Thanh Chương là mảnh đất có bề dày lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng; truyền thống hiếu học và khoa bảng. Đây là hành trang, niềm tự hào của lớp lớp người con Thanh Chương kiên cường, bất khuất trong đấu tranh cách mạng; dám đương đầu với khó khăn, thách thức để vươn lên xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.
Thanh Chương, từ khi Đảng ta chưa ra đời đã có tổ chức tiền thân của Đảng. Và ngay khi Đảng ta ra đời, Đảng bộ huyện Thanh Chương là một trong những đảng bộ huyện ra đời sớm nhất trong cả nước, đã tác động mạnh mẽ trực tiếp đến phong trào cách mạng của nhân dân với khí thế sục sôi.
Chỉ tính riêng trong năm 1930, trên địa bàn huyện Thanh Chương đã có hàng chục cuộc mít tinh, biểu tình, thị uy. Mở đầu là 2 cuộc mít tinh, biểu tình của thầy giáo, học sinh Trường Pháp – Việt Thanh Chương và nông dân các làng Cao Điền, La Mạc, Đức Nhuận, Hạnh Lâm vào ngày 1/5/1930; đỉnh điểm là cuộc tổng biểu tình của 2 vạn nông dân Thanh Chương với khí thế “Triều dâng, thác đổ” vào ngày 1/9/1930, lập nên chính quyền Xô viết điển hình ở hầu khắp các làng, xã trong huyện. Cuộc biểu tình lịch sử ngày 1/9/1930 ở Thanh Chương được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô viết ở Nghệ – Tĩnh, trở thành đỉnh cao của Cao trào cách mạng 1930-1931 trong toàn quốc. Trong Văn kiện Đảng từng ghi: “Cuộc biểu tình dữ dội này chưa từng thấy có ở An Nam bao giờ đã đưa anh em công nông đến một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh kịch liệt chống lại tư bản đế quốc và địa chủ phong kiến, thời kỳ công nông phải hy sinh cho cách mạng để đòi quyền sống và quyền tự do”. Ngày 1/9 được Đảng bộ và nhân dân Thanh Chương tự hào chọn làm ngày truyền thống của huyện.
Tinh thần cách mạng của thời Xô viết tiếp tục hun đúc, lan tỏa trong phong trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và huyện Thanh Chương khởi nghĩa giành chính quyền thành công vào ngày 23/8/1945. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, huyện Thanh Chương vừa là hậu phương lớn đóng góp sức người, sức của cho chiến trường, vừa là tiền tuyến khi nơi đây là một trong những địa bàn trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ hòng chặn đường chi viện cho tiền tuyến với những địa danh “Núi Nguộc, Rào Gang, đồi Dùng, đồi Rạng” đứng vững hiên ngang; những “Cô gái Văn Bình”, những “Bông hoa núi Nguộc”, “Trung đội thép Ngọc Sơn”… kiên cường, dũng cảm.
Có thể nói, truyền thống lịch sử huyện Thanh Chương gắn liền với lịch sử Nghệ – Tĩnh và lịch sử Việt Nam. Truyền thống cách mạng của Thanh Chương được gắn liền với mỗi ngọn núi, khúc sông, mỗi tên đất, tên làng. Lịch sử đó và những tên làng, tên đất đó luôn được nhắc đến qua những trang sử quê hương, trong những câu chuyện kể của những lão thành cách mạng, những cựu chiến binh già, những người yêu lịch sử quê hương. Cũng chính lịch sử đó luôn nuôi dưỡng niềm tự hào, thôi thúc lớp lớp người con Thanh Chương vươn lên trong học tập, công tác và xây dựng quê hương, đất nước phát triển.
Từ một huyện, thóc lúa không đủ ăn, đến nay sản lượng lương thực hàng năm đạt từ 110.000 – 119.000 tấn. Bên cạnh đảm bảo an ninh lương thực, Thanh Chương cũng đã, đang khẳng định sự tiên phong trong việc lựa chọn các cây, con sản xuất phù hợp gắn với từng vùng quy hoạch và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa, các sản phẩm có chất lượng, thương hiệu trên thị trường. Thanh Chương là địa phương có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP nhất tỉnh với 7 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt từ 3 – 4 sao; bao gồm chè Thanh Chương, hương Liên Đức, gà Thanh Chương, cam phủ màn Tổng đội, trám đen, nước súc miệng Nosmoking, răng miệng Xuân Vinh.
Cũng từ một huyện được coi là “tứ tắc”, địa hình chia cắt bởi 36 bến đò ngang và không có km đường nhựa nào, thì đến nay đã có 6 cây cầu cứng bắc qua sông và gần 670 km đường nhựa; hơn 800 km đường bê tông và gần 1.200 km đường cấp phối. Phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển rầm rộ và đều khắp ở 37/37 xã, góp phần hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông, trường học, trạm xá, trụ sở làm việc, cảnh quan môi trường, đặc biệt là chất lượng cuộc sống cho nhân dân vùng nông thôn được nâng lên rất nhiều. Đến thời điểm này, toàn huyện đã có 18 xã và 14 xóm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, ước cuối năm 2020 có thêm 2 xã được công nhận đạt chuẩn, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện lên 20 xã, đạt tỷ lệ 54,05%; số tiêu chí bình quân toàn huyện đạt 16,48 tiêu chí/xã.
Thanh Chương tiếp tục khẳng định truyền thống hiếu học và khoa bảng với những gương sáng thành tích cao trên nhiều lĩnh vực. Toàn huyện có 20 người được phong hàm cấp tướng trong lực lượng quân đội, công an và nhiều người được phong hàm giáo sư, phó giáo sư. Hàng năm, huyện có từ 1.200 học sinh trở lên đậu vào các trường đại học, trong đó có hàng chục học sinh đậu đại học điểm cao từ 27 điểm trở lên được UBND tỉnh tuyên dương; có lớp 100% học sinh đậu đại học với điểm trung bình 25,39 điểm/học sinh.
Cũng chính từ truyền thống hiếu học, mặc dù điều kiện kinh tế của địa phương và nhân dân còn khó khăn, song phong trào xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia được cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân vào cuộc tích cực. Hiện trên địa bàn huyện đã có 90 trường được công nhận chuẩn Quốc gia, đạt 70,3%; ước đến năm 2020 có thêm 5 trường đạt chuẩn, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 95 trường, đạt 74,8% tổng số trường toàn huyện. Thanh Chương cũng là vùng quê giàu truyền thống văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều câu lạc bộ dân ca ví, giặm được duy trì và tham gia nhiều hội thi, hội diễn của tỉnh đạt giải cao; nhiều người con Thanh Chương được công nhận danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú về dân ca ví, giặm Nghệ – Tĩnh…
Phát huy tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” trong các cuộc kháng chiến trước đây, hàng năm, Thanh Chương đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu giao quân. Công tác an ninh – quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội được quan tâm với nhiều biện pháp, giải pháp tích cực, trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phát huy vai trò hoạt động của tổ tự quản, góp phần bảo vệ an ninh vùng biên và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Là nơi có tổ chức Đảng được thành lập sớm trong cả nước, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ huyện Thanh Chương chăm lo toàn diện về chính trị, tư tưởng; tổ chức, cán bộ; kiểm tra, giám sát, dân vận… góp phần củng cố và nâng cao tổ chức Đảng; gắn với chăm lo xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vững mạnh toàn diện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Đặc biệt, thông qua việc tìm đúng điểm “nghẽn” của con người Thanh Chương, đó là tư tưởng bảo thủ, trì trệ, hẹp hòi, ngại khó, sớm thỏa mãn, ngại đổi mới để đề ra các giải pháp khắc phục thực sự khơi thông tư tưởng đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đã, đang tạo sự đổi thay từng ngày cho quê hương.
Tròn 90 năm đi theo Đảng với niềm tin sắt son, thủy chung và những sáng tạo, bài học kinh nghiệm trong đấu tranh cách mạng, trong lao động, sản xuất của các thế hệ đi trước, Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Chương hôm nay được tiếp thêm sức mạnh, quyết tâm bền gan, vững chí, đổi mới tư duy, vun đắp khát vọng vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết, chung sức, chung lòng, xây dựng Thanh Chương thành huyện phát triển vững mạnh toàn diện./.