Đọc những ghi chép tỉ mỉ ghi trong sổ nhật ký và theo chân cán bộ Hội LHPN huyện và các xã đi thăm từng hộ hội viên, mới thấy được ý nghĩa của mô hình “Nhật ký thăm hộ” mà các cấp hội phụ nữ quê lúa đã duy trì mấy năm qua. Hộ đầu tiên mà chúng tôi đến thăm là gia đình chị Nguyễn Thị Giang (SN 1983) ở xóm Trung Hồng, xã Nhân Thành. Hai vợ chồng sức khỏe không tốt, bản thân chị Giang khó khăn trong chuyện sinh nở lại bị thoát vị bẹn, yếu thận nên càng ốm yếu. Cuộc sống của gia đình 4 người chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng và nghề thả lươn, trúm của người chồng. “Những lúc khó khăn cùng cực tưởng chừng như không vượt qua được, chính sự chia sẻ, đùm bọc của bà con khối xóm, đặc biệt là các cấp hội phụ nữ đã giúp cho gia đình chị có thêm động lực để vượt khó. Đặc biệt là những giai đoạn tôi phải nằm viện, hội đã kêu gọi chị em đi cấy lúa, làm việc nhà giúp và còn hỗ trợ gia đình 23 triệu đồng, nghĩa cử ấy, tôi không bao giờ quên…”, chị Giang chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Xuân – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Trung Hồng cho hay: “Ngoài trường hợp của chị Giang, trong xóm hiện còn có nhiều hội viên, khó khăn, trong đó có 20 chị đơn thân. Từ việc thường xuyên thăm hộ để nắm bắt từng hoàn cảnh, nhu cầu, nguyện vọng của chị em, chi hội đã có kế hoạch giúp đỡ phù hợp như thu gom phế liệu bán lấy kinh phí hỗ trợ con giống chăn nuôi, hỗ trợ học và làm nghề mây, tre đan xuất khẩu để nâng cao thu nhập…”.
Tương tự tại xã Đô Thành, chị Phan Thị Hải – Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: “Thông qua hoạt động thăm hộ, hội đã phát động phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” và “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”. Trong năm 2020, qua rà soát các đối tượng, hội đã giúp đỡ 21 chị tiền vốn vay phát triển kinh tế không lấy lãi trị giá 102 triệu đồng; phối hợp mở lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú ý, mây xâu, giới thiệu việc làm cho phụ nữ ở các thôn, xóm. Bên cạnh đó, BCH Hội LHPN xã tiếp tục vận động thực hành tiết kiệm tại các chi hội được 214 triệu đồng với 987 lượt hội viên phụ nữ tham gia, tạo nguồn vốn tại chỗ cho 17 chị có hoàn cảnh khó khăn; tặng 1.000 con gà giống; trao 3 thẻ BHYT cho 3 chị bị bệnh hiểm nghèo, hỗ trợ 2 mái tấm tình thương trị giá 20 triệu đồng và 30 ngày công (làm cỏ, cấy, hái, dọn dẹp nhà cửa) cho hội viên đau ốm…”.
Điều đáng quý là không chỉ đến thăm, giúp đỡ một lần mà những hộ có hoàn cảnh khó khăn được các cấp hội ghé thăm thường xuyên và ghi vào sổ nhật ký theo dõi sự tiến bộ trong quá trình vượt khó của họ. Như trường hợp chị Trịnh Thị Năm ở xóm Vạn Xuân, xã Hồng Thành, cha mẹ mất sớm, chị ở với vợ chồng anh trai. Sau này, chị Năm lập gia đình ra riêng, có 4 đứa con, hoàn cảnh khó khăn, vợ ở nhà làm ruộng, chồng làm thuê ở miền Nam, cuộc sống bấp bênh, thiếu ổn định. Sau khi được hội phụ nữ đến thăm hộ, nắm bắt được hoàn cảnh và nhu cầu của gia đình, hội đã hỗ trợ chị Năm học nghề mây, tre đan, nghề đan giỏ cói để cải thiện thu nhập. “Mỗi năm tôi đều được Hội LHPN xã tạo điều kiện để học thêm và cập nhật những mẫu mã mới, vì vậy, tay nghề ngày càng tiến bộ, thu nhập ổn định hơn, ở xóm em có khoảng 20 hội viên phụ nữ theo nghề này”, chị Năm bày tỏ.
Không chỉ thăm hộ để nắm bắt hoàn cảnh, động viên hỗ trợ các hội viên khó khăn mà qua việc thăm hộ, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Yên Thành cũng phát hiện, nhân rộng các mô hình điển hình trong phong trào xây dựng “Vườn sạch, nhà đẹp”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”…
Đến thăm các xã như Nhân Thành, Quang Thành, Tân Thành, không khó để bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà gọn gàng, ngăn nắp nằm giữa những khu vườn rộng rãi, thoáng mát, sum suê hoa trái. Gia đình chị Đoàn Thị Hậu ở xóm Nam Giang là một trong những điển hình “Vườn sạch, nhà đẹp” của xã Nhân Thành với 3 sào vườn nhà được bố trí khoa học với đủ loại cây trái và khu chăn nuôi với vài trăm con gà chọi, ngan, vịt… Chị Hậu cho hay, với chị, làm vườn, lao động cũng là thú vui, vừa nâng cao thu nhập, cải thiện không gian sống, lại có quà quê ngon, sạch, an toàn để biếu người thân. Mô hình “Vườn sạch, nhà đep” của chị thường xuyên được các cấp hội phụ nữ đến thăm. Chị Hậu luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, làm vườn, phát triển kinh tế cho chị em hội viên trong xóm, trong xã để nhân rộng.
Chị Phan Thị Thúy – Chủ tịch Hội LHPN xã Nhân Thành cho biết: “Đối với cán bộ hội phụ nữ ở cơ sở, việc đến thăm hỏi gia đình hội viên đã trở thành một thói quen đi vào nề nếp. Mỗi lần thăm hộ đều được ghi chép vào sổ nhật ký để theo dõi chung. Việc thăm hộ thường xuyên không chỉ giúp cán bộ hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em, sát sao cơ sở, mà qua đó cũng tạo mối gắn kết thân tình, gần gũi giữa cán bộ hội và hội viên. Đặc biệt, những mô hình mới, cách làm hay trong phát triển kinh tế, trong xây dựng nông thôn mới, trong nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc đều được cán bộ hội như chị Thúy chụp ảnh, lan tỏa bằng những câu chuyện vui, dí dỏm trên facebook, zalo để cùng nhân rộng”.
Thông qua việc thăm hộ, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Yên Thành đã xây dựng và nhân rộng mới 112 mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp’’ nâng tổng số lên 621 mô hình trong toàn huyện; xây dựng mới 3 CLB “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới” tại các xã Bảo Thành, Tân Thành’’; 4 mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” liền kề tại các xã Quang Thành, Sơn Thành, Tân Thành…
Mô hình “Nhật ký thăm hộ” của Hội LHPN huyện Yên Thành bắt đầu được triển khai từ năm 2017 với chỉ tiêu mỗi tháng mỗi cán bộ chuyên trách cấp huyện phải tham dự sinh hoạt được 3 chi hội và thăm được ít nhất 5 hộ hội viên. Đồng thời, chỉ đạo 100% cơ sở hội xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu thăm hộ cho từng Ủy viên BTV Hội LHPN xã.
Nói về ý tưởng hình thành “Nhật ký thăm hộ”, chị Nguyễn Thị Hòa – Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Thành cho hay: “Từ thực tế hoạt động của các cấp hội lâu nay vẫn mang tính hành chính, chưa sâu sát cơ sở, sâu sát hội viên, hội đã chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình, trong đó có “Nhật ký thăm hộ” với phương châm hướng về cơ sở, chăm lo quyền lợi cho hội viên nhằm cải tiến lề lối làm việc của cán bộ theo phong cách gần dân, sát cơ sở của Bác Hồ. Quá trình thăm hộ kết hợp với tuyên truyền chủ trương, chính sách mới và giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến quyền lợi của hội viên; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc; tư vấn các vấn đề liên quan đến BHYT, BHXH. Các kiến nghị, đề xuất ghi nhận qua mỗi lần thăm hộ đều được ghi vào sổ nhật ký để tham mưu cấp có thẩm quyền tháo gỡ hoặc điều chỉnh cho phù hợp”.
“Từ mô hình này, đã làm thay đổi tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm; trau dồi các kỹ năng tuyên truyền, vận động và xử lý tình huống cho cán bộ hội. Đồng thời khắc phục tình trạng làm việc hành chính, báo cáo ảo, không sát thực tế và phản ánh dư luận thiếu kịp thời của cơ sở. Bên cạnh đó, phân loại, nắm chắc điều kiện, hoàn cảnh để có kế hoạch giúp đỡ hội viên nghèo, hội viện yếu thế; xây dựng, nhân rộng mô hình mới, cách làm hay ở cơ sở, tạo mối quan hệ, tình cảm gắn kết giữa cán bộ và hội viên, hướng hội viên gắn bó với tổ chức hội..,”, chị Nguyễn Thị Hòa cho hay.
Chị Phan Thị Hải – Chủ tịch Hội LHPN xã Đô Thành cũng cho biết: “Việc xây dựng và triển khai kế hoạch định kỳ thăm hộ, trực tiếp tiếp xúc với hội viên giúp cán bộ hội sáng tạo hơn trong thực hiện nhiệm vụ, chủ động nắm bắt, xử lý vấn đề ngay ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên, nhất là hội viên hoàn cảnh khó khăn”.
Vận dụng lời dạy của Bác Hồ “Cán bộ là gốc của mọi việc”, “Cán bộ nào phong trào ấy”, với nhiều chương, trình hoạt động hướng về cơ sở, đặc biệt là qua mô hình “Nhật ký thăm hộ”, phong cách, lề lối làm việc của các cấp hội phụ nữ ở quê lúa đã có sự chuyển biến rõ rệt. Nhiều đơn vị đã có những cách làm sáng tạo để hỗ trợ, giúp đỡ tạo “điểm tựa” cho hội viên vươn lên trong cuộc sống. Điển hình như phụ nữ xã Tân Thành với mô hình trồng cây ngô đông; Phụ nữ xã Hậu Thành trồng 7 sào khoai tây tập thể gây quỹ ủng hộ phụ nữ yếu thế, mô hình “Tổ liên kết chăn nuôi gà” tại các xã Đồng Thành, Vĩnh Thành; mô hình “Nhóm phụ nữ khuyết tật tự lực” tại xã Phúc Thành…
Việc định kỳ “thăm hộ”, thăm cơ sở không chỉ dần khắc phục được căn bệnh hình thức, xây dựng hình ảnh cán bộ hội phụ nữ có tinh thần trách nhiệm, sâu sát với thực tiễn mà còn đảm bảo những trường hợp phụ nữ khó khăn, yếu thế đều được quan tâm, giúp đỡ “không để hội viên nào bị bỏ lại phía sau”. Khởi điểm từ huyện Yên Thành, hiện nay mô hình “Nhật ký thăm hộ” đã và đang được các cấp bộ hội nhân rộng ở các huyện Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Tân Kỳ…”, Chị Nguyễn Thị Hòa – Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Thành cho hay.