Ngày 20/12/2021, Sở TN&MT đã tiếp tục có Công văn số 7926/STNMT-KS kiến nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi giấy phép khai thác vàng trên núi Pu Phen. Qua đó, nâng số lần kiến nghị (tính từ năm 2019) lên lần thứ ba.
Điểm khác biệt hơn, được thông tin tại Công văn số 7926/STNMT-KS, là lần phát văn bản này của Sở TN&MT thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh; kiến nghị của UBND huyện Tương Dương; và phản ánh của Báo Nghệ An thông qua loạt bài “Dứt điểm rút giấy phép khai thác vàng trên núi Pu Phen” đăng tải hồi đầu tháng 12/2021.
Cụ thể, ngày 7/12/2021, UBND tỉnh ban hành Công văn số 9556/UBND-CN về việc xử lý các dự án chậm tiến độ triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung: “Giao Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo, kiến nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi Giấy phép số 75/GP-BTNMT ngày 19/1/2017 đã cấp cho Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ đô thực hiện Dự án Công trình hầm lò khai thác mỏ vàng gốc tại xã Yên Na và xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương làm cơ sở thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án theo đúng quy định của pháp luật”.
Ngày 20/12/2021, UBND huyện Tương Dương có Công văn số 1372/UBND-NL về việc đề nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản. Trong đó nêu, từ khi được cấp giấy phép Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ đô “chưa có văn bản nào cũng chưa làm việc với chính quyền địa phương để thực hiện các thủ tục theo quy định”, “không phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện quản lý, bảo vệ khoáng sản trong phạm vi được cấp phép”, “để xảy ra tình trạng các đối tượng khai thác khoáng sản vàng trong phạm vi khu vực được cấp phép”.
Bên cạnh đó, Báo Nghệ An trong thời gian gần đây đăng tải loạt bài 3 kỳ “Dứt điểm rút giấy phép khai thác vàng trên núi Pu Phen”. Nội dung nói lên ý kiến, nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương không đồng thuận việc khai thác vàng, lo lắng mất an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường…, đề nghị thu hồi giấy phép.
Tại Công văn số 7926/STNMT-KS, Sở TN&MT cũng nhắc lại việc Sở đã từng hai lần đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi Giấy phép số 75/GP-BTNMT đã cấp cho Công ty CP XD&TMTH Thủ đô. Lần thứ nhất, tại Công văn số 776/STNMT-KS ngày 20/2/2019; lần thứ hai tại Công văn số 5042/STNMT-KS ngày 5/9/2021.
“Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An kính đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam báo cáo, tham mưu Bộ TN&MT thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản số 75/GP-BTNMT ngày 19/1/2017 theo đúng quy định của pháp luật” – tại Công văn số 7926/STNMT-KS, Sở TN&MT kiến nghị.
Thời gian qua, lần theo thông tin trên Giấy phép số 75/GP-BTNMT ngày 19/1/2017 mà Bộ TN&MT đã cấp cho Công ty CP XD&TMTH Thủ đô, chúng tôi đã tiếp cận được hồ sơ ĐTM của Dự án Công trình hầm lò khai thác mỏ vàng gốc tại xã Yên Na và xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương.
Theo đó, ĐTM của Dự án Công trình hầm lò khai thác mỏ vàng gốc tại xã Yên Na và xã Yên Tĩnh được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2001/QĐ-UBND ngày 22/5/2013. Tại ĐTM, Công ty CP XD&TMTH Thủ đô dự báo việc thực hiện dự án khai thác vàng có khá nhiều những tác động tiêu cực đến môi trường (gia tăng ô nhiễm môi trường không khí; suy giảm chất lượng nước mặt; gia tăng các nguồn chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn sản xuất, nguy cơ xảy ra các loại rủi ro; sự cố môi trường trên khu vực dự án; tạo nên sự mất ổn định về an ninh, trật tự…). Qua đó, đề ra các biện pháp khắc phục, kiểm soát. Đồng thời, cam kết “sẽ thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp giảm thiểu đã đề xuất”; cam kết “tuân thủ các tiêu chuẩn hiện hành về môi trường”.
Vậy nhưng ở tài liệu đính kèm ĐTM, cụ thể là các văn bản tham vấn cộng đồng xã Yên Tĩnh và xã Yên Na, có những dấu hiệu bất thường. Sự bất thường thể hiện ở chỗ, tiếng là tham vấn cộng đồng nhưng không có sự tham gia của các Chi bộ và Ban quản lý thôn bản liên quan; chỉ có tên của vài hộ dân (4 hộ dân ở xã Yên Na, 4 hộ dân ở xã Yên Tĩnh) và một số cán bộ cấp xã. Bên cạnh đó, 4 văn bản của UBND xã Yên Na, UBND xã Yên Tĩnh, Ủy ban MTTQ xã Yên Na, Ủy ban MTTQ xã Yên Tĩnh về việc ý kiến cộng đồng đối với Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đầu tư xây dựng công trình hầm lò khai thác mỏ vàng gốc tại Yên Na – Yên Tĩnh xã Yên Na và xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An” có cùng một nội dung; điểm khác biệt chỉ là tên đơn vị, người ký và con dấu.
Bất thường nhất là thời điểm năm 2012, xã Yên Na cùng xã Yên Tĩnh là 2 địa phương cơ sở “nóng” nhất của huyện Tương Dương về tình trạng khai thác trái phép vàng, chịu nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, tệ nạn xã hội… Vậy nhưng, cả 4 văn bản của UBND xã Yên Na, UBND xã Yên Tĩnh, Ủy ban MTTQ xã Yên Na, Ủy ban MTTQ xã Yên Tĩnh đều có chung ý kiến: “Hoàn toàn ủng hộ việc triển khai xây dựng công trình khai thác mỏ trên địa bàn xã. Dự án sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển về kinh tế – văn hóa – xã hội của xã Yên Tĩnh nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung”.
Bởi vì bất thường, chúng tôi đã nhờ cấp ủy, chính quyền xã Yên Tĩnh xác minh các văn bản trên. Sau ít ngày, lãnh đạo xã Yên Tĩnh thông tin, tại xã Yên Tĩnh không lưu các văn bản này. Kiểm tra văn bản thì nhận thấy thể thức trình bày không đúng theo quy định, không có cán bộ tham mưu ký nháy trình lãnh đạo xã. Đối chiếu văn bản đóng dấu của xã Yên Tĩnh với văn bản đóng dấu của xã Yên Na thì có nội dung y hệt như nhau. Điều này cho thấy những văn bản này là do Công ty CP XD&TMTH Thủ đô soạn sẵn từ trước. Sau đó, họ “nhờ” những người đứng đầu chính quyền và MTTQ xã thời kỳ đó ký tên, đóng dấu.
Đối với biên bản tham vấn cộng đồng xã Yên Tĩnh, lãnh đạo xã Yên Tĩnh cho biết, xác minh 4 người dân có tên trong biên bản thì ở bản Cành Toong và cả xã Yên Tĩnh không có ai tên là Vi Văn Vương. Những người khác có tên (gồm cả cán bộ và người dân) khi được xã hỏi, đã cho biết thời kỳ đó người của Công ty CP XD&TMTH Thủ đô có đến gặp từng cá nhân. Khi gặp, họ hỏi tên tuổi, trao đổi qua loa rồi điền thông tin vào biên bản. Bí thư Đảng ủy xã Yên Tĩnh, ông Quang Văn Đặng trao đổi: “Qua kiểm tra các văn bản, tài liệu, đồng thời qua xác minh thực tế những người có liên quan, chúng tôi nhận định thời điểm năm 2012 Công ty CP XD&TMTH Thủ đô không tổ chức họp để lấy ý kiến cộng đồng và có dấu hiệu làm trái…”.