Dư luận hẳn vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ cháu bé 12 tuổi ở quận 3, TP. Hồ Chí Minh tử vong do cây phượng trong sân trường bật gốc đè phải. Sự việc xảy ra vào buổi sáng ngày 26/5 tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.Hồ Chí Minh). Theo camera an ninh của một gia đình gần đó ghi lại, thời điểm này học sinh chuẩn bị đến giờ vào lớp, nên khu vực cổng và sân trường có khá đông học sinh. Lúc này trời quang, mây tạnh, không có gió lớn. Nhưng ầm một tiếng, cây phượng cổ thụ trong khuôn viên nhà trường bỗng bật gốc đổ rạp ngang cổng trường. Đã có 1 em học sinh lớp 6 bị gốc phượng đè tử vong, 12 em khác bị thương, trong đó có nhiều em bị thương nặng.
Đây là sự việc vô cùng thương tâm và đáng tiếc. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, cá nhân Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng đã đứng ra nhận trách nhiệm về mình. Dù vậy, có nói gì đi nữa thì người cũng đã mất, đau buồn cũng đã phủ bóng lên nhiều gia đình. Rồi đây giáo viên và học sinh của ngôi trường ấy sẽ còn bị ám ảnh mãi. Và câu chuyện không dừng lại ở đó. Dường như ngay lập tức sau sự kiện cây phượng bật gốc gây chết người ở Trường THCS Bạch Đằng, từ trong Nam ra đến ngoài Bắc, nhiều địa phương, nhiều trường học người ta đua nhau… làm cho phượng bật gốc trước niên hạn. Người ta lo, nhỡ đâu giống cây ấy lại gãy, đổ không phải đầu cũng phải tai. Thế là khắp trên các trang mạng xã hội đăng tải hình ảnh đốn hạ, xẻ, đào phượng vĩ.
Phượng vĩ xưa nay vẫn được xem là loài cây của tuổi học trò. Màu đỏ của hoa phượng đã đi vào thi ca, nhạc họa. Tình yêu tuổi học trò cũng nảy nở dưới tán hoa đỏ ối mỗi khi hạ về. Chẳng thế, nhạc sỹ Vũ Hoàng từng thổn thức: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu/ Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám/ Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu”. Đẹp thế kia, hay thế kia, đáng yêu thế kia, sao lại đốn hạ nó đi. Người ta sợ quả bóng trách nhiệm. Họ cũng lại không biết những gốc phượng già nơi sân trường kia đã được trồng đúng cách chưa, trong khi nó là loài rễ chùm, thân giòn. Người Nghệ xưa có câu: “Phượng giòn ai có con thì giữ”, ý là cây phượng gỗ rất giòn, dễ gãy nên các bậc phụ huynh nhớ nhắc nhở lũ trẻ chớ leo trèo mà gặp rủi ro. Nhưng việc hình thành các thảm cây, hệ thực vật của một ngôi trường, rộng hơn là một đô thị lại cũng xuất phát từ tư duy, sở thích của con người, nhất là người có quyền nên cứ thế mà theo thôi. Chuyện cây sữa ở thành phố Vinh là một ví dụ. Trước đây, thấy Hà Nội được ca ngợi nào lãng mạn, nào nồng nàn vì hương hoa sữa, thế là ở Vinh người ta cũng mang cây sữa về trồng. Thơm đâu, nồng nàn đâu, lãng mạn đâu chẳng thấy, chỉ biết rằng mỗi độ thu sang cả phố như được “nhúng” trong mùi hương ngột ngạt đến khó thở. Cũng vì “không sống nổi” với hương hoa sữa, nhiều người thậm chí còn khoan thủng cả thân và gốc cây rồi đổ axít, dầu nhớt vào đó. Mục đích là làm cho chúng… nhanh “đi”. Thế rồi, cơ quan chức năng cũng kịp nhận ra và thay thế cây sữa bằng những loài khác.
Chuyện chặt cây để trồng cây thì nói mãi cũng không hết được. Lại nhớ cách 3 năm hàng trăm học sinh ở Nghệ An bỗng nhiên bị ngộ độc vì ăn quả ngô đồng trồng trong sân trường. Gần như trong cùng một thời điểm, nhiều học sinh ở thị xã Cửa Lò, Tân Kỳ, Quỳ Châu… đều lấy hạt của quả ngô đồng ăn và bị ngộ độc phải đi bệnh viện cấp cứu. Mặc dù không có trường hợp đáng tiếc xảy ra nhưng sự việc cũng nghiêm trọng đến mức Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phải ra công văn khẩn phòng, chống ngộ độc hạt ngô đồng. Ích lợi của cây ngô đồng như thế nào hẳn các nhà chuyên môn về thực vật, cơ quan cây xanh nắm rõ. Nhưng thực tế, cho thấy ngô đồng là loài cây thân gỗ giòn, dễ gãy, quanh thân được bao bọc bởi gai nhọn, lá rụng nhiều… Tóm lại là không phù hợp để trồng cây lấy bóng mát cho trường học và đô thị. Thế nhưng ít người biết rằng, vào năm 2017 ở Vinh cây ngô đồng chiếm khoảng 30% tổng diện tích cây gỗ lớn toàn thành phố, tương đương 15.000 cây. Và rồi người ta lại phải từng bước đốn hạ ngô đồng để thay thế, giống như từng làm với cây hoa sữa.
Giờ đây, quy hoạch cây xanh ở Vinh được thực hiện theo từng tuyến phố, từng con đường. Có những phố chỉ chuyên bằng lăng; có đường lại trồng viết đen, sao đen, cũng có những phố cây được thay mới bằng loài giáng hương. Và Vinh vẫn còn đó nhiều gốc phượng cổ thụ, để mỗi khi hè về khoe màu đỏ rực. Mong các nhà trường đừng vì sợ trách nhiệm mà lại đốn hạ nó như nhiều nơi đã từng.
Ảnh: Mỹ Hà – Sách Nguyễn – Hải Vương