“Ngôi làng bỏ rơi” là tên bài viết đăng trên mạng xã hội của một người sinh ra tại bản Piêng Tò, xã Châu Hồng (Quỳ Hợp). Nội dung bài viết như một lời kêu cứu vì sự khốn cùng đang diễn ra ở đây. Chỉ trong thời gian ngắn, bài viết nhận hàng trăm lượt chia sẻ, bình luận. Để xác minh thông tin trong bài viết này, một ngày đầu tháng 6, chúng tôi đã ngược đường tìm lên xã Châu Hồng.
Bản Piêng Tò có khoảng 80 hộ dân, ngay cạnh Tỉnh lộ 532. Bản nằm lọt thỏm giữa một thung lũng khá rộng, 4 bên là những dãy núi lở loét do các doanh nghiệp khai thác khoáng sản để lại. Nhìn qua địa thế, rất dễ để hình dung cả dân bản phải hứng trọn toàn bộ các chất thải đổ xuống từ những doanh nghiệp đang khai thác trên kia.
Chỉ chưa đến 10 giờ sáng, nhưng nhiều người dân ở bản Piêng Tò đã đổ xô ra con suối cách khá xa bản để tránh nóng. Đã nhiều tháng nay, bản Piêng Tò không có điện. Dưới cái nắng hơn 40 độ, cứ đến trưa, người dân lại phải tìm nơi trú tránh. “Không có quạt, không thể nào ngủ được trong nhà. Ban đêm thì mỗi người lăn một góc. Chẳng tài nào mà sống được”, bà Lương Thị Hạnh (43 tuổi) nói.
Mặc dù có một vị trí địa lý khá thuận lợi, nằm ngay đầu tuyến quốc lộ dẫn vào xã Châu Hồng, nhưng bản Piêng Tò chưa bao giờ được kéo điện lưới. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh bắt đầu xây dựng nhà máy, khai thác quặng thiếc ở bản Piêng Tò. Đây cũng được cho là doanh nghiệp đầu tiên khai phá ở thủ phủ khoáng sản. Nhà máy doanh nghiệp này đặt ngay trung tâm bản Piêng Tò, sau đó người dân đã đến xin được kéo điện từ doanh nghiệp về dùng.
Người dân tự sắm dây điện, đồng hồ, làm trụ… để kéo điện từ nhà máy. Mỗi tháng, doanh nghiệp này sẽ gửi hóa đơn để các hộ dân thanh toán. “Không có điện lưới, phải dùng điện của nhà máy rất bất tiện. Bị cắt điện thường xuyên, có khi kéo dài cả nửa tháng. Rồi đường dây bị sự cố, cũng chẳng biết kêu ai. Nhưng dù sao thì có điện để dùng vẫn hơn”, một người dân bản Piêng Tò nói. Chưa kể, vì dùng điện của nhà máy, nên giá điện của người dân phải đóng rất cao so với những bản khác.
Nhưng hơn 2 tháng trước, người dân bỗng bị cắt điện đồng loạt. Chờ mãi không thấy đóng điện trở lại, họ đến tận doanh nghiệp hỏi thì mới hay, công ty này đã giải thể, bán lại cho một đơn vị khác. Kể từ đó, 80 hộ dân bản Piêng Tò phải sống trong cảnh không điện. Dù điện lưới cách đó chỉ chừng 1 km.
Nhưng điện không phải vấn đề nhức nhối nhất ở đây. Người dân bản Piêng Tò đang phải hứng chịu vô vàn khó khăn, chỉ vì họ sống ngay trên những mỏ khoáng sản. Theo các bậc cao niên ở trong bản, ở đây chủ yếu là đồng bào Thái, sinh sống từ nhiều đời nay. Trước đây, phía trước bản là những ruộng lúa bạt ngàn. Trên núi, có đủ mọi loại sản vật. Những ngày nông nhàn, họ vẫn thường đi dọc bờ suối tìm khoáng sản bán, kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống ở bản Piêng Tò khá sung túc, cho tới một ngày doanh nghiệp khai thác khoáng sản đến.
Anh Nguyễn Văn Sáu, một cư dân của bản Piêng Tò nói rằng, toàn bộ đất nông nghiệp của người dân trong bản đã được chuyển nhượng cho Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh từ hơn 30 năm nay để khai thác quặng thiếc bên dưới. “Ngày đó, phía công ty hứa sẽ khai thác theo kiểu cuốn chiếu. Cứ làm xong chỗ nào họ sẽ hoàn thổ chỗ đó rồi trả lại cho người dân canh tác tiếp.
Nhưng chờ mãi, hơn 30 năm rồi vẫn không thấy họ trả”, anh Sáu nói và chỉ tay về bãi đất trống ngay đầu bản. Đó vốn dĩ là ruộng lúa của gia đình từ hàng chục năm trước. Sau khi công ty khai thác xong, không hiểu sao, thay vì hoàn thổ trả lại cho dân canh tác thì chính quyền địa phương lại giao cho những doanh nghiệp khác tiếp tục khai thác, đồng thời làm bãi thải.
Cả bản Piêng Tò chỉ có 3 hộ có đất canh tác. Nhưng cũng chỉ có vỏn vẹn 2.000 m2. Khu vực này vốn là đập chứa đất thải của công ty khai thác quặng thiếc. Sau này công ty thu nhỏ quy mô, hồ chứa nước không còn sử dụng, đất thải lấn dần ra lấp hồ, 3 hộ dân rủ nhau ra khai hoang được 6 năm nay. Nhưng những năm đầu, họ cũng chỉ có thể trồng ngô vì đất xấu, mới trồng lúa được 2 năm nay.
Ngày xưa, người dân ở bản Piêng Tò chỉ cần đi vài trăm mét, đến con khe Na Què chảy từ Suối Bắc xuống là có thể dễ dàng lấy được nước sinh hoạt về dùng. Nhưng từ nhiều năm nay, kể từ khi những nhà máy khai thác quặng thiếc mọc lên trên đỉnh Suối Bắc, nước khe Na Què cũng không thể dùng được nữa vì ô nhiễm. Vì thế, các hộ dân ở đây phải đi tìm những con khe nhỏ, chắt từng giọt nước. Nhiều hộ thậm chí phải kéo nước xa hơn 3 km.
Những nhà máy trên Suối Bắc không chỉ gây ô nhiễm cho bản Piêng Tò, mà còn làm ảnh hưởng tới hàng nghìn hộ dân ở thị trấn Quỳ Hợp cách đó 30 km. Thị trấn này có khoảng 11.000 người đang dùng nước sạch sinh hoạt do Trạm Cấp nước Quỳ Hợp cung ứng. Nguồn nước thô mà trạm này khai thác là từ Suối Bắc. Theo lãnh đạo huyện Quỳ Hợp, quá trình khai thác, chế biến làm giàu quặng thiếc phát sinh nhiều kim loại nặng như Asen, Crom… Đây là những tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp và nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng nước, và về lâu dài sẽ nguy cơ gây bệnh ung thư. Thay vì xử lý vấn đề gốc rễ là các nhà máy gây ô nhiễm, huyện này lại đề nghị di dời trạm cấp nước để lấy nguồn nước thô từ nơi khác. Mặc dù vậy, đến nay việc này vẫn chưa được triển khai.
Không chỉ thiếu đất canh tác, thiếu nước sạch, thiếu điện, người dân bản Piêng Tò cũng gặp khó trong việc chăn nuôi. Cả bản bây giờ, số hộ nuôi trâu, bò chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Không ai dám nuôi nữa đâu. Nó cứ chết dần, chết mòn. Trâu, bò ở đây muốn nuôi phải nhốt lại, lấy nước sạch về cho uống. Chứ thả rông rồi uống nước suối bị ô nhiễm, đằng nào cũng chết cả”, bà Lương Thị May (43 tuổi) nói. Khi chúng tôi đến bản Piêng Tò, bà May cũng vừa phải mổ thịt con bò duy nhất của mình. Một ngày trước, nó lăn đùng ra chết. Mổ bụng, bên trong dạ dày chỉ toàn cát.
Thiếu kế sinh nhai ngay trên mảnh đất quê hương, những năm gần đây, người dân bản Piêng Tò đành phải tha hương, cầu thực. Nhưng, do chủ yếu là lao động có trình độ thấp, họ đành phải theo nhau vượt biên qua Trung Quốc lao động chui. Bây giờ, ở bản Piêng Tò phần lớn là người già và trẻ nhỏ. Họ nói rằng, nếu cứ phải chịu cảnh như thế này, sẽ không lâu nữa, bản Piêng Tò cũng sẽ vắng bóng người.