Tôi có thể hình dung được những phản ứng khác nhau khi nói rằng sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp cuối thập niên tám mươi của thế kỷ XX là một hiện tượng đặc biệt thú vị. Có giáo sư nói rằng, Nguyễn Huy Thiệp còn lâu mới chạm đến bậc thềm của những ngôi đền thiêng văn học, trong đó có các đấng bậc như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… đầu thế kỷ XX. Nhưng cũng sẽ nhiều người lập luận rằng, đấy là một tài năng lớn. Thậm chí, dù Nguyễn Huy Thiệp có thể sớm biến mất trong lòng bạn đọc (chưa tính đến tốc độ phát triển của văn học thời Nguyễn Huy Thiệp hoàn toàn khác với thời của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… và sự tráo trở của những cách đọc), nhưng điều quan trọng là lịch sử đã chớp mắt một lần duy nhất và Nguyễn Huy Thiệp đã xuất hiện đúng vào trong cái chớp mắt ấy.
Bằng chứng là những gì nhà văn viết ra đã từng tạo nên cơn sốt của văn học Việt Nam trong khoảng chục vài chục năm cuối của thế kỷ trước. Người ta đọc Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu bằng những ý kiến tản mạn, hoặc vô tư hoặc đầy thành kiến và thiên kiến, ban đầu là từ những chủ đề hạn hẹp qua những cuộc hội thảo, tọa đàm, một cuộc tranh luận… Ngoài những ý kiến sẽ bị lãng quên, có ý kiến sẽ còn được lật trở, được trích dẫn, để làm bằng chứng cho thói bảo thủ hoặc “cấp tiến” – những kẻ ủng hộ Nguyễn Huy Thiệp một cách nhiệt thành đôi khi quá sốt sắng.
Nguyễn Huy Thiệp đến với sự nghiệp văn chương bằng Những chuyện kể bất tận trong thung lũng Hua Tát (sau này là Những ngọn gió Hua Tát). Đó là một chùm “truyện dân gian viết lại”, đẹp một cách giản dị, đuợc bao phủ bởi một lớp khói sương huyền thoại, với giọng kể khi tha thiết như tâm tình, khi thì thầm triết lý, khi tranh biện hiện đại, có khi lại mang hương vị những truyện cổ dân gian… những câu chuyện mà Đoàn Thị Đặng Hương nhìn thấy “có vẻ đẹp của những truyện cổ tích hiện đại, có vị mặn chát của những giọt nước mắt của đời”. Nguyễn Huy Thiệp ngay sau đó chính thức trở thành hiện tượng với trung tâm rắc rối lẫm liệt là Tướng về hưu, là bộ ba truyện ngắn “giả lịch sử”: Vàng lửa, Phẩm tiết, Kiếm sắc. Mọi rắc rối ấy đều đến từ cách viết. Với việc để cho một số nhân vật lịch sử xuất hiện “không giống ai”, tính đến thời điểm đó, Nguyễn Huy Thiệp đã phải hứng chịu không ít chỉ trích từ dư luận, rằng có ý đồ chính trị, rằng bôi nhọ vĩ nhân, đạp đổ thần tượng, thách thức niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc… Nhiều trong số các ý kiến đó, thậm chí thóa mạ Nguyễn Huy Thiệp không tiếc lời. Thế nhưng, ở chiều ngược lại, những người nhận ra tính vấn đề trong cách viết của nhà văn lại bênh vực tác giả, từ đó đề xuất những cách đọc tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Tuy nhiên, những ý kiến này là quá ít và chưa đủ mạnh mẽ để kéo được tác giả ra khỏi những bùng nhùng nhận thức. Sau hết, Nguyễn Huy Thiệp có thể là người hiểu rõ nhất vấn đề, nên ông vẫn lặng lẽ viết Nguyễn Thị Lộ, Thương cả cho đời bạc, Mưa Nhã Nam… trong đà thắng của ngòi bút. Thực tình, có lẽ nhà văn cũng hơi “chợn”, nên các tác phẩm về sau có phần mềm mại hơn, uyển chuyển hơn. Nhưng không vì thế mà ông bộc lộ niềm kiêu hãnh của một kẻ phá bĩnh chiến thắng, trong nụ cười ẩn giấu sau một tuyên bố trong Sang sông, rằng “đút tay vào lịch sử thì kẹt ở đấy còn lâu”.
Từ cái trung tâm lịch sử ấy, bất chấp mọi khen chê, văn của Nguyễn Huy Thiệp cứ lặng lẽ tỏa đi, với sự bao quát một mảng hiện thực phong phú, và ở mảng nào, góc nào, Nguyễn Huy Thiệp cũng nhìn bằng một cái nhìn sắc, lạnh, tinh tế. Nhìn rất sâu vào hiện thực, Nguyễn Huy Thiệp thường bày tỏ nỗi thất vọng hiền minh trong một thứ văn phong ngày càng nhuần nhụy, ngày càng đằm thắm nhưng vẫn đảm bảo cái cốt cách “trung thực đến đáy”. Càng ngày người ta càng nhìn thấy một Nguyễn Huy Thiệp đa dạng về thể loại, biến ảo trong ngôn từ, nhuẫn nhuyễn, hài hòa trong sự kết hợp hiện thực và huyền thoại, triết lý và trữ tình, nghiêm khắc và trào lộng, hiện đại và truyền thống, với tầng tầng những ẩn dụ, phúng dụ, đầy mới lạ, đầy cá tính. Về sau còn thấy một Nguyễn Huy Thiệp rất quan tâm đến lý luận, phê bình văn học.
Tôi biết đến Nguyễn Huy Thiệp lần đầu tiên bằng truyện ngắn bi thảm Sang sông. Đó là vào năm 1992, trong giờ học Văn lớp 10. Thầy tôi – một nhà giáo dạy Văn cấp ba thôi nhưng luôn trăn trở với văn chương nước nhà, đã kể cho chúng tôi câu chuyện ấy bằng một giọng trầm buồn xa xót. Đó là một ám ảnh. Lên đại học, tôi đọc Nguyễn Huy Thiệp nhiều hơn. Luận văn thạc sĩ của tôi bảo vệ năm 2000 – một năm nhiều sự cố – hình như cũng là công trình nghiên cứu quy mô đầu tiên về Nguyễn Huy Thiệp. Mãi đến năm 2004, trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở Hà Nội, tôi mới gặp nhà văn lần đầu. Tư ốc của ông ẩn mình trong một khu vườn rộng, cổng vào xa xôi, thâm u. Trong vườn mọc một pho tượng Phật cao lớn (chi tiết này đã nhiều người viết). Ông đón tôi ở cổng, dẫn tôi lên thẳng tầng hai. Ông đọc luận văn trong khi tôi ngắm nghía những bức tranh như ngắm một mớ ký ức lộn xộn trưng ra bằng màu sắc kỳ dị. Chúng tôi ăn cơm. Vợ ông không ăn cùng. Bữa cơm chưa xong thì một chàng bước vào, tóc vàng, tai đeo khuyên. Chàng trai chào tôi. Họ không chào nhau. Tôi hiểu là sự tôn trọng thế giới riêng của mỗi người. Chàng trai sau đó biến mất, như khi đến, như những ngọn gió. Nguyễn Huy Thiệp ân cần gắp thức ăn cho tôi và nói chuyện. Chỉ là chuyện đời thôi. Thương cả cho đời bạc. Không văn chương. Không chính trị. Rất nhiều ý nghĩ được ông diễn giải khá lộn xộn trong những câu nói lắp cố tật của ông. Sâu sắc và ấm áp. Hiền lành theo cách của một ông nông dân hiền lành nhất. Ông tặng tôi tất cả các đầu sách mà ông đã in. Ông động viên tôi sửa luận văn thành chuyên luận để xuất bản. Ông hứa sẽ kêu gọi bạn bè ông hỗ trợ. Nhưng đến giờ cuốn sách vẫn chỉ là món nợ xấu mà tôi chưa trả được cho ông. Tôi đọc ở dạng bản thảo Gạ tình lấy điểm và Tuổi hai mươi yêu dấu. Tôi có nói với ông là không thấy thích.
Sau đó tôi còn gặp ông vài lần. Một lần ông chủ động mời tôi và bạn gái (là vợ tôi bây giờ) đi dự buổi trò chuyện ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Một lần khác khi ông đi qua Nghệ An cùng với nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, nhà thơ dân gian Bảo Sinh và nhà thơ Trần Sỹ Kháng. Hôm đó khi được mời trò chuyện, ông giới thiệu ngay nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh, mà bản thân không hề nói câu nào.
Năm trước, nhà phê bình Văn Giá có gọi cho tôi trong một buổi chiều mưa buồn. Văn Giá nói rằng Nguyễn Huy Thiệp vừa đọc bài viết về văn học chấn thương của tôi (viết về truyện của Nguyễn Huy Thiệp), và rất cảm động. Tôi gọi cho ông, ông có ngỏ lời cảm ơn vì đã thấu hiểu. Tôi hứa có dịp ra Hà Nội sẽ đến thăm ông, nhưng mãi vẫn chưa thực hiện được. Giờ thi ông đã yên nghỉ, ở một nơi nào đó đầy nắng và gió, với những tuyệt bút như một thứ tài sản vô giá của văn chương Việt Nam đương đại.