Trang phục của thiếu nữ Mông thường rất nổi bật. Họ thường mặc trang phục truyền thống tại những ngày hội như Tết, đám cưới và trong những hội diễn văn nghệ.
Ở Nghệ An, người Mông cư trú chủ yếu ở những vùng núi cao của các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Một số ít cư trú gần thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), các xã Xá Lượng, Lưu Kiền (Tương Dương). Dù ở đâu thì cộng đồng người Mông vẫn luôn giữ nếp sống truyền thống. Phụ nữ Mông rất ưa thích trang phục truyền thống của cộng đồng mình.
Trang phục phụ nữ Mông gồm váy, áo, xà cạp, mũ và ô che đầu. Váy xòe nom rất cầu kỳ. Người ta có thể tìm thấy những họa tiết đường diềm, hình trăng sao như trong trang phục của người Thái.
Áo xẻ thường ít các họa tiết hơn. Váy áo truyền thống của phụ nữ Mông thường được dệt từ sợi lanh. Màu sắc các họa tiết đều có nguồn gốc từ cây, lá, quả rừng. Ngày nay, thiết kế của trang phục phụ nữ Mông đã thay đổi nhiều. Những bộ trang phục rực rỡ được các thiếu nữ Mông yêu thích. Chiếc mũ mô phỏng hình vương miện của hoàng hậu và ít nhiều mang dáng dấp mũ của phụ nữ cung đình trước đây.
Phụ nữ Mông đeo khá nhiều vòng bạc trên tay, cổ. Những đồng xu và sợi dây bằng bạc thường được trang trí trên áo xẻ. Trong những cuộc chơi hội, các thiếu nữ Mông thường mang theo những chiếc ô cũng sặc sỡ không kém.
Mỗi loại trang phục của phụ nữ Mông đều có một ý nghĩa riêng. Theo một cao niên người Mông ở xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) thì: Chiếc mũ đội đầu mang dáng dấp cung đình xưa là gửi gắm mơ ước về một cuộc sống sang giàu, thậm chí là vương giả sau này của cộng đồng.
Ông Lầu Xái Phia, 75 tuổi ở bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn cho biết: Trang phục truyền thống của người Mông có từ hàng trăm năm trước. Người Mông vốn cư trú trong những địa hạt riêng của họ. Mỗi vùng đều có một “vua” riêng. Họ thực sự là những lãnh chúa quyền uy. Theo những truyền thuyết, Vua Mông thường có nhiều vợ. Các cuộc “tuyển vợ” của họ thường thu hút thiếu nữ trong vùng. Nhiều thiếu nữ đến xem tuyển vợ vì muốn làm “hoàng hậu”, người chỉ muốn phô diễn vẻ đẹp của mình. Song, ai cũng muốn mình trở nên xinh đẹp nhất trong mắt “vua” của họ. Các thiếu nữ thêu những chiếc “vương miện” theo hình dung của mình và mang đến lễ hội.
Dù có được chọn làm hoàng hậu hay không, nhưng những thiếu nữ đều tự hào vì những bộ trang phục tự tay mình làm ra. Kể từ đó, hình thành một truyền thống. Dù ngày nay, ở các xứ người Mông không còn những vị vua uy quyền nữa, các thiếu nữ vẫn thích mang những chiếc vương miện.
Trong các lễ hội, thiếu nữ Mông thường mang theo những chiếc ô. Nó không chỉ để che nắng, mưa hay tạo “phông” cho những bộ trang phục thêm sặc sỡ. Chiếc ô là một thứ đặc biệt trong trang phục của phụ nữ Mông. Chiếc ô thường được mang theo trong đám rước dâu của người Mông ở Nghệ An. Đám rước dâu mang theo chiếc ô đến nhà gái, sau đó lại cầm theo trở về. Người ta tin rằng, chiếc ô sẽ mang theo vía của cô dâu và chú rể. Cũng có một truyền thuyết liên quan đến quan niệm này. Trước đây, trong những cuộc thiên di của mình, người Mông luôn phải chạy trốn ma quỷ. Người ta tin rằng ma sẽ không tìm thấy khi trốn dưới cây ráy. Từ đó người ta dệt vải kết thành những chiếc ô mô phỏng lá cây ráy và ma quỷ sẽ không tìm ra họ. Từ đó chiếc ô thường được người Mông mang theo để phòng tránh tà ma.