Sinh ra dưới chân núi Ngọc, khi cha làm quan ở Thanh Hóa, nên ông được đặt tên là Phan Ngọc. Trong nhiều tác phẩm dịch thuật, nghiên cứu ông lấy bút danh là Nhữ Thành. Lớn lên trong một gia đình có sáu đời dạy chữ Nho và làm thuốc, lại theo cha đi khắp các nẻo đường của đất nước, được cha dạy dỗ, được tiếp xúc với những người bạn của cha như Cao Xuân Dục, Nguyễn Sinh Sắc, Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Đào Duy Anh… Phan Ngọc sớm có ý thức yêu nước, ham học và học giỏi.
Sau một thời gian học chữ Hán với cha, ông được gửi vào Trường Quốc học Huế, tốt nghiệp tú tài Tây, gia đình muốn ông vào trường Luật nhưng ông thi đậu vào trường Y. Vừa mới vào học được một thời gian ngắn thì Cách mạng Tháng Tám, năm 1945 bùng nổ và thành công, ông về quê cùng với cụ thân sinh hồ hởi tham gia các công việc của kháng chiến.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “toàn dân tham gia diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, cụ Phan Võ cùng với em là cựu đốc học Phan Lô đứng ra vận động thành lập trường trung học tư thục đầu tiên của huyện Yên Thành mang tên nhà yêu nước Lê Doãn Nhã. Phan Ngọc tham gia giảng dạy từ năm học đầu tiên 1947. Hai năm sau khi người chú qua đời, Phan Ngọc trực tiếp làm Hiệu trưởng. Với nhiệt huyết và tài năng của mình, thầy Phan Ngọc đã cùng với các cộng sự trực tiếp đào tạo lớp thanh niên trí thức đầu tiên của Yên Thành và một số huyện bạn và cả thành phố Vinh tản cư về đây trở thành những trí thức mới phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Năm 1950, khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn tổng phản công, thầy hiệu trưởng Phan Ngọc cùng với hơn 50 học sinh lớp lớn của trường Lê Doãn Nhã xếp bút nghiên xung phong vào Vệ quốc đoàn. Phan Ngọc làm lính của Sư đoàn 304, rồi lên chiến khu Việt Bắc. Những năm 1954-1955, ông làm sỹ quan trong Ban liên hiệp đình chiến. Cuối năm 1955, được sự giúp đỡ của giáo sư Trần Đức Thảo, ông về tham gia thành lập các trường Đại học Sư phạm và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trực tiếp làm làm Chủ nhiệm bộ môn đầu tiên của Bộ môn Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thời gian này, vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học, vừa làm công tác quản lý, Phan Ngọc là người đầu tiên đặt nền móng cho khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Năm 1957, xảy ra vụ “Nhân văn giai phẩm”, Phan Ngọc bị liên lụy, ông thôi nhiệm vụ giảng dạy mà làm nhân viên dịch sách cho khoa, cho trường, cho cả Bộ Giáo dục. Được cha và thầy giáo Đào Duy Anh động viên “phải lấy cái bất biến là lòng yêu nước, tình yêu khoa học làm điểm tựa để làm việc”. Vượt lên những khó khăn, gian khổ, cay đắng của thực tại, Phan Ngọc chuyên tâm vào học ngoại ngữ, dịch sách và nghiên cứu khoa học.
Với vốn liếng ban đầu chỉ có tấm bằng tú tài Tây, bằng nghị lực phi thường và bằng trí tuệ siêu phàm siêu việt, chỉ có tự học, Phan Ngọc trở thành người Việt Nam biết và thông hiểu nhiều ngôn ngữ, văn hóa các dân tộc trên thế giới vào bậc nhất ở Việt Nam. Nếu như ở thế kỷ 19 có học giả Trương Vĩnh Ký (1837-1898) thì ở thế kỷ 20 có Phan Ngọc (1925-2020).
Ông dịch “Thần thoại Hy Lạp từ tiếng Hy Lạp , “Xpac-ta-cut” từ tiếng Ý, “Chiến tranh và Hòa Bình” từ tiếng Nga, “Sử ký Tư Mã Thiên”, “Thơ Đỗ Phủ”… từ tiếng Trung Quốc, vở kịch “Shakespeare” từ tiếng Anh… Năm 1976, ông dịch “Triết học Hêghen” từ nguyên bản tiếng Đức để phục vụ cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, vượt kế hoạch ba tháng. Ông cùng giáo sư Lê Thước dịch “Từ điển tên riêng thế giới” từ nguyên bản tiếng Pháp. Ông là tác giả cuốn Từ điển Anh Việt gồm 250.000 từ. Phan Ngọc học ngoại ngữ không chỉ để dịch sách, dù dịch sách và dịch sách thuê có khi là nguồn thu nhập chính để nuôi sống bản thân và cả gia đình trong những thời điểm khó khăn nhất, nhưng mục đích chính của ông là qua các tác phẩm tiêu biểu trên thế giới để tìm hiểu về văn hóa dân tộc đó. Từ văn hóa nhân loại để tìm hiểu văn hóa Việt Nam.
Từ năm 1980, đến khi nghỉ hưu, Phan Ngọc làm chuyên viên bậc cao của Viện Đông Nam Á, thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, ông chuyên tâm nghiên cứu về Văn hóa. Ông đi Pháp, Bắc Kinh, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Campuchia… để giảng dạy ở các trường đại học có danh tiếng, vừa giảng bài vừa tuyên truyền về văn hóa Việt Nam, văn hóa Hồ Chí Minh ra thế giới.
Trải qua nhiều ngọt bùi cay đắng, nhiều sóng gió của đời người (năm 1955 cải cách ruộng đất tịch thu toàn bộ gia sản và đốt kho sách lớn của gia đình, năm 1957 bị oan khuất của vụ Nhân văn giai phẩm), nhưng Phan Ngọc đã để lại nhiều công trình về văn hóa, về ngôn ngữ, về triết học.
Giáo sư Phạm Đức Dương, Viện trưởng Viện Đông Nam Á trong bài viết về giáo sư Phan Ngọc nhân ngày Báo chí Việt Nam 21/6/2003, viết: “Theo tôi, kết tinh của trí tuệ và tâm huyết của Phan Ngọc được đặt vào việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, anh từng có nhiều buổi tọa đàm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về đề tài quan trọng và bổ ích này. Cố vấn Phạm Văn Đồng là người nghe anh Ngọc trình bày suốt ba giờ. Nghe xong bác Đồng nói: Được nghe những ý kiến sâu sắc của một người tâm huyết với văn hóa dân tộc, tôi vô cùng cảm động và tin tưởng”.
Khi nghiên cứu về tư tưởng, văn hóa Hồ Chí Minh, Phan Ngọc đi từ Văn hóa phương Đông, phương Tây, văn hóa nhân loại đến văn hóa Việt Nam, từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, từ văn hóa Huế… để tìm hiểu văn hóa Hồ Chí Minh, kết tinh của văn hóa dân tộc, thế giới và thời đại.
Cái riêng có của Phan Ngọc là mỗi công trình nghiên cứu về văn hóa, văn học, triết học, dân tộc học… ông đều tìm ra cách tiếp cận mới, rất độc đáo, trước ông chưa ai làm và sau ông khó có người vượt qua. Ông đưa ra những khái niệm “vượt gộp”, “độ khúc xạ”, “thức nhận”… nhưng lại lý giải một cách khúc chiết rõ ràng bằng ngôn ngữ cực kỳ giản dị. Ông nói: “Mục đích của đời tôi là chỉ tìm phương pháp làm việc có lợi ích cho nhân dân tôi”.
Ghi nhớ lời dạy của cha trước lúc lâm chung: “Cả gia đình ta chịu ơn Đảng và Bác, cậu thấy gia đình mình được ưu đãi nhất trong mọi gia đình làm quan. Như con thấy đấy, chuyện đúng sai không thể quyết định một lần là xong, cậu cố gắng sống thanh bạch suốt đời từ lúc nhỏ mới được như thế này. Con nên nhớ bài học này”.
Suốt cuộc đời mình, từ lúc một trí thức tân học, con một vị Thượng thư triều Nguyễn, trở thành thầy giáo trường huyện, thành người lính Cụ Hồ, thành giáo sư giảng dạy đại học, thành nhà dịch thuật, nhà nghiên cứu văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam, Phan Ngọc luôn trân trọng tình cảm của Bác Hồ đối với gia đình mình và luôn tự coi mình là người học trò nhỏ của Bác.
Tôi là lớp hậu sinh không có may mắn được làm học trò của thầy Phan Ngọc nhưng từng say mê đọc những tác phẩm tiêu biểu của văn học thế giới do ông dịch thuật từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, khi trưởng thành được đọc nhiều bài báo, nhiều bài nghiên cứu về văn hóa, được đọc hai tác phẩm “Văn hóa Việt Nam, cách tiếp cận mới”, “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều” – hai công trình được tặng Giải thưởng nhà nước đợt đầu năm 2000, thấy ông như núi Thái Sơn, nhưng kể từ lần được gặp ông năm 1988 tại căn gác nhỏ ở 57 Bùi Thị Xuân, cho đến nhiều lần gặp ông khi ông về quê, hoặc nghe ông nói chuyện với thầy trò Trường THPT Phan Đăng Lưu hay ở Đảng bộ xã Nhân Thành (Yên Thành)… thấy ông thật uyên bác, lịch lãm, tài hoa nhưng cũng rất gần gũi, giản dị.
Người con ưu tú của Xứ Nghệ, nhà văn hóa lớn, bậc hiền tài, bộ bách khoa toàn thư của Việt Nam đã rời cõi tạm vào ngày 26/8/2020, nhưng sự nghiệp, nhân cách của thầy Phan Ngọc còn mãi với quê hương đất nước.
Một số tác phẩm do Học giả Phan Ngọc dịch thuật, biên soạn, nghiên cứu:
Tác phẩm dịch thuật: Chuyện làng Nho, 1961; Tuyển tập kịch Sêch-xpia (Shakespeare), 1963 (dịch chung); Chiến tranh và hòa bình, chung nhóm dịch của Cao Xuân Hạo (bút danh Nhữ Thành); Đê Vit Cơpơphin (Nguyên tác: David Copperfield), 2 tập, Nhà xuất bản Văn học, 1976, 1977; Ôlivơ Tuyt (Nguyên tác: Oliver Twist), 2 tập, Nhà xuất bản Văn học, 1986; Sử ký Tư Mã Thiên, 1964, tái bản 1988 (bút danh Nhữ Thành), tái bản có bổ sung, 1999; Hình thái học của nghệ thuật (M. X. Kagan); Trần trụi giữa bầy sói, 1985 (dịch cùng Xuân Oánh). (Nguyên tác: Nackt unter Wölfen của Bruno Apitz); Hàn Phi Tử, 1990; Mỹ học (Hegel), 1800 trang, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1999.
Thần thoại Hy Lạp, 1980 (ký tên Nhữ Thành); Từ điển Anh-Việt, 1994;
Nghiên cứu: Cách chữa lỗi chính tả cho học sinh, 1980; Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á, 1983 (cùng Phạm Đức Dương); Nội dung xã hội và mỹ học của tuồng đồ, 1984 (cùng Lê Ngọc Cầu); Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, 1985; Đỗ Phủ, nhà thơ dân đen, 1990; Mẹo giải nghĩa các từ Hán Việt, 1991; Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, 1994; Văn học xét theo văn hóa học; Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, 1995; Đỗ Phủ, nhà thơ thánh với hơn một nghìn bài thơ, 2001…