Gỡ nút thắt “hiếm” đất nguyên liệu

Ngay trong mùa mưa lũ, tại Thanh Chương - huyện có sông Lam vắt ngang - đang có hai dự án sửa chữa, nâng cấp đê điều, là công trình cấp bách cần thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, nhưng bị đình trệ vì không có đất san lấp. Nhìn rộng ra, ở một số địa phương khác cũng có tình trạng này.

Xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương là địa phương có tuyến đê sông Cả chạy xuyên qua. Từ vài năm qua, tuyến đê sông Cả qua huyện Thanh Chương đang được nhà nước đầu tư kinh phí để nâng cấp, với tên gọi: “Công trình sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê lưu vực sông Cả, tỉnh Nghệ An”. Năm nay, công trình này được triển khai trên địa bàn xã Thanh Liên. Là công trình cấp bách, cần thực hiện đúng tiến độ để đảm bảo an toàn cho các xóm Liên Khai, Liên Trường, Liên Thịnh, Liên Sơn với khoảng trên 600 hộ dân và hệ thống công trình hạ tầng trong khu vực, vậy nhưng đã vài tháng qua, công trình này “bất động”.

Ở Thanh Liên thì Liên Khai là xóm có đến 500 hộ dân sống ngay cạnh đoạn đê đang bị đình trệ. Đã nhiều năm chịu cảnh mưa lũ lụt lội, thế nên khi hỏi chuyện người dân xóm Liên Khai đều tỏ rõ sự phấn khởi khi nhà nước thực hiện dự án cải tạo đê; nhưng buồn vì dự án “đắp chiếu”. Họ cho biết, nơi đây có nhiều hộ gia đình bị thu hồi đất ở, đất vườn để phục vụ dự án. Kinh phí bồi thường về đất, công trình, cây cối, hoa màu…, theo người dân là thấp hơn giá trị thực tế, nhưng vì đã chịu nhiều những khốn khó do lụt lội, nên ai cũng vui vẻ bàn giao mặt bằng. Nhưng mặt bằng có, mà không thấy các đơn vị liên quan tổ chức thi công.

Là một trong những người cao tuổi nhất xóm, bà Lưu Thị Phiệt (87 tuổi) cho biết đã trọn cả đời người sống trên đất này, bà đã không ít lần phải bỏ lại nhà cửa để chỉ kịp ôm con chạy lên đồi cao để tránh lũ. “Gơ chà, nói đến lụt thì khiếp đen. Đời tui đã vài lần phải chạy lên rú rồi. Còn việc nước sông dâng ngập tường nhà thì thường xuyên. Năm mô cũng rứa…” – bà Phiệt nói. Cũng có nhà sát kề đê, hộ gia đình anh Trần Văn Thắng bị thu hồi 150m² đất vườn cây ăn quả để thực hiện dự án cải tạo đê. Vườn cây chủ yếu là bưởi, đang trong giai đoạn thu hoạch nên xót vô cùng. Nhưng cũng như nhiều hộ dân Liên Khai, anh Thắng đã vận động người thân ủng hộ, thu dọn vườn bàn giao đất để mong sớm “không còn nỗi lo nước lụt hàng năm”. Anh Trần Văn Thắng nói: “Chúng tôi thực sự vui khi nhà nước thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo đê. Thế nhưng rồi dự án lại bị đình trệ. Cứ như thế này thì mùa mưa lũ năm nay sẽ ra sao?”.

Dịp chúng tôi lên xã Thanh Liên, là vào tháng 9/2020. Đi thăm tuyến đê sông Cả trên địa bàn xã này thì thấy đê được mở rộng chân, tôn cao thêm so với đê cũ khoảng từ 2 – 2,5 m; mặt đê được đổ bê tông với bề rộng khoảng 3m, trở thành một tuyến đường liên xã, hết sức thuận tiện cho người dân trong vùng phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa. Đi trên tuyến đường đê này, ngang qua đoạn dở dang, hiểu nỗi mong mỏi của người dân nơi đây.

Liên lạc với đại diện của Ban Quản lý dự án đê điều của tỉnh để hỏi: Việc cải tạo, nâng cấp tuyến đê sông Cả được gọi là cấp bách, vì sao lại có tình trạng bị đình trệ? Câu trả lời nhận được là: Vì không có đất san lấp! Cũng theo vị này cho biết, dự án cải tạo đê đoạn qua xã Thanh Liên được xác định sẽ khai thác đất ở khu đồi Am. Từ năm 2019, hồ sơ xin cấp phép khai thác đã được hoàn thành, trình lên các cơ quan liên quan, tuy nhiên, đến nay chưa được cấp thẩm quyền cấp phép nên đơn vị nhà thầu chưa có nguồn đất để khai thác phục vụ công tác cải tạo nâng cấp đê. “Là cơ quan quản lý, chúng tôi rất lo cho tiến độ của công trình nhưng biết làm sao được. Nếu tùy tiện lấy đất, là vi phạm pháp luật, sẽ bị cơ quan chức năng xử lý, báo chí phản ánh…” – vị đại diện trả lời.

Cũng ở Thanh Chương, có một dự án cấp huyện quản lý đang trong tình trạng “bất động” do thiếu đất san lấp. Đó là dự án cải tạo, nâng cấp đê sông Trai – Thanh Thịnh giai đoạn 3. Theo hồ sơ thẩm định, dự án này có quy mô 291,46m; giải pháp thiết kế chủ yếu là đắp áp trúc, mở rộng mặt đê rộng 3m, cao trình thiết kế +20,4m; mái ta luy được gia cố trồng cỏ… Dự án này có tổng mức đầu tư là hơn 412 triệu đồng; dự kiến từ ngày khởi công (cuối tháng 6/2020) đến khi hoàn thành là 2 tháng. Vậy nhưng thực địa hiện trường dự án, đoạn đê thuộc giai đoạn 3 chưa hề được thực hiện theo kế hoạch. Không chỉ vậy, có một khoảng ngắn thuộc dự án cải tạo, nâng cấp giai đoạn 2 vẫn còn dang dở chưa hoàn thành. Hỏi chuyện, theo cán bộ xã Thanh Thịnh cho biết nguyên nhân là do không có đất san lấp.

Đặt ra câu hỏi: Vậy trước đây lấy đất san lấp ở đâu để thực hiện dự án giai đoạn 1, giai đoạn 2? Câu trả lời là: “Ở Thanh Thịnh có một số gia đình có công trình nhà ở, vườn trên vùng đất đồi. Các gia đình này làm các thủ tục xin được cải tạo vườn, có nguồn đất dư thừa. Đơn vị thi công nhờ vậy sử dụng nguồn đất này để cải tạo, nâng cấp đê. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, huyện không cho phép làm như vậy, vì vi phạm quy định của luật. Do trên địa bàn lại chưa có mỏ đất được cấp phép, nên không tìm được nguồn thay thế. Không có đất, dự án đã bị đình trệ…” – cán bộ xã Thanh Thịnh cho biết.

Nắm bắt thông tin, tình trạng “hiếm” nguồn đất san lấp xảy ra ở khá nhiều địa phương cấp huyện. Vì vậy, có những chương trình, dự án phát triển kinh tế đang bị đình trệ. Như với huyện Yên Thành, các dự án “đắp chiếu” là Nhà máy chế biến gạo TH tại thị trấn, Nhà máy may An Hưng tại xã Công Thành…; bên cạnh đó, còn thêm một số dự án xây dựng đường giao thông nông thôn, các công trình dân sinh… Một lãnh đạo huyện Yên Thành khi được hỏi đã trao đổi: “Đây là một nội dung địa phương chúng tôi đang gặp khó. Yên Thành được xem là vựa lúa lớn của tỉnh. Thế nên Nhà máy chế biến gạo TH được xem là dự án có triển vọng thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân cần được đẩy nhanh tiến độ. Vậy nhưng vì không có đất san lấp nên bị đình trệ…”.

Tiếng là huyện miền núi nhưng Quỳ Hợp cũng đang trong tình trạng thiếu đất san lấp. Tại địa phương này, chúng tôi được nghe về dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư do UBND thị trấn làm chủ đầu tư. Dự án này được cấp thẩm quyền phê duyệt đã lâu, nhằm tạo thêm quỹ đất ở phục vụ nhu cầu trên địa bàn thì còn tạo nguồn kinh phí xây dựng công trình trường Tiểu học đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Bởi song song hai mục tiêu nên dự án cũng được xem là cần thiết, cấp bách. Nguồn đất san lấp mặt bằng của dự án được xác định là khai thác vườn đồi của một hộ gia đình ở xã Châu Quang có nhu cầu cải tạo. Tuy nhiên, hồ sơ thủ tục làm từ tháng 7/2020 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Hỏi chuyện, Bí thư Đảng ủy thị trấn Quỳ Hợp, ông Nguyễn Thanh Quỳnh cho biết: “Huyện và thị trấn rất mong dự án được thực hiện. Vì nhà học của trường tiểu học đã bị hư hại nghiêm trọng, cần phải đầu tư xây dựng, trong khi các cháu học sinh, phần phải học ghép lớp, phần chuyển đến học nhờ tại một vị trí khác. Nhưng để có đất san lấp thì cần làm các thủ tục để được cấp thẩm quyền cấp phép khai thác. Hồ sơ đã được trình lên các cơ quan chức năng thẩm định. Hiện nay chúng tôi chỉ biết chờ chứ không có cách làm khác…”.