Từ sáng sớm, ông Lang Văn Tình (bản Kẻ Sùng, xã Mậu Đức, Con Cuông), đã phải xách 2 can nhựa băng rừng, tìm nước sinh hoạt. Ở bản Kẻ Sùng này, gần như tất cả các vật dụng có thể chứa đựng đều được người dân tận dụng để dự trữ nước. Hơn một tháng nay, kể từ khi những cơn mưa dần thưa thớt, thay vào đó là những trận nắng như đổ lửa, người dân ở đây cũng khô khốc vì thiếu nước sinh hoạt.
“Nhà tôi có hai cái giếng sâu nhưng cứ vào mùa nắng nóng tất cả đều không có nước. Nước ăn uống, tắm giặt trong nhà đều phải lấy từ các khe, suối. 2, 3 năm trở lại đây, vào mùa khô hạn, nguồn nước ở các khe suối cũng rất ít, không đủ đáp ứng cho sinh hoạt cho gia đình và người dân trong bản. Để có nước, chúng tôi phải lên tận đầu nguồn khe, suối đào các hố sâu để lấy nước về”, ông Tình nói. Xã Mậu Đức có 8 bản thì 3 bản lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Ông Vi Văn Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Mậu Đức cho hay, nước sinh hoạt thiếu đã gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống người dân, kéo theo hệ lụy ô nhiễm môi trường, khả năng phát sinh bệnh tật cao. Mặc dù chính quyền địa phương đã cố gắng nhưng vẫn chưa có giải pháp để tháo gỡ.
Tương tự Kẻ Sùng, bản Khe Ngậu thuộc xã Xá Lượng, huyện Tương Dương cũng không có nước sinh hoạt suốt nhiều ngày qua. Những năm trước, 153 hộ dân bản Khe Ngậu dùng chung hệ thống nước với bản Ang và bản Lở, xã Xá Lượng do Nhà nước đầu tư. Năm nay thời tiết hanh khô, bản Khe Ngậu nằm ở cuối nguồn nên nước chưa kịp chảy về tới nơi đã hết, các bể chứa trơ đáy 2 tháng qua, bà con dân bản gặp nhiều khó khăn.
Ông Lương Văn Pắn, bản Khe Ngậu cho biết, hệ thống nước vòi cạn kiệt, một số hộ dân đầu tư đào giếng nhưng không mang lại hiệu quả. Bởi, nước vôi nhiều và có mùi hôi. Một số hộ không đào giếng thì phải lấy nước sông về dùng, không đảm bảo vệ sinh… Theo các cụ cao niên thì đã hơn 40 năm qua, chưa năm nào Khe Ngậu chịu cảnh khô hạn đến mức như hiện nay.
Không riêng gì xã Xá Lượng, theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt bản làng Tương Dương đang khô khát dù chỉ mới bắt đầu mùa hè. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra ở các thôn bản dọc Quốc lộ 7 như Bãi Sở, Làng Mỏ (Tam Quang); Mác, Lau, Nhẵn, Chắn (thị trấn Thạch Giám); cho đến các xã vùng trong như Lượng Minh, Yên Hòa, Yên Na, Yên Tĩnh, Xiêng My, Yên Thắng, Nga My. Ông Lô Khăm Kha – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tương Dương cho hay, thời tiết ngày càng bất thường, nguy cơ hạn hán đã hiện hữu ở 1 số vùng mà trước đây chưa bao giờ thiếu nước như khu vực Tam Quang, Nga My, Xiêng My. Nhiều lòng khe suối đã trơ đáy…
Là huyện vùng cao, địa bàn hiểm trở nhất, Kỳ Sơn cũng chính là địa phương đang thiếu nước sinh hoạt khốc liệt nhất. Tại bản Chà Lắm, xã Hữu Lập, nguồn nước sinh hoạt duy nhất còn lại của 120 hộ dân nằm ở nhà Bí thư Chi bộ Lương Mai Pheng. Nước khe Chà Lắn ô nhiễm nặng nề, nhiều mạch nước nhỏ từ vách núi ra đã tắt ngấm từ nhiều năm nay. Ông Pheng đã tự bỏ tiền túi mua đường ống kéo nước từ một mạch nước khá xa về bể nhà để bà con dân bản sử dụng. Nhưng mạch nước chảy về bể nhà bí thư nhỏ, cũng có thể cạn kiệt bất cứ lúc nào như bao mạch nước trước đây. Niềm hy vọng có nước sinh hoạt của bản dồn cả vào trong công trình nước do xã đầu tư sắp tới.
Ông Lô Đình Thụ – Chủ tịch UBND xã Hữu Lập cho hay, một số hộ khác trong xã đang phải dùng nước khe Nhị – khe Thạng để lọc và sử dụng. Đầu nguồn của các khe là những bãi chăn thả trâu bò. Nước thải sinh hoạt của các hộ dân trong xã phần lớn cũng đổ vào con khe này. Trước đây ở xã cũng có một số công trình nước sạch nhưng vì nhiều lý do nên chưa hiệu quả.
Còn tại “cổng trời” Mường Lống (Kỳ Sơn) thì việc thiếu nước sinh hoạt lại trở nên quá quen thuộc với người dân, bởi ở đây mỗi năm có đến 5 tháng bị thiếu nước. Vào mùa khô, các nguồn nước gần bản đều cạn kiệt, hình ảnh người dân gùi từng can nước chắt từ các khe đá núi cách hàng km về nhà rất thường thấy. Ông Và Chá Xá – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết, hầu như bản nào cũng thiếu nước sinh hoạt vào mùa nắng nóng. Trong đó khó khăn nhất là bản Trung tâm, Mường Lống 1 và Mường Lống 2. Người dân phải đi rất xa để lấy nước.
Hiện nay, xã Mường Lống có 2 khe nước lớn là khe Nhật Na và khe Mường Lống 2. Tuy vậy, bài toán nước sinh hoạt cho người dân tại đây vẫn chưa thể có lời giải khi mà ở đầu nguồn khe Nhật Na là vùng chăn nuôi, chuồng trại trâu bò của người dân. Còn khe nước ở bản Mường Lống 2 lại nằm hoàn toàn trong phần đất của ông Hờ Bá Chù. Tại ao đọng khe nước, ông Chù đang nuôi cá. Và bản thân ông này cũng đang thực hiện xây dựng công trình bơm nước từ khe lên bể chứa, bán cho người dân bản Mường Lống 2. Hiện xã Mường Lống đã có nguồn hơn 3 tỷ đồng để xây dựng công trình nước sinh hoạt cho người dân nhưng vẫn chưa thể vận động ông Chù nhường lại khe nước.
Tuy vậy, Hữu Lập và Mường Lống chưa phải là những xã khó khăn nhất về nước sinh hoạt. Tại xã Đoọc Mạy, Huồi Tụ và 2 bản Khăm 1, 2 của xã Bắc Lý, có đến 60% người dân thiếu nước sinh hoạt. Ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kỳ Sơn cho hay, nước sinh hoạt của người dân Kỳ Sơn chủ yếu phụ thuộc nguồn khe suối tự nhiên tự chảy, tận dụng trọng lực đưa về bản. Vào mùa khô, hơn 40% dân số ở huyện thiếu nước sinh hoạt.
Tình hình thiếu nước sạch ở huyện Quế Phong cũng giống như bao huyện vùng cao khác trong tỉnh. Lãnh đạo huyện Quế Phong cho biết, hiện nay, rất nhiều bản, xã xa trung tâm như Huồi Máy (Cắm Muộn), cho đến các bản ở thị trấn Kim Sơn, xã Tiền Phong hay các khu tái định cư mới được xây dựng cũng thiếu nước sinh hoạt.
Còn ở 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn, huyện Thanh Chương thời điểm này, nhiều công trình nước tự chảy đã hư hỏng, hàng loạt giếng đào khô nước khiến cuộc sống của đồng bào tái định cư trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Người dân phải tự tìm nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho mình song nguồn nước ở các khe suối trên địa bàn đều bị ô nhiễm nặng, lắm tạp chất, tanh hôi, nên không thể dùng để sinh hoạt. Ông Vi Văn Tuyến, Trưởng bản Tân Tiến, xã Ngọc Lâm cho biết, sau khi công trình nước tự chảy hư hỏng, Nhà nước đã hỗ trợ mỗi hộ đào một giếng khơi trị giá 4 triệu đồng/giếng. Song đến nay hầu hết giếng đào đều không đủ nước sinh hoạt. Bản có hơn 200 hộ có giếng thì 100 giếng bà con bị khô nước. Để có nước sinh hoạt, những hộ này phải đi khe, suối để lấy nước hàng ngày rất vất vả.
Không chỉ các địa phương ở miền núi, vào mùa hè, các làng biển Quỳnh Lưu cũng “xơ xác” vì thiếu nước. Xã An Hòa có 14 thôn thì có 7 thôn thuộc vùng đất nhiễm mặn nên nhiều năm nay, bà con không thể dùng nguồn nước ngầm để uống. Tương tự, ở các xã Quỳnh Thọ, Tiến Thủy, Quỳnh Thuận, Quỳnh Long… Nhiều gia đình có nước giếng khoan nhưng bị nhiễm mặn nên chỉ dùng để rửa. Thiếu nước ngọt, mọi người chỉ biết trông chờ vào nước mưa hoặc mua nước ngọt từ các địa phương khác về dùng. Và dẫu trời có mưa chăng nữa thì lượng nước dự trữ cũng không đủ dùng khi mà ở vùng biển đất chật, người đông, diện tích bể chứa rất hạn hẹp.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung bộ, hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính, nhưng nghiêng về pha nóng trong khoảng 2 tháng tới. Nhiệt độ có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 2 độ C. Riêng tháng 5, nhiệt độ đã cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1,5 đến 2,5 độ C. Trong khi đó, lượng mưa có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm vài đầu mùa từ 10% đến 30%. Mực nước ở các sông biến đổi chậm, lượng dòng chảy trên sông ở mức thiếu hụt từ 35% đến 55% so với trung bình nhiều năm. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng hạn hán ngày càng gay gắt.