Năm 2018, chị Trần Thị Thủy và 4 chị em gái tàn tật con bà Vương Thị Lý ở xã Thanh Hà (Thanh Chương) được chuyển sang ở ngôi nhà mới ngay đầu làng. Khỏi phải nói hết sự mừng vui khi cả 5 mẹ con được quây quần bên nhau ấm cúng trong căn nhà tuy nhỏ nhưng khang trang sạch đẹp. Chị Thủy cho biết: “Cả 4 chị em tàn tật, người khỏe nhất như tôi cũng chỉ đi lại được trong nhà, cần ra ngoài là phải có người chở đi. Còn lại người lớn tuổi năm nay cũng đã 50 tuổi, người trẻ hơn cũng hơn 40 tuổi nhưng chưa đi nổi một bước nào, không thể phục vụ được bản thân. Thế nên, có ngôi nhà nhỏ này chúng tôi cũng khỏe lên, tự tin hơn để đương đầu với những khó khăn phía trước”.
Ngôi nhà mà 5 mẹ con đang ở được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và các tổ chức chính trị, xã hội khác kêu gọi ủng hộ hơn 60% kinh phí xây dựng, anh em bà con xóm giềng chung tay giúp đỡ. Ông Phan Văn Trị – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin xã Thanh Hà (Thanh Chương) cho biết: Gia đình chị Thủy tuy có tới 3 người con không thể phục vụ bản thân, mẹ già chăm con cả đời là cụ Vương Thị Lý nay hơn 90 tuổi sắp gần đất xa trời vẫn “có sức vóc nhất”. Thấu hiểu hoàn cảnh đó hễ có nguồn lực nào là chúng tôi huy động cho gia đình. Chị Thủy được Đảng ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện dạy học ở trường mầm non của xã cũng có đồng lương, các chị Minh, Liên, Thắng chỉ ngồi một chỗ thì ngoài có tiền trợ cấp hàng tháng ở mức cao của nạn nhân da cam còn được các tổ chức, đơn vị tạo điều kiện mở quán hàng nhỏ để có thêm đồng ra đồng vào. “Dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi được xóm làng đùm bọc, Đảng ủy, chính quyền địa phương quan tâm nên cũng phần nào vơi bớt những nỗi đau đớn do bệnh tật, nỗi lo về tương lai khi mẹ già nằm xuống” – Chị Trần Thị Thủy cho biết.
Vượt lên nỗi đau, ông Thái Doãn Hòa ở xóm 7, xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) – nạn nhân da cam – quyết tâm làm kinh tế trên mảnh đất hoang hóa phía cuối làng. Ông chia sẻ rằng đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội; được vay vốn hỗ trợ mô hình kinh tế trang trại từ Ngân hàng Chính sách; được hỗ trợ cây, con giống, và đặc biệt được miễn giảm thuế đất. Bây giờ gia đình ông có thể thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng một năm sau khi trừ chi phí, và giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động thời vụ, với 300 ngàn đồng/ ngày. “Nếu không có số vốn 50 triệu ban đầu thì tôi không có tư liệu để mua cây, con giống, được như này là chúng tôi được hưởng chính sách lớn từ các chính sách hỗ trợ cho người có công của Đảng và Nhà nước” – ông Hòa nói.
Ông Bùi Ngọc Ân, xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu) cũng là gia đình có tới 3 thế hệ bị nhiễm chất độc da cam, nhưng ông vẫn vươn lên làm kinh tế giỏi, giúp đỡ nhiều người cùng cảnh ngộ vượt qua khó khăn. “Những năm 2000 vì sức khỏe yếu, các con nay lại viện này mai viện khác, nên vợ chồng tôi chuyển đổi nhiều nghề như xay xát gạo, sửa chữa xe đạp, bán hoa quả, nhưng đều cho thu nhập thấp, không đủ chi tiêu thuốc men cho con. Quyết tâm vượt qua khó khăn, năm 2015 tôi quyết định chuyển nghề nuôi ong lấy mật. Từ vay mượn của bạn bè, đồng đội, và sự đồng hành của chính quyền địa phương tôi đã mua được 10 đàn ong. Nhờ sự quyết tâm và tuân thủ kỹ thuật đến nay đã có tới 100 đàn, cho thu nhập ổn định”. Ông Ân cũng cho hay, thực tế nếu không có tư liệu sản xuất ban đầu, thì không thể thành công được, vậy nên, nếu những người yếu thế, người có công có sức khỏe yếu, hoặc người bị nhiễm chất độc hóa học quyết tâm mạnh dạn khởi nghiệp trong điều kiện có thể thì sẽ nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các tổ chức chính trị, xã hội.
Theo Nghị quyết số 32/2020/ NQ-HĐND ngày 13/12/2020 Quy định về chính sách hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng thuộc gia đình người có công với cách mạng thuộc gia đình hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết này quy định điều kiện, nguyên tắc, mức hỗ trợ, trình tự thực hiện và phương thức hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo. Ông Hoàng Ngọc Châu – Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ,TB&XH cho biết: Dù trong những năm qua chúng ta đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ tới tận từng số phận nạn nhân da cam, nhưng để họ vẫn là một trong những hộ nghèo, không có tư liệu sản xuất, không có thu nhập là một điều đáng suy nghĩ. Nghị quyết 32 ra đời nhằm hỗ trợ phần nào những khó khăn của những nạn nhân da cam nói riêng và những người có công vẫn đang nằm trong hơn 1.000 trường hợp hộ nghèo là gia đình người có công trên địa bàn tỉnh nói chung.
Vì thế những đối tượng này ngoài mức hỗ trợ được hưởng theo chế độ chất độc da cam/dioxin, còn được hưởng thêm 700.000 người/tháng đối với khu vực nông thôn; 900.000 đồng/ người/tháng đối với khu vực thành thị. Quyết định theo Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.
Cũng theo ông Hoàng Ngọc Châu – Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ,TB& XH, thì trong những năm qua, đối với những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đã được giám định y khoa với tỷ lệ thương tật 21% được hỗ trợ từ 900.000 – 1.600.000 đồng/ tháng/người. Tuy nhiên, trước những khó khăn mất mát mà các nạn nhân chất độc hóa học phải gánh chịu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 về ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021 với nhiều điểm mới hướng tới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi cho người có công với cách mạng, trong đó có nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Các quy định tại pháp lệnh này nêu rõ: Đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thân nhân người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học sẽ được ưu tiên giao hoặc thuê đất; ưu tiên giao, khoán bảo vệ và phát triển rừng; Trợ cấp một lần cho thân nhân khi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chết hoặc cho thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học khi con đẻ của người hoạt động kháng chiến chết; Thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết sẽ được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng.
Ông Hoàng Ngọc Châu cho biết thêm: Đối với những nạn nhân chất độc da cam/dioxin chúng ta đã dành nhiều sự quan tâm chăm sóc, tuy nhiên vẫn chưa thể giúp họ có cuộc sống tốt đẹp khi nhiều người vẫn còn trong cảnh túng thiếu vì thế hệ thứ 2 đa số không thể sinh hoạt và lao động như người thường, hy vọng Pháp lệnh có hiệu lực từ 1/7/2021 sẽ kịp thời hỗ trợ các nạn nhân giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể…