Khi nói đến 20 năm đầu của thế kỷ XX (1900 -1920) có hai sự kiện không thể quên: Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914 – 1918) và Cách mạng tháng Mười Nga 7/11/1917. 30 năm tiếp theo (1920 – 1950), cuộc Đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu 1929 -1933 và cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939 – 1945) là hai sự kiện nổi bật nhất. Trong nửa sau của thế kỷ XX (1950 – 2000), có hai sự kiện chi phối tiến trình phát triển của thế giới: Cuộc chiến tranh lạnh – đối đầu Mỹ – Xô (1950 – 1991) và sự tan rã của Liên Xô và sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa hiện thực tháng 12/1991.
Mỗi giai đoạn có một số sự kiện nổi bật tạc vào lịch sử thế giới những dấu ấn tiêu biểu cho trạng thái xã hội loài người.
Sau này, chúng ta và con cháu chúng ta sẽ nhớ đến những sự kiện gì nổi bật trong 20 năm đầu thế kỷ XXI kể từ vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ (11/9/2001 – 11/9/2021)?
Tùy theo cách tiếp cận và quan điểm chính trị của người nghiên cứu, sẽ có nhiều cách lựa chọn khác nhau về các sự kiện nổi bật tiêu biểu cho giai đoạn 11/9/2001 – 11/9/2021. Xét trên mọi phương diện, có 5 sự kiện tạo nên diện mạo lịch sử thế giới giai đoạn 11/9/2001 – 11/9/2021:
Cách đây hơn 200 năm, Napoleon đã tiên đoán: Trung Quốc ư? Nó là một con sư tử đang ngủ say. Chớ đánh thức nó dậy vì nó mà tỉnh dậy sẽ rung chuyển cả thế giới.
Các con số sẽ có sức thuyết phục hơn mọi lời bình luận và xin dẫn ra một vài thông tin: GDP bình quân đầu người của Trung Quốc: 1949: 27 USD; 1978: 190 USD; 2020: 10.000 USD; Từ 1949 đến 2020, 71 năm tăng 370 lần. Từ 1978 đến 2020, 42 năm tăng 52 lần. GDP của Trung Quốc: 1978: 200 tỷ USD; 2020: 14.500 tỷ USD, 42 năm tăng 70 lần. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc: 1970: 39.000 USD; 2012: 4.000 tỷ USD (nay khoảng 3.000 tỷ USD).
Trong 500 tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc có 124, Mỹ có 121.Trên thế giới có 10 cảng container hoạt động tấp nập nhất thế giới, 6 cảng ở Trung Quốc. 3/5 tập đoàn lớn nhất thế giới là của Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của 64 quốc gia, Mỹ chỉ 38 quốc gia.
Trung Quốc đã chi hàng trăm tỷ USD (có tin là gần 1.000 tỷ USD) để mua chuộc gần một trăm quốc gia châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ La-tinh, châu Đại Dương tham gia siêu chiến lược “Vành đai và Con đường”. Thông qua hợp tác kinh tế với hơn một trăm quốc gia khắp 5 châu lục, trong đó có một số quốc gia là đồng minh của Mỹ (Italia, Hy Lạp, Ba lan, Tây Ban Nha, New Zeland…) để hình thành một tập hợp lực lượng rộng rãi đối phó, đối đầu với Mỹ.
Về khoa học và công nghệ, Trung Quốc thành công trong việc đưa người vào vũ trụ và tham gia câu lạc bộ chinh phục vũ trụ với Nga và Mỹ.
Trung Quốc đã tự đóng được tàu sân bay và có đủ vũ khí hạt nhân và các loại tên lửa, nhất là tên lửa hành trình liên lục địa đủ sức răn đe Mỹ.
Các học giả Mỹ và Pháp đã cảnh báo: “Quân khủng bố không có khả năng làm đảo lộn trật tự thế giới. Tham vọng từ phía Trung Quốc nghiêm trọng và hủy diệt trật tự thế giới”(1), và “Tất cả những mối đe dọa đối với nước Mỹ đều xuất phát từ sự trỗi dậy của Trung Quốc”(2).
Để đối phó với Trung Quốc, năm 2010, chính quyền Obama đã có chiến lược “Xoay trục sang châu Á”. Từ 1949 đến 2010, 60% lực lượng vũ trang và vũ khí hiện đại của Mỹ bố trí ở châu Âu – Đại Tây Dương. Từ 2011, Mỹ sẽ bố trí 60% lực lượng ở châu Á – Thái Bình Dương (để đối phó với Trung Quốc), 40% ở châu Âu – Đại Tây Dương.
Chính quyền Trump mở rộng “xoay trục sang châu Á” của Obama thành chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và hình thành một tập hợp lực lượng “Bộ Tứ” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia để đối phó với Trung Quốc.
Napoleon đã tiên đoán đúng: Con sư tử Trung Quốc trỗi dậy đã làm rung chuyển thế giới về kinh tế, chính tri, an ninh, quốc phòng và đối ngoại, và từ nay đến khoảng giữa thế kỷ XXI cả thế giới sẽ bị cuốn hút vào trục quan hệ Mỹ – Trung. Do đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc là điểm nổi bật nhất của thế giới trong giai đoạn 11/9/2001 – 11/9/2021.
Trong khoảng 3.000 năm trở lại, loài người đã chịu nhiều thảm họa do các loại đại dịch gây ra. Thời trung cổ, thế kỷ V trước Công nguyên, đại dịch làm cho đế quốc La Mã sụp đổ.Cũng trong thời trung cổ, đại dịch đã làm thay đổi hoàn toàn Vương quốc Anh.
Năm 1342 – 1349, đại dịch – Tử thần Hắc ám bắt nguồn từ Hồ Nam Trung Quốc quét sang Ấn Độ, Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu, châu Phi, giết chết 200 triệu người. Khi đó toàn thế giới chỉ có 500 triệu người, nghĩa là đại dịch Hắc ám đã giết hại 40% cư dân trên hành tinh.
Thế kỷ XVII, đại dịch làm 300.000 người Italia chết.
Đại dịch – dịch cúm Tây Ban Nha có nguồn gốc Bắc Mỹ, trong 3 năm 1918 – 1920 làm khoảng 100 triệu người chết (khi đó cả thế giới có 2 tỷ người).
Đại dịch suy hô hấp Sars 2003 bắt nguồn từ Trung Quốc (nguồn tin Đài Loan cho biết Sars là sản phẩm của chiến tranh vi trùng rò rỉ, thoát ra khỏi phòng thí nghiệm Trung Quốc).
Dịch cúm H1N1 tháng 4/209 – 4/2010 làm cho 12.500 người Mỹ chết.
Ở Ai Cập và nhiều nước Cận Đông từ năm 1300 trước Công nguyên đến nay chịu hàng chục thảm họa do đại dịch châu chấu làm cho hàng chục triệu người chết đói (đại dịch châu chấu năm 1300 trước Công nguyên làm cho gần như toàn bộ đất nước Ai Cập không còn một cây, một ngọn cỏ xanh nào!).
Với đại dịch Covid-19 hiện nay, hậu quả do Covid-19 gây ra khủng khiếp nhất từ trước tới nay (bạn đọc cập nhật thông tin trên mạng, báo…). Tôi chỉ lưu ý 3 điều:
– Một là, hiện nay còn 4 bí ẩn đối với Covid-19 mà các nhà khoa học trên thế giới chưa giải thích, chưa làm sáng tỏ: 1- Đây là căn bệnh hoàn toàn mới, chúng ta còn biết quá ít về nó, không biết nó hoạt động thế nào. 2- Covid-19 có khả năng đột biết cực nhanh và đột biến thường xuyên, theo các nhà khoa học Anh, Covid-19 có khoảng 2.500 biến thể. Đây là một thách thức lớn trong việc sản xuất vaccine, hiện chưa có loại vaccine nào có khả năng chống lại mọi biến thể của Covid-19. 3- Bí ẩn lớn nhất của Covid-19 là cơ chế lây lan truyền bệnh. Thông thường Covid-19 lây lan qua con đường tiếp xúc (nước bọt, hơi thở, bắt tay, cùng ăn chung…), không ít trường hợp không hề tiếp xúc với ai vẫn bị nhiễm Covid-19 (một số trẻ em Ấn Độ trong vùng sâu vùng xa, rừng thẳm tuyết dày vẫn mắc Covid-19, hàng trăm sĩ quan, binh lính hải quân lục chiến trên tàu sân bay của Mỹ không hề tiếp xúc với ai vẫn nhiễm Covid-19. Tại sao? Chưa có lời giải. 4- Bệnh nhân khỏi bệnh thế nào? Các nghiên cứu, khảo sát cho kết quả: khoảng 30% bệnh nhân hồi phục (chữa khỏi) không phát hiện thấy kháng thể. Như vậy họ đã khỏi bệnh, khôi phục như thế nào?
– Hai là, hiện nay không ai biết, kể cả WHO, khi nào thì Covid-19 đạt đỉnh, khi không biết đỉnh vào lúc nào thì cũng không rõ Covid-19 còn kéo dài bao lâu nữa. Thông thường, một đại dịch kéo dài từ 3 – 5 năm. Nghĩa là, nếu cả thế giới hợp tác, chung tay chống dịch thì cuối năm 2022 (lạc quan) có thể khống chế được cơ bản, có thể đến cuối năm 2024.
– Ba là, không được chủ quan. Đơn giản nhất, hiệu quả nhất vẫn là thực hiện nghiêm 5K.
Ứng phó với hổ, báo, voi rừng dễ hơn rất nhiều so với phòng, chống Covid-19. Tình đoàn kết thương yêu, giúp đỡ nhau cần phát huy hơn bao giờ hết.
Các nhà lịch sử và con cháu chúng ta khi nhớ lại giai đoạn 2001 – 2021, chắc chắn phải đề cập đến đại dịch Covid-19.
Các hoạt động khủng bố đã tồn tại trong chế độ chiếm hữu nô lệ cách đây 3.000 – 4.000 năm và hầu hết diễn ra tại các khu vực châu Phi, Trung Đông, Trung Á và Nam Á.
Ngày 11/9/2001, tổ chức khủng bố quốc tế al Qaeda đánh sập tòa Tháp Đôi ở New York – biểu tượng sức mạnh kinh tế và quyền uy của siêu cường Mỹ. Kể từ năm 1776, đây là lần đầu tiên, một thế lực bên ngoài tấn công trực tiếp vào trung tâm nước Mỹ làm hơn 3.000 người thiệt mạng. Trong Chiến tranh thế giới II (1939 – 1945), không có một viên đạn nào lọt vào lãnh thổ Mỹ. Trân Châu Cảng là vùng lãnh thổ ngoại vi và hậu quả của trận Nhật Bản tập kích Trân Châu Cảng vào tháng 12/1941 không có ý nghĩa gì so với hậu quả do vụ khủng bố 11/9/2001.
Cuối tháng 9/2001, Tổng thống Bush (con) tuyên bố triển khai cuộc chiến chống khủng bố và cam kết với 300 triệu người Mỹ và với 7 tỷ người trên hành tinh là Washington thề sẽ tiêu diệt khủng bố tại sào huyệt của chúng. Washington cho rằng: Chính quyền Taliban ở Afghanistan chứa chấp, hậu thuẫn cho tổ chức khủng bố al Qaeda. Do đó, tháng 10/2001, chính quyền Mỹ tấn công chính quyền Taliban và nhanh chóng đập tan sự tồn tại của nhà nước Taliban ở Afghanistan.
Tháng 3/2003, chính quyền Bush xâm lược Iraq và nhanh chóng hủy diệt chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein. Năm 2011, Mỹ và Anh, Pháp xâm lược Lybia và loại bỏ chính quyền của Tổng thống Muammar Gaddafi. Hai cuộc chiến tranh xâm lược Iraq (2003), xâm lược Lybia (2011) là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và đẩy Trung Đông, Bắc Phi vào xung đột hỗn loạn, đẫm máu và tạo điều kiện cho cái gọi là nhà nước Hồi giáo IS tự xưng ra đời, tồn tại, phát triển và tổ chức hàng trăm vụ khủng bố đẫm máu khắp nơi trên thế giới, nhất là ở châu Âu và Mỹ.
Đến nay, chưa có tổng kết, đánh giá khách quan về kết quả, thất bại của Mỹ và liên quân NATO trong 20 năm chống khủng bố (2001 – 2021). Việc đánh giá cuộc chiến chống khủng bố là một công việc cực lớn, rất phức tạp và khó khăn.Sơ bộ có thể nêu ra vài ý kiến sơ lược ban đầu như sau:
Kết quả rõ là: 1- Tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden; 2- Về cơ bản đánh tan cái gọi là nhà nước Hồi giáo IS tự xưng ở Iraq và Syria; 3- Thức tỉnh cộng đồng quốc tế cần cảnh giác và hợp tác chống khủng bố.
Sai lầm và thất bại của Mỹ trong 20 năm chống khủng bố thể hiện ở các điểm sau (nhận diện sơ bộ):
– Một là, sai lầm trong phương pháp tổ chức chống khủng bố.
Chống khủng bố là đúng, là một việc cấp bách. Phương pháp chống khủng bố là sai lầm chiến lược. Việc sử dụng bộ máy và lực lượng quân sự khổng lồ của Mỹ và cả liên minh NATO để đánh Taliban khác nào như lấy dao bầu để mổ bụng một con chim chích! NATO và Mỹ đã coi Taliban là kẻ thù, là đối tượng đấu tranh chủ yếu, đây là sai lầm chiến lược.
20 năm, hơn 775.000 lính Mỹ đã tham chiến ở Afghanistan, 2.448 lính và gần 4.000 nhà thầu quân sự Mỹ đã thiệt mạng, 1.200 binh lính NATO đã chết tại đây. Riêng tại chiến trường Afghanistan, Mỹ đã tiêu tốn hơn 2.200 tỷ USD và khoảng 1.300 tỷ USD để giải quyết hậu quả chiến tranh, tổng cộng khoảng 3.500 tỷ USD. Tại các chiến trường Iraq, Syria, Lybia, Mỹ đã chi không dưới 3.000 tỷ USD. Nếu tính đúng, tính đủ, cuộc chiến chống khủng bố đã đốt của Mỹ mất ít nhất cũng khoảng 6.000 – 7.000 tỷ USD (nhiều hơn GDP của Nhật Bản và Nga cộng lại, hay khoảng 25 lần GDP của Việt Nam!).
Một chính khách của Đức đã nói: Afghanistan là thất bại lớn nhất, nhục nhã nhất của NATO kể từ khi thành lập (1949).
– Hai là, 20 năm Mỹ sa lầy trong cuộc chiến chống khủng bố, Trung Quốc tận dụng thời cơ trỗi dậy mạnh mẽ thách thức lợi ích và vai trò toàn cầu của Mỹ, đẩy Mỹ vào thế lúng túng, bị động đối phó. Cuộc chiến chống khủng bố làm cho Mỹ mất phương hướng chiến lược dẫn đến sai lầm trong việc xác định đối tượng đấu tranh. Đây là sai lầm lớn nhất, thất bại lớn nhất của Mỹ trong 20 năm chống khủng bố.
– Ba là, sai lầm, tổn thất và thất bại trong 20 năm chống khủng bố góp phần làm cho kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng, chính trị – xã hội rối loạn, chia rẽ sâu sắc, siêu cường Mỹ suy yếu từ bên trong.
Tóm lại, hoạt động khủng bố và cuộc chiến chống khủng bố là một đặc điểm nổi bật trong nền chính trị thế giới và để lại một “vết sẹo” lớn trên cơ thể siêu cường Mỹ.
Trong giai đoạn 2001 – 2021, kinh tế thế giới lâm vào hai cuộc khủng hoảng lớn: Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2011 và cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra từ 2020.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng: Hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2011 không kém cuộc Đại suy thoái kinh tế 1929 – 1933.
Đại dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế thế giới vào thảm họa chưa từng có trong lịch sử.
– 20 năm (2001 – 2021), trên thế giới xảy ra 28 cơn siêu bão, chủ yếu xảy ra ở châu Á, châu Mỹ, làm cho hàng chục ngàn người thương vong, hàng trăm triệu người mất nhà cửa.
Số siêu bão giai đoạn 2001 – 2021 nhiều hơn gần 2 lần số siêu bão trên thế giới giai đoạn 1981 – 2000.
– Nhiệt độ Trái đất tăng nhanh hơn và cao hơn dự báo của các nhà khoa học. Trái đất nóng lên, hạn hán khắp hơn trên thế giới, loài người bước vào thời kỳ thiếu nước ngọt. Các thành phố Roma, Madrid, Paris mùa hè lên đến 42o, thậm chí 45 – 46o là hoàn toàn khác thường.
– Môi trường sống bị ô nhiễm hết sức nghiêm trọng. Các loại rác đã bao vây và đe dọa lên cuộc sống của con người, các sinh vật trên rừng và dưới đại dương. Loài người đang sống gấp, ăn hết phần của con cháu và các thế hệ mai sau. Lòng tham lam và tính ích kỷ của con người đang hủy hoại chính ngôi nhà chung của mình – Trái đất.
* * *
Khi nhìn lại thế giới giai đoạn 2001 – 2021, người ta phải nhớ đến đặc điểm bao trùm là sự trỗi dậy của Trung Quốc làm cán cân quyền lực toàn cầu chuyển từ châu Âu – Đại Tây Dương sang châu Á – Thái Bình Dương; đại dịch Covid-19 đứng thứ hai và cuộc chiến chống khủng bố đứng thứ ba.
Giai đoạn 2021 – 2040, cái gì sẽ nổi bật: Sự hợp tác và cạnh tranh ngày càng gay gắt mang tính đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là dấu ấn nổi bật nhất của thế giới, và cả thế giới sẽ vận động quanh trục Mỹ – Trung. Đây là giai đoạn thế giới bất ổn, rối loạn nhưng vẫn trong vòng kiểm soát.
Trong giai đoạn này, Việt Nam vừa phải đối mặt với nhiều thách thức, vừa có nhiều cơ hội, tính chung, cơ hội luôn lớn hơn thách thức.
Trên thế giới, các nước có thể hỗ trợ nhau, nhất là khi gặp khó khăn, nhưng không ai dừng lại để chờ người khác, kể cả với đồng minh, bạn bè. Tỉnh táo, sáng suốt, táo bạo đưa ra quyết sách sẽ thành công; bảo thủ, do dự, chậm trễ sẽ thất bại./.
Hà Nội, 10/9/2021
(1) Tạp chí Foreign Affairs, 9/10/2005.
(2) Jenn Francois Susblelle: “Mỹ – Trung: Cuộc chiến tranh đã được lập trình”, NXB First & Editions, Paris, 2006 (TTXVN dịch in, Hà Nội, 2010, tr.5).
Ảnh tư liệu: Getty – AFP – AP – Reuters – US Navy