Có bố làm văn công, chị Hoàng Thị Hoa từ nhỏ đã sớm thể hiện năng khiếu thiên bẩm, một giọng ca lảnh lót ngọt ngào, một tâm hồn thơ phú hơn người. Thế nhưng số phận trớ trêu đã khiến chị giờ chỉ có thể nằm để gõ ngón tay lên bàn phím điện thoại cho những sáng tác mới của mình. Dù vậy, tâm hồn đó, năng khiếu đó vẫn đang nhân lên cho đời những nốt nhạc đẹp.
Hoàng Thị Hoa được nhân dân làng Tây Sơn và xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) biết đến là người sáng tác lời hát cho các giai điệu dân ca cổ. Có sự kiện lễ lạt nào ở địa phương người ta đều mời chị sáng tác cải biên. Sáng tác của chị dễ hát, dễ đi vào lòng người, giàu tính biểu cảm đã khiến nhiều người nghe xúc động. Và nhiều người rất ngạc nhiên, khi biết những lời thơ giàu hình ảnh đó lại được một người lâu nay chỉ làm bạn với chiếc giường, không thể đi đứng, không thể cầm bút như những người bình thường, “phương tiện” sáng tác chỉ là chiếc điện thoại.
…Khi sinh ra Hoàng Thị Hoa cũng là một cô bé lành lặn, khỏe mạnh, thông minh với những năng khiếu về giọng hát. Cho đến năm học lớp 7, tay chân Hoa cứ yếu dần, ban đầu đi lại khó, hay đau mỏi, nhưng sau tay chân cứ thế nhỏ lại, cứng và không cử động được. Khi đi khám, Hoa và gia đình được bác sĩ báo tin chẳng lành: em đã bị nhiễm chất độc màu da cam từ bố, căn bệnh của em là không thể chữa trị. Kể từ đó, làm gì Hoa cũng phải có người đỡ đần, từ các nhu cầu sinh hoạt cá nhân đến việc viết lách học tập. Nỗi đau đớn về cơ thể khiến Hoa không thể đến trường, không thể tự do đàn hát, cầm bút làm thơ như em đã từng. Buồn, hụt hẫng rồi cũng qua, Hoa quyết tâm sống thật có ý nghĩa để đẩy lùi những đau đớn về thể xác.
“Thuở bé nghe cha đàn hát vang nhà, trong tôi luôn thắp lên hy vọng sẽ nối nghiệp cha mình. Bài nào cha hát tôi đều thuộc, thậm chí tôi còn tự viết được lời cải biên, dù chưa được hay, nhưng được cha động viên là tôi mừng lắm”. Thế nhưng sau một trận ốm cô bé Hoa không đi lại được, dù cú sốc vì thân thể yếu mòn mỗi ngày, nhưng niềm tin và sự lạc quan trong cô vẫn luôn trỗi dậy mạnh mẽ, thế là mỗi khi khỏe hơn tý cô lại tập hát, viết lách, làm thơ. “Sống được thì phải sống cho ý nghĩa, sống để thấy mỗi ngày tới đều mới, đều vui” Hoàng Thị Hoa tâm sự.
Vì quá yêu dân ca, nhưng vốn liếng về dân ca cổ của Hoàng Thị Hoa không nhiều. Thế nên để đến được với dân ca một cách chuẩn chỉnh, Hoa đã tìm đến nghệ nhân ưu tú Thái Thị Thanh ở huyện Anh Sơn để được cô Thanh dạy hát. Cô Thanh ngay khi nhìn thấy Hoa đã không thể cầm lòng với ý chí và sự đam mê của một cô bé gầy còm, bé tý, nhưng đôi mắt lấp lánh niềm vui. Cô đã nhận dạy cho Hoa ngay từ ngày đầu gặp gỡ. Thế rồi chặng hành trình học hát dân ca của cô bé da cam nghị lực đã khiến nghệ nhân ưu tú phải thốt lên: “Rất năng khiếu, cô ấy có thể là nguồn cảm hứng cho nhiều người khi đến với dân ca, cũng là người có thể truyền dạy vì vốn hiểu biết và tình yêu lan tỏa này”.
Dần dà Hoàng Thị Hoa đã nắm giữ được rất nhiều vốn quý của dân ca cổ, cũng là lúc cô có thể thay thế cha mình xây dựng Câu lạc bộ dân ca của xóm, xã lớn mạnh như ý nguyện của ông. “Lúc cha mất tôi đã đau buồn suy sụp rất nhiều, và nguyện hứa với cha sẽ thay ông lan tỏa câu hát dân ca, tình yêu văn hóa văn nghệ cho bà con quê mình. Tôi đã viết bài thơ khóc cha trong nước mắt và nói với ông rằng: cha hãy cứ yên tâm con sẽ làm tròn sứ mệnh mà cha còn dang dở”. Hoàng Thị Hoa đã thay cha mình chỉ đạo Câu lạc bộ dân ca xóm với hơn 40 người, thiếu nhi có, thanh niên có và cả các ông bà già. Mỗi tháng đến định kỳ sinh hoạt, các thành viên câu lạc bộ lại tụ tập ở sân nhà chị cùng ca hát, để được chị truyền dạy và hát những bài hát dân ca do chị viết lời dựa trên những làn điệu cổ.
Đến nay chị Hoàng Thị Hoa đã có trong kho sáng tác của mình tới cả nghìn bài cải biên. Hễ nơi nào có kỷ niệm thành lập, hay đón danh hiệu đều nhờ chị viết lời. Với những hội diễn, liên hoan bài chị viết đều đạt giải cao. “Nếu chỉ đạt giải Ba là tôi… buồn suốt cả tuần! Có giải cao thì rất vui và xem như đó là phần thưởng lớn, là động lực để mình được viết tiếp những lời ca ý nghĩa cho đời, cho người”, chị Hoa chia sẻ.
Không thể đi xem biểu diễn ở những nơi người ta đặt chị viết lời cho bài hát, bởi một mình chị sẽ làm bận tới nhiều người, nhất là mẹ chị nay đã già yếu, trái gió trở trời là đau nhức các khớp xương; thế nên chị Hoa chỉ dõi theo những bước chân tập luyện của các đội văn nghệ. Tại các câu lạc bộ được chị truyền dạy dân ca, ai cũng nể trọng chị. Ngoài viết kịch bản tốt, dựng vở tốt, chị còn kiêm luôn cả dựng múa bằng cách vẽ các định tuyến sân khấu lên giấy, rồi phổ biến cho đội trưởng, truyền lại cho các anh chị em.
Chúng tôi gặp chị Hoàng Thị Hoa khi chị đang chờ kết quả phong tặng nghệ nhân ưu tú, cũng là lúc chị muốn được sống thật vui thật khỏe để có thể truyền dạy dân ca được lâu dài bền bỉ hơn, truyền lửa và lan tỏa tình yêu dân ca tới các thế hệ trẻ. Chị cũng đã từng thực hiện được đêm nhạc thiện nguyện để giúp đỡ những người bị nhiễm chất độc da cam, và huy động được hàng trăm triệu đồng. Đêm nhạc ấy hầu hết là những ca khúc chị tự viết lời và anh em trong câu lạc bộ dân ca xã Giang Sơn Đông biểu diễn. Ấy thế nhưng khi những thành viên trong Ban tổ chức và mạnh thường quân có nhã ý tặng chị món quà chị đã không đồng ý, nhất định phải nhường suất đó cho người khó hơn mình.
Tình yêu cuộc sống, sự lan tỏa mãnh liệt về niềm tin với đời trong chị luôn khiến những người đối diện cảm phục, muốn được đồng cảm, sẻ chia để từ đó có thêm năng lượng tích cực. Tên là Hoàng Thị Hoa, chị như là một sắc “hoàng hoa” tươi ngời trong dòng chảy vốn cổ dân ca quý giá của quê hương!