Dứt điểm rút Giấy phép khai thác vàng trên núi Pu Phen!

Mong muốn cấp thẩm quyền rút Giấy phép khai thác vàng trên núi Pu Phen được gửi đến đường dây nóng Báo Nghệ An cuối tháng 11/2021. “Đây là nguyện vọng của nhân dân xã Yên Tĩnh. Đừng khơi lại nạn khai thác vàng nữa…”- người đưa tin tha thiết. Liên hệ Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Tương Dương, ông Kha Văn Ót, được xác nhận vào năm 2017, Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp (XD&TMTH) Thủ đô được cấp phép khai thác vàng trên núi Pu Phen. Đối với kiến nghị của cử tri, thì đã có từ vài năm nay. Đặt vấn đề: “Huyện Tương Dương có thể giúp Báo Nghệ An nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân Yên Tĩnh hay không?”. “Sẵn sàng” – ông Kha Văn Ót trả lời.

Ngày 2/12/2021, chúng tôi có chuyến ngược lên Pu Phen. 8h15 sáng, từ thị trấn Hòa Bình vào vùng thủy điện Bản Vẽ, đến trung tâm xã Yên Na rẽ đường 543C lên hướng xã Yên Tĩnh. Đến hơn 9h, xe đến được bản Cành Toong. Ở đây, Bí thư Đảng ủy xã Yên Tĩnh, ông Quang Văn Đặng đã cùng 3 cán bộ chờ sẵn. “Ngay sau bản là khe Chà Hạ, lội sang bên kia là chân núi Pu Phen. Chúng ta chuẩn bị leo núi nhé, khoảng 3 tiếng thôi…” – ông Kha Văn Ót vừa nói, vừa lúi húi tháo bỏ giày chuyển sang đi dép. Nước khe Chà Hạ trong vắt. Nhận xét “Thế này thì chắc Pu Phen không còn vàng tặc”. Bí thư Quang Văn Đặng đáp lời: “Thêm chuyến này là lần thứ 17 tôi lên Pu Phen. Vất vả đấy. Nhưng thế mới yên tâm…”. Với độ cao xấp xỉ 800m, đường lên Pu Phen khá dốc. Có những đoạn dốc đứng, phải bám cây, hoặc dùng gậy làm trụ chống trượt để bước lên. “Năm 2018, tôi dẫn mấy cán bộ Sở TN&MT và Tổng cục Địa chất khoáng sản lên kiểm tra. Được nửa đường, có một ông cán bộ Tổng cục mệt quá ngất xỉu, bỏ cuộc giữa chừng. Mình đi thì mệt nhưng với vàng tặc thì chẳng là gì. Dốc thế này mà họ còn khuân theo cả máy nổ, máy nghiền đá, bàn sàng để làm vàng…” – anh Vi Văn Vọng, chuyên viên Phòng TN&MT huyện kể.

10h30’, đoàn đến được một trang trại khá lớn được rào chắn cẩn thận. Phía trong, có ruộng nước, ao cá, vườn rau và một ngôi nhà sàn. “Hơn nửa đường rồi. Ta ghé nhanh vào đây nhờ nấu cơm trưa rồi đi tiếp…” – Bí thư Quang Văn Đặng nói. Chủ trang trại là một thanh niên, tên là Mộng Đình Thi, người bản Cành Toong. Thi cho biết, lên Pu Phen chăn nuôi, khai hoang làm ruộng từ cuối năm 2018. Hỏi: “Dịp này có còn người lên núi làm vàng nữa không?”. “Núi yên cũng khá lâu rồi. Bây giờ chỉ có dân Yên Tĩnh lên khai hoang làm ruộng, nuôi thả trâu bò thôi…” – Thi đáp. Từ trang trại, thấy rõ ngọn Pu Phen xanh thẳm. Hỏi lên Pu Phen còn bao xa, Thi nói: “Còn một quăng dao nữa. Đi nhanh thì 30 phút, chậm thì một tiếng nữa là đến được…”.

Đúng 11h30’ chúng tôi đến khu vực đỉnh Pu Phen. Đây là vùng giáp ranh 3 xã Yên Tĩnh, Yên Na và Yên Hòa. Phó Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh Kha Văn Bay cho biết “Toàn vùng này có 27 – 28 hầm vàng. Địa phận Yên Tĩnh có 11 hầm. Có hầm chỉ sâu khoảng 30m. Nhưng có hầm xuyên sâu trong lòng núi đến 800 m…”. Kha Văn Bay sinh năm 1985, từng nhiều năm làm Trưởng Công an xã nên vùng chiến địa vàng tặc này anh thuộc như lòng bàn tay. Anh dẫn mọi người đến những vị trí vàng tặc từng dựng lều lán, đào hố chứa nước và khai thác vàng. Đến một hầm vàng lớn trông như một hang núi, cửa vào cao đến 3m, rộng khoảng 2,5m, Bay rủ: “Anh vào xem cho biết”. Cửa hầm lởm chởm đá núi, phía trong hun hút tối. Thực sự ngần ngại. Nhưng thấy Bay bật đèn pin của chiếc điện thoại rồi thoăn thoắt đi vào nên chúng tôi cũng bám theo.

Xem vách hầm, thấy cấu tạo của núi Pu Phen là triệu triệu những lớp đá mỏng xếp thành lớp, thành vỉa chồng lên nhau. Chính vì vậy, hang sâu như không đáy nhưng vàng tặc không hề dựng cột chống sập. Vào sâu chừng 70 – 80m, lòng hang tối như bưng, không khí cô đặc gây cảm giác ngạt thở, ánh đèn điện thoại chỉ còn thấy loang loáng, bé như hạt đậu. Nhắc Bay trở ra, rồi hỏi: “Trong này thiếu không khí. Làm sao người ta có thể ở lâu để khai thác?”. Bay cho hay, thứ vàng tặc nhất thiết phải đưa lên núi là máy phát điện, xăng dầu. Có máy nổ mới chạy máy nghiền, máy sàng và đưa ánh sáng, quạt gió tạo không khí trong lòng hang…

Tranh thủ khoảng thời gian nghỉ sau khi ra khỏi hầm vàng, chúng tôi gợi ý các cán bộ xã Yên Tĩnh kể về thời Pu Phen là “thủ phủ” vàng tặc. Phó Chủ tịch UBND xã Kha Văn Bay trầm ngâm: “Nhìn Pu Phen bây giờ, khó ai hình dung được về thời gian trước. Thời đó, vàng tặc rầm rộ, gây ra bao nhiêu tác hại cho dân, cho bản…”.

Khoảng năm 2007 – 2008, Công ty CP XD&TMTH Thủ đô được Nhà nước cho phép lên Pu Phen thăm dò khoáng sản vàng. Nhưng trên thực tế, khi họ lên Pu Phen thì có các tổ nhóm khai thác vào theo. Vào Yên Tĩnh nhận nhiệm vụ Trưởng Công an xã năm 2011, chuyện đầu tiên Kha Văn Bay được nghe kể là vụ việc xảy ra hồi năm 2008. Thời kỳ đó, khi thấy doanh nghiệp chỉ được phép thăm dò nhưng kéo theo các tổ nhóm khai thác vàng gây nhiều hệ lụy nên người dân Yên Tĩnh rất bức xúc. Vì vậy, họ đã kéo lên núi Pu Phen ngăn cản, không cho khai thác. Thế nhưng, người ta báo với huyện là cán bộ xã để dân lên núi phá lán, phá máy của doanh nghiệp. Huyện sau đó đã về làm việc, kiểm điểm một số cán bộ bản, cán bộ xã. Ngay cả Bí thư Đảng ủy xã Yên Tĩnh cũng bị kỷ luật.

Ở thời điểm năm 2011, toàn xã Yên Tĩnh có đến hơn 100 người nghiện ma túy. Môi trường ô nhiễm nặng nề. Lý do bởi trong quá trình tuyển vàng, các loại bùn thải trộn lẫn hóa chất độc hại như thủy ngân tràn xuống các con khe. Ở Yên Tĩnh, nước khe Phèn, khe Chà Hạ luôn tình trạng đục ngầu bùn đất. Ô nhiễm đến mức khe Chà Hạ lớn là vậy mà chẳng con cá, con tôm nào sống nổi. Rồi tệ nạn xã hội, mất an ninh trật tự bùng phát; người dân bỏ bê ruộng đồng, vợ chồng ly tán… “Khi có các tổ nhóm làm vàng trên núi Pu Phen, phụ nữ Yên Tĩnh thường mang vác đồ cho họ để lấy tiền. Cứ chuyển lên 10kg sẽ được trả 150 – 200 nghìn đồng. Phần lớn dân làm vàng là người Thái Nguyên, có một số ít là người từ Quỳ Hợp sang. Người ngoài Bắc khéo nói đêm họ kéo xuống quán thì điện thoại rủ uống rượu, hát karaoke. Từ đó, nhiều cặp vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, ly hôn. Chồng sa vào tệ nghiện ngập rượu chè, hút xách; vợ thì theo trai, bỏ bê gia đình…” – Kha Văn Bay kể.

Tình trạng khai thác trái phép trên Pu Phen rộ lên đến khoảng năm 2013, sau đó cứ âm ỉ kéo dài đến hết năm 2019. Chỉ đến khi huyện huy động các lực lượng tổng lực liên tục truy quét, giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền 3 xã Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Hòa luân phiên cử người canh gác thì tình trạng khai thác vàng trên Pu Phen mới cơ bản được triệt tiêu. Trong khoảng thời gian này, huyện Tương Dương và 3 xã tốn rất nhiều công sức. Có những lần đích thân Bí thư Huyện ủy cũng phải trực tiếp lên núi chỉ đạo các lực lượng quân sự, công an truy quét vàng tặc. Mỗi lần truy quét như vậy, kéo dài từ 2 – 3 ngày. Lần nào lên cũng phá được máy, lán, cắt đường ống dẫn nước. Vậy nhưng chỉ vài hôm lại nhận được tin Pu Phen đã có tổ nhóm làm vàng trở lại. Sau này mới phát hiện ra ở trên núi vàng tặc có hẳn các kho cất giấu công cụ và lương thực dự trữ. Khi biết có đoàn truy quét lên núi, họ bỏ chạy vào rừng để tránh; đoàn trở xuống, họ quay lại mở “kho” dự trữ tiếp tục khai thác vàng…

Từng là Trưởng phòng TN&MT, Phó Chủ tịch UBND huyện, đã nhiều lần tham gia đánh vàng tặc nên Phó Chủ tịch HĐND huyện Kha Văn Ót xác nhận những nội dung Kha Văn Bay thuật lại. Ông nói: “Vì đường lên quá khó, trên này lại không có sóng điện thoại nên rất khó truy quét vàng tặc Pu Phen. Hễ đoàn đến bản Cành Toong là chúng được báo tin để có đủ thời gian lấp cửa hầm, chôn máy móc, lương thực, xăng dầu…, di chuyển vào rừng tránh truy quét. Anh em phải dùng thuổng xăm từng m² đất để tìm nơi cất giấu máy móc, xăng dầu, lương thực để phá hủy, đốt bỏ. Có lần, đoàn xăm được một hầm lớn. Khi phá bung ra, trong đó như một kho quân nhu…”.

Theo những cán bộ cùng đi, Công ty CP XD&TMTH Thủ đô được cấp phép khai thác trong diện tích 126,7ha. Trong đó, thuộc địa bàn Yên Tĩnh khoảng 80%, phần còn lại thuộc Yên Na. Khu vực trang trại của Mộng Đình Thi cùng trong phạm vi khai thác của công ty này. Hỏi Thi có biết gì về công ty này không? Có đồng tình để công ty khai thác vàng nơi này không? Thi trả lời: “Em chưa nghe nói gì về việc Công ty Thủ đô được phép khai thác vàng ở Pu Phen. Nếu được hỏi, câu trả lời của em là không!”.

Trở lại bản Cành Toong, chúng tôi được nghe nguyên Bí thư Chi bộ, thương binh 3/4 Lương Tiến An kể lại chuyện hồi năm 2008. Thời đó, nhân dân Yên Tĩnh rất bức xúc vì họ biết công ty chỉ được cho phép thăm dò nhưng lại để cho nhiều tổ nhóm khai thác vàng, dẫn đến nhân dân bị mất nguồn nước, môi trường bị ô nhiễm. Từ bức xúc, mới dẫn đến việc người dân lên núi ngăn không cho khai thác. Thế rồi, xã và bản lại bị huyện kiểm điểm. “Chi bộ Cành Toong bị kỷ luật cảnh cáo. Bản thân tôi và đồng chí Trưởng bản bị khiển trách. Còn bà Lợi, là Bí thư Đảng ủy xã Yên Tĩnh thì bị kỷ luật cách chức. Chúng tôi và nhân dân đều rất buồn vì sự việc này…” – người thương binh có 50 tuổi Đảng này trao đổi. Hỏi ông: Nếu bây giờ Công ty CP XD&TMTH Thủ đô trở lại lấy ý kiến nhân dân để khai thác vàng, bản thân ông có ý kiến gì? “Khai thác vàng đã gây ra bao nhiêu chuyện buồn cho Yên Tĩnh. Thế nên, nếu được hỏi tôi trả lời là không đồng ý. Nếu Công ty Thủ đô lấy ý kiến thì tôi càng không đồng ý…” – thương binh Lương Tiến An trả lời dứt khoát.

Trước khi chúng tôi rời Yên Tĩnh, Bí thư Đảng ủy Quang Văn Đặng trao đổi: Từ thực tế ở Tương Dương nhiều năm qua cho thấy việc khai thác vàng hiệu quả ít, nhưng có quá nhiều hệ lụy. Riêng với địa phương Yên Tĩnh, cán bộ và nhân dân hiểu quá rõ vấn đề này. Nếu hỏi nhân dân, tôi tin 100% đều không đồng ý, chứ đừng nói đến Ban Chấp hành Đảng bộ xã. Đã mấy năm nay, người dân Yên Tĩnh yên tâm tập trung sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế, đừng khơi lại trong họ những gì liên quan đến vàng. Yên Tĩnh cần được yên tĩnh…


(Còn nữa)