Đảng viên biên phòng phụ trách hộ gia đình khu vực biên giới: Không để ai bị bỏ lại phía sau!

Vợ chồng ông Moong Phò Lư – bản Huồi Phuôn 2, xã Keng Đu (Kỳ Sơn) hiện sống chung với vợ chồng con trai thứ ba. Trong 6 người con thì còn 3 đứa vẫn đang đi học. Bản thân Phò Lư là bệnh binh với thương tật 61% nhưng vẫn là lao động chính trong nhà. “Làm gia trại từ năm 1994 nhưng năm nào cũng dịch bệnh, lợn, gà còi cọc, khó nuôi lắm, may mắn thì chỉ đủ phục vụ gia đình chứ không có bán”, Phò Lư cho biết. Hai năm nay, dưới sự hỗ trợ trực tiếp của đảng viên Đồn Biên phòng Keng Đu cả về cây, con giống và cách chăm sóc, phòng trừ bệnh dịch, kỹ thuật nuôi trồng cộng với quyết tâm của bản thân, gia trại của ông Phò Lư đã khoác màu áo mới, ấm no, tươi sáng hơn. Ông khoe “Đàn bò của bố hiện đã có 4 con, cộng thêm 6 con bò của vợ chồng con trai, năm nay gia đình bố phấn đấu thoát khỏi hộ cận nghèo”. Ấy thế nhưng khi được hỏi về tình hình của bản, ông Moong Phò Lư chợt trầm ngâm “Bà con còn khó khăn lắm, trồng lúa thì phụ thuộc vào thời tiết, năm nào thuận lợi thì cho thu hoạch đủ ăn, hạn hán, lũ lụt thì chịu đói. Nhiều nhà cũng muốn chăn nuôi nhưng không có tiền mua con giống. Lại thêm cái tập tục muốn con cái đông đúc nên  nhà nào cũng nheo nhóc, con cái năm bảy đứa, lo cho chúng cái ăn đã khó rồi”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Keng Đu trao đổi với ông Moong Phò Lư về hướng vươn lên phát triển kinh tế để thoát đói nghèo.
Cán bộ Đồn Biên phòng Keng Đu trao đổi với ông Moong Phò Lư về hướng vươn lên phát triển kinh tế để thoát đói nghèo.

Keng Đu có 9/10 bản làng là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Khơ mú với khoảng 600 hộ, trong đó, gần 70% là hộ nghèo. Để người dân nơi đây thay đổi nếp nghĩ, nếp làm, thoát khỏi cái nghèo, cái khổ như ông Moong Phò Lư không phải là chuyện có thể thực hiện trong một sớm, một chiều.

Là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, có đường biên giới đất liền dài 468,282km, khu vực biên giới Nghệ An có 61 xã, phường thuộc 11 huyện, thị xã, là địa bàn có vị trí quan trọng về kinh tế, xã hội và an ninh đối ngoại. Tuy nhiên tình hình kinh tế- xã hội, nhất là tuyến biên giới đất liền vẫn chậm phát triển. Số hộ gia đình được đảng viên Biên phòng phụ trách thuộc nhóm hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn và đặc biệt khó khăn chiếm tỷ lệ lớn, điều kiện về công cụ sản xuất, hỗ trợ từ bên ngoài còn hạn chế. Bên cạnh đó một bộ phận nhân dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước, chưa có ý chí vươn lên thoát nghèo, gây không ít khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động.

Đường vào bản Buộc; Thiếu tá Lê Văn Thìn - Đồn Biên phòng Mỹ Lý trao đổi với hộ được giúp đỡ; Đồn Biên phòng Mỹ Lý tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng tranh vẽ cho phụ nữ xã Bắc Lý (Kỳ Sơn); Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ biên phòng Mỹ Lý, người dân bản Buộc đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi; Bộ đội biên phòng Mỹ Lý tuần tra biên giới.
Đường vào bản Buộc; Thiếu tá Lê Văn Thìn - Đồn Biên phòng Mỹ Lý trao đổi với hộ được giúp đỡ; Đồn Biên phòng Mỹ Lý tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng tranh vẽ cho phụ nữ xã Bắc Lý (Kỳ Sơn); Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ biên phòng Mỹ Lý, người dân bản Buộc đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi; Bộ đội biên phòng Mỹ Lý tuần tra biên giới.

Đồn Biên phòng Mỹ Lý được giao quản lý 2 xã biên giới đặc biệt khó khăn thuộc huyện Kỳ Sơn, với tỷ lệ hộ nghèo cao (Bắc Lý 58,95%, Mỹ Lý hơn 56%), tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp. Thực hiện Chỉ thị 681, Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn đã thực hiện phân công 28 đồng chí giúp đỡ, phụ trách 128 hộ/674 khẩu. Thế nhưng các gia đình được đảng viên phụ trách hầu hết ở các bản vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Thiếu tá Lê Văn Thìn – Đồn Biên phòng Mỹ Lý được phân công phụ trách 5 hộ Khơ mú ở bản Huồi Pún.

Bản có 81 hộ, 432 khẩu thì có tới hơn 63% hộ nghèo; người dân chủ yếu phát nương làm rẫy, trồng sắn, hộ khá hơn thì chăn nuôi, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Bên cạnh việc giúp đỡ chi bộ, ban quản lý bản củng cố hệ thống chính trị cơ sở, Thiếu tá Thìn luôn bám sát để động viên, hướng dẫn các hộ chăn nuôi, trồng trọt. Tuy nhiên, không phải hộ nào cũng kiên trì và có được bước chuyển vượt bậc như hộ ông Moong Văn An với 2 con bò, hàng chục con dê, con gà và ao cá. Thực tế, nhiều hộ được hỗ trợ con giống, cây trồng nhưng do chăm sóc không tốt nên không phát triển được. Đấy là chưa kể, hơn 2 năm trở lại đây tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (dịch lợn tai xanh, viêm u nổi cục ở trâu bò) diễn biến phức tạp, trong khi điều kiện về y tế, thú y chưa đảm bảo nên việc triển khai thực hiện các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, nhất là các mô hình phát triển chăn nuôi trồng lúa nước, rau màu, cây ăn quả thường không bền vững.

Ngoài ra, tâm lý một số hộ muốn tiếp tục nghèo để được trợ cấp. “Tỷ lệ hộ nghèo cao nên nếu cứ hỗ trợ đại trà thì chỉ như “muối bỏ bể”. Vì vậy, đơn vị đã yêu cầu các đảng viên giúp đỡ hộ, rà soát chọn xây dựng mô hình điểm để người dân thấy, tin và làm theo”, Thiếu tá Hoàng Thế Tài – Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý chia sẻ.

Để tránh tình trạng một bộ phận người nghèo có tâm lý ỷ lại, trông chờ chính sách, trước khi trao “cần câu”, một số đồn biên phòng đã chỉ đạo các đảng viên triển khai cho các hộ được giúp đỡ ký cam kết. “Nếu mình cứ hỗ trợ mà không có cam kết gì họ sẽ có cảm giác được cho không mà không có động lực để phấn đấu vươn lên rồi nghèo lại hoàn nghèo”, Thượng tá Nguyễn Thanh Hồng – Đội trưởng Đồn Biên phòng Tam Quang (Tương Dương) cho hay.

Lý do là việc thẩm định, rà soát, lựa chọn hộ chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng một số cán bộ lựa chọn các hộ gia đình không thuộc diện quy định trong Chỉ thị 681; lựa chọn theo cảm tính, trên cơ sở quen biết, tình cảm cá nhân, không xây dựng được kế hoạch, lộ trình giúp đỡ cụ thể. Từ thực trạng đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn Biên phòng khẩn trương khắc phục, lựa chọn hộ gia đình phụ trách theo đúng các tiêu chí đề ra (hộ nghèo, hộ có công với cách mạng, người có uy tín, hộ có mối quan hệ 2 bên biên giới, người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng, gia đình có người lầm lỡ…). Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, phường, khối xóm, bản biên giới và ven biển để thẩm định. Sau khi có kết quả chính xác mới giao nhiệm vụ cho các đảng viên xây dựng lộ trình và các giải pháp phù hợp để giúp đỡ hộ. Ví như tại Đồn Biên phòng Mỹ Lý (Kỳ Sơn) ban đầu đã chọn ra 127 hộ/671 khẩu phân công 26 đảng viên phụ trách. Qua một thời gian thực hiện thấy việc giúp đỡ các hộ chưa phù hợp, đến tháng 6/2019, đồn tiếp tục phối hợp với địa phương tiếp tục rà soát, chọn ra 128 hộ/674 khẩu phân công 28 đồng chí phụ trách. Một số đơn vị mới đầu phân công đảng viên phụ trách chưa gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn cũng đã có sự điều chỉnh lại cho phù hợp.

Các đồn biên phòng: Tam Hợp, Mỹ Lý, Na Loi, Nậm Cắn, cảng Cửa Lò – Bến Thủy tổ chức tuyên truyền, phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19; xuất, nhập cảnh trái phép”.
Các đồn biên phòng: Tam Hợp, Mỹ Lý, Na Loi, Nậm Cắn, cảng Cửa Lò – Bến Thủy tổ chức tuyên truyền, phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19; xuất, nhập cảnh trái phép”.

Chính ủy BĐBP tỉnh cũng nhấn mạnh: Việc giám sát, đánh giá kết quả việc thực hiện Chỉ thị 681 là một nội dung hết sức quan trọng. Hàng năm, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xác định lấy kết quả thực hiện Chỉ thị 681 là tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đơn vị cơ sở và của các đảng viên tại các đồn.

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy có thể kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất thông qua làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương hoặc xuống tận hộ. Các đảng viên Biên phòng được phân công phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới, phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chi bộ các đội, trạm và của cấp ủy, chỉ huy đồn để kịp thời phát hiện, điều chỉnh, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập. Những cá nhân phụ trách hộ không hiệu quả, sẽ bị điều chuyển thực hiện nhiệm vụ khác và thay thế bằng những đồng chí có năng lực, trách nhiệm hơn. BĐBP tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong thực hiện chỉ thị.

Bên cạnh đó, việc tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án “Nâng cao hiệu quả giúp đỡ gia đình khu vực biên giới, gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo” là cơ sở pháp lý quan trọng để BĐBP tỉnh tiếp tục triển khai Chỉ thị 681 trong tình hình mới.

Ngoài những khó khăn về kinh phí, địa bàn, khí hậu, thời tiết thì trong hai năm trở lại đây, việc căng mình tuần tra kiểm soát phòng, chống Covid-19 trên các chốt biên giới, dọc đường mòn, lối mở cũng ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện nhiệm vụ của các đảng viên Biên phòng phụ trách hộ.  Ngoài bám bản, bám dân để truyên truyền, phòng chống dịch Covid-19, thời gian qua, BĐBP Nghệ An đã chủ trì phối hợp với các lực lượng lập 67 tổ chốt cố định và cơ động, quân số 543 đồng chí trong đó biên phòng 318 người. Hiện tại duy trì 33 tổ chốt cố định, các đồn đều phải phân bố lực lượng cho các tổ chốt duy trì tuần tra kiểm soát 24/24h, đó là chưa kể có những thời điểm cao điểm phải điều quân từ tuyến biên giới và các đơn vị khác lên bổ sung.

Chốt số 3, Đồn Biên phòng Thông Thụ (Quế Phong) nằm giữa vùng núi non hiểm trở; Tổ chốt số 2, Đồn Biên phòng Thông Thụ canh gác phòng, chống người xuất, nhập cảnh trái phép; Người vượt biên trái phép bị tổ chốt thuộc Đồn biên phòng Thông Thụ phát hiện, đưa đi cách ly khi đang tìm cách vượt biên trái phép; Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn tăng cường công tác tuần tra kiểm soát bảo vệ biên giới, phòng chống dịch Covid-19, xuất nhập cảnh trái phép.
Chốt số 3, Đồn Biên phòng Thông Thụ (Quế Phong) nằm giữa vùng núi non hiểm trở; Tổ chốt số 2, Đồn Biên phòng Thông Thụ canh gác phòng, chống người xuất, nhập cảnh trái phép; Người vượt biên trái phép bị tổ chốt thuộc Đồn biên phòng Thông Thụ phát hiện, đưa đi cách ly khi đang tìm cách vượt biên trái phép; Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn tăng cường công tác tuần tra kiểm soát bảo vệ biên giới, phòng chống dịch Covid-19, xuất nhập cảnh trái phép.

Thượng tá Hoàng Văn Huy – Chính trị viên Đồn Biên phòng Thông Thụ (Quế Phong) cho biết: Đơn vị đã phân công 26 đảng viên phụ trách 118 hộ/556 khẩu trên địa bàn. Tuy nhiên, thời gian qua tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên ít nhiều ảnh hưởng đến công tác giúp đỡ hộ của các đảng viên. Đồn có 5 chốt phòng chống Covid-19, trong đó có 4 chốt cố định, 1 chốt lưu động làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát 24/24h. Có những thời gian cao điểm cán bộ, chiến sỹ phải căng mình tập trung cao độ cho công tác phòng, chống Covid-19, bên cạnh đó còn có sự điều động luân chuyển giữa các đơn vị nên công tác phụ trách hộ bị gián đoạn nên hiệu quả chưa cao.  Đó cũng là khó khăn chung tại các đồn biên phòng tuyến biên giới bộ.

Trao đổi về những định hướng sắp tới, Đại tá Lê Như Cương – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh khẳng định: Trong thời gian tới, việc thực hiện nhiệm vụ “kép” bảo vệ biên giới và phòng chống Covid-19 tại các đơn vị sẽ rất nặng nề. Tuy nhiên, để thực hiện tốt Chỉ thị 681 và Đề án của UBND tỉnh Nghệ An, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh sẽ chỉ đạo cấp ủy, Ban Chỉ huy các đồn động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên trong đơn vị, phát huy tính tiên phong, gương mẫu vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị tại đơn vị, vừa vận dụng linh hoạt thời gian để giúp đỡ hộ. Đồng thời phát huy hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ tăng cường xã, và 73 đảng viên biên phòng tham gia sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ thôn, bản gắn với phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới, giúp dân xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

Đối với công tác cán bộ, Đảng ủy chủ trương thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp ổn định, thực hiện phụ trách hộ gia đình đảm bảo tính lâu dài, hướng tới mục tiêu: giúp đồng bào các dân tộc có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, từ việc chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đến việc triển khai các mô hình phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, phấn đấu góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực biên giới của tỉnh Nghệ An mỗi năm trên 3%.

Đồn Biên phòng Môn Sơn tuần tra trên Sông Giăng. Ảnh: Lê Quang Dũng
Đồn Biên phòng Môn Sơn tuần tra trên Sông Giăng. Ảnh: Lê Quang Dũng