P.V: Từ lâu, hương ước và quy ước được xem là văn bản pháp chế đầu tiên của một cộng đồng dân cư, vậy thưa ông hương ước, quy ước được xem là hợp lệ và phát huy được giá trị của nó trong việc quản lý dân cư, sẽ phải đáp ứng được những tiêu chí nào?
Ông Hoàng Xuân Lương: Trong đời sống nông thôn Việt Nam truyền thống, cuộc sống của người nông dân gắn bó với nhiều mối quan hệ xã hội chặt chẽ như anh em họ hàng, làng xóm… Họ đã sớm ý thức cần thiết phải có những quy tắc ứng xử rõ ràng, mang tính bắt buộc phải tuân thủ để duy trì một cách bền vững các mối quan hệ trong cộng đồng nhằm cố kết cộng đồng dân cư trong một khu vực. Do đó, hương ước, lệ làng ra đời là minh chứng của xã hội có tổ chức. Cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu nào xác định một cách chính xác thời gian hình thành hương ước, lệ làng ở Việt Nam do đất nước luôn luôn có giặc ngoại xâm, người dân luôn phải chịu nhiều chính sách cai trị hà khắc và đứng trước nguy cơ bị đồng hóa, diệt chủng; sách vở, thư tịch, bia đá của người Việt bị đập phá, tiêu hủy…
Tuy nhiên, tất cả các công trình nghiên cứu đều thống nhất cho rằng hương ước, lệ làng là sản phẩm của làng xã và gắn với sự phát triển của làng xã Việt Nam. Trong một số công trình nghiên cứu đầu tiên về hương ước, các nhà nghiên cứu cho rằng, vào những triều vua cuối cùng của cuối thời Trần đã có những điều kiện cần và đủ cho sự ra đời của những bản lệ làng thành văn (hương ước). Tuy nhiên, hiện nay không có một văn bản nào ở thời điểm này được lưu giữ.
Hương ước, quy ước là các cam kết tự nguyện của một cộng đồng, nên nó có vai trò điều chỉnh các quan hệ xã hội trong cộng đồng ấy và các cộng đồng xung quanh. Hương ước của làng có thể xem như là một hệ thống luật tục, tồn tại song song nhưng không đối lập với pháp luật của quốc gia. Hương ước gắn chặt với đời sống làng xã trên cơ sở kế thừa những mặt tích cực của phong tục tập quán truyền thống nhưng phải phù hợp với pháp luật của Nhà nước; là công cụ chuyển tải của pháp luật đến từng người dân, đồng thời, bổ sung những nội dung mà pháp luật chưa quy định cụ thể phù hợp với điều kiện và đặc thù của làng xã.
Hương ước có giá trị như là một văn bản thể hiện quyền tự quản của một cộng đồng, thể hiện quyền làm chủ của cộng đồng trong vấn đề kinh tế – xã hội, an ninh chính trị, an toàn xã hội và đặc biệt là về văn hóa… của cộng đồng dân cư.
Hương ước hiện nay đang được ban hành và thực hiện tại các thôn bản, xóm, làng có nội dung liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở từng làng trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, bảo vệ quyền lợi cho nhân dân lao động trong làng xã, xóa bỏ hủ tục, đẩy lùi mê tín,… nhằm tạo không khí dân chủ, đoàn kết trong làng xã. Hương ước mới được thực hiện trên cơ sở giáo dục, thuyết phục để mọi người tự giác tuân theo. Xây dựng và hoạt động theo hương ước giúp các trưởng thôn thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước ở cơ sở tạo nên ý thức tự quản cao đến tận từng gia đình, mặt khác đảm bảo không trái với pháp luật. Hương ước mới do các làng tự xây dựng và ràng buộc nhau thực hiện, thường có tên gọi là “quy ước làng văn hóa”.
Để phù hợp với cuộc sống đương đại, Hương ước, quy ước phải đáp ứng các tiêu chí: Tuân thủ luật pháp Nhà nước, các chủ trương, chính sách của địa phương; Không ảnh hưởng đến cuộc sống của các cộng đồng khác, dân tộc khác; Phải tôn trọng nhân phẩm cá nhân, và quyền con người.
P.V: Hương ước, quy ước thường được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận thống nhất của cộng đồng dân cư, phù hợp đạo đức xã hội, kế thừa phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng. Vậy thưa ông, hương ước đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc quản lý dân cư, xây dựng một cộng đồng dân cư đoàn kết, mạnh về phong trào gìn giữ tốt an ninh trật tự?
Ông Hoàng Xuân Lương: Bất cứ đâu người dân cũng phải sống theo hiến pháp và pháp luật nhưng mỗi một nơi người dân phải hành xử theo một nguyên tắc tương đồng và phù hợp với cộng đồng nơi đó. Trong mỗi cộng đồng làng xóm ở mỗi vùng miền đều có những quy định riêng về các hoạt động ma chay cưới hỏi, hoạt động giúp đỡ nhau trong các tổ liên gia khi có đám hiếu, đám hỷ, hoạt động chấp hành giữ gìn vệ sinh môi trường… Đi kèm với đó là quy định thưởng, phạt. Thế nên hương ước thường được thống nhất trong cộng đồng dân cư với vai trò nhằm điều chỉnh quan hệ người với người, hướng dẫn các ứng xử trong quan hệ gia đình, dòng họ, làng bản; điều chỉnh hành vi cá nhân trong bảo vệ rừng, nguồn nước, sông suối, bảo vệ mùa màng, chống dịch bệnh ở người và gia súc; quy định các hành vi bị xử phạt như trộm cắp, nghiện hút, rượu chè bê tha, quan hệ nam nữ bất chính… nhằm giữ đoàn kết cộng đồng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
P.V: Vậy thưa ông một quy ước, hương ước phát huy được tính năng của nó phải đạt được những tiêu chí gì?
Ông Hoàng Xuân Lương: Hương ước không chỉ quy định trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong đời sống thường nhật mà còn khuyên răn mọi người ăn ở hòa thuận theo đúng đạo hiếu gia đình, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, túng quẫn hay gặp công việc lớn trong gia đình, như việc hiếu, việc hỷ. Mỗi người đều có cảm giác về làng là về nhà, là được nương tựa không chỉ về vật chất mà còn là tinh thần. Chỗ dựa vô tư mà vững chắc đó được hun đúc từ đời này qua đời khác, tạo nên truyền thống đoàn kết và cố kết làng xã. Trong mỗi hương ước, quy ước các quy định về nghĩa vụ và quyền lợi của mọi thành viên trong cộng đồng được quy định rất rõ ràng, điều đó giúp cho bộ máy hành chính quản lý làng xã rất gọn nhẹ, nhưng hiệu quả. Mỗi con người dù đi đâu, nhưng khi về đến làng thì đều phải theo lệ làng.
Một hương ước, quy ước phát huy được tính năng, tác dụng thì phải đúng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, đáp ứng được nguyện vọng của đa số thành viên cộng đồng, phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, được bình bàn dân chủ, mọi người cam kết thực hiện.
P.V: Được biết, ông đã và đang nghiên cứu nhiều về các quy ước, hương ước của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông, quy ước và hương ước của đồng bào có ý nghĩa như thế nào trong việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa DTTS, và đặc biệt là gìn giữ an ninh biên giới quốc gia?
Ông Hoàng Xuân Lương: Đồng bào dân tộc thiểu số từ lâu đời đã hình thành các hương ước theo từng làng bản, và được mọi thành viên tự giác thực hiện, những người vi phạm hương ước, quy ước khi bị làng, bản xử phạt đều phải chấp hành, ít có trường hợp chống đối. Hương ước, quy ước vùng dân tộc thiểu số có tác dụng toàn diện như các vùng miền khác, nhưng rõ nhất về bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, thể hiện trên các mặt: Quy định việc qua lại biên giới thăm thân phải xin phép chính quyền và đồn Biên phòng; tôn trọng luật pháp của nước láng giềng; không được mua bán trao đổi hàng quốc cấm như vũ khí, ma túy, buôn bán người; không được chứa chấp người lạ.
P.V: Các quy ước, hương ước của đồng bào thường gắn liền với luật tục. Xét một cách khoa học luật tục là công cụ của một thiết chế chính trị – xã hội cụ thể, vì thế, luật tục có chức năng bảo vệ các hoạt động văn hóa, thậm chí bảo vệ, giữ gìn đến từng nét đặc trưng văn hóa tộc người. Thế nhưng, ở một vài nơi luật tục biến tướng thành hủ tục. Theo ông, để phát huy luật tục, hạn chế hủ tục, chúng ta phải làm gì?
Ông Hoàng Xuân Lương: Trong thực tế, ở các làng, bản con người được đánh giá tốt hay xấu là ở nhân cách của con người đó chứ không phải do của cải, chức vị hay công lao quy định. Người trong cùng bản làng, thậm chí trong phạm vi một bản như người Thái, người Mông… hầu như mọi người đều biết nhau, thường là bà con, họ hàng với nhau, tôn trọng nhau bằng việc ghép mình vào những quy chế, phép tắc hay đạo đức của cộng đồng. Trong môi trường ấy, mỗi người đều có thân phận riêng và những thân phận ấy đều được xác định bởi sự tuân thủ những quy tắc của cộng đồng đặt ra. Vì vậy, để sự tồn tại của mỗi thân phận, người ta phải tự nguyện, tự giác chấp hành những luật tục của làng, bản.
Như vậy, với cơ chế tổ chức của các làng, bản, đặc biệt là văn hóa truyền thống tôn trọng lẫn nhau, “sống ở làng, sang ở nước” đã tạo ra sự điều hòa giữa các thành viên với nhau một cách hợp tình hợp lý. Ở đây, việc thực hiện luật tục đã trở thành ý thức tự thân của mỗi người.
Như chúng ta đã biết cuộc sống là một dòng chảy không ngừng, nên ở dân tộc nào cũng đều có các giá trị bị cuộc sống vượt qua, thế nên chúng ta phải vận động nhân dân đấu tranh từ bỏ các hủ tục. Hiện nay, ở vùng dân tộc thiểu số còn sót lại một số nơi để người chết quá 2 ngày; nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Để khắc phục, đầu tiên phải soát xét, đánh giá lại các giá trị văn hóa truyền thống, liệt kê các hủ tục lạc hậu, tuyên truyền để nhân dân thấy rõ tác hại, từ đó bổ sung vào các hương ước của làng bản, ai không thực hiện phải bị làng bản xử phạt theo hương ước, quy ước.
P.V: Hương ước, quy ước tuy chưa phải là một văn bản quy phạm pháp luật dưới các điều khoản của các bộ luật, nhưng cũng là một hình thức điều chỉnh hành vi cá nhân, nhằm tăng cường tình đoàn kết, cố kết cộng đồng. Vậy theo ông để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của quy ước, hương ước, mỗi đơn vị hành chính cần có những sự vào cuộc cần thiết nào?
Ông Hoàng Xuân Lương: Trước nhất chúng ta đều phải thống nhất rằng, bộ máy hành chính cơ sở cần nhất quán quan điểm phát huy các giá trị của hương ước quy ước. Do đó phải khéo léo kết hợp giữa chính sách, luật pháp của Nhà nước với hương ước, quy ước truyền thống, nhất là những vấn đề mà luật pháp chưa bao quát chi tiết, tỉ mỉ được thì phải chuyển hóa vào hương ước, quy ước. Cần phải nhớ rằng, hương ước chính là cánh tay nối dài hiệu quả của Đảng và Nhà nước trong thực hiện thực thi chính sách pháp luật.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!