Chúng tôi gặp ông Lê Văn Cận khi ông đang lúi húi xới lại thửa vườn để kịp trồng rau vụ xuân. Nhìn ông vừa thấp thoáng giống bóng dáng của người rỗi rãi tìm niềm vui từ ruộng vườn lại vừa giống một “lão nông tri điền”. Ấy thế, người ở xã Hưng Tiến (nay là Hưng Nghĩa), huyện Hưng Nguyên đều biết ông từng là cán bộ chủ chốt của xã. Cách đây 2 năm ông Cận còn là Bí thư Đảng ủy xã Hưng Tiến. Khi tỉnh thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, xã Hưng Tiến sáp nhập với xã Hưng Thắng để hình thành xã mới Hưng Nghĩa. Việc sáp nhập đã làm dôi dư một loạt cán bộ chủ chốt. Khi đang là Bí thư Đảng ủy xã Hưng Tiến, ông Cận là một trong những người tự nguyện nghỉ trước 2 năm để nhường vị trí này cho người mà ông tin rằng sẽ thực hiện nhiệm vụ tốt hơn mình.
Nghệ An là tỉnh rộng nhất cả nước với 16.400km2, trước thời điểm sáp nhập tỉnh có số đơn vị hành chính cấp xã là 480 (xã, phường, thị trấn). Việc sáp nhập được tiến hành hoàn toàn với 16 xã và điều chỉnh 3 xã. Sau sáp nhập, Nghệ An còn 460 đơn vị hành chính cấp xã nhưng số cán bộ dôi dư để thực hiện chủ trương này 715 người. Dù đề ra chủ trương sáp nhập, nhưng Trung ương không có chính sách riêng cho những người dôi dư do sáp nhập xã mà chỉ được áp dụng chính sách chung theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ. Về thực tế này Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền cho rằng: “Anh em cán bộ, công chức không có lỗi gì, mà đây là thực hiện chủ trương chung của Trung ương”.
Thấu hiểu điều đó, ngoài thực hiện Nghị định 108/2014 và 113/2018 của Chính phủ, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII nhiệm kỳ 2016-2021 đã ban hành một chính sách riêng hỗ trợ cho những người nghỉ hưu trước tuổi và thôi việc do sáp nhập xã, kể cả chính sách cho những người hoạt động không chuyên trách ở xã, xóm được nghỉ do sáp nhập (Nghị quyết số 15/2019/NQ-HĐND). Điều đặc biệt nhất, quá trình sáp nhập xã, xóm đã tạo nên sự xáo trộn về công tác cán bộ, nhân sự nhưng tất cả những người trong diện dôi dư phải nghỉ hoặc chuyển sang công việc khác có vị trí, chức vụ thấp hơn đều thống nhất, đồng lòng thực hiện chủ trương. Cho đến thời điểm này chưa hề có một tiếng ỳ xèo nào xung quanh vấn đề này.
Tương tự với chính sách đối với cán bộ chủ chốt dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, HĐND tỉnh cũng đã trăn trở nghiên cứu, ban hành chính sách về mức phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở xã, xóm và mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của xóm, khối, bản. Ông Phan Văn Vượng – Xóm trưởng xóm Văn Viên (xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên) cho biết: Xóm Văn Viên được sáp nhập trên cơ sở xóm 4 và xóm 5 của xã Hưng Khánh (cũ). Sau sáp nhập, mặc dù địa bàn rộng hơn, dân số đông, công việc nhiều hơn, nhưng nhờ có chính sách kịp thời của HĐND tỉnh, những cán bộ không chuyên trách ở xóm như ông rất yên tâm công tác, cống hiến tại các khu dân cư.
Là tỉnh mà nông nghiệp đang là trụ cột chính của nền kinh tế và nông dân đang chiếm 75% dân số, trong nhiệm kỳ, hoạt động của HĐND tỉnh cũng như Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Riêng HĐND tỉnh, từ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân qua các kỳ tiếp xúc cử tri cũng đã trăn trở ban hành hàng loạt chính sách nhằm dẫn dắt và đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp ở chiều sâu.
Ông Phan Nguyên Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch và Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các chính sách của HĐND tỉnh ban hành thời gian qua đã cơ bản “quét” hết các khâu trong sản xuất nông nghiệp từ hỗ trợ đầu vào, khâu chăm sóc, bao tiêu sản phẩm, kể cả thay đổi hình thức, phương thức sản xuất thông qua chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích xây dựng cánh đồng lớn; chính sách hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP.
Cũng theo ông Phan Nguyên Hùng, sự tác động mà chính sách trong nông nghiệp mang lại rất lớn, góp phần tăng quy mô sản xuất lớn đối với một số sản phẩm cụ thể như: cam, bưởi, chanh leo, chè… trên địa bàn tỉnh. Gắn với đó là tích cực chuyển đổi một số cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh việc đưa cơ giới và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, chính sách cũng đã góp phần tạo sinh kế cho nhiều hộ gia đình, nhất là hộ nghèo, cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.
Trong nhiệm kỳ, HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết về chính sách xây dựng nông thôn mới đảm bảo phù hợp cho hai giai đoạn. Ông Nguyễn Văn Hằng – Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới của tỉnh cho rằng, nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương rất lớn, trong khi đó nguồn hỗ trợ từ Trung ương rất nhỏ, ngân sách các địa phương ít thì việc HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ xi măng, vừa giải tỏa “gánh nặng” tư tưởng cho cấp ủy, chính quyền các địa phương, vừa khích lệ người dân vào cuộc chung tay xây dựng NTM. Cụ thể, từ nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh chiếm 28 – 30%, qua đó góp phần hoàn thiện gần 4.000 km đường bê tông nông thôn toàn tỉnh. Từ làm đường giao thông nông thôn có hiệu quả đã tạo động lực để Nhân dân đóng góp hoàn thiện các thiết chế văn hoá – thể thao, kết cấu hạ tầng nông thôn… Đây chính là cái được lớn của chính sách để toàn tỉnh có 280 xã và 898 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngoài chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, HĐND tỉnh cũng dành sự quan tâm lớn chăm lo các vấn đề an sinh xã hội. Đó là đã quyết nghị thông qua hàng loạt chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài huyện 30a; chính hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng thuộc gia đình hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ông Tô Văn Thu – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quỳnh Lưu và là đại biểu HĐND tỉnh chia sẻ: Soi vào thực tiễn, các chủ trương, chính sách được HĐND tỉnh ban hành trong nhiệm kỳ đều bám sát thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống và khi triển khai thực hiện trong thực tiễn, từng chủ trương, chính sách có “sứ mệnh” thúc đẩy phát triển ở một số lĩnh vực và giải quyết khó khăn cho một số đối tượng cụ thể.
Trong một diễn đàn của HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An cho rằng, nhiều kiến nghị của cử tri đối với tầm của tỉnh thì “nhỏ ti ti”, nhưng đối với một cá nhân, một gia đình, một cộng đồng dân cư cụ thể thì lại vô cùng lớn và quan trọng. HĐND tỉnh và mỗi đại biểu HĐND tỉnh là cơ quan đại diện cho cử tri, chưa làm được cái gì to tát cho dân thì phải làm được những cái “nhỏ nhỏ”. Cần phải đeo bám UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương để giải quyết cho bằng được…
(Còn nữa)