Những năm gần đây, vấn nạn xe dù ở Nghệ An diễn ra phức tạp. Dường như tuyến đường nội tỉnh nào cũng có xe chở khách loại này. Đặc biệt, những ngày giãn cách xã hội, các tuyến xe khách, xe bus bị ngừng hoạt động, loại hình vận tải bất hợp pháp này thừa cơ tăng cường hoạt động. Đáng nói, từ đó, xe dù chiếm luôn phần lớn hành khách của những nhà xe, hãng xe vận tải khách được cấp phép chính thống.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay, ước tính có khoảng 400 chiếc xe 7 chỗ chuyên chở khách (xe dù) từ các huyện vào TP. Vinh. Đặc biệt, có huyện trên địa bàn có đến hơn 50 chiếc xe dù. Điểm đến của nhiều chiếc xe này thường là các bệnh viện ở trung tâm TP. Vinh.
7h sáng một ngày đầu tháng 7, như thường lệ, những chiếc xe 7 chỗ cũ kỹ chen lấn nhau trước cổng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An (đường Tôn Thất Tùng, TP. Vinh). Không khó để nhận ra những chiếc xe dù này. Bởi bên trong được nhét đầy khách, cửa kính dán đen kín để bên ngoài khó nhìn vào. Trong khi, tài xế mắt láo liên quan sát để đề phòng cơ quan chức năng…
Những chiếc xe này nhanh chóng chạy thẳng vào trong bệnh viện, vô tư trả khách. Nhiều tài xế thậm chí còn vào làm thủ tục nhập viện cho cả hành khách. “Đó là lý do chúng tôi chọn xe dù. Bất chấp biết loại hình này là bất hợp pháp”, bà Hồng, một hành khách quê ở huyện Đô Lương nói. Vài ngày trước, bà Hồng bị ốm nên có ý định xuống TP. Vinh thăm khám. Cũng như nhiều lần trước, bà không ra đường lớn cách nhà đến 10 km để bắt xe bus mà chủ động liên hệ với một tài xế xe dù gần nhà để được đưa đón.
Mặc dù đã là khách quen, nhưng bà Hồng kể rằng, tài xế vẫn không quên căn dặn bà phải khai là “người nhà” để đối phó với lực lượng chức năng trong trường hợp bị dừng xe kiểm tra. Tuyến đường Đô Lương – TP. Vinh là một trong những tuyến nội tỉnh có số lượng xe dù 7 chỗ đông đảo nhất, với khoảng 60 chiếc. Trung bình, số tiền các tài xế này thu của hành khách cao hơn xe bus khoảng 10.000 đồng.
Cùng thời điểm này, trước cổng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, hàng chục chiếc xe dù 7 chỗ cũng đã đỗ kín bãi đỗ ven đường. Những tài xế vừa hoàn tất hành trình tranh thủ ngồi quán nước vỉa hè để nghỉ ngơi. Nhiều ngày có mặt ở quán nước này, chúng tôi âm thầm chứng kiến những cuộc nói chuyện giữa các tài xế. Nội dung các câu chuyện phần lớn là chia sẻ những cách nhằm đối phó với lực lượng chức năng, tránh bị xử phạt. Nếu như trước đây, các tài xế ở đây thường đỗ xe dọc đường để chèo kéo khách, thì nay họ chấp nhận bỏ tiền mua vé, đỗ luôn trong bãi xe của bệnh viện, vì sợ lực lượng chức năng xử phạt. Đến giờ đón khách họ mới bắt đầu lượn lờ dọc các tuyến đường, đặc biệt là những tuyến có đông bệnh viện, trường học như các phố Tôn Thất Tùng, Trần Phú, Lê Nin…
Nghỉ ngơi, ăn sáng chừng 1 tiếng, những tài xế bắt đầu tủa đi tứ phía để bắt khách, bắt đầu hành trình quay ngược trở lại. Trong nhiều ngày rong ruổi theo chân những tài xế này, chúng tôi không hề ghi nhận bóng dáng một lực lượng chức năng nào kiểm tra. Những chiếc xe này có đủ điểm xuất phát, người thì chạy từ thị xã Hoàng Mai, người thì Đô Lương, người thì ở Thanh Chương đến, có người từ tận trên Quế Phong xuống…. Trong đó, lượng xe dù đông đảo hơn cả là ở tuyến TX.Hoàng Mai – TP.Vinh, với gần 100 chiếc. Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có khoảng 400 chiếc xe dù như thế này.
Hành khách của những chiếc xe dù này thường là những người vào thành phố Vinh khám bệnh. Nhưng cũng có không ít thành phần là học sinh, sinh viên, thậm chí cả cán bộ Nhà nước đi công tác. Để chèo kéo khách, nhiều tài xế đã xâu nối các mối quan hệ, nhận luôn cả công việc làm thủ tục nhập viện cho khách. Có tài xế chỉ làm công việc này để “giữ” khách quen, nhưng cũng có nhiều người thu thêm phí.
Dạo một vòng trước các bệnh viện lớn ở TP. Vinh như Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Chấn thương – Chỉnh hình… hầu như không có bệnh viện nào là không thường xuyên có những chiếc xe dù này trước cổng. Thậm chí là ở các phòng khám tư nhân lớn trong thành phố Vinh cũng vậy. Để có thêm khách, những tài xế xe dù còn chi một số tiền cho cánh xe ôm, bảo vệ các bệnh viện để kéo khách giùm. Cứ kiếm được mỗi khách, những người này lại được hưởng phần trăm.
Có mặt tại một số bệnh viện, phóng viên chứng kiến không ít cảnh bảo vệ bệnh viện chủ động tiếp cận các bệnh nhân vừa ra viện. “Anh chị về đâu. Có cần liên hệ xe không. Đi xe điều hòa, giá rẻ như xe bus, đưa đón tận nơi…”, một bảo vệ tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An rỉ tai với nhóm bệnh nhân vừa làm thủ tục xuất viện xong, đang lóng ngóng trước cổng. Chỉ sau ít câu chào mời, người bảo vệ phấn khởi gọi điện thoại. Khoảng 5 phút sau, 1 chiếc xe 7 chỗ cũ kỹ vội vã tấp vào. Nhóm khách này nhanh chóng được dồn lên xe…
“Bây giờ làm ăn cũng tiện lắm em. Mình làm ăn phải biết đầu tư, phải biết quan hệ. Bỏ chút tiền nhưng kiếm được ít khách. Đỡ phải đi lòng vòng chèo kéo khách rất nguy hiểm. Có khi bị phạt mất tong cả tháng thu nhập”, một tài xế xe dù hiếm hoi mà phóng viên có thể tiếp cận được hồ hởi chia sẻ.
Tài xế này nói rằng, những năm trước, họ thường phải quảng cáo rầm rộ, như in hẳn “card visit” hay treo biển trên xe để quảng cáo. Thậm chí là tận dụng cả mạng xã hội để mời khách. Nếu không họ phải chạy lòng vòng, lượn lờ bắt khách. Có khi cả ngày cũng chỉ được vài khách. Nhưng gần đây, các tài xế dần tinh vi hơn, không còn quảng cáo theo các hình thức này. Mỗi lần bắt được khách, họ thường đề nghị khách lưu số điện thoại để liên lạc cho những lần sau có nhu cầu. Thậm chí bỏ tiền để thuê đội ngũ chèo kéo khách giùm.
Cũng vì sợ bị xử phạt, nhiều tài xế hiện nay in card visit bằng cách chỉ in mỗi số điện thoại trên một mẩu giấy trắng nhỏ rồi đưa cho khách. Trên tấm giấy được gọi là “card visit” này không hề có một thông tin nào thêm để chứng minh chủ nhân của nó đang hoạt động kinh doanh vận tải. Vì thế, cơ quan chức năng cũng rất khó căn cứ vào đó để xử phạt.