tin cập nhật về dịch với những diễn biến phức tạp từ thành phố Hồ Chí Minh cũng khiến tất cả mọi người đều e ngại.
Tham gia vào công tác lấy mẫu xét nghiệm, em nhớ nhất là lần đầu tiên toàn đội nhận nhiệm vụ đi lấy mẫu xét nghiệm ở huyện Diễn Châu. Đây cũng là một trong những địa bàn đầu tiên của tỉnh bùng phát dịch trên diện rộng. Thời điểm nhận nhiệm vụ, chúng em chỉ có thời gian ngắn chuẩn bị và đoàn chở sinh viên Trường Y khoa Vinh và các nhân viên y tế tăng cường khác đi vào đêm khuya. Ra đến nơi, tất cả lao ngay vào công việc, không nghĩ gì đến mệt nhọc vất vả. Sau này, dịch ngày mỗi lan rộng và thành phố Vinh cùng nhiều địa phương khác phải thực hiện phong tỏa theo Chỉ thị 16, 16+, việc xét nghiệm trên diện rộng trở nên bức thiết và gần như toàn bộ lực lượng y tế đã được huy động. Đó thực sự là những ngày vất vả, nhiều áp lực nhưng để lại cho em và các bạn nhiều ký ức khó quên.
Thời gian này, em cũng có 2 tuần được tham gia trực tiếp cùng với đội ngũ nhân viên y tế ở trung tâm CDC để xử lý các mẫu xét nghiệm. Có những thời điểm, mỗi ngày đơn vị nhận trên 3000 mẫu và việc trả kết quả phải xử lý trong ngày nhằm sớm xác định và truy vết được bệnh nhân F0 trong cộng đồng hoặc ở các khu cách ly tập trung là một khối lượng khổng lồ. Những ngày đó, chúng em thường bắt đầu từ sáng sớm và đến khuya muộn mới hoàn thành công việc của mình. Đây là quãng thời gian hết sức vất vả nhưng với riêng em, em đã học hỏi được rất nhiều về tác phong làm việc, hiểu biết thêm về chuyên môn để em làm quen với công việc sau này. Việc được tiếp xúc với đông đảo người dân cũng là “bài học” quý giá đối với những sinh viên học về ngành y học cộng đồng như chúng em và em thấy vui vì mình đã được góp sức vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng chống dịch.
P.V: Năm nay, Vũ là một trong những sinh viên xuất sắc được công nhận là sinh viên 5 tốt. Tuy nhiên, trước đó, từ năm 2019, Vũ đã được Hội sinh viên tỉnh Nghệ An trao chứng nhận đạt giải thưởng “Sao tháng Giêng” năm 2019 với rất nhiều thành tích trong công tác tình nguyện. Vũ đã đến với phong trào này như thế nào? Và làm sao để các phong trào hiệu quả và thiết thực?
Bùi Minh Vũ: Đối với em các hoạt động tình nguyện là nơi để em bộc lộ bản thân, là nơi để mình cùng với mọi người được giúp đỡ những mảnh đời, những hoàn cảnh khó khăn. Tham gia các phong trào tình nguyện cũng là cơ hội để mình kết nối mọi người và học hỏi các anh chị đi trước. Từ hoạt động này, bản thân em cũng trưởng thành hơn bởi trước đây em khá rụt rè, ngại giao tiếp. Sau này, lên đại học em mạnh dạn hơn và tự tin hơn so với trước đây.
Các hoạt động tình nguyện muốn hiệu quả thì mình phải chứng minh được các chương trình này thực hiện nhằm mục đích gì, kết quả thế nào. Quan trọng nhất là phải đúng hướng, đúng người, đúng đối tượng chứ không phải làm tình nguyện để xây dựng hình ảnh.
P.V: Trong các hoạt động tình nguyện mà các Vũ tham gia, chương trình chăm sóc phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật và trẻ tự kỷ là chương trình rất ý nghĩa đúng không?
Bùi Minh Vũ: Đây là chương trình đã được các anh chị đi trước của Trường Đại học Y khoa Vinh triển khai nhiều năm nay và em biết đến chương trình này từ năm thứ nhất sau khi tham gia vào câu lạc bộ thanh niên tình nguyện blouse trắng của trường. Tham gia chương trình này, chúng em thường chia nhóm để đến các trung tâm điều trị chuyên biệt cho trẻ em tự kỷ như Quỹ bảo trợ trẻ em hoặc một số cơ sở tư nhân để cùng với các giáo viên và các y, bác sỹ hỗ trợ chăm sóc các trẻ tự kỷ, chậm phát triển giúp các em tập đọc, tập viết và tập vận động như đi lại và giúp các em hiểu biết hơn về thế giới xung quanh.
4 năm gắn bó với hoạt động này, mỗi ngày chúng em lại học thêm được một điều quý giá và tình thương với trẻ nhỏ của mình như được nhân lên. Em cũng đã có rất nhiều băn khoăn bởi những trẻ nhỏ bị mắc hội chứng tự kỷ thường kém hoạt bát và có khiếm khuyết về bản thân. Chính vì thế, các em càng phải được quan tâm, giúp đỡ. Tuy nhiên, thực tế là hiện nay, số trẻ em được chăm sóc đúng cách chưa nhiều, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, xa trung tâm và các em rất thiệt thòi. Cũng có những người có cái nhìn thiếu thiện cảm và chưa hiểu đầy đủ về căn bệnh này và em cũng muốn làm mọi người có sự đồng cảm, thay đổi trong cách nhìn, giúp cho việc nhận biết và điều trị căn bệnh một cách hiệu quả hơn.
P.V: Vũ đang theo học ngành Y khoa và đây cũng là công việc không dễ dàng. Vì sao Vũ lại chọn ngành này và làm sao để có thể đạt kết quả cao trong học tập?
Bùi Minh Vũ: Từ những ngày đang còn đi học em đã mơ ước được làm việc trong ngành Y dù rằng đây là nghề “ngoại đạo” với gia đình. Khi đã chọn công việc này, mong muốn lớn nhất của chúng em là giúp đỡ mọi người và cứu chữa được cho nhiều người xung quanh. Để làm được điều này, tự bản thân mình phải cố gắng học tập, không chỉ trên lớp và trau dồi kiến thức chuyên ngành, làm sao đủ kiến thức để có thể đảm nhận được nhiệm vụ chuyên môn.
Là người trẻ, chúng em cũng sẵn sàng tham gia các phong trào tình nguyện, dành thời gian cho các hoạt động vì cộng đồng. Đây cũng là hoạt động được rất nhiều người trẻ quan tâm. Một trong những hoạt động ý nghĩa là câu lạc bộ hiến máu tình nguyện. Em biết, có rất nhiều bạn đã tham gia hiến máu rất nhiều lần, có những bạn tham gia vào câu lạc bộ ngân hàng máu sống và sẵn sàng hiến máu bất cứ lúc nào nên có trường hợp bệnh nhân nguy kịch, phải cấp cứu…
P.V: Nói về các phong trào của sinh viên hiện nay, Vũ có cho rằng, các phong trào tình nguyện còn có những hạn chế nhất định và dường như đang thiếu sân chơi để kết nối tất cả sinh viên trong toàn tỉnh?
Bùi Minh Vũ: Qua nhiều năm làm công tác đoàn và được tiếp xúc với phong trào đoàn ở các trường đại học cao đẳng trong thành phố, chúng em thấy rằng lực lượng đoàn viên của tỉnh ta rất đông và cũng rất năng động, sáng tạo. Tuy nhiên, nếu như có thêm nhiều hoạt động để các đoàn viên thanh niên được cùng tham gia như các hoạt động thể dục thể thao, các phong trào tình nguyện thì sẽ sôi nổi và hiệu quả hơn, tăng cường được sự gắn kết giữa các nhà trường và phát huy được sức mạnh của tập thể.
Nếu so phong trào của sinh viên Nghệ An với các thành phố lớn khác, chúng ta cũng thấy có những sự khác biệt bởi ở các tỉnh thành khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tập trung rất nhiều trường đại học lớn, sinh viên đông và các bạn cũng năng động hơn. Ở đó, các bạn cũng có nhiều điều kiện hơn để phát triển và tổ chức các hoạt động.
Nhưng, không vì thế mà chúng ta có thể so sánh được chất lượng bởi ở đâu thì cũng có những hoạt động mang tính đặc thù và mỗi một phong trào có màu sắc và ý nghĩa riêng.
P.V: Vũ đang là sinh viên năm cuối và giải thưởng “Sinh viên 5 tốt” của năm 2021 có ý nghĩa như thế nào?
Bùi Minh Vũ: “Sinh viên 5 tốt” là mục tiêu mà em đã đặt ra từ khi bước chân vào giảng đường đại học và mỗi một năm em đều cố gắng để hoàn thành từng tiêu chí của danh hiệu này cả về học tập, rèn luyện, tu dưỡng…
Đây là giải thưởng rất có ý nghĩa đối với bản thân em và em cảm thấy mình ngày một trưởng thành và đã làm tốt những mục tiêu của mình. Điều này cũng sẽ giúp em định hướng tiếp tục cho những con đường đi sau này, cho mình thấy đang đi đúng hướng. Đây cũng là dấu mốc để đánh dấu thành công của quãng đời sinh viên và sẽ cho em động lực để tiếp tục cố gắng hơn nữa trong chặng đường sắp tới.
P.V: Cảm ơn em với cuộc trò chuyện này!