Trước thực trạng sạt lở núi liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây gây hậu quả nghiêm trọng, phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Trần Thị Tuyến – Trưởng bộ môn Quản lý tài nguyên môi trường (Viện Nông nghiệp – Tài nguyên), Trường Đại học Vinh. Theo bà Tuyến, nguyên nhân trượt lở đất là do tác động của các yếu tố: Địa chất, địa hình (độ dốc, độ chia cắt), khí hậu (đặc biệt quan trọng là lượng mưa và thời gian mưa kéo dài), sử dụng đất (rừng tự nhiên có vai trò rất quan trọng trong giảm tác động của mưa và giữ nước), mực nước ngầm, mật độ đường giao thông, mật độ dân cư,…
Các khu vực có nền địa chất được cấu tạo bởi các loại đá dễ phong hóa, lớp vỏ phong hóa dày, chứa tỷ lệ sét cao, địa hình có độ dốc và chia cắt địa hình lớn là điều kiện cần gây ra hiện tượng trượt lở đất. Thêm vào đó, mất thảm thực vật rừng, tác động của con người gây mất cân bằng trọng lực (như cắt xẻ núi làm đường giao thông, làm nhà, xây thủy điện) và lượng mưa lớn là điều kiện đủ để xảy ra trượt lở đất. “Thời gian vừa qua, sau các trận mưa lớn, kéo dài, trượt lở đất xảy ra nhiều ở khu vực đồi núi có độ dốc lớn, lớp vỏ phong hóa dày, bở rời. Đây đều là những nơi chịu tác động của con người trong một thời gian dài. Hiện trạng thảm thực vật là rừng thứ sinh, rừng trồng gần khu dân cư hoặc đường giao thông”, Tiến sỹ Tuyến nói.
Theo vị chuyên gia này, thời gian tới cơ quan hữu quan cần có các nghiên cứu, đánh giá tổng thể các nhân tố gây trượt lở, phân cấp nguy cơ gây trượt lở đất và lập bản đồ tỷ lệ lớn (quy mô nhỏ) để quản lý rủi ro. Nghiên cứu, bố trí lại các khu dân cư có nguy cơ rủi ro cao do tai biến thiên nhiên ở miền núi để đảm bảo an toàn dân sinh. Đồng thời, về lâu dài phải tăng cường làm giàu vốn rừng tự nhiên, tăng diện tích và độ che phủ để giảm năng thấm nước khi có mưa lớn.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, tỉnh ta hiện là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất cả nước, với hơn 780.000 ha. Tuy nhiên, phần lớn trong số này là rừng tái sinh, rất nghèo nàn.
Hơn 100 hộ dân sống bên dòng Nập Piệt (xã Thông Thụ, huyện Quế Phong), phải sống trong cảnh thấp thỏm mỗi lần mùa mưa bão về, trong đó có 34 hộ dân được huyện Quế Phong đưa vào diện di dời khẩn cấp từ 3 năm trước. Tuy nhiên, cho đến nay nguyện vọng của người dân lẫn chính quyền địa phương vẫn không được thực hiện, bất chấp hàng loạt ngôi nhà đã bị cuốn trôi, nhiều nhà đang chờ sập bất cứ lúc nào. Nguyên nhân là chưa được bố trí vốn. Vì thế, nhiều gia đình hiện phải đi ở nhờ nhà người thân, có hộ phải sống tạm trong một nửa căn nhà, vì nửa còn lại đã bị sạt xuống sông.
Đó là một trong hàng loạt dự án nằm trong diện “di dời khẩn cấp” nhưng lại được tiến hành với một tiến độ ì ạch. Có thể kể đến một vài điểm như Dự án sắp xếp dân cư ở xã Châu Thành (Quỳ Hợp), Dự án tái định cư cho người dân vùng sạt lở ở xã Bình Chuẩn (huyện Con Cuông), hay Dự án tái định cư cho bản Phá Kháo (xã Mai Sơn, huyện Tương Dương) vì sạt lở…
Nói về vấn đề này, ông Lê Văn Lương – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thừa nhận, vẫn còn nhiều dự án di dời khẩn cấp phải dang dở, thậm chí chưa được triển khai do thiếu vốn. Trong khi nhiều dự án vẫn còn tồn tại, thì gần đây lại phát sinh thêm hàng loạt điểm bị sạt lở, cần phải di dời.
“Về việc bố trí tái định cư cho các điểm ở những xã như Mường Ải, Mường Típ (Kỳ Sơn)… thời điểm này chưa thể hứa gì được. Vì chương trình bố trí dân theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg, ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến hết năm 2020 sẽ hết hiệu lực. Phải chờ quyết định mới”, ông Lương nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho rằng, việc di dời người dân vùng sạt lở cần được tiến hành cấp bách. “Tình trạng sạt lở núi ở huyện Kỳ Sơn là cực kỳ nguy hiểm với hơn 10 điểm nguy cơ cao. Trong đó, gay go nhất là ở các xã Bảo Nam, Chiêu Lưu, Mường Ải, Mường Típ. Mỗi lần mưa gió, chính quyền lại phải đi sơ tán hàng nghìn người dân rất khó khăn, nguy hiểm. Chưa kể, nhiều điểm bây giờ không mưa cũng lở núi. Cho nên, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng là rất cao”, ông Minh nói và cho hay, địa phương bày tỏ mong tỉnh và Trung ương cân đối nguồn ngân sách để tổ chức giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho người dân. Về phía mặt bằng, hiện địa phương đã khảo sát, tất cả các điểm đã sẵn sàng.
“Lâu nay cứ đến nhà sơ tán chỉ là giải pháp tạm thời. Không thể cứ thấy mưa gió là tháo chạy mãi được. Chưa kể việc đi sơ tán cũng rất phiền phức, nào là chuyện ăn uống, rồi trông nom vật nuôi ở nhà. Khổ cả người dân lẫn cán bộ địa phương”, ông Minh nói thêm.