Lướt qua danh sách tập thể, cá nhân mới được Huyện ủy Thanh Chương tuyên dương trong thực hiện Chỉ thị 05, tôi đặc biệt chú ý đến cái tên Trần Thị Nga – công dân khối 1A thị trấn Dùng với những lời giới thiệu ngắn gọn: “Hàng ngày, vớt rác trên hồ, vệ sinh xung quanh hồ thị trấn. Từ đó lan tỏa hành động đẹp, giúp mọi người có ý thức bảo vệ môi trường quanh hồ thị trấn và các khu vực khác”. Từ lâu, đã nghe một số người dân nhắc đến “cái sự lạ” của người phụ nữ này, nay lại càng thấy tò mò bởi bà là công dân duy nhất của thị trấn và là 1 trong 15 cá nhân trong toàn huyện được tuyên dương đợt này nên chúng tôi quyết định “mục sở thị” để tìm hiểu.
5h30 phút sáng, có mặt ở khu vực hồ trung tâm thị trấn Dùng, đã thấy khá đông người dân đi bộ, tập thể dục, đánh bóng chuyền rèn luyện sức khỏe. Trong khung cảnh ấy, thấp thoáng từ đằng xa, bóng dáng một người phụ nữ nhỏ bé, đeo khẩu trang, tay cầm một kẹp sắt dài, cặm cụi gom từng đầu mẩu thuốc lá, cái vỏ kẹo, bao bóng bỏ vào túi ni lon đen cầm theo, sau đó lại đổ vào những thùng rác màu xanh dựng rải rác quanh khu vực hồ. Rác vương vãi xung quanh các thùng rác cũng được bà gắp lên bỏ vào gọn gàng. Cứ như thế, người phụ nữ ấy kiên nhẫn, lặng lẽ di chuyển đến từng gốc cây, từng ghế đá để gom rác, thỉnh thoảng có người quen nhận ra, bà lại ngừng tay trò chuyện vui vẻ.
Sau khi nhặt rác xung quang khuôn viên hồ, bà Nga cầm lấy cây vợt rác tự chế cán dài dựng sẵn ở gốc cây bằng lăng bắt đầu công việc tiếp theo là vớt rác dưới lòng hồ. Chiếc sào dài phía đầu có túi lưới cứ chao lên, chao xuống, đủ loại rác từ bao bóng, vỏ kẹo, bim bim được vớt lên để thành từng đống. Thỉnh thoảng bà lại dùng tay kiên nhẫn gỡ từng con cá nhỏ mắc trong lưới thả trở lại hồ… Lúc gặp rác nặng, khó vớt, những người chạy xe ôm, taxi gần đó chủ động chạy đến giúp bà vợt lên.
Trong không gian thoáng đãng của buổi sáng sớm, chúng tôi lặng lẽ đi theo và quan sát người phụ nữ ấy cho đến khi bà kết thúc công việc của mình, chậm rãi ngồi nghỉ trên chiếc ghế đá hướng mặt ra hồ, mới tiến lại bắt chuyện. Bà nở nụ cười hiền hậu, khuôn mặt bình thản, nhẹ nhàng. Bà bảo đã gắn bó với công việc này từ năm 2018, ý tưởng gom rác nảy sinh từ những lần đi bộ tập thể dục quanh hồ, quan sát thấy nhiều rác vương vãi làm mất cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù chính quyền cũng đã giao khoán cho 2 người vệ sinh 2 ngày một lần nhưng làm không xuể vì đây là khu vực trung tâm, tập trung đông người nhất là buổi tối, lại có điểm chờ xe buýt, nhiều người cứ vô tư xả rác, bao bóng quanh khu vực hồ.
“Cứ 5h sáng là tôi dậy bắt đầu đi, trừ mưa chơ rét cũng đi. Dịp Tết có khi ngày 30 mới nghỉ và mồng 6 là đã ra gom rác rồi, bởi sau Tết rác nhiều có khi gom được 4 -5 túi đen đầy. Ngoài nhặt rác xung quanh hồ tôi còn vớt rác dưới hồ lên, công việc cũng không có gì là khó nhọc, chỉ thấy có ích cho cộng đồng, cho xã hội là làm thôi. Hồi trước cũng có một bà bạn làm cùng nhưng sau đó bà ấy bị ốm nên nghỉ, tôi làm một mình thôi…”, bà Nga chia sẻ.
Mới đầu, nhiều người thấy bà làm công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” như vậy thì lấy làm ngạc nhiên, có người ủng hộ nhưng cũng có người cho rằng bà bị gàn dở, hâm, làm màu. “Nghe lời ra tiếng vào vậy, mới đầu tôi cũng chạnh lòng nhưng rồi lại tự nhủ “cuộc đời này ngắn lắm, đừng bận tâm điều thị phi, thấy việc gì có ích, lặng lẽ làm rồi đi…”, bà Nga tâm sự.
“Thế chồng con của dì phản ứng thế nào, có ủng hộ không, tôi hỏi. “Mới đầu chồng tôi cũng ngăn cản vì lo cho sức khỏe của vợ, bởi cách đây mấy năm tôi bị tai nạn suýt chết”, bà Nga vừa nói vừa cho chúng tôi xem những vết mổ ở bụng, những vết sẹo nhăn nhúm, dúm dó ở bàn chân, rồi cười “nói thế thôi chứ thấy tôi quyết tâm làm, ông ấy không cản nữa, còn con cái thì chúng chỉ bảo mẹ thấy khỏe, thấy vui thì cứ làm việc tốt cho đời”.
Quá trình dọn rác ở hồ, thỉnh thoảng bà Nga lại nhặt được của rơi, khi thì điện thoại, khi quần áo người chơi thể thao để quên, có cả cuốn sổ tiết kiệm 50 triệu… Mỗi lần như vậy, bà đăng lên nhóm Hội đồng hương Thanh Chương để người mất biết mà đến nhận. Có khi nhặt được vài trăm nghìn, bà lại đem lên gửi vào quỹ của Chùa phục vụ nấu cháo từ thiện cho bệnh nhân nghèo, hoặc hỗ trợ các gia đình hoàn cảnh khó khăn trong xóm.
Câu chuyện giữa chúng tôi thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi những lời hỏi thăm, trêu đùa của những người lái xe taxi, xe ôm quanh khu vực hồ. “Bác Nga dậy sớm lắm, có khi 5h sáng đã có mặt nhặt rác, vớt rác. Nhiều người nói hâm nhưng tôi thấy đó là việc làm đáng ghi nhận, dọn dẹp sạch sẽ thì bản thân mình cũng được hưởng không khí trong lành. Thỉnh thoảng rảnh khách, tôi cũng có giúp bác ấy vớt rác…”, anh Nguyễn Văn Bảy, lái taxi vừa vỗ vai bà Nga vừa nói.
Có lẽ, động lực giúp bà Nga duy trì được nhiệt huyết với công việc tình nguyện dọn rác ở khu vực hồ trung tâm cũng xuất phát từ tình yêu với quê hương, với nơi mình cư trú và trách nhiệm với cộng đồng.
Mỗi buổi sáng sớm, sau khi hoàn tất việc nhặt rác xung quanh và vớt rác dưới lòng hồ, bà Nga cũng lặng lẽ “biến mất” trong sự ồn ào, náo nhiệt của phố phường. Cái dáng nhỏ bé xiêu xiêu vác trên vai chiếc vợt tự chế của bà khuất dần sau chiếc cổng có dòng chữ “Làng văn hóa khối 1A”.
Tìm hiểu được biết, bà Nga trước là quân nhân chuyên nghiệp ở Đoàn an dưỡng 405 (Quân Khu 4), sau đó chuyển ngành đi học trung cấp kế toán, rồi chuyển về làm kế toán thủy lợi ở Quỳnh Lưu, Thanh Chương, rồi làm Chủ nhiệm hiệu sách huyện Thanh Chương. Đến năm 2004 nghỉ hưu, bà tích cực tham gia hoạt động ở khối xóm, từng làm Khối trưởng, Chi hội trưởng Hội phụ nữ, Chi hội phó Chi hội cựu chiến binh khối 7A cũ. Sau khi bị tai nạn, sức khỏe yếu, bà mới xin nghỉ.
Qua câu chuyện bên ấm chè xanh sóng sánh còn bốc khói, ông Nguyễn Văn Đồng – nguyên Bí thư Chi bộ khối 7A cũ với chất giọng sang sảng vui vẻ cho biết: “Hồi trước bà Nga tham gia hoạt động phong trào nhiệt tình, sôi nổi lắm, cũng tích cực trong các hoạt động từ thiện cùng với nhà chùa, hay giúp đỡ người khó khăn. Bà ấy còn có 2 cậu con trai nuôi ở Thanh Văn đấy!”.
Nghe ông Đồng nói, bà Nga gật đầu xác nhận, cơ duyên giữa bà và hai cậu con trai nuôi cũng rất tình cờ. Gia đình bà vốn có một hiệu sách ở khu vực bến xe, thấy cháu chít khăn tang với vẻ mặt buồn, bà thương nên cưu mang. Lúc đó khoảng năm 2005, hai cậu con trai nuôi của bà, một người 21 tuổi và một người dưới 18 đang học cấp 3, bố mất khi nhỏ, đến năm 2005 thì mẹ cũng mất vì bệnh. “Lúc đó, các cháu cũng có những nhà hảo tâm cưu mang. Tôi chỉ bày dạy cho các cháu là chính, giúp các cháu làm giỗ bố mẹ, sửa sang nhà cửa và hỗ trợ một phần chi phí học tập. Hiện giờ cả hai cháu đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định ở Sài Gòn và tôi cũng đã hỏi vợ cho các cháu. Còn hai đứa con trai ruột thì một đứa đang làm ở Sài Gòn còn một đứa đang học đại học. Gia tài của tôi chỉ có thế thôi…”, bà Nga vừa cười vừa nói.
Có thể nói, việc làm của bà Nga tuy nhỏ và thầm lặng nhưng là bài học về ý thức bảo vệ môi trường chân thực và giàu ý nghĩa. Và việc trở thành công dân duy nhất của thị trấn và là 1 trong 15 cá nhân trên toàn huyện được Huyện ủy Thanh Chương tôn vinh trong thực hiện Chỉ thị 05 giai đoạn 2016 – 2021 là niềm hạnh phúc bất ngờ của bà. Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, người phụ nữ nhỏ bé ấy vẫn chưa hết xúc động “Tôi đã nhiều lần ra thủ đô, nhưng lần này được đi cùng các đồng chí lãnh đạo huyện và các tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện Chỉ thị 05 báo công ở Lăng Bác Hồ thật sự là một kỷ niệm khó quên trong đời. Việc làm của tôi bé nhỏ nhưng vẫn được ghi nhận, tôi thật sự rất biết ơn sự quan tâm, chia sẻ của mọi người…”.
Tâm sự về công việc hàng ngày của mình, bà Nga chia sẻ: “Việc giữ gìn môi trường sống là trách nhiệm của mỗi công dân, chừng nào tôi còn đủ sức khỏe, tôi vẫn sẽ tiếp tục duy trì vì với tôi, góp phần gìn giữ màu xanh cho cuộc sống là việc làm có ý nghĩa. Tôi không mong ước điều gì lớn lao chỉ mong mọi người có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, cùng giữ gìn cảnh quan, môi trường sống xanh – sạch – đẹp…”.
Nhiều người nhận xét, bao nhiêu năm vẫn miệt mài với công việc tình nguyện dọn rác ở khu vực hồ trung tâm thị trấn Dùng, không phụ cấp, không lương thì đúng là bà Nga “kỳ lạ” thật nhưng là cái “sự lạ” rất đáng yêu, đáng trân trọng giữa cuộc sống xô bồ này!