Hiện đang giữa mùa Thu, thời tiết hanh hao, có khi se se lạnh. Phía trước, cái rét mùa Đông đang đón chờ. Mùa nào thức ấy, bao đời sống giữa thiên nhiên khắc nghiệt, người dân Nghệ An đã lựa chọn những món ăn đặc trưng theo mùa, phù hợp với điều kiện thời tiết. Để khắc chế thời tiết giá lạnh và tiếp thêm nguồn năng lượng, những món nướng luôn được lựa chọn hàng đầu.
Mùa Thu – Đông, đến với Nghệ An, du khách thường lựa chọn các điểm đến ở các huyện miền núi – vùng cao. Bởi lẽ, thời điểm này nhịp sống bản làng đang dần lắng lại, du khách có nhiều cơ hội để trải nghiệm đời sống văn hóa của đồng bào Thái, Mông và Khơ mú. Được thưởng thức những món đặc sản mang đậm hương sắc núi rừng.
Lên với đồng bào vùng cao mùa này, chắc hẳn khách sẽ được nếm vị thơm ngon của những món ăn truyền thống. Mùa rẫy vừa xong, những hạt nếp dẻo thơm được xay, giã để hông xôi, cơm lam và các loại bánh đãi khách. Nếp nương trắng ngần được nhuộm lá cây rừng thành màu tím, vàng, xanh, đỏ. Xôi ngũ sắc thể hiện sự tinh tế và khéo léo của người phụ nữ vùng cao. Không chỉ thơm, ngon, quyến rũ bằng vị giác và khứu giác mà còn hấp dẫn cả thị giá, thể hiện quan niệm nhân sinh và sắc màu cuộc sống.
Cùng xôi ngũ sắc, nếp nương còn được bà con chế biến cơm lam, bánh chưng và bánh sừng trâu, sừng bò. Những thức bánh này ăn cùng món thịt lợn nướng, gà nướng, bò giàng, cá giàng tưởng chừng như trên đời này sẽ không có món nào ngon hơn. Người vùng cao có lợn đen và gà đen là sản vật đặc trưng, thịt săn chắc và ngon có tiếng, được nướng bên bếp than hồng rực, vị thơm theo làn gió lan tỏa khắp không gian như gọi mời, níu giữ.
Cuối năm cũng là mùa đồng bào Mông thu hoạch khoai sọ. Sản vật này được trồng trên những dãy núi cao, quanh năm ủ kín trong làn sương mây và đất đai màu mỡ nên mang hương vị đặc biệt, khác hẳn với thứ khoai được trồng ở miền xuôi. Khoai sọ thường được hầm với xương lợn, xương bò thành món canh đặc biệt, là món khoái khẩu của người vùng cao trong mùa giá lạnh.
Để được thưởng thức các loại sản vật vùng cao, du khách hãy ghé thăm những điểm du lịch cộng đồng như bản Khe Rạn, xã Bồng Khê; bản Nưa, xã Yên Khê, bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông); bản Quang Phúc, xã Tam Đình (Tương Dương), nơi có cánh rừng săng lẻ nguyên sinh đẹp nhất Đông Dương và đang được đầu tư xây dựng thành điểm dừng chân lý tưởng. Ở tuyến đường 48 du khách có thể ghé chân bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu) hay bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch (Quế Phong) để trải nghiệm văn hóa ẩm thực vùng cao xứ Nghệ.
Rời vùng cao, xuống đồng bằng – trung du xứ Nghệ mùa này du khách sẽ hài lòng với những món ăn được chế biến từ lươn. Lươn là món ăn dân dã chốn đồng quê, có mặt ở nhiều nơi trên mọi miền đất nước nhưng trở thành đặc sản bởi những đầu bếp xứ Nghệ. Hay nói cách khác, bí quyết truyền đời của người dân xứ Nghệ đã đưa các món lươn trở thành đặc sản.
Lươn có thể chế biến thành hàng chục món khác nhau, phổ biến nhất là cháo lươn, xúp lươn và miến lươn. Quy trình và nguyên liệu, gia vị chế biến có khác nhau ít nhiều nhưng các món ăn từ lươn có chung hương vị cay, thơm, ngọt mềm và nồng ấm. Vị cay nồng rất hợp với mùa heo may, giá lạnh, tiếp thêm năng lượng và góp phần xua tan khí lạnh của đất trời.
Hãy thử hình dung, sau hành trình mỏi mệt, du khách dừng chân một quán bên đường gọi bát cháo lươn. Bát cháo nóng hổi được đưa ra, hơi nóng tỏa thơm lừng. Khách ngồi thưởng thức một cách say sưa, bát cháo lươn hết lúc nào không hay. Vị cay, thơm nồng và béo bùi như thấm vào từng thớ thịt, cái mệt mỏi vì đường xa tan biến, cái lạnh giá cũng bị xua tan.
Cháo lươn, xúp lươn và miến lươn được bán khá nhiều ở các quán ăn ở các huyện Yên Thành, Đô Lương, Thanh Chương, Diễn Châu, Hưng Nguyên… Và ngay ở TP. Vinh cũng có những quán cháo lươn nổi tiếng, từ lâu cháo lươn thành Vinh đã khẳng định được thương hiệu. Không ít người trên hành trình vào Nam, ra Bắc đã ghé chân xứ Nghệ thưởng thức món cháo lươn thành Vinh.
Về miền đồng bằng, Trung du Nghệ An mùa này, bên cạnh các món ăn được chế biến từ lươn, du khách còn được thưởng thức những món ngon được truyền lại từ bao đời. Có thể kể đến cá bống kho – món ăn “tốn cơm” trong những ngày trời lạnh. Cá bống là loài cá nhỏ, được chài từ sông Lam, mua về xử lý sạch sẽ rồi đem kho.
Có nhiều cách kho để món cá bống thực sự thơm ngon, đậm đà hương vị, tùy thuộc vào gia vị chủ đạo. Bao gồm: kho tiêu, kho nghệ, kho tộ, kho gừng, kho tương, kho riềng, kho thịt ba chỉ… Dù chế biến bằng cách nào cũng có vị cay, nóng và mặn mòi, rất hợp với những ngày giá lạnh. Món cá bống kho này du khách có thể dễ dàng tìm được ở những quán ăn đặc sản ở các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Hưng Nguyên…
Ngoài ra, có thể kể thêm đặc sản giò bê Nam Đàn, món ăn được nhiều người ưa thích và lựa chọn. Nguyên liệu chính là giò bê nguyên tảng (không xay nhuyễn) ướp các loại gia vị nước mắm, hạt tiêu, trứng gà… rồi cuộn tròn, gói lại thành giò và hấp trong nồi gang đun sôi khoảng nửa ngày. Cách chế biến này giúp món giò bê giữ được vị thơm của thịt bê và hương thơm của các loại gia vị và cất trữ được lâu ngày.
Những tháng cuối năm, thời tiết không còn thích hợp cho việc tắm biển hay phơi mình giữa bãi cát nhưng không có nghĩa là miền biển mùa này không có đặc sản hấp dẫn. Có dịp về những vùng quê ven biển Nghệ An như thị xã Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Hoàng Mai thưởng thức mực hấp và ghẹ hấp kể cũng thú vị. Mực, ghẹ còn tươi sống, hấp cùng các loại gia vị, khách vừa thưởng thức, vừa xuýt xoa, vị thơm ngon thấm dần và lan tỏa.
Đặc biệt, về miền biển Nghệ An mùa này, hầu như du khách gần xa đều tìm mua cá thu nướng. Cá thu còn tươi sống được xắt thành từng miếng mỏng rồi sắp thành từng vỉ. Những vỉ cá được đặt trên than hồng, người nướng cá tỉ mẩn ngồi quạt cho nguồn nhiệt thấm dần vào từng lớp để cá chín đều và thơm ngon. Cá thu nướng dùng nhâm nhi với bia, rượu và ăn với cơm, thưởng thức bằng cách nào cũng đầy sức hấp dẫn…