Vâng, cuộc gặp gỡ của chúng tôi diễn ra trên cánh đồng, bên con đường vào xóm 4 Hưng Nhân. Hoa Xuân Tứ đang cặm cụi dùng chân buộc lạt cho những bó lúa mà bà Lê Thị Sự, vợ ông, vừa gặt xong và cũng chính ông chất dần chúng lên chiếc xe bò, nơi có 2 đứa trẻ nhỏ đang lúi húi với một trò chơi nào đó để chờ ông bà. Gương mặt rắn rỏi, ánh nhìn quả quyết, nụ cười hồn hậu, đôi chân lấm láp đất bùn, đôi cánh tay áo bay lật phật trong cơn gió chiều, ông khiến tôi thấy ấm áp với sự hiếu khách đặc biệt của mình. Khi nhận ra chúng tôi đang muốn đi tìm mình, ông giục vợ dưới ruộng: Bà Sự ơi, để việc đó đã, về rang lạc tiếp khách đi…
Tôi chạy sau chiếc xe mà ông bà cùng hợp sức đẩy lúa về. Bóng họ đổ nghiêng trên con đường khấp khểnh. Đôi vai Hoa Xuân Tứ gồng lên để kéo xe lúa cùng 2 đứa cháu nhỏ đang chễm chệ ngồi bên trên. Đôi vai ấy đã gồng lên để gánh cả bao nhiêu nhọc nhằn, bao nhiêu mưa nắng, tủi buồn của kiếp người. Đôi vai ấy, đôi chân kia đã in dấu trên con đường quê nhỏ bé này, để viết nên một bài ca về nghị lực, trở thành một biểu tượng vượt lên số phận…
Trong căn nhà nhỏ bé của ông, câu chuyện cuộc đời thêm một lần được kể với tôi. Câu chuyện mà biết bao nhiêu bài báo đã viết, nhưng được ông kể với một giọng điệu chậm rãi, một âm hưởng đã khác âm hưởng mà ông kể cách đây nhiều năm, tôi tin là như thế. Khi mà tóc trên đầu ông đã nhiều sợi bạc, khi mà mọi nỗi vui – buồn, những ảo tưởng, sự cay đắng đã thấm lọc qua ông.
Ông không còn nhớ rõ nữa cái ngày định mệnh ấy, không nhớ rõ cái nỗi đau của một cậu bé lên 4 tuổi, không nhớ mình đã khóc, đã kêu gào, hay đã ngất lịm đi khi máy kéo mía lấy mật cuốn đôi cánh tay ông trong vòng quay vô tình của nó. Có thể lúc đó, tiếng kêu của cậu bé con đã vang động khắp một cánh đồng Hưng Nhân, để rồi những người thân trong gia đình ông mãi mãi bị ám ảnh giây phút bàng hoàng ôm lấy thân thể đứa con trai thứ 4 không còn vẹn nguyên sau tai nạn kinh hoàng ấy.
Chiếc máy ép mật mía đã làm nên bi kịch cuộc đời Hoa Xuân Tứ. Nó khiến cho tất cả những người làng đều nghĩ rằng, cuộc đời đã đặt một dấu chấm với cậu bé con nhà nông dân nghèo. Càng lớn lên, cậu bé ấy càng ngạc nhiên với cái “khác thường” của mình: Vì sao con lại không thể “mọc” tay nữa? Vì sao con lại không thể có cánh tay nhựa để lắp vào, có thể chơi khăng, đánh đáo như các bạn?
Cậu bé lặng lẽ với đôi cánh tay áo buông thõng, quanh quẩn với mảnh vườn, với sân nhà, với con gà, con chó, con trâu… Chẳng thế mà, chú trâu của gia đình đã trở thành người bạn thân thiết nhất của Hoa Xuân Tứ. Hoa Xuân Tứ nhận nhiệm vụ chăn trâu, dù không có tay, nhưng cậu lại có thể dắt nó bằng chân, hay bằng bả vai, bằng cả tấm thân nhỏ bé của mình. Cậu được nhiều người kể cho nghe về tấm gương Nguyễn Ngọc Ký, bị liệt 2 tay vẫn đến trường, luyện viết bằng chân và học rất giỏi. Thế là trong lòng Hoa Xuân Tứ lại thắp lên bao khát khao.
Khi thấy chúng bạn cùng tuổi đi học, Hoa Xuân Tứ nằng nặc xin cha mẹ cho mình được đến lớp. Khi dắt con tới trường, gặp thầy giáo Quý, nhận được ánh mắt ái ngại của thầy: “Cháu viết lách sao được mà đi học?”, 2 cha con Hoa Xuân Tứ đã lầm lũi trở về…
Thế nhưng, điều kì diệu đã xảy ra, bắt đầu từ khát khao không gì dập tắt. Ánh mắt cậu bé Hoa Xuân Tứ sau cánh cửa lớp học đã khiến thầy, cô giáo cảm thương. “Nếu cháu ưng học thì cứ vào lớp ngồi cùng các bạn”- với sự cho phép ấy, Hoa Xuân Tứ đã bắt đầu chặng đường học tập với nỗ lực phi thường của mình.
Những nét chữ đầu tiên được Hoa Xuân Tứ tập luyện bằng cách cặp gạch, cặp que… vào chân viết trên nền sân nhà, để đến lớp, cậu cặp phấn viết trên tấm bảng cũ. Rồi từ phấn, cậu cặp bút để viết. Cảm thấy viết bằng chân “không được lịch sự”, Hoa Xuân Tứ đã luyện viết bằng bả vai và cằm. Hoa Xuân Tứ được biết đến là một học sinh vượt khó học giỏi, nhiều năm liên tục đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Những năm chiến tranh, trường học sơ tán ở Tân Kỳ, thế mà cậu bé không tay vẫn kiên trì, chăm chỉ theo học. Cho đến giờ, Hoa Xuân Tứ vẫn nhắc đến những tháng ngày ấy, tên những thầy giáo Sợi người Thanh Chương, cô giáo Lan người Vinh… với nỗi xúc động rưng rung: “Lúc nào các thầy, các cô cũng dừng lại bên góc bàn tôi ngồi, hỏi tôi hiểu bài không, không hiểu ở đâu để các thầy cô giảng lại…”
Không chỉ trong học hành, Hoa Xuân Tứ còn tự mình làm bao nhiêu việc nhà giúp cha mẹ, như một đứa trẻ bình thường. Cậu bé Tứ còn có thể bơi, lặn, đặc biệt có biệt tài điều khiển con trâu của gia đình theo hiệu lệnh riêng. Khi cậu giật sợi dây trên chạc mũi trâu như thế nào thì con trâu quỳ xuống để cậu leo lên lưng, như thế nào thì nó có thể nhảy, phi, chạy vòng tròn…
Câu chuyện về cậu bé không tay có nghị lực phi thường được nhiều người biết tới, kể lại cho nhà văn Sơn Tùng. Nhà văn đã về tận Hưng Nhân để gặp gỡ và viết về tấm gương cậu bé ở miền quê nghèo đăng trên báo Thiếu niên Tiền phong với tiêu đề “Cụt hai tay mà vẫn học giỏi, lao động khá, thể thao cừ”. Và từ đây, Hoa Xuân Tứ được nhiều người trong cả nước biết tới. Đặc biệt hơn, sau bài báo, nhà văn Sơn Tùng được Bác Hồ gọi đến gặp. Người mong biết thêm về cậu bé nghị lực này. Từ đây, Hoa Xuân Tứ được Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An đặc cách cho ra Hà Nội dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1966. Đó là một kỉ niệm đáng nhớ trong cuộc đời Hoa Xuân Tứ khi cậu bé được gặp Bác Hồ, được Bác ân cần hỏi han và còn giao cho Giáo sư – bác sỹ Tôn Thất Tùng làm cho một đôi cánh tay giả. Tiếc rằng sau này, vào trận bão năm 1978 ở Nghệ An, cơn lũ đã cuốn trôi mất đôi tay giả này của ông.
Học hết lớp 10, Hoa Xuân Tứ cũng đăng ký thi đại học (ông từng nuôi giấc mơ trơ thành một phiên dịch viên), nhưng rồi cũng không trông đợi gì nhiều vì ông không thấy kết quả báo về. Ông chính thức trở thành một nông dân trên đồng đất quê nhà khi vừa đến tuổi lao động.
Đến năm 1970, Hoa Xuân Tứ quen Lê Thị Sự, cô gái hơn ông 6 tuổi, quê ở xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc. Hai người đem lòng yêu thương nhau, nhưng gia đình cô gái không đồng ý để đi đến hôn nhân, vì cho rằng một người tàn tật như Xuân Tứ không thể làm trụ cột gia đình. Bản thân Lê Thị Sự cũng có vấn đề về sức khỏe do bị thương trong thời gian tham gia dân công hỏa tuyến. Tuy nhiên, vượt qua bao sự ngăn cản, hai người vẫn cùng nhau đi đến quyết định cuối cùng. Họ đã trở thành một cặp vợ chồng và lần lượt có với nhau 5 người con.
Nhưng rồi bất hạnh vẫn lại ập đến với Hoa Xuân Tứ khi trong 5 người con của ông có một người con gái thứ 3 (sinh năm 1978) bị chấn thương não sau một lần chơi đùa với bạn bị ném đá vào đầu hồi 5 tuổi. Cô bé bị bại liệt toàn thân, chân tay teo tóp, phải nằm một chỗ. Một lần nữa, Hoa Xuân Tứ lại phải gồng mình lên để vượt qua số phận, lao động cần mẫn nuôi con, gánh vác mọi việc trong gia đình.
Hành trình vượt qua số phận của Hoa Xuân Tứ đã là một hành trình đắng cay và kỳ diệu, nhưng trong giây phút ngồi với ông dưới mái nhà nhỏ, nghe ông trải lòng, xem ông chăm cô con gái tật nguyền, chăm những đứa cháu nội mà bố mẹ chúng bận đi làm gửi ở nhà, xem ông vò lúa, vác cây…, tôi mới nhận ra có một điều đáng để nói hơn về ông, đó là hành trình ông vượt qua chính mình. Hành trình ấy đau khổ hơn, quả cảm hơn rất nhiều nỗ lực cầm bút, cầm phấn, lao động…của ông.
Nhiều lúc đau đớn chỉ biết thở dài, đã có lần ông nghĩ đến cái chết khi cảm thấy kiệt sức trước những bất hạnh của cuộc sống, nhưng rồi không để bất cứ điều gì quật ngã được bản thân, ông đã đứng dậy sau mỗi nỗi đau dường như lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có gì đó đã thầm thì vào tai ông mỗi lần ông mệt mỏi, có gì đó đã nâng ông dậy mỗi lần ông khuỵu gối, có gì đó đã dịu dàng ru ông vào giấc ngủ vào mỗi đêm cô đơn xa xót.
Tôi nghĩ, đấy chính là chiếc bóng của chính ông, thứ bản thể không bao giờ mất đi mà trong gian khó càng trở nên sắc nét, đã luôn ở bên để che chở, vuốt ve ông mỗi khi cuộc đời tưởng như khép lại.
Tôi vẫn hình dung trong căn nhà này, bao nhiêu đêm tối, khi xung quanh đã chìm vào giấc ngủ, và ông hẳn đã ngước mắt lên thăm thẳm mà tự hỏi sao cuộc đời lại dành cho ông quá nhiều gian nan? Tôi đã hình dung có những thời khắc mà các nhà báo, nhà văn tìm về với đất nghèo Hưng Nhân này chỉ để hỏi Hoa Xuân Tứ, có những lúc làng trên xóm dưới nơi đâu cũng rộn khúc ca: “Cuối dòng sông Lam trên quê hương Bác Hồ/ Có người bạn nhỏ mất cả hai tay/ Con chim không cánh mà vẫn biết bay/ Như vẫn còn đây đẹp hai bàn tay/…Như con chim nhỏ không còn đôi cánh xinh/ Líu lo trên quê mình trước ánh bình minh/ Hoa Xuân Tứ người bạn hiền ta yêu biết mấy/ Cụt cả hai tay mà đời vẫn vui thay” và ông, hẳn đã sống với những tự hào, nghĩ rằng mình xứng đáng để nhận những ngợi ca?..
Và cho đến giờ, người đàn ông 68 tuổi Hoa Xuân Tứ, đã hiểu rằng, mình cần vượt qua chính mình để làm một người nông dân bình thường chứ không phải làm một “người hùng”. Có những điều, ông đã mất gần hết cuộc đời để thấm thía như vậy.
Còn tôi, trên quãng đường về đã thầm nghĩ, có những số phận như thế, mỗi khi cuộc đời khép lại một cánh cửa thì một ô cửa khác lại mở ra trong cuộc sống của họ. Trong trường hợp này, Hoa Xuân Tứ đã tự mở ra cho mình những ô cửa khác, để không bị cầm tù trong ngôi nhà chật hẹp của số phận để vẫn có thể hòa nhập với thế giới và sự tự do mà một con người xứng đáng được hưởng.
Người ta nói về ông như một tượng đài của sự nỗ lực vươn lên, về một tấm gương sáng chói của nghị lực phi thường, nhưng tôi muốn gọi ông giản dị: người nông dân không tay. Bởi đôi tay, thứ quan trọng nhất của người nông dân trên cánh đồng, đã bị tước bỏ. Người nông dân ấy vẫn ra đồng xới đất, cày bừa, gặt hái. Người nông dân ấy vẫn làm lụng trên cánh đồng thân thuộc của mình, yêu nó bằng tất cả trái tim. Những vụ mùa vụ chiêm vẫn đi ngang qua cuộc đời ông, lúa vẫn trĩu bông, mùa màng rộn rã. Những nỗi đau và nhọc nhằn được quên đi sau mỗi lần chất đầy thóc trên sân hay cùng người vợ tần tảo của mình chơi đùa với đám cháu thơ dại. Tôi gọi ông là người nông dân không tay, bởi hơn cả mọi danh hiệu, đó vẫn là thứ mà ông khao khát và thực sự thuộc về.
Hoàng Sơn
Bài viết cảm động quá!
Vi văn Tiên
Đọc mà cảm động quá, từng câu chữ mang ran rát gió lào, chắt mặn của biển, của cát, của nông dân xứ Nghệ.
Vi văn Tiên
Đọc qua bài báo thấy mình còn nhỏ bé, mình phải làm nhiều việc hơn để giúp đỡ cộng đồng.
Lê Hưng
Cảm động quá