Những ngày qua, cùng với thông tin về phòng, chống dịch Covid-19, nhiều người sử dụng mạng xã hội facebook tỏ ra quan tâm đến việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ phát triển KT – XH dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2025” ở bản Văng Môn, xã Nga My (Tương Dương).
Phần lớn họ tập trung dẫn lại tin, bài mà báo chí đã đăng tải về một số cán bộ, người của doanh nghiệp do có sai phạm dẫn đến có bị giam giữ, để rồi mổ xẻ, bình luận hoặc đặt ra thêm những nghi vấn về đầu tư xây dựng…
Nhưng cũng có một số người có góc nhìn khá khác biệt. Như facebooker Thủy Vy đã viết: “Hãy đặt ra bên lề những dấu hiệu sai phạm trong việc thực hiện đề án mà dư luận quan tâm gần đây, việc này đã có các cơ quan có thẩm quyền làm rõ.
Chúng ta cũng nên hạn chế những chia sẻ bình luận tiêu cực, hay những cách nói, cách so sánh chạm đến lòng tự tôn của một tộc người,… Những điều đó chỉ khắc sâu thêm những bức xúc của người dân Ơ Đu, khiến một số ít người dân Ơ Đu phản ứng thiếu tích cực trong việc hợp tác triển khai để đưa những sự hỗ trợ vào cuộc sống tạo thành những thay đổi thật sự trong đời sống của họ. Hẳn là người Ơ Đu cũng muốn tất cả chúng ta quan tâm nhìn nhận họ ở một góc độ tích cực hơn”.
Rồi chị đề nghị: “Hãy cùng người dân Ơ Đu chung tay góp sức thay đổi tập quán sản xuất, thay đổi nền nếp sinh hoạt, phát huy các các giá trị truyền thống, khẳng định vị thế của tộc người Ơ Đu trong công cuộc phát triển chung của huyện nhà. Hãy đến và vui cùng những đổi thay mỗi ngày trong mỗi người dân Ơ Đu. Dù ở đâu, làm gì người Ơ Đu vẫn luôn tự hào họ là Phrom Ơ Đu (*), là một tộc người đã đang tạo nên sự đa dạng và đặc thù về văn hóa của huyện Tương Dương. Chúng ta hãy cùng trân trọng điều đó”.
Tôi lưu tâm và suy nghĩ về nội dung facebook Thủy Vy đã trình bày. Bởi ngoài sự khác biệt với số đông, điều chị hướng đến là mong muốn Đề án “Hỗ trợ phát triển KT – XH dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2025” sẽ đạt được những giá trị cốt lõi mà Chính phủ đã chỉ đạo, cho phép tỉnh thực hiện. Và còn bởi chị viết ra cụm từ “Phrom Ơ Đu”, tức là đã chạm đến, và khơi dậy niềm tự hào của một tộc người. Dù họ rất ít người, dù còn rất khó khăn, thậm chí vì thế đã tản mát, tránh trú trong những dân tộc khác.
Thật vậy, dân tộc nào thì cũng có lịch sử, có niềm tự hào riêng. Người Ơ Đu không ngoại lệ. Đã có không ít những bài viết công phu về lịch sử đầy bi tráng của những người Ơ Đu xưa, thời họ làm chủ các vùng đất hai bên bờ dòng Nậm Nơn hùng vỹ.
Như trong phóng sự “Thương lắm Ơ Đu” trên Báo Lao Động của tác giả Minh Thư (năm 1998): “Ngày ấy người Ơ Đu đông lắm, thống lĩnh cả một vùng rộng lớn từ Xốp Lằm nay là xã Hữu Dương đến tận mường Xiềng Mèn (nay là xã Yên Hoà). Một bộ phận nhỏ người Ơ Đu tha phương mãi bên mường Khoa, mường Xọi nước Lạn Xạng (nước triệu Voi – Lào). Nhưng tập trung đông nhất vẫn là ở Hốm Xọi, bản Xốp Pột, xã Kim Đa ngày nay. Ngày ấy có một tù trưởng người Ơ Đu giàu có quyền thế nhất vùng đã lên xây dựng thành luỹ trên sườn núi Pu Bán…”.
Người Ơ Đu xưa là thế. Còn về người Ơ Đu hiện nay, nghề báo cho chúng tôi được đi, được gặp để thấy, để hiểu từ thẳm sâu trong tâm khảm, họ cũng như người Kinh, người Thái, người Mông…, đều có khát vọng vươn lên. Và vẫn luôn hoài niệm những giá trị lịch sử riêng có, mong muốn tái hiện lại được.
Vậy thì tại sao không ủng hộ việc thực hiện Đề án Hỗ trợ phát triển KT – XH dân tộc Ơ Đu? Tất cả những sai phạm rồi sẽ đều được làm rõ để xử lý. Những “lỗ hổng” trong công tác quản lý Nhà nước sẽ được “bịt” lại. Những nội dung nào của đề án không phù hợp thì sẽ được rà soát điều chỉnh, bổ sung cho sát, đúng để thực hiện. Ủng hộ đề án để muôn mọi người Ơ Đu trên vùng đất xứ Nghệ sớm có được những đổi thay là việc nên làm.
Để họ, dù đang sống tập trung tại Văng Môn, hay các khu tái định cư xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm (Thanh Chương), hoặc sống ở bất kỳ một làng bản vùng sâu, vùng xa nào đó thì đều cũng có thể ngẩng cao đầu tự hào là người Ơ Đu. Phrom Ơ Đu!