Những tưởng công tác đối trừ giá trị quyền sử dụng (QSD) đất ở dự án thủy điện Hủa Na sẽ được giải quyết dứt điểm trong năm 2019. Nhưng không! Vẫn nguyên đó những bất đồng quan điểm, trong khi người dân quá mệt mỏi với chờ đợi…
Năm 2019, để tìm hiểu công tác đối trừ giá trị QSD đất ở dự án thủy điện Hủa Na, chúng tôi đã ngược lên Huôi Chà Là – một trong những khu tái định cư của người dân xã Đồng Văn, huyện núi Quế Phong.
Ngày ấy, không khí nơi này thật ảm đạm. Bởi tư liệu sản xuất của người dân, gồm đất trồng lúa nước, đất trồng cây hàng năm đều chưa cho kết quả; trong khi đó, đất rừng sản xuất đều là rừng tự nhiên ở khu vực núi cao, chỉ “được” bảo vệ, nghiêm cấm tác động…
Điều các hộ dân mong chờ để tạo được sinh kế là kinh phí đối trừ QSD đất nơi đi và nơi đến thì đang trong bế tắc, chưa được chi trả. Nguyên nhân giữa chủ đầu tư dự án thủy điện Hủa Na, UBND huyện Quế Phong, thậm chí là cơ quan cấp tỉnh còn chưa thống nhất phương án thực hiện, đang chờ xin ý kiến của Bộ TN&MT.
Trở lại đây dịp cuối tháng 4/2020, Huôi Chà Là đã mang tên mới, bản Piềng Văn – Na Chảo, nhưng không khí ảm đạm vẫn nguyên vậy. Vẫn những ruộng lúa nước bậc thang đã gần đến ngày cuối vụ nhưng cây lúa không thể cong vì lép hạt. Trên con đường dẫn vào bản, vẫn bắt gặp những phụ nữ già cả nhẫn nại làm cỏ trong nương sắn. Bản vẫn vắng lặng vì phần đa người có sức lao động đều xuống khe kiếm con cua, con ốc; hoặc lên rẫy, lên núi tìm kế sinh nhai…
Một trong những người dân chúng tôi tiếp cận là Lương Văn Toàn, anh sinh năm 1978, nhưng có vóc dáng và khuôn mặt của một người luống tuổi. Khi được hỏi về cuộc sống của người dân, anh cho biết vẫn những khó khăn triền miên. Vì ruộng lúa nước được giao đã qua 4 vụ thì 2 vụ đầu không cho thu hoạch; vụ thứ 3 thì hạt lép nhiều hơn hạt chắc; còn vụ này thì “có lẽ cũng như vụ thứ 3”.
Về việc kinh phí đối trừ QSD đất nơi đi và nơi đến, anh cho hay, là bản thân cũng như tất cả các hộ dân trong bản đang rất mong. Vì Ban giải phóng mặt bằng của huyện hoàn thành công tác kiểm kê, tính toán chênh lệch từ tháng 3/2019, đã thông báo đến tận hộ dân và hứa chỉ khoảng sau 2 tuần sẽ chi trả, nhưng hơn 1 năm rồi không thấy.
Để có căn cứ trả lời kinh phí hộ gia đình mình sẽ được chi trả, Toàn trở vào nhà đưa ra nhiều loại giấy tờ, trong đó có cả bản kiểm kê đất đai của gia đình thời kỳ nhường nơi chôn rau cắt rốn cho dự án thủy điện Hủa Na.
Thể hiện tại đây, ngoài đất ở, hộ gia đình Lương Văn Toàn có 2.068m² đất vườn ao liền kề đất ở; 510m² đất nông nghiệp trồng cây hàng năm; 8.576m² đất nông nghiệp trồng cây lâu năm bám đường; 3.896m² đất lúa nước 2 vụ.
Còn khi về sống tại khu tái định cư Huôi Chà Là, gia đình anh Toàn được giao 999m² đất lúa nước 2 vụ; 10.964m² đất nông nghiệp trồng cây hàng năm; 31.603m² đất rừng sản xuất. Theo tính toán của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư của huyện (bảng tính toán cân đối đối trừ giá trị bồi thường, hỗ trợ đất nơi đi – nơi đến điểm tái định cư Huôi Chà Là), hộ gia đình anh Lương Văn Toàn sẽ được nhận chênh lệch là 374,117 triệu đồng.
“Cũng bón phân tro đầy đủ nhưng đến vụ thứ 3 cũng chỉ được có 60 kg lúa. Đất trồng cây hàng năm thì không trồng nổi cây gì đành phải trồng keo. Rừng sản xuất là rừng tự nhiên, cán bộ kiểm lâm yêu cầu cam kết phải bảo vệ không được chặt phá. Lo lắm, không biết tới đây sẽ ra sao…” – Lương Văn Toàn buồn bã.
Nguyên Bí thư, Trưởng bản Lô Đình Thi xác nhận những gì Lương Văn Toàn đã trao đổi về đời sống và tâm tư người dân Piềng Văn – Na Chảo. Chủ tịch UBND xã Đồng Văn, anh Lương Thái Quý cũng bày tỏ sự lo lắng về cuộc sống của người dân các khu tái định cư trên địa bàn. Lấy ra rất nhiều những văn bản kiến nghị của Thường trực HĐND xã để minh chứng, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn trao đổi: “Chính quyền xã Đồng Văn kiến nghị cấp trên và chủ đầu tư dự án thủy điện Hủa Na giải quyết hết những tồn tại ở các khu tái định cư, và hoàn thành việc chi trả kinh phí đối trừ quyền sử dụng đất nơi đi – nơi đến cho các hộ dân…”.
Đó là câu trả lời của lãnh đạo huyện Quế Phong khi được hỏi tại sao vẫn chậm thực hiện công tác chi trả kinh phí đối trừ QSD đất nơi đi – nơi đến! Về những bất đồng quan điểm trong công tác đối trừ QSD đất ở dự án thủy điện Hủa Na, năm 2019, Báo Nghệ An cũng đã nhiều lần chuyển tải thông tin.
Dự án Thủy điện Hủa Na khởi công xây dựng năm 2008 ảnh hưởng đến 14 bản vùng lòng hồ, thuộc 2 xã Thông Thụ, Đồng Văn với 1.362 hộ dân; trong đó có 484 hộ dân tái định cư tự do, 878 hộ dân tái định cư theo dự án. Đến hết năm 2012, công tác bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất cho các hộ dân cơ bản hoàn thành.
Về việc giao đất ở mới tại điểm tái định cư cho 878 hộ, đã hoàn thành việc giao đất ở, đất vườn, ao liền kề; 825 hộ được giao đất ruộng lúa nước (bình quân 200m²/khẩu); 878 hộ được giao đất sản xuất nông nghiệp trồng cây hàng năm (bình quân 1,07 ha/hộ); 822 hộ được giao đất lâm nghiệp (bình quân 3,99 ha/hộ).
Theo quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án xây dựng công trình thủy điện Hủa Na tại Quyết định số 2327/QĐ-UBND năm 2009 của UBND tỉnh, sau khi các hộ dân ổn định đời sống, sản xuất tại các khu tái định cư thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm thanh toán giá trị chênh lệch QSD đất nơi đi và nơi đến. Để thực hiện quyết định này, về phía huyện Quế Phong, đã thực hiện cân đối đối trừ giá trị quyền sử dụng đất giữa nơi đi và nơi đến đối với các loại đất ở, đất vườn, ao liền kề đất ở và đất ruộng lúa nước; tiếp tục lập phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết từng loại đất sản xuất nông nghiệp và đất lâm nghiệp.
Về phía Công ty CP Thủy điện Hủa Na, đã cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ chênh lệch đối với đất ở và đất vườn, ao liền kề đất ở với số tiền gần 11 tỷ đồng. Nhưng đến ngày 29/5/2019, tại Văn bản số 280/HHC-KTKH, công ty này đề nghị UBND tỉnh hướng dẫn cách tính đối trừ giá trị chênh lệch QSD đất giữa nơi đi và nơi đến. Trong đó, đề xuất cho thực hiện tính toán đối trừ theo tổng giá trị QSD đất của các loại đất cho từng hộ dân. Huyện Quế Phong sau đó đã không đồng tình. Vì thấy rằng kiến nghị này không phù hợp với quy định của pháp luật; không nhất quán trong thực hiện chính sách; người dân khi thiệt thòi quyền lợi có thể sẽ phát sinh những vấn đề phức tạp… Bởi vậy, năm 2019 từng có văn bản báo cáo UBND tỉnh.
Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN&MT) khi được đề nghị giải đáp, đã có Văn bản số 1549/TCQLĐĐ-CKTPTQĐ (ngày 14/8/2019) hướng dẫn. Theo đó, việc thực hiện xử lý giá trị chênh lệch QSD đất giữa nơi đi và nơi đến áp dụng các quy định tại Khoản 2, Điều 74, Luật Đất đai năm 2013 và Khoản 5, Điều 5 Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ; việc xác định mục đích sử dụng đất của loại đất thu hồi căn cứ theo quy định tại Điều 10, Điều 111 của Luật Đất đai; Điều 3, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; về giá đất cụ thể của loại đất thu hồi, thực hiện theo bảng giá đất UBND tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất…
Nhưng hướng dẫn này của Tổng cục Quản lý đất đai vẫn gây tranh cãi, dẫn đến UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục xin ý kiến. Ngày 7/4/2020, Tổng cục Quản lý đất đai có Văn bản 708/TCQLĐĐ-CKTTPTQĐ, trong đó thông tin đã xin ý kiến của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (thuộc Bộ NN&PTNT), để đi đến kết luận rằng: “Trường hợp tại nơi đi có loại đất nông nghiệp cụ thể mà nơi đến không có hoặc ngược lại thì sẽ không thể xác định được giá trị chênh lệch của loại đất nông nghiệp cụ thể đó. Vì vậy, việc xử lý chênh lệch giá trị đất nông nghiệp được giao với giá trị đất nông nghiệp thu hồi quy định tại Khoản 5, Điều 5 Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg là xác định theo tổng giá trị đất nông nghiệp nơi đi với tổng giá trị đất nông nghiệp nơi đến”.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, ông Lê Văn Giáp, nếu thực hiện theo phương án này, người dân tái định cư rất thiệt thòi; và cũng không đúng với quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với người dân phải nhường đất cho các dự án thủy lợi, thủy điện được quy định tại Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg của Chính phủ và các quy định pháp luật khác liên quan.
Chủ tịch UBND huyện Quế Phong nhấn mạnh: “Tôi không thể chỉ đạo cán bộ của mình làm theo phương án gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân thuộc khu vực Chính phủ quy định thực hiện chính sách đặc thù. Vì vậy, huyện Quế Phong đã kiến nghị và chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh…”.
Theo tính toán của huyện Quế Phong, cụ thể như trường hợp hộ gia đình anh Lương Văn Toàn, từ chỗ được nhận chênh lệch hơn 374 triệu đồng, sẽ giảm chỉ còn 104 triệu đồng.
Anh Vi Văn Thắng – Phó trưởng Phòng TN&MT, Phó Chủ tịch HĐBT tái định cư dự án thủy điện Hủa Na trao đổi: “Nếu thực hiện theo phương án này, người dân không chỉ thiệt thòi quyền lợi, mà còn sẽ gây ra sự mất công bằng giữa các hộ dân tái định cư”.
Sở dĩ đưa ra nhận định như vậy, anh Vi Văn Thắng cho biết: “Quá trình vận động nhân dân di dời tái định cư thực hiện dự án thủy điện Hủa Na, những hộ dân không có tài sản đất đai nhưng khi đến nơi ở mới cũng được giao đất ở và các loại đất nông nghiệp khác theo hạn mức tối thiểu quy định tại Quyết định số 2327/QĐ-UBND năm 2009 của UBND tỉnh. Nay thực hiện đối trừ, những hộ dân này không ảnh hưởng đến quyền lợi. Trong khi đó, những hộ trước đây có tài sản đất đai cũng chỉ được giao đất với hạn mức tối thiểu thì lại bị tính toán đối trừ…!”.
Tại sao kinh phí đối trừ QSD đất giữa nơi đi và nơi đến của hộ gia đình anh Lương Văn Toàn theo hai phương án lại có sự chênh lệch lớn như vậy? Thì ra, nếu theo cách tính mà Tổng cục Quản lý đất đai mới hướng dẫn, những diện tích đất nông nghiệp mà hộ gia đình anh Toàn được nhận khi đến khu tái định cư đều bị trừ tiền, trong đó gồm cả 3,1 ha đất rừng sản xuất, với số tiền hơn 82 triệu đồng (2.800 đồng/m²). Từng dõi theo việc thực hiện Đề án giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận QSD đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn, thấy rằng cách tính đối trừ này là phi lý, thiếu thực tế.
Cần biết, từ năm 2019, UBND tỉnh đang chỉ đạo ngành NN&PTNT và các huyện đẩy mạnh việc giao đất rừng với mục tiêu tổng diện tích 265.771 ha rừng sản xuất có chủ quản lý, được bảo vệ, giảm thiểu tác động xấu đến rừng tự nhiên… Về hạn mức giao đất, giao rừng cho các hộ dân thực hiện theo Điều 129, Luật Đất đai 2013 (tối đa không quá 30 ha/hộ, tối thiểu là 2 ha/hộ). Để thực hiện được Đề án này, ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh sẽ chi số kinh phí lên đến khoảng 108 tỷ đồng. Vậy thì tại sao với những người dân tái định cư dự án thủy điện, thuộc khu vực thực hiện chính sách đặc thù lại bị thu tiền đối với đất rừng được giao, vốn không phải là tư liệu sản xuất, đem lại lợi ích cho họ mà ngược lại, họ còn phải gánh trách nhiệm bảo vệ, trông coi?
Cũng cần phải nhìn nhận về một thực tế đã kéo dài nhiều năm là vì nhường đất cho dự án thủy điện Hủa Na được thực hiện, những người dân đang sống trong các khu tái định cư ở huyện Quế Phong vẫn chồng chất những khó khăn. Trong khi đó, Nhà máy Thủy điện Hủa Na đã hoạt động đem lại lợi nhuận cho chủ đầu tư. Chẳng lẽ, việc di dời tái định cư của hàng nghìn hộ dân là nền tảng để có được nguồn sáng của thủy điện Hủa Na, cuộc sống của họ vẫn mãi không được cải thiện?