Vài năm qua, Nghệ An luôn được báo chí “quan tâm” đăng tin, bài phản ánh vấn nạn khai thác đất trái phép. Đây là thực trạng hết sức đáng buồn, vì không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh mà vấn nạn này còn nảy sinh ra những hệ lụy...
Thông tin từ UBND huyện Yên Thành, trong 6 tháng đầu năm 2020, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh đã thực hiện kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với 6 trường hợp vi phạm về khai thác đất san lấp. Tổng số tiền phạt đối với 6 đối tượng này là 25.500.000 đồng. Con số thống kê số lượt chính quyền cấp xã đã thực hiện kiểm tra là 72 đợt. Qua đó, đã phát hiện 32 trường hợp vi phạm; trong đó, có 16 trường hợp bị lập Biên bản xử lý vi phạm hành chính, với tổng số tiền UBND cấp xã ban hành quyết định xử lý là 39.000.000 đồng. Chưa hết, UBND huyện Yên Thành khi tiếp nhận được thông tin phản ánh cũng đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm đối với đối tượng khai thác trái phép đất san lấp. Qua đó, đã xử lý vi phạm đối với 2 trường hợp, ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính với số tiền là 8.000.000 đồng. Đồng thời, đã phê bình và yêu cầu chính quyền các xã: Lý Thành, Mã Thành, Trung Thành nghiêm túc kiểm điểm.
Tại báo cáo về công tác quản lý tài nguyên khoáng sản chưa cấp phép trên địa bàn, UBND huyện Yên Thành đã thẳng thắn nhìn nhận về nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác trái phép đất san lấp. Đó là: “Trên địa bàn có một số dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh có nhu cầu sử dụng đất san lấp mặt bằng lớn. Tại các xã miền núi của huyện, nhu cầu cải tạo mặt bằng đất vườn, đồi để phát triển sản xuất, xây dựng công trình dân sinh… đã phát sinh lượng đất, sỏi dư thừa. Trong khi đó, trên địa bàn huyện Yên Thành chưa có mỏ đất được cấp phép khai thác. Do vậy, tình trạng khai thác trái phép đất san lấp đã xảy ra. Mặc dù các cấp chính quyền đã thực hiện kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm, nhưng tình trạng lén lút khai thác trái phép vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi như Mỹ Thành, Minh Thành, Đồng Thành, Lăng Thành…”.
Từ đầu năm đến nay, tại huyện Thanh Chương, cũng vì thiếu trách nhiệm trong quản lý khoáng sản chưa khai thác, để xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép nên Chủ tịch UBND một số xã đã bị lãnh đạo huyện phê bình, đồng thời yêu cầu phải tổ chức kiểm điểm làm rõ. Cụ thể, ngày 7/9/2020, UBND huyện Thanh Chương ban hành Văn bản số 1690/UBND-TNMT phê bình Chủ tịch UBND xã Thanh Phong, vì với trách nhiệm là người đứng đầu địa phương nhưng đã để xảy ra hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. UBND huyện Thanh Chương yêu cầu: “UBND xã Thanh Phong tổ chức họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã và công chức phụ trách do để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản khi chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Trước đó, vào ngày 3/3/2020, UBND huyện Thanh Chương đã ban hành Văn bản số 323/UBND-TNMT về việc phê bình các xã để xảy ra vi phạm về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Các xã bị phê bình gồm: Thanh Hà, Thanh Thủy và Thanh Liên.
Cụ thể, qua kiểm tra, xác minh tin báo, Tổ công tác của UBND huyện Thanh Chương đã phát hiện có tình trạng khai thác đất trái phép ở xã Thanh Thủy là tại hộ gia đình ông Trần Đình Chiến, xóm Thủy Chung; ở xã Thanh Hà là đất lâm nghiệp của hộ gia đình ông Trần Văn Ngọ và hộ gia đình bà Tuyết, cùng thuộc xóm 5; còn ở xã Thanh Liên là trên đất vườn ở của hộ bà Phan Thị Vân, xóm Liên Sơn. Tại những vị trí này, đều đã và đang có những hoạt động khai đào, bốc và vận chuyển tài nguyên đất ra khỏi khu vực khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Để chấn chỉnh công tác quản lý về tài nguyên khoáng sản, tại Văn bản số 323/UBND-TNMT, UBND huyện Thanh Chương phê bình Chủ tịch UBND các xã Thanh Hà, Thanh Liên, Thanh Thủy, đồng thời yêu cầu: “UBND các xã Thanh Hà, Thanh Liên, Thanh Thủy tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của UBND xã, trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã và công chức phụ trách do để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản khi chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền…”.
Đi nhiều địa phương trong tỉnh tìm hiểu thực tế, thấy rằng từ vấn nạn khai thác đất trái phép, đã phát sinh không ít những hệ lụy. Đó là tình trạng vi phạm pháp luật gây mất an ninh, trật tự, ô nhiễm môi trường, người dân hoài nghi vào năng lực quản lý của cán bộ, chính quyền cơ sở; là việc báo chí phản ánh dẫn đến uy tín, hình ảnh của tỉnh bị ảnh hưởng; là thất thoát nguồn thu cho ngân sách; là đội giá chi phí dự án…
Tình trạng khai thác đất trái phép gây thất thu cho ngân sách thể hiện rất rõ ở địa bàn huyện Tân Kỳ. Cụ thể, là trên địa bàn huyện Tân Kỳ có một số dự án nhà máy gách ngói được đầu tư quy mô với số vốn từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng; bình quân mỗi nhà máy gạch, ngói thu hút xấp xỉ 100 lao động. Vậy nhưng, số nhà máy đã được cấp phép khai thác đất nguyên liệu thì còn rất ít; phần còn lại, hầu như mới chỉ được cấp phép thăm dò, hoặc đang làm thủ tục để tiến tới đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi có dịp ngược lên xã Tân Long, huyện Tân Kỳ xác minh thông tin về nạn khai thác trái phép đất (tháng 5/2020), chúng tôi chứng kiến một trong những nhà máy gạch chưa được cấp phép khai thác đất nguyên liệu, nhưng lại có nguồn đất rất dồi dào. Tại kho bãi của nhà máy này, đất nguyên liệu đánh thành đống cao như những quả đồi.
Về tình trạng khai thác đất trái phép ở xã Tân Long, đại diện Phòng TN&MT huyện Tân Kỳ đã xác nhận, là tại khu vực xóm Lập Thắng. Đây là địa bàn huyện từng đã kiểm tra phát hiện xảy ra hoạt động khai thác đất trái phép, đã xử lý vi phạm hành chính; tuy nhiên, thời gian gần đây lại tái diễn hoạt động khai thác trái phép.
Vị cán bộ này cũng cho biết, trên địa bàn huyện có 2 nhà máy sản xuất gạch, ngói đã được xây dựng và đi vào hoạt động, gồm Công ty TNHH Hoàng Nguyên và Công ty TNHH Xe máy Bình An. Nhưng cả 2 công ty này chưa được cấp phép khai thác mỏ đất sét nguyên liệu phục vụ sản xuất gạch, ngói. Chính vì vậy, nên các hộ gia đình ở khu vực lân cận đã lợi dụng việc cải tạo ruộng, vườn để bán đất cho 2 công ty này. “Chúng tôi thực sự băn khoăn vì các đơn vị này đều thuộc diện kêu gọi thu hút đầu tư của huyện. Nhà đầu tư đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị, nhận một lực lượng lớn lao động vào làm việc. Họ cũng đã làm hồ sơ xin được cấp mỏ khai thác đất làm nguyên liệu. Tuy nhiên, để được cấp thẩm quyền cấp phép theo đúng quy định thì mất rất nhiều công sức và thời gian. Trong khi đó, nếu không vận hành thì chủ đầu tư sẽ thua lỗ, người lao động sẽ không có việc làm và mất đi nguồn thu nhập. Chính vì vậy, họ đã tìm đến nguồn cung ứng đất nguyên liệu, đó là từ đất vườn, đất đồi của các hộ dân trong vùng…
Tình trạng khai thác đất san lấp trái phép dẫn đến đội giá chi phí dự án cùng thật dễ thấy. Ở khu vực các công trình, dự án thuộc ngân sách Nhà nước khi cần san lấp mặt bằng, tại dự toán thường xác định vị trí khai thác đất để tính chi phí vận chuyển. Đối với những huyện chưa có mỏ đất, hoặc có mỏ đất nhưng cách xa vị trí công trình, nhà thầu và đơn vị thi công thường tìm nguồn đất tại chỗ trong dân để mua, để tiết giảm chi phí vận chuyển, vốn là một khoản kinh phí khá lớn trong tổng dự toán. Về phía người dân, bởi họ có nhu cầu cải tạo mặt bằng vườn đồi để thay đổi cơ cấu cây trồng, hoặc làm công trình nhà ở nên sẵn sàng chấp nhận bán với chi phí rất thấp, thậm chí cho không.
Liên quan đến vấn nạn khai thác đất trái phép, trong vài năm qua, đã có rất nhiều những bài viết phản ánh. Tại những bài viết về nội dung này, chung một mô típ là đưa thông tin, hình ảnh về vụ việc, để đặt ra câu hỏi: Có hay không sự nương nhẹ (hoặc tiếp tay) của một bộ phận cán bộ của địa phương cơ sở. Những bài viết như vậy, đương nhiên ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của tỉnh!