Sau khi Báo Nghệ An đăng tải một số bài viết phản ánh về những vướng mắc ở dự án trồng cây cao su trên địa bàn huyện Quế Phong, chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An đã có ý kiến...
Liên quan đến dự án trồng cây cao su trên địa bàn huyện Quế Phong, Báo Nghệ An đã đăng tải một số bài viết “Trồng hàng nghìn ha cây cao su, doanh nghiệp vẫn “chưa được” thuê đất”; “Đề nghị điều chỉnh quy hoạch dự án của Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An”… Trong đó, có thông tin một phần Báo cáo số 206/BC-UBND ngày 22/6/2020 của UBND huyện Quế Phong, về những tồn tại, vướng mắc của dự án trồng cao su do Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An làm chủ đầu tư.
Những tồn tại, vướng mắc gồm: Trồng cao su chồng lấn với đất cộng đồng bản Pỏm Om (xã Hạnh Dịch); quy hoạch chồng lấn với công trình Thủy điện Châu Thắng, khu tái định cư Thủy điện Hủa Na; quy hoạch chồng lấn với diện tích đất UBND tỉnh đã thu hồi của Lâm trường Quế Phong giao cho địa phương quản lý với diện tích khoảng 1.045,8 ha; quy hoạch không phù hợp với thực tế địa phương như quá sát khu dân cư, đầu nguồn sông, suối; chưa lập hồ sơ xin giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai; không phối hợp với địa phương trong việc rà soát, bóc tách điều chỉnh quy hoạch; có khoảng 519 ha đã quy hoạch trồng cao su thuộc rừng tự nhiên tại xã Tiền Phong chồng lấn với phương án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư của xã Tiền Phong theo đề án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4213/QĐ-UBND ngày 20/9/2018.
Ngày 24/9/2020, Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An có Văn bản số 187/RBN-HĐQT gửi Sở TN&MT để báo cáo về tình hình sử dụng đất thực hiện dự án trồng cao su theo đề nghị của sở này (Văn bản số 187/RBN-HĐQT còn được gửi đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam). Tại đây, doanh nghiệp này đưa ra những thông tin “trái chiều” với UBND huyện Quế Phong đã nêu tại Báo cáo số 206/BC-UBND.
Cụ thể, về phản ánh tình trạng trồng cao su chồng lấn với đất cộng đồng bản Pỏm Om, doanh nghiệp đã nhiều lần làm việc với UBND huyện Quế Phong, xã Hạnh Dịch; và có báo cáo gửi lên UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan. Doanh nghiệp khẳng định, diện tích đất được cho là chồng lấn thuộc Tổng đội TNXP7-XDKT quản lý và sử dụng từ năm 2001; được trồng cao su từ tháng 4/2012, trước thời điểm UBND huyện Quế Phong thực hiện giao đất gắn với giao rừng cho cộng đồng bản Pỏm Om tại Quyết định số 616/QĐ-UBND ngày 19/6/2012.
Về phản ánh quy hoạch trồng cao su chồng lấn các khu tái định cư Thủy điện Hủa Na, doanh nghiệp đã kiểm tra, đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch và được UBND tỉnh chấp thuận tại Quyết định số 6665/QĐ-UBND ngày 26/12/2016. Với phản ánh quy hoạch chồng lấn lên phương án giao rừng gắn với đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư của xã Tiền Phong theo đề án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4213/QĐ-UBND ngày 20/9/2018, theo doanh nghiệp, diện tích đất quy hoạch trồng cao su được điều chỉnh, bổ sung trước thời điểm có phương án giao rừng gắn với đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Vì vậy, không thể kết luận “quy hoạch cao su chồng lên phương án giao rừng”.
Đối với phản ánh trồng cây cao su chồng lấn diện tích đất đã thu hồi từ Lâm trường Quế Phong giao cho các xã Mường Nọc, Quế Sơn quản lý, doanh nghiệp khẳng định đã kiểm tra và xử lý và có báo cáo gửi đến UBND huyện Quế Phong cùng Chi cục Kiểm lâm. Qua kiểm tra, rà soát thì diện tích Lâm trường Quế Phong đã bàn giao cho xã quản lý không còn nằm trong quy hoạch trồng cao su, và cũng không có diện tích nào đã được trồng cao su.
“Trên địa bàn huyện Quế Phong có nhiều dự án sử dụng đất lâm nghiệp và đã có sự chồng chéo trong quy hoạch sử dụng đất, mặt khác, các hộ dân sống rải rác, xen kẽ trong vùng quy hoạch cũng gây nhiều khó khăn cho công tác triển khai thực hiện dự án trồng cao su” là ý kiến của Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An tại Văn bản số 187/RBN-HĐQT.
Doanh nghiệp này kiến nghị: Để giải quyết dứt điểm tồn tại trong quy hoạch, sử dụng đất, đề nghị UBND tỉnh và các ngành hữu quan cho rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 trở về sau. Trong đó, phân định rõ diện tích đất quy hoạch đất trồng cho công ty ở khu vực nào, làm cơ sở để công ty xây dựng phương án tổ chức xây dựng nhà máy chế biến cao su đảm bảo hiệu quả của dự án…
Trước việc Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An ban hành Văn bản số 187/RBN-HĐQT, một đại diện lãnh đạo UBND huyện Quế Phong cho biết, huyện sẽ sớm có báo cáo làm rõ những nội dung liên quan đến những vướng mắc, tồn tại của dự án trồng cao su trên địa bàn Quế Phong để gửi lên Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Vị này thông tin thêm, ngày 23/9/2020, UBND huyện Quế Phong đã tổ chức buổi làm việc với Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An để làm rõ những kiến nghị của cử tri về trồng cao su trên đất cộng đồng xã Hạnh Dịch. “Nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc ở dự án trồng cao su là do mới được quy hoạch, chưa có quyết định giao đất, thuê đất của cấp có thẩm quyền, nhưng Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An đã trồng cây cao su. UBND huyện Quế Phong sẽ ban hành thông báo kết luận trong vài ngày tới đây…” – đại diện lãnh đạo UBND huyện Quế Phong nói.
Trong nhiều những tài liệu liên quan dự án trồng cao su trên địa bàn huyện Quế Phong mà chúng tôi có được, có không ít tài liệu nêu lên những vướng mắc mà UBND huyện Quế Phong và Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An đang có ý kiến “trái chiều”. Văn bản số 6729/STNMT-QLĐĐ của Sở TN&MT “Về việc xử lý một số vướng mắc liên quan đến dự án trồng cây cao su trên địa bàn xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong” gửi UBND tỉnh ngày 14/12/2017 là một ví dụ.
Tại văn bản này thể hiện, Sở TN&MT tiếp nhận được kiến nghị của cử tri phản ánh về việc chồng lấn đất của Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An với diện tích đất lâm nghiệp đã được UBND huyện Quế Phong giao đất, cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Quế Phong.
Những tồn tại, vướng mắc cần xử lý mà Sở TN&MT tổng hợp tại Văn bản số 6729/STNMT-QLĐĐ gồm: Việc Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An đã trồng cây cao su trên phần diện tích 22,6 ha do UBND xã Hạnh Dịch quản lý; việc chồng lấn 7 ha giữa Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An đối với đất lâm nghiệp đã được UBND huyện Quế Phong giao cho cộng đồng các bản Pù Kim, Pù Cọ và Pỏm Om (xã Hạnh Dịch); việc cộng đồng bản Chiếng đề nghị Công ty CP Đầu tư phát triển cao su có phương án đền bù 3,2 ha đất rừng tại Tiểu khu 82 mà công ty đã chặt rừng để trồng cao su năm 2014.
Để giải quyết những vấn đề này, Sở TN&MT đã có một số đề xuất, kiến nghị lên UBND tỉnh, trong đó, đề nghị giao cho UBND huyện Quế Phong và Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát lại quỹ đất thực hiện dự án trồng cao su đã được UBND tỉnh phê duyệt…
Qua các tài liệu như Văn bản số 6729/STNMT-QLĐĐ của Sở TN&MT, có thể thấy vướng mắc ở dự án trồng cao su trên địa bàn huyện Quế Phong đã được các cấp, ngành trao đi, đổi lại nhiều lần nhưng vẫn không được giải quyết triệt để. Đến thời điểm hiện tại, khi UBND huyện Quế Phong và Công ty CP Đầu tư và phát triển cao su Nghệ An không tìm được tiếng nói chung, khẳng định là rất khó đề ra được phương án xử lý dứt điểm các vướng mắc.
Vừa qua, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc nghe và cho ý kiến dự thảo Chiến lược phát triển lâm nghiệp tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Báo cáo thực trạng công tác quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh.
Ngày 16/9/2020, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 528/TB-UBND thông báo kết luận của đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc này, trong đó có nội dung liên quan đến dự án trồng cao su của Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An.
Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao: Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan rà soát các quy hoạch sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của các doanh nghiệp và của Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An trên địa bàn các huyện, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định.
Nghĩ rằng, khi UBND huyện Quế Phong và Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An đã không tìm được tiếng nói chung để giải quyết vướng mắc thì UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành và đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, làm rõ. Để từ đó, có chỉ đạo cụ thể xử lý giải quyết dứt điểm.