Nhà ông Nguyễn Đình Kỷ ở xóm 5B, xã Hưng Đạo, có nhiều đồ vật quý được truyền lại từ nhiều đời. Đặc biệt là bộ sách quý gồm 18 đầu sách (gần 30 cuốn), toàn bộ được viết bằng chữ Hán, có cả sách in và sách viết tay, trong đó, có nhiều cuốn sách quý. Số sách này là của cụ Tú tài Nguyễn Văn Giáp để lại, được con cháu giữ gìn và trao truyền cho thế hệ sau và trở thành báu vật của gia đình. Ông Nguyễn Đình Kỷ, người đang lưu giữ sách là chắt nội, gọi Tú tài Nguyễn Văn Giáp bằng cụ. Nghĩa là bộ sách này đã được truyền giữ ít nhất 4 thế hệ, những cuốn sách có tuổi đời hàng trăm năm.
Theo nhà nghiên cứu Hán – Nôm Thái Huy Bích, phần lớn sách của cụ Nguyễn Văn Giáp là tài liệu học tập của các nho sinh thời phong kiến và một ít sách xem bói, văn cúng cùng Gia phả họ Nguyễn. Tài liệu của nho sinh bao gồm “Kinh thi”, “Mạnh Tử thuyết”, “Trọng Tuyên sách học toản yếu tự”, “Sách học toản yếu”. Bên cạnh đó, là các loại sách về lý số, lịch sử, địa chí và văn học như “Tính lý đại toàn”, “Hà Lạc lý số”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, “Đại Việt sử ký tiền biên”, “Nam quốc địa dư hạ biên”, “Hoàng Việt thi tuyển”, “Hoàng Việt văn tuyển”, “Cổ hợp văn tuyển”…
Về cuốn Gia phả họ Nguyễn, ngoài những ghi chép theo thứ thế của tổ tiên còn có thêm phần “Ngọc trai niên phổ”, là phần Tú tài Nguyễn Văn Giáp (tên hiệu Ngọc Trai) ghi chép những sự kiện quan trọng của bản thân, gia đình và quê hương, đất nước. Trong đó có đoạn: “Năm Tân Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 14, tôi đã 36 tuổi. Kỳ thi vào mùa Thu, tôi lại trúng Tú tài. Trong làng có ông họ Phạm cũng đậu Tú tài. Người ta nói trong, ngoài đều phát, quả là đúng vậy! Hồi ấy bọn tả đạo muốn làm loạn, triều đình lo lắng. Quan huyện được lệnh điều binh dẹp loạn. Tháng 9 năm ấy lụt to, mùa màng mất hết. Trong nhà tôi nước ngập 2 thước…” (Thái Huy Bích dịch).
Theo các nhà nghiên cứu, bộ sách gia đình ông Nguyễn Đình Kỷ đang lưu giữ thực sự có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa. Qua đó, giúp hậu thế hiểu rõ hơn về việc khoa cử thời phong kiến, góp phần khẳng định truyền thống khoa bảng của xứ Nghệ.
Gia đình ông Hoàng Xuân Trạch ở xóm Văn Phong, xã Long Xá cũng đang lưu giữ 32 đầu sách với tổng số gần 60 cuốn được viết bằng chữ Hán, phần lớn là sách về y học. Số sách này được chủ nhân bảo quản khá cẩn thận nên còn khá tốt, chỉ một số ít cuốn bị mục và rách do thời gian. Ông Trạch cho biết: “Những cuốn sách này do ông nội, rồi rồi đến cha tôi truyền lại, đến tôi là thế hệ thứ ba. Gia đình tôi có truyền thống làm nghề bốc thuốc chữa bệnh, cứu người nên phần lớn sách cổ ở đây là giới thiệu các loại cây thuốc, phương pháp chữa bệnh bằng Đông y. Đến đời chúng tôi không ai theo nghề y, nhưng vì sách là vốn quý của tổ tiên nên phải luôn trân trọng, giữ gìn. Có lúc mở tủ sách cổ, tôi có cảm giác như tổ tiên đang dõi theo con cháu…”.
Bộ sách của ông Hoàng Xuân Trạch đang lưu giữ có nhiều cuốn nói về hướng dẫn phương pháp chữa bệnh và các vị thuốc Đông y như “Kim giám ngoại khoa”, “Kim quỹ phán y”, “Lạc sinh tâm đắc”, “Ngụ ý thảo”, “Nhi khoa bí yếu”, “Nghiệm phương hoàn tán”, “Ôn dịch luận”… Theo lời ông Trạch, ông nội của ông là cụ Hoàng Phát ngày xưa là một lương y nổi tiếng trong vùng, chữa trị nhiều loại bệnh bằng Đông y, được nhân dân quý mến. Nối tiếp truyền thống của gia đình, cụ thân sinh của ông là Hoàng Văn Nhuận cũng trở thành một thầy thuốc giỏi được bà con trong vùng tin cậy. Trong trí nhớ của ông Trạch, ngày đó, ngôi nhà nhỏ của gia đình luôn có đông người đến xin bắt mạch và kê đơn, bốc thuốc, gọi ông nội và bố là “thầy”. Nhiều người khỏi bệnh đã mang theo gà, gạo nếp đến tạ ơn nhưng ông nội và bố đều nhất mực chối từ, khuyên đem về ăn để dưỡng sức. Đến thế hệ ông Trạch không ai theo nghề gia truyền, nhưng tủ sách y thuật của các thế hệ tiền nhân vẫn được con cháu giữ gìn.
Đặc biệt, cùng với sách y thuật, tủ sách của gia đình ông Trạch còn có cuốn “Kim Vân Kiều Trọng truyện” bằng chữ Nôm còn nguyên vẹn, chữ in còn khá rõ. Một số người có chuyên môn về Hán – Nôm cho rằng, đây là một trong những bản “Truyện Kiều” cổ nhất hiện đang được lưu giữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Nhà nghiên cứu Hán – Nôm Thái Huy Bích cho biết: “Những bộ sách chữ Hán và chữ Nôm đang được lưu giữ ở huyện Hưng Nguyên thực sự là nguồn di sản quý giá, góp phần khẳng định mạch nguồn truyền thống và nét văn hiến của quê hương. Đây cũng là “kho báu” và tư liệu quý đối với giới nghiên cứu về văn hóa, khoa học, xã hội và Y học phương Đông”.