Chương trình hành động của ứng cử viên ĐBQH Trần Nhật Minh

Họ và tên: TRẦN NHẬT MINH

Ngày, tháng, năm sinh: 9/4/1970

Nghề nghiệp, chức vụ: Phó Bí thư Chi bộ, Phó Chánh Văn phòng phụ trách, Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.

Nếu được cử tri tin tưởng, tín nhiệm lựa chọn bầu vào đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi sẽ thực hiện tốt Chương trình hành động của mình như sau:

1. Tập trung trí tuệ, tâm huyết và dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện tốt nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội, các hoạt động của Quốc hội như: giám sát, tiếp xúc cử tri, hội thảo xây dựng pháp luật… Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Trên cơ sở kiến thức pháp luật, cơ sở lý luận được trang bị cùng với gần 29 năm kinh nghiệm thực tiễn công tác tại các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện với nhiều lĩnh vực khác nhau, bản thân sẽ tích cực tham gia với Quốc hội xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật Nhà nước bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, ổn định và minh bạch, đáp ứng được yêu cầu về trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế và hội nhập Quốc tế cũng như công cuộc cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.

3. Tích cực nghiên cứu, nắm bắt thông tin để chuyển tải, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan những bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật để từng bước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và có các giải pháp khắc phục kịp thời. Trong đó quan tâm các chính sách có tác động trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, như:

– Chính sách ưu đãi người có công, chính sách bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Xử lý dứt điểm tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công.

– Chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số như: đất sản xuất, tạo sinh kế, việc làm, ổn định và nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần cho Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Giám sát và đề xuất giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, đảm bảo các chính sách của Nhà nước được thực hiện có hiệu quả, thực sự đến với người được thụ hưởng chính sách.

– Chính sách phát triển nông nghiệp –nông thôn, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với từng địa phương, phát triển các vùng nguyên liệu, chú trọng các sản phẩm là thế mạnh của địa phương, nâng cao năng suất lao động, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng thêm giá trị thu nhập nâng cao đời sống của nông dân;

– Chính sách về tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất chuyên canh tập trung; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

– Chính sách huy động các nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, thực chất, hiệu quả, bền vững; đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng liên xã, cấp huyện, vùng, bảo đảm tính kết nối theo hệ thống, nhất là thủy lợi, giao thông, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn;

– Các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là vùng nông thôn, miền núi.

4. Thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân. Dành thời gian hợp lý để gặp gỡ, tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức khác nhau theo luật định (như: nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm), nhằm hiểu sâu hơn, cụ thể hơn cuộc sống thực tế và nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Lắng nghe và tổng hợp các ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân để đề xuất đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương về những yêu cầu mà cử tri và nhân dân mong đợi trên các lĩnh vực, các chính sách trực tiếp liên quan đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Theo dõi, rà soát những ý kiến, kiến nghị của cử tri đã đề xuất với đại biểu Quốc hội (kể cả những kiến nghị từ khóa trước) nhưng chưa được giải quyết để tiếp tục đôn đốc, phản ánh với các tổ chức, cơ quan hữu quan xem xét, giải quyết, trả lời.

5. Thực hiện đầy đủ, trách nhiệm tiếp công dân của đại biểu Quốc hội; tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng pháp luật đơn thư của công dân gửi đến đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát các cơ quan hữu quan trong việc giải quyết đơn thư của công dân.

Tìm hiểu, theo dõi đến cùng những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân chưa được giải quyết dứt điểm hoặc giải quyết không đúng pháp luật.

6. Kiên quyết phòng chống, tham nhũng, lãng phí, quan liêu hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm khác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nghiên cứu học tập nâng cao trình độ nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, xứng đáng là đại biểu của Nhân dân.

Bản thân nhận thức rõ việc được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội vừa là vinh dự, vừa là nhiệm vụ, trách nhiệm của mình. Tôi luôn mong mỏi được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV để tôi có điều kiện thực hiện tốt Chương trình hành động của mình và cử tri sẽ giám sát việc thực hiện Chương trình hành động của bản thân, để bản thân được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển tỉnh nhà Nghệ An nói riêng và đất nước nói chung.

Để thực hiện tốt Chương trình hành động của mình, tôi hy vọng và mong muốn được sự ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể, đặc biệt là quý vị cử tri./.