Ở phường Cửa Nam đến ngày 25/8/2021 có 5 khu vực dân cư phải chịu cảnh phong tỏa do có người dương tính với Covid-19. Nhưng ở cả 5 khu vực dân cư này, các hộ dân cơ bản đều ổn định tư tưởng để tuân thủ những yêu cầu của công tác phòng chống dịch. Được như vậy một phần bởi họ có sự hỗ trợ, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cơ bản đảm bảo theo nhu cầu. Sự trợ giúp ấy, có vai trò của tổ chức Đoàn phường.
Anh bạn trẻ trên facebook Nguyễn Đình Việt (là Bí thư Đoàn phường Cửa Nam) kể với chúng tôi rằng, Đoàn phường có một “Đội Shipper áo xanh”, chuyên giúp mua nhu yếu phẩm cho người dân trong những khu phố bị phong tỏa. Để các hộ dân nắm được thông tin về hoạt động của “Đội Shipper áo xanh”, Đoàn phường thông báo đến các gia đình về thời gian hoạt động, số điện thoại, zalo giao dịch, cách thức đăng ký hàng hóa… Đồng thời, đăng tải những thông tin này trên trang facebook của Đoàn phường Cửa Nam và trên facebook cá nhân của các đoàn viên thanh niên cùng tham gia.
“Đoàn tham gia hầu hết các công tác phòng chống dịch bệnh nên mỗi ngày chỉ dành ra 2h đồng hồ (9 – 10h) để làm nhiệm vụ shipper. Vì vậy, căn cứ nhu cầu, các hộ gia đình trong khu vực phong tỏa sẽ báo về lượng hàng hóa cần mua, chuyển tiền qua tài khoản trước giờ đã công bố để các shiper áo xanh mua hàng, đóng hàng và chuyển trả kịp thời. Hơi vất vả, nhưng vui anh ạ…”, Việt kể.
Ngày TP. Vinh áp dụng thực hiện trên một mức so với Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Đoàn phường Cửa Nam cũng “nâng cao trên một mức” trách nhiệm của mình. “Cháy máy nhưng không giúp được mấy người anh ạ, vì rất nhiều người ở ngoài địa bàn phường gọi. Mà ngoài địa bàn thì bọn em làm sao đi được…”, Nguyễn Đình Việt thành thật kể về ngày đầu tiên. Nói với Việt: “Mình có thể tham gia cùng các bạn ít giờ đồng hồ nhé”. Bí thư Đoàn phường Cửa Nam trả lời: “Mời anh tham gia. 7h sáng là bọn em tập trung. Đoàn viên thì có nhiều đầu việc, không chỉ Shipper. Cấp trên yêu cầu là đi, còn về khi nào thì chưa biết. Đêm qua (25/8), em cũng đi mãi tận khuya để hỗ trợ các lực lượng test sàng lọc Covid-19. Xong việc cũng chưa dám về ngay mà phải qua phường tắm rửa, thay quần áo vì con em mới được hơn 8 tháng tuổi…”.
Sáng ngày 26/8, Việt đưa tôi lên căn phòng nhỏ có biển “Cựu chiến binh/Đoàn thanh niên”. Ở đấy, có 5 nam, nữ thanh niên tuổi từ 18 đến 21 trong sắc phục xanh đang ngồi chờ lệnh điều động. Giới thiệu từng người, Việt nói: “Em có nhiệm vụ phải đi. Cần tìm hiểu gì, hoặc nếu tham gia làm shipper thì anh trao đổi với bạn Đoàn Bảo Trung – Phó Bí thư Đoàn phường. Bạn Trung được giao phụ trách nhiệm vụ này, cũng là người giữ số điện thoại để người dân liên hệ…”.
Đến hơn 30 phút đầu, Trung chỉ kịp chào xã giao rồi liên tục “giao dịch”. “A lô. Có phải đội Shipper xanh phường Cửa Nam đấy không. Chị ở đường Phạm Ngũ Lão, mấy hôm nay nhà hết rau xanh rồi, em có giúp chị được không? Nhà chỉ có hai ông bà già, chị thì ở trong khu cách ly, phiền em giúp chị với nhé…”. “Vâng, chị cần mua những loại rau gì thì cứ nhắn cho em qua số này ạ. Nhớ nhắn cụ thể số nhà, điện thoại liên hệ nữa chị nhá…”. Vừa dứt lời, chuông điện thoại lại reo: “Em ơi, anh ở số nhà 122, giáp Quốc lộ 46, gần Chùa Cần Linh. Vợ anh là F1 đang cách ly ở khu phong tỏa đường Hồ Xuân Hương. Anh thì là F2 cách ly tại nhà. Bây giờ vợ anh hết sạch đồ ăn rồi, cần thêm áo quần, em có thể lên nhận, chuyển cho anh được không…”. “Em ơi, chị có hai mẹ con ở khu cách ly nên không thể ra ngoài được. Cháu nhà chị bị ốm, nổi mày đay đỏ kín người mà hết mất thuốc, khóc suốt cả đêm. Em có thể giúp chị mua thuốc cho cháu được không…”.
Ngơi ra một chút, Trung vắn tắt, Thường trực Đoàn phường gồm 3 người, nhưng một người là F1 phải cách ly tại nhà. Vì vậy chỉ còn 2 người gồm Việt và Trung. Từ ngày 24/8, khi trên có chỉ đạo các phường, xã tổ chức lực lượng hỗ trợ mua hàng cho dân, Đoàn phường triệu tập thêm 12 Bí thư Chi đoàn của các khối cùng tham gia.
Quy trình chuẩn bị về giao dịch hỗ trợ mua hàng được thông báo thường xuyên trên các phương tiện truyền thanh; Ban cán sự các khối cùng giao nhiệm vụ cho Tổ trưởng các tổ dân cư thông tin cụ thể đến từng hộ dân… Còn đối với Đoàn phường thì thực hiện linh hoạt. Người dân đăng ký các mặt hàng thiết yếu cần mua theo bảng giá, gửi tiền chuyển cho tổ trưởng để chuyển giao cho Ban cán sự khối tổng hợp, đặt mua, đóng gói. Đội shipper áo xanh sẽ giúp chuyển đưa về nhà văn hóa khối, rồi cùng Tổ trưởng tổ dân cư phát cho các gia đình.
Có trường hợp hộ dân trực tiếp liên hệ với kênh của Đoàn phường, hoặc đặt mua ở các siêu thị trên địa bàn, Đội shipper áo xanh sẽ giao dịch hộ, hoặc nhận giúp hàng, rồi chuyển đến cho họ. Theo Trung, lực lượng so với công việc là quá mỏng, nên để hoàn thành là rất vất vả, thi thoảng cũng có “trục trặc kỹ thuật”. Nhưng dù vậy, có một số thanh niên trên địa bàn tình nguyện tham gia thì Đoàn phường cũng chưa dám nhận lời vì đang trong giai đoạn “ai ở đâu ở yên đấy”, nhận lời không may có việc gì lại ảnh hưởng đến công tác chung.
Sau ít phút trao đổi, Trung hỏi: “Anh có đi Shipper không?”. Theo chân chàng Phó Bí thư Đoàn phường làm Shipper, thật nhiều những tình tiết éo le, cười ra nước mắt. Như cái anh F2 cần chuyển đồ cho vợ là F1, đã thông báo địa chỉ số nhà 122, giáp Quốc lộ 46, gần chùa Cần Linh. Nhưng khi gõ cửa, cô chủ nhà hé cửa nói vọng ra “nhầm nhà rồi”. Vào ngõ 122 để hỏi, nhà nào cũng đóng kín cửa. Tìm quanh quất mới có phụ nữ cao tuổi cho biết trong ngõ 122 không có nhà số 122. Quay về nửa đường, điện thoại của anh F2 lại réo rắt. Anh rối rít: “Anh ra nhà 122 đón mà chậm chân. Nhờ em quay lại giúp. Là do anh phải tự cách ly trong cơ quan…”.
Rồi thì chị nhờ mua thuốc cho con bị mày đay, qua tin nhắn nhờ mua dòng thuốc “biệt dược” đã quen dùng, phải đến địa chỉ X mới có. Hơn nữa, chị lại ở ngoài địa bàn phường Cửa Nam. Đọc tin nhắn Trung lúng túng không biết xoay trở ra sao. Trung hỏi chúng tôi: “Như trường hợp này thì em phải làm sao anh nhỉ?”. Đành nói với Trung: “Thôi thì địa chỉ thuốc ấy ở địa bàn phường mình. Em cố gắng đến mua, rồi tìm cách liên hệ với các bạn trong hệ thống Đoàn chuyển giúp…
Sau vài chuyến Shipper, chúng tôi ghé vào thăm việc mua bán hàng tại Siêu thị VinMart trên đường Phan Đình Phùng. Ở đấy, có vài cô, bác đã đứng tuổi là Tổ trưởng các tổ dân cư đi mua hàng hộ dân. Xem các đơn hàng, có không ít hộ dân nhờ mua nhưng quá nhiều thứ nhỏ lẻ đến tỉ mẩn. Từ vài ba cây xà lách, bó rau quế đến bịch ớt cay muỗi…
Nhìn những làn thực phẩm xếp rồng rắn chờ thanh toán kéo dài đến mười mấy mét, thấy việc lựa chọn, mua cho được đủ hàng, thanh toán, đóng gói, rồi chuyển giao về cho người dân. Thật là cả một vấn đề không đơn giản. Ở đây, hỏi các đoàn viên làm nhiệm vụ Shipper: “Các em làm Shipper thế này gia đình có lo không?”. Đoàn viên Vũ Đức Trung trả lời rất thật: “Gia đình lo, bọn em cũng lo. Nhưng lo là để chú ý tuân thủ đúng các quy định phòng chống dịch. Còn khi người dân trên địa bàn cần hỗ trợ, bọn em sẽ có mặt…”.
Từ hoạt động của Đoàn phường Cửa Nam, chúng tôi quan tâm, tìm hiểu rộng hơn về lĩnh vực này. Nhận thấy, có rất, rất nhiều những hoạt động ý nghĩa tương tự của lực lượng đoàn viên thanh niên đã và đang diễn ra, trải rộng trên hầu khắp toàn bộ các xã, phường, thị trấn của 21 huyện, thành, thị trong tỉnh.
Có một chuyện mà chúng tôi sẽ khắc ghi rất lâu trong trí nhớ, đó là về nhiều những lá đơn của các đoàn viên thanh niên tình nguyện tham gia đóng góp công tác phòng chống dịch Covid-19. Họ, có nhiều người thật trẻ, sinh năm 2001 – 2004. Như em Nguyễn Thị Mai Thi, xã Hùng Tiến (Nam Đàn), sinh ngày 5/7/2004. Tại đơn (có chữ ký của phụ huynh), Mai Thi viết: “Trong những ngày vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra ngày một phức tạp, còn có nguy cơ lan rộng ra cộng đồng. Người người, nhà nhà ai cũng chung tay phòng chống dịch với các chiến binh áo trắng. Là một đoàn viên thanh niên, tôi nhận thấy bản thân cần góp sức chung tay với các lực lượng phòng chống dịch. Vì vậy, tôi viết đơn này mong muốn được tham gia công tác phòng chống dịch cùng với đoàn tình nguyện trên địa bàn xã…”.
Chúng tôi cũng đã liên hệ đến Tỉnh đoàn, với những thông tin, số liệu có được, thêm phần khẳng định tuổi trẻ Nghệ An đã tích cực, chủ động tham gia trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19. Đó là có hàng trăm lá đơn tình nguyện xung phong vào tâm dịch.
Trong đó, nhiều đoàn viên là những y, bác sỹ trẻ gác hạnh phúc riêng lên đường vào “điểm nóng” thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Giang…; nhiều đoàn viên trẻ tham gia trực tại các điểm chốt, các khu cách ly; hoặc cùng lực lượng tuyến đầu ngày đêm test nhanh Covid-19, truy vết các F1, F2… Đó là việc các cấp bộ Đoàn, Hội toàn tỉnh đã vận động, trao tặng hơn 950.000 khẩu trang y tế, 10.200 kính chống giọt bắn, 5.600 tai giả, 7.000 chai nước rửa tay sát khuẩn, 537 máy rửa tay sát khuẩn tự động, 850.000 phần quà, hơn 200 tấn nhu yếu phẩm, nông sản sạch các loại hỗ trợ các khu cách ly tập trung, khu vực bị phong tỏa, với tổng giá trị hơn 4,2 tỷ đồng.
Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả đã ra đời. Như “Gian hàng 0 đồng”, “Shiper áo xanh”, Đội tuyên truyền lưu động, Đội phản ứng nhanh, Đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ tại các điểm chốt, khu cách ly tập trung…
Thời điểm TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam bùng phát dịch bệnh, có những diễn biến phức tạp, nhiều người dân của tỉnh đi làm ăn xa quê gặp nhiều khó khăn phải đi xe máy vượt cả nghìn cây số trở về. Ngày cao điểm “Chiến sỹ tình nguyện tiếp sức đồng bào hồi hương” (ngày 8/8/2021) đã đồng loạt được triển khai.
Đã có 215 đội hình “Phòng tuyến áo xanh” tham gia trực tại các chốt kiểm soát để hỗ trợ đo thân nhiệt, khai báo y tế, phun khử khuẩn cho người, phương tiện đi về từ vùng dịch. 10 điểm tặng nhu yếu phẩm miễn phí tiếp sức công dân Nghệ An trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam đã ra đời và được duy trì tại các điểm chốt kiểm soát: Cầu Bến Thuỷ 1, Cầu Bến Thuỷ 2, huyện Con Cuông, Anh Sơn, TX. Thái Hòa…; hơn 5.000 suất quà, suất cơm miễn phí đã được đưa đến cho người dân…
Kết nối với Bí thư Tỉnh đoàn Lê Văn Lương, anh vắn tắt rằng Ban Thường vụ Tỉnh đoàn bám sát định hướng, chỉ đạo của Trung ương Đoàn, cấp ủy, chính quyền các cấp, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn triển khai các hoạt động một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt thông điệp “3T” gồm “Tiên phong – Tương trợ – Thích ứng” trong tham gia các hoạt động tình nguyện. Anh Lê Văn Lương nói: “Nhìn các bạn nam, nữ đoàn viên thanh niên da xạm đen trên các chốt kiểm soát, hay chứng kiến những shipper áo xanh như con thoi trên khắp mọi nẻo đường cung ứng nhu yếu phẩm giúp người dân trong vùng phong tỏa, cách ly…, mới thấy thật tự hào. Ai cũng có một thời tuổi trẻ, phải sống sao cho thật ý nghĩa. Các bạn ấy đã làm được điều đó…”.