Loại hình du lịch homestay đã được định hình ở Nghệ An từ vài năm nay, trên đất Yên Khê, Bồng Khê (Con Cuông), nơi có Vườn Quốc gia Pù Mát hay các xã Thanh Thủy, Thanh Hương (Thanh Chương) với trùng điệp những đảo chè. Nay ở xã Kim Liên (Nam Đàn), có 4 hộ gia đình đã bắt nhịp với homestay - nhưng họ cốt yếu là để tỏ tấm chân tình người dân quê Bác với du khách...
Từ TP. Vinh ngược theo Quốc lộ 46 chừng 12 km, rẽ trái vào cổng làng Mậu Tài, đi thêm khoảng 800m sẽ đến xóm Sen 2, nơi có 4 hộ gia đình làm homestay.
Cách nay tròn tháng, tình cờ lướt facebook, tôi được xem một số bức ảnh ngôi vườn chuẩn ở xã Kim Liên cùng dòng viết: “Một vinh dự to lớn: Vườn chuẩn Nông thôn mới của Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An xây dựng tại xóm Sen 2, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, nay đã trở thành du lịch trải nghiệm Homestay. Có ai thích trải nghiệm không?”.
Trong những bức ảnh có một bức ảnh “lạc nhịp”, chỉ ghi lại biển hiệu “Homestay Nguyễn Sinh Chung – Xóm Sen 2, Kim Liên” kèm số điện thoại, nên mươi ngày sau tôi đã liên lạc, rồi ngược Quốc lộ 46. Dù rất nhiều lần đến Kim Liên, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đặt chân vào “vùng lõi” làng Sen 2, là những cụm dân cư ấp ôm quê Nội Bác Hồ. Ngạc nhiên nối tiếp ngạc nhiên, đến độ bật ra thành lời. Bởi với những xanh – sạch – đẹp đã gồm đủ, làng Sen 2 tựa như làng cổ quanh rừng trúc Sagano… nổi tiếng của cố đô Kyoto, đất nước Nhật Bản vậy.
Đập ngay vào mắt ở xóm Sen 2 là một dòng sông sen xanh biêng biếc điểm những sắc hồng. Sông sen gồm những chiếc hồ lớn nối tiếp nhau dày kín cây sen, dù trời đã chuyển thu tròn tháng, nhưng những lá, những ngó, những thân sen vẫn một màu xanh biếc và còn rộ hoa thơm ngát.
Nhìn toàn cảnh, xóm Sen 2 có nhiều và có đủ những sắc xanh. Cùng với dòng sông sen xanh, còn là những khu vườn xanh của các loại cây ăn trái như bưởi, cam, chuối…; là những tấm thảm xanh buông rủ của nhiều loại cây leo; là những bờ rào xanh mạn hảo tiếp nối được chăm bẵm, cắt tỉa đều tăm tắp hai bên các tuyến đường…
Đến với những khu vườn của 4 gia đình làm homestay ở liền kế nhau, thêm bất ngờ mới. Bởi không nghĩ người quê, lại có những khuôn vườn đẹp như vậy. Vườn của gia đình vợ chồng bác Nguyễn Sinh Lạc – Nguyễn Thị Liêm và vợ chồng anh Nguyễn Hồng Thúy – chị Lê Thị Việt, là nhiều những cây bưởi cổ thụ được trồng ngay hàng thẳng lối. Tất cả đều có thân cành chắc khỏe, cành lá sum suê, và được cắt tỉa thành tán, để tạo thành những mái che xanh, để phô phang những sai trĩu quả lấp lánh ánh vàng.
Vườn gia đình hai bác Vương Hồng Minh – Nguyễn Thị Thùy, anh Nguyễn Sinh Chung – chị Nguyễn Thị Hợi thì có nhiều những loại cây trái, rau xanh, nhưng đặc sắc nhất là tràn ngập các loại lan rừng. Thôi thì phi điệp, quế lan hương, trầm tím, trầm vàng, ngọc điểm, hạc vỹ, long tu, giáng hương hồng nhạn… loại nào cũng có. Những cây lan được trồng trong những chậu đất nung xinh xắn, được gắn lên những khúc lũa có hình thế lạ mắt, có lẽ bởi hợp cảnh, hợp người nên tất thảy thân, lá, rễ đều thật khỏe, thật mẩy, thật tươi…
Homestay được hiểu là mô hình du lịch lưu trú ở nhà dân. Khi khách du lịch đặt chân đến một vùng miền nào đấy, chính người dân sẽ giúp họ có được chỗ lưu trú và tìm hiểu về văn hóa, con người địa phương một cách chân thật nhất. Vậy các bác, các anh chị ở đây đã chuẩn bị những gì?
Bác Lạc (SN 1950) giới thiệu, năm 2019, toàn xã Kim Liên có 10 gia đình được chọn để Hội Làm vườn của tỉnh giúp làm những khu vườn mẫu.
Sau một thời gian, vườn của 4 hộ gia đình được đánh giá đạt chuẩn, tiếp tục được chính quyền huyện Nam Đàn và xã Kim Liên chọn làm mô hình du lịch cộng đồng.
Đến tháng 6/2020 thì thành lập Tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng, bầu chọn bác Lạc làm Tổ trưởng. Các thành viên của tổ được ngành du lịch tập huấn, được cho đi tham quan cách làm homestay của những người dân xứ Huế và tỉnh Quảng Bình. Sau chuyến tham quan, dựa vào cơ sở vật chất nhà ở đã có sẵn, 4 hộ đầu tư kinh phí cải tạo nên những phòng nghỉ, đủ điều kiện cho khách du lịch lưu trú.
“Hiện cả 4 gia đình đã có được 9 phòng nghỉ, có thể làm nơi nghỉ cho những hộ gia đình, hoặc đoàn khách khoảng 30 người…” – bác Lạc cho biết. Cũng theo bác Lạc, các thành viên của tổ đã lên kế hoạch để sẵn sàng đón khách. Bởi khi khách có ý định lưu trú một vài ngày ở quê Bác thì ngoài cần chỗ nghỉ ngơi, sẽ có nhu cầu ăn uống, thăm thú cảnh vật. Thế nên phải có sự chuẩn bị.
Về cái ăn, nếu khách cần được phục vụ, tổ sẽ giúp chế biến những món ăn đậm chất quê hương Nam Đàn, được thưởng thức những củ, quả, cây rau, trái ngọt lành hái từ vườn nhà. Còn nếu khách muốn tự chế biến, tổ sẽ cung ứng đầy đủ các loại thực phẩm, cùng các dụng cụ để nấu nướng, chế biến. Tổ cũng sẽ mua 20 chiếc xe đạp đơn cùng chủng loại để du khách được thăm thú các nơi, và các thành viên sẽ như những hướng dẫn viên du lịch, sẽ giới thiệu về lịch sử – văn hóa, về các di tích tâm linh và phong cảnh Kim Liên, đồng thời có thể cùng đồng hành với du khách…
Với bác Hồng Minh (SN 1947) là “người quen của giới báo chí truyền hình” thì trao đổi thêm: “Bên cạnh những di tích nổi tiếng như nhà quê Nội, quê Ngoại, hay đền Chung Sơn…, nơi đây còn có những di tích gắn liền với tuổi thơ của Bác Hồ và nhiều những điểm phong cảnh làng quê Kim Liên rất hấp dẫn, du khách hẳn sẽ rất thú vị.
Còn về đêm, nếu du khách lưu trú có nhu cầu, huyện và xã sẽ bố trí đội văn nghệ dân ca ví, giặm phục vụ. 4 gia đình chúng tôi ở sát cạnh nhà Văn hóa xóm, tổ chức văn nghệ ở đây rất tiện lợi…”.
Trong 8 thành viên Tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng, chỉ duy nhất anh Chung thoát ly nghề nông, hiện đang làm công tác an ninh của Khu Di tích Kim Liên. Theo anh Chung, huyện Nam Đàn xác định kinh tế du lịch sẽ là mũi nhọn trong tương lai nên đã xây dựng nhiều những kế hoạch để thực hiện. Trong đó, với người dân ở các vùng di tích, danh thắng thì hướng đến làm du lịch homestay.
“Chúng tôi là những hộ gia đình được chọn để xây dựng mô hình thực nghiệm. Với những gì các thành viên của Tổ đã thực hiện, đoàn công tác của tỉnh và huyện đã lên kiểm tra, nghỉ lại một ngày rồi chấm điểm theo từng tiêu chí, có đánh giá tốt…”, anh Chung nói.
“Làm homestay sẽ phải tính đến yếu tố lợi nhuận, vậy các bác đã lên “dự toán” hay chưa?”. Theo bác Lạc, bác Minh và anh Chung thì các thành viên của Tổ chưa nghĩ đến việc này, mà muốn để tùy UBND huyện và UBND xã sắp đặt.
“Chúng tôi tự hào khi được chọn đại diện cho hàng nghìn hộ dân Kim Liên thực nghiệm mô hình. Còn về việc kinh phí sẽ thu từ khách lưu trú ra sao thì thực là đang nghĩ nên chờ UBND huyện quyết định. Trong thâm tâm chúng tôi, làm du lịch cộng đồng cốt yếu là muốn tỏ tấm chân tình của người dân quê Bác đến với du khách. Giúp cho du khách có được niềm vui trọn vẹn khi họ muốn trải nghiệm làm người dân quê Bác mà thôi…”, bác Lạc vui vẻ nói.
Sau lần gặp con người hồn hậu bắt tay vào làm homestay ở xóm Sen 2, tôi đã lên lại Kim Liên thêm 3 lần để được ở đây ngắm những thời khắc đón bình minh, hoàng hôn và về đêm. Đi trên những tuyến đường có các dòng sông sen bao quanh ngắm cảnh quan các làng Mậu Tài, Hoàng Trù, Ngọc Đình, Vân Hội…; ghé thăm Hợp tác xã sen Quê Bác để nhận biết về hàng chục giống sen với những tạo hình hoa, lá khác nhau cùng những sản vật được chế biến từ sen; đi trên tuyến đường từ quê Ngoại đến quê Nội của Bác để ngắm núi Chung… Tất cả đều thật tuyệt, thật phù hợp để du khách lưu trú thưởng ngoạn.
Nhưng về đêm, Kim Liên còn chưa hấp dẫn. Lý do bởi tất cả các cụm di tích thuộc quản lý của Ban quản lý Khu Di tích Kim Liên đều dừng hoạt động. Ở đó, chỉ có ánh sáng của hệ thống đèn bảo vệ, mọi hoạt động của người dân nếu có thì đều ngoài khuôn viên Khu di tích. Nói với một số bạn bè đang công tác tại Khu Di tích Kim Liên rằng Quê Bác về đêm không nhất thiết cần nhiều những ánh sáng trang trí trên các tuyến đường và các khu trung tâm như đô thị. Nhưng để du khách lưu trú, rất cần có những hoạt động về đêm ở các cụm di tích.
Nghe trao đổi, ai cũng xác nhận nếu làm được vậy thì sẽ hấp dẫn du khách, rất có lợi cho những gia đình làm homestay, nhưng đây là Khu di tích đặc biệt của quốc gia, cần được bảo vệ nghiêm ngặt… Nghe trao đổi, hiểu nếu không có quyết định từ cấp có thẩm quyền, cùng những hỗ trợ về vật chất cho các đơn vị liên quan thì việc đánh thức các cụm di tích chỉ trong một khoảng thời gian hẹp về đêm khó trở thành hiện thực.
Nghĩ về điều này, nhớ việc lãnh đạo tỉnh đặt ra yêu cầu cho huyện Nam Đàn tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVII là phải xác định lợi thế “độc quyền” để thúc đẩy phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn. Biết rằng, Nam Đàn đã quan tâm tập trung cho du lịch, và việc tổ chức khảo nghiệm mô hình homestay là một trong những ví dụ cụ thể rất đáng được quan tâm, cổ vũ. Nhưng để đạt được hiệu quả, không chỉ trong phạm vi điểm du lịch “độc quyền” là Khu Di tích Kim Liên mà còn tại nhiều các di tích đền Vua Mai, Di tích Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, chùa Đại Tuệ… thì Nam Đàn còn có rất nhiều việc cần làm. “Đánh thức” các cụm di tích ở Kim Liên một khoảng thời gian hẹp về đêm cũng cần được xem là một nội dung để suy nghĩ…