Cô giáo Lê Thị Hạnh – giáo viên Trường PT DTBT THCS Na Loi (Kỳ Sơn) là 1 trong 2 giáo viên Nghệ An được tôn vinh là Giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2021. Đây cũng là món quà xứng đáng cho một giáo viên tận tụy với nghề, với học trò vùng sâu, vùng biên ải của đất nước. Hành trình để có ngày hôm nay có khó khăn, có nhọc nhằn nhưng cũng lắm vinh quang và hạnh phúc.
Đến bây giờ đường vào Na Loi vẫn muôn vàn khó khăn và nếu như gặp trời mưa, phải qua những đoạn đường đất đá lởm chởm, một bên là vách núi, một bên là những cung đường nhiều vực sâu ắt không phải ai cũng đủ kiên trì để vượt quãng đường gần 70km từ thị trấn Mường Xén để vào trung tâm xã. Mùa này, đường vào Na Loi ngập trong sắc vàng của hoa dã quỳ. Thế nhưng, cũng thật khó để có một lần hẹn thứ 2 nếu hồi tưởng đến tuyến đường đã qua…
Gần 20 năm trước, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Chính trị – Trường Đại học Vinh, cô giáo Lê Thị Hạnh nhận được quyết định lên công tác tại huyện Kỳ Sơn. Trong ký ức của chị ngày đó, Kỳ Sơn là một vùng đất rất xa vời mà một cô gái lớn lên ở vùng lũ Hưng Nguyên chưa từng mường tượng được. Có lẽ cũng chính vì thế nên ngày đầu mới lên Kỳ Sơn rồi lại được phân công vào dạy môn Giáo dục công dân ở xã Na Loi, chị vẫn mang theo hăm hở của một sinh viên vừa ra trường. Phải đến khi vắt vẻo trên chiếc xe lai hiệu Min khơ và vật lộn từ sáng sớm đến chiều tối vẫn chưa vào đến trường thì chị mới bắt đầu hoài nghi về quyết định của mình.
Kể thêm về điều này, chị nhớ lại: Chặng đường tưởng ngắn nhưng vì đường quá khó đi nên tôi và người lái xe phải vừa đi, vừa đẩy, có đoạn còn phải thuê người khiêng xe máy qua những đoạn sạt lầy. Tôi đi mãi, đi mãi, thậm chí đi đến đoạn đầu bản, anh xe ôm động viên gần đến rồi mà vẫn còn đi khoảng 3 tiếng nữa mới thấy trường. Quá nhọc nhằn, lúc đó tôi đã đứng giữa đường rồi khóc òa và đòi quay lại…
Đến lúc này, cô giáo Lê Thị Hạnh vẫn nghĩ rằng, quyết định “bỏ trường” không phải là đột ngột mà chính xuất phát từ thực tế quá gian khổ. Nhưng rồi, chỉ một câu nói của người lái xe ôm đã làm chị thay đổi suy nghĩ của mình “cô về rồi thì còn ai dám quay lại nữa. Học sinh ở trong đó khổ lắm”… Đã gần 20 năm trôi qua, càng ở lâu với học trò Na Loi, cô giáo Hạnh lại càng thấm thía điều đó.
Mà quả thực Na Loi khổ thật. Cho đến bây giờ vẫn khổ. Thế nhưng, giờ đây Trường PT DTBT Nghệ An Na Loi đã có “hình hài”, trường ra trường, lớp ra lớp có nhà 2 tầng, có dãy nhà ở ký túc xá cho học trò. Tuy nhiên, những năm 97 – 98, Trường PTCS Na Loi (gồm tiểu học và THCS) chỉ có lụp xụp mấy gian nhà tranh, lớp học chỉ có vách đất, không có bàn, có ghế mà chỉ có mấy tấm ván đóng tạm làm bàn, ghế ngồi cho học sinh là những nan tre được bà con đan vội. Ngày chị mới vào trường, giáo viên thiếu nên dù là giáo viên môn Giáo dục công dân nhưng ngoài chuyên môn chính, cô giáo Hạnh còn đứng lớp cả môn Hoá, môn Toán… Chia sẻ về điều “kỳ lạ” này, cô Hạnh nói thêm: Không chỉ tôi mà nhiều đồng nghiệp khác cũng kiêm nhiệm nhiều “vai” như vậy. May mắn là tôi vốn trước đây là học sinh thiên về tự nhiên, từng thi đậu ngành Toán – Lý của Trường Cao đẳng Sư phạm nên vẫn đủ kiến thức để dạy học trò.
Vượt qua được chuyên môn, cô giáo Hạnh lại phải đối diện với những tháng ngày dài dằng dặc nhớ nhà, lo cho bố, cho các em ở quê. Ngày đó, hoàn cảnh gia đình chị cũng rất khó khăn, mẹ mất sớm nên chị buộc phải bỏ năm đầu tiên học cao đẳng, đi làm để kiếm tiền. Sau này, cũng vì điều kiện riêng nên thay vì xin vào một trường cấp III theo đúng chuyên môn, chị quyết định về dạy cấp II bởi chị muốn sớm có tiền lo cho gia đình ở quê nhà. Năm đầu tiên đi học, để tiết kiệm tiền, chị đi “đằng đẵng” hết học kỳ I không về nhà vì tiền xe lai quá đắt, chiếm gần 1/3 tháng lương của giáo viên hợp đồng. Trong những đêm xa nhà, một mình giữa miền sương lạnh, xung quanh chỉ gió rít và tiếng côn trùng, cô giáo Hạnh không biết mình đã khóc một mình bao nhiều lần. Chị cũng đã nghĩ nếu ở lại Na Loi lâu dài, cứ vò võ ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này thì cuộc đời chị sẽ đi đâu, về đâu. Câu hỏi, một thời gian dài không có lời giải đáp.
Tại Trường PT DTBT THCS Na Loi trong gần 2 thập kỷ qua, đã có không ít giáo viên cũng từng đặt câu hỏi và không phải ai cũng kiên trì “bám bản, bám trường” như cô giáo Hạnh. Quãng thời gian gắn bó với học trò Na Loi, hạnh phúc đủ đầy nhất của chị chính là 5 năm đầu tiên khi chị mới lập gia đình. Chồng của chị cũng là một chiến sỹ biên phòng đóng quân trên cùng địa bàn, hai người quen nhau từ khi chị còn học đại học. Những năm đầu tiên khi con trai còn nhỏ, gia đình chị sống trong một căn nhà tạm gần trường và gần đồn. Đến khi con bắt đầu vào tiểu học thì chị gửi con về với ông bà nội tại huyện Đô Lương. Mới đó, mà con trai chị nay đã 18 tuổi, chuẩn bị vào đại học và bố mẹ chồng chị cũng đã gần 80, sức khoẻ đã bắt đầu giảm sút.
Gửi con về quê có lẽ cũng là quyết định khó khăn nhất của vợ chồng chị, nhất là khi cả hai anh chị chỉ có một người con trai duy nhất. Nhưng rồi khi đó nghĩ về tuyến đường từ Đô Lương lên Mường Xén rồi vào Na Loi, anh chị buộc phải lựa chọn giải pháp an toàn. Tâm sự thêm về điều này, chị cho biết: “Chúng tôi 3 người ngồi trên một chiếc xe máy. Có những đoạn sạt lở, nước chảy dồn dập, không biết xe trôi lúc nào. Lúc ấy, chồng tôi cứ bảo, em ôm chặt con, rồi tay anh vừa đẩy xe máy, vừa giữ chặt lấy hai chúng tôi. Không biết sống chết ra sao…”. Sau khi con chuyển về xuôi, chồng cô giáo Lê Thị Hạnh cũng chuyển công tác về đơn vị khác.
Xa chồng, xa con… để quên đi nỗi trống trải hai anh chị nhường căn nhà của mình cho một đồng nghiệp khác ở đồn biên phòng. Riêng cô Hạnh, xin chuyển về ở tạm trong căn nhà gỗ ở dãy nhà công vụ cho giáo viên, đối diện với cổng trường. Ngót ngét hơn 10 năm, gia đình cô Hạnh chỉ có 3 thành viên nhưng mỗi người ở mỗi nơi. Trong những năm phải xa con, điều cô Hạnh thấy day dứt nhất là không được ở cạnh con, không được chăm sóc con mỗi ngày. Thậm chí, một ước mơ nhỏ nhoi là cùng con dự lễ khai giảng, đi họp phụ huynh cho con chị cũng không thực hiện được…
Cũng vì phải xa con nên chị gói gém tình thương cho con vào học trò, cho những cậu bé, cô bé người Khơ mú, người Mông, người Thái đang ở bán trú tại trường. Chị cũng xem học trò chính là những người con thứ hai của mình và là một người mẹ, chị không những mong con chăm ngoan mà còn phải học tốt, thành người có ích cho xã hội.
Học trò cũng là động lực hết sức quan trọng giữ chân cô giáo Hạnh với vùng đất Na Loi còn muôn vàn khó khăn này. Vì thế, dù chỉ là một giáo viên dạy môn Giáo dục công dân – vốn được xem là môn phụ – nhưng cô giáo Hạnh chưa bao giờ lơ là việc chuyên môn. Ngược lại, chị xem đây là cơ hội để mình vừa có thể dạy chữ, vừa có thể dạy người. Cô giáo Lê Thị Hạnh cũng là một trong những giáo viên đầu tiên của trường Na Loi đạt danh hiệu Giáo viên giỏi tỉnh. Qua nhiều năm đứng lớp, cô Hạnh cũng nói thêm: Môn Giáo dục công dân không có nhiều tiết nhưng tôi luôn cố gắng làm mới bài giảng bằng chính những câu chuyện, những vấn đề diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Sau những ví dụ đó, tôi rút ra những bài học để các em có thể hiểu và áp dụng được vào trong thực tế”.
Từ những bài giảng phong phú, đầy tính hấp dẫn của cô giáo Hạnh, học trò ngày càng yêu hơn môn Giáo dục công dân và đó cũng là cơ sở để chị thành lập đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi. 19 năm qua, cô Hạnh không còn nhớ có bao nhiêu học sinh giỏi huyện bởi “dường như năm nào cũng có”. Nhưng để có thành tích 4 Học sinh giỏi tỉnh, trong đó có một giải Ba thì thực không dễ dàng với một ngôi trường nằm ở vùng đặc biệt khó khăn này: Học trò tham dự đội tuyển môn Giáo dục công dân, chủ yếu chỉ có học lực trung bình khá. Để phụ đạo cho các em, ngoài dạy kiến thức tôi còn phải dạy chữ, uốn nắn cho các em từng ly từng tý. Những ngày các em vào phòng thi, tôi lo lắng, nhiều đêm không ngủ được.
Với những nỗ lực của cô giáo Lê Thị Hạnh, chị cũng ngày càng được đồng nghiệp và bà con dân bản tin yêu. Vì thế, hiện nay, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cô giáo Hạnh còn là giáo viên cốt cán, thường xuyên làm nhiệm vụ bồi dưỡng cho giáo viên trong huyện. Ở trường, với vai trò là Phó Bí thư Chi bộ, chị kết nối với chính quyền địa phương để làm tốt công tác vận động học sinh đến trường, tuyên truyền để bà con hiểu được lợi ích của việc đi học để có cái chữ, có kiến thức.
Đến Na Loi bây giờ, cô giáo Hạnh cũng đã được bà con dân bản gọi là con gái, là người thân trong gia đình. Còn cô giáo Hạnh cũng đã xem đây là quê hương thứ 2 và giờ nếu có cơ hội được về nơi thuận lợi hơn, có lẽ chị sẽ trăn trở, sẽ suy nghĩ vì không muốn xa học trò, xa vùng đất khó khăn này. Cô giáo vừa vinh dự được vinh danh là nữ Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc cũng nói rằng: Danh hiệu là động lực để tôi tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Thế nhưng, danh hiệu lớn nhất của tôi sau gần 20 năm gắn bó với nghề chính là tình cảm và sự tin yêu của học sinh, của bà con Na Loi và của bạn bè đồng nghiệp dành cho mình… Tôi biết ơn vì điều đó.
Trần Đinh
Chúc mừng cô giáo Hạnh! Rất khâm phục năng lực nghề giáo và đặc biệt là tâm đức trồng người của chị! Một mùa hiến chương 20.11 thật ấm áp hạnh phúc nhé chị Hạnh!