Như thường lệ, nhiều năm nay, Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3) là ngày để tôn vinh những người phụ nữ và cũng là ngày để mọi người thể hiện sự chăm sóc yêu thương và trân trọng với một nửa của thế giới. Trong những ngày này, câu chuyện về vai trò và quyền của phụ nữ cũng được nhắc nhiều hơn với nhiều vấn đề đang cần được quan tâm, chia sẻ.
Dịp này, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.
P.V: Thưa chị, cuộc vận động rèn luyện phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” đã được Hội LHPN Việt Nam triển khai trong những năm qua. Trong bối cảnh hiện nay, cuộc vận động này có thể hiểu như thế nào?.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa: Trong tiến trình lịch sử đó của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị bản sắc của dân tộc ta từ thế hệ này qua thế hệ khác, vinh dự được Bác Hồ trao tặng 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Để phù hợp với thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, bên cạnh việc phát huy những phẩm chất đạo đức đã có từ ngàn đời, người phụ nữ Việt Nam cần phải nỗ lực vươn lên cập nhật kiến thức, trau dồi năng lực để là người công dân có trách nhiệm với đất nước và là người phụ nữ hiện đại, mẫu mực của gia đình. Từ quan điểm đó, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai cuộc vận động “Phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức, tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” với mục tiêu xây dựng người phụ nữ Việt Nam yêu nước, có kiến thức, có sức khỏe, năng động, sáng tạo, tự tin khẳng định mình, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng.
P.V: Rõ ràng với những đức tính tốt đẹp được hun đúc và xây dựng qua rất nhiều thế hệ với nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, phụ nữ Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình. Còn ở tỉnh ta, ngoài những phẩm chất chung, chị em người Nghệ còn được ca ngợi là chịu thương, chịu khó “Đêm thức già ba trống/ Dậy sàng sảy đâm xay/ Lo công việc liền tay/ Để dựng lên cơ nghiệp…”. Với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, chị có thể đánh giá về những đóng góp mà phụ nữ tỉnh nhà đã đạt được trong những năm qua?.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa: Cũng như các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, phụ nữ xứ Nghệ có truyền thống cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động, sản xuất; chịu thương, chịu khó, đảm đang việc gia đình; luôn đoàn kết, biết gìn giữ và phát triển tinh hoa văn hóa của dân tộc và đặc biệt là truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm.
Ngay từ khi Đảng mới ra đời, trong Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, phụ nữ Nghệ An sớm giác ngộ cách mạng, tham gia tích cực vào các phong trào cách mạng với khí thế “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Tinh thần đấu tranh ngoan cường, sục sôi của phụ nữ Nghệ An, từ già đến trẻ, khắp các miền quê dấy lên cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931 và có nhiều hoạt động quan trọng, góp phần tích cực cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, phụ nữ Nghệ An tỏ rõ khí phách kiên trung, dũng cảm, cùng một lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đánh giặc giữ làng. Đặc biệt, chị em hăng hái tham gia TNXP, chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường, sự cống hiến, hy sinh của họ cho Tổ quốc nở hoa độc lập đã làm nên những huyền thoại bất tử của lực lượng TNXP nói chung và tiểu đội nữ TNXP Truông Bồn nói riêng.
Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, truyền thống quý báu của phụ nữ Việt Nam, trong hòa bình xây dựng và đổi mới đất nước, phụ nữ Nghệ An tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng. Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và hai cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các tầng lớp phụ nữ Nghệ An thực hiện đồng bộ, toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân phụ nữ, gia đình và cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phụ nữ Nghệ An ngày càng tự tin tham gia trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đã trưởng thành nhiều mặt, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
P.V: Đúng vậy, vai trò phụ nữ là không thể phủ nhận. Thế nhưng, lâu nay phụ nữ vẫn được mặc định với những khái niệm như “đứng đằng sau thành công của nam giới”… Chị có đồng tình với nhận định này không?
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa: Tôi nghĩ, trong giai đoạn hiện nay nhận định này chỉ “đúng” một phần. “Đúng” ở khía cạnh đó chính là sự ngợi ca, tôn vinh vai trò của người phụ nữ, đó có thể là người mẹ tảo tần, chăm sóc, khích lệ con, là người vợ hết lòng nhẫn nhịn, chu toàn việc nhà, “nâng khăn, sửa túi” để chồng toàn tâm, toàn ý với “sự nghiệp”. Vì vậy, có câu “Đằng sau một người đàn ông thành công luôn có bóng dáng người phụ nữ”. Tuy nhiên, nói như vậy là chưa đủ, bởi trong giai đoạn hiện nay, người phụ nữ ngày càng được khẳng định vai trò của mình cả trong gia đình và ngoài xã hội. Chị em ngày càng được nâng cao trình độ và năng lực tham gia đầy đủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phụ nữ ngày nay luôn đồng hành cùng chồng con trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Ngày càng nhiều phụ nữ tham gia quản lý doanh nghiệp, tham gia lãnh đạo quản lý ở các địa phương, đơn vị. Chị em tự tin trong công tác và trong cuộc sống, tự tin vận động chồng con chia sẻ việc nhà để cùng phát triển.
P.V: Năm 2019, báo chí và nghị trường Quốc hội đã nóng lên khi câu chuyện của những phụ nữ vùng cao Nghệ An vượt biên sang bên kia biên giới để bán bào thai và thực trạng đó đặt chúng ta trước nhiều điều phải suy ngẫm. Với riêng chị, điều chị suy nghĩ đầu tiên khi nghe câu chuyện này là gì và với chức năng là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, các chị đã có những hoạt động gì để hỗ trợ?.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa: Khi nghe tin trên địa bàn tỉnh có tình trạng phụ nữ vượt biên sang bên kia biên giới để bán bào thai, tôi thực sự bàng hoàng, đau xót. Bởi, đối với phụ nữ, con là tài sản lớn lao nhất; là tình cảm thiêng liêng, sợi dây kết nối hôn nhân, hạnh phúc gia đình; là thiên chức của người phụ nữ. Tuy nhiên, bên cạnh thiên chức trời ban, đó là cả một câu chuyện dài về những rủi ro, có thể dẫn đến mất mạng trong sinh nở. Vậy, nguyên cớ nào, một số chị em vùng cao “liều mình” để bán đi những đứa con của mình? Xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, trình độ, nhận thức hạn chế; địa hình, giao thông đi lại khó khăn; cuộc sống đói nghèo, túng thiếu quanh năm nên chị em nghe theo sự xúi dục, lôi kéo bán bào thai chỉ để giải quyết cái đói, cái khổ trước mắt, chứ không nghĩ đến hậu quả lâu dài?
Giải quyết vấn nạn này, các ban, ngành liên quan từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc quyết liệt. Về phía Hội LHPN, việc đầu tiên chúng tôi thực hiện theo chức năng của mình là gặp gỡ để tìm hiểu, tư vấn, giúp đỡ chị em; tổ chức các buổi tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống mua, bán người, mua, bán bào thai; hướng dẫn chị em phát triển kinh tế gia đình; tín chấp, hỗ trợ các nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT để phát triển kinh tế; phối hợp với Đồn Biên phòng tổ chức các lớp xóa mù chữ, tái mù chữ cho chị em, triển khai các hoạt động đồng hành cùng phụ nữ biên cương… Những việc làm của tổ chức hội chưa nhiều, nhưng đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước nâng cao nhận thức cho bà con, nhằm hạn chế và dần dần chấm dứt tình trạng buôn bán bào thai diễn ra trên địa bàn miền núi.
P.V: Bàn về phụ nữ, chúng ta vẫn nghĩ nhiều đến vấn đề bình đẳng giới và thực tế khó có thể bình đẳng nếu như đâu đó vẫn đang còn những định kiến và tư tưởng cổ hủ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, sự bất bình đẳng giới, đôi khi bắt đầu từ phụ nữ, bởi họ chưa nhận thức được tầm quan trọng của mình, còn bó buộc bởi những quan niệm truyền thống. Hay nói như bà Sheryl Sandbeng – Giám đốc điều hành Facebook trong cuốn sách “Dấn thân”: “Phụ nữ còn bị ngăn cản bởi hàng rào bên trong chính bản thân họ. Chúng ta tự giữ chân mình theo cách này hay cách khác, do thiếu tự tin, do không dám giơ tay và tự kéo mình về phía sau trong khi đáng ra phải tiến về phía trước”…Vậy, theo chị, bản thân người phụ nữ cũng phải nhận thức như thế để có thể “khai phá” và làm mới được bản thân?
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa: Đúng là hiện nay, một bộ phận không ít phụ nữ vẫn quan niệm, nam giới vẫn được mặc định là trụ cột gia đình, quyết định những việc lớn trong nhà và ngoài xã hội, và họ luôn được khuyên bảo, khuyến cáo tập trung vào các công việc nội trợ, chăm sóc gia đình. Tư tưởng này hằn sâu đến mức, đến nay vẫn không ít phụ nữ tin rằng không nên có vị thế xã hội cao hơn chồng… Đáng lưu ý, cho dù Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đang có nhiều chủ trương, chính sách rất thuận lợi để họ có cơ hội bình đẳng hơn với nam giới, nhưng phụ nữ vẫn luôn gặp những rào cản đến từ các khía cạnh văn hóa, xã hội, đặc biệt là từ chính họ.
Để giải quyết vấn đề này, không ai khác người phụ nữ, trước hết cần vượt qua và vượt lên rào cản chính bản thân mình. Muốn làm được điều đó, mỗi người phụ nữ cần phải thay đổi các định kiến, hiểu về vai trò, vị trí, khả năng khác nhau giữa nam và nữ trong xã hội. Phụ nữ tự ti sẽ thiếu đi sự tự tin trước mọi công việc. Phụ nữ trước hết cần tự sửa chữa chính mình trước khi muốn xã hội thay đổi cái nhìn về mình. Và có lẽ, để hành trình nỗ lực ấy được thay đổi trọn vẹn thì người phụ nữ cũng rất cần sự ủng hộ, đồng hành.
P.V: Như vậy, phụ nữ phải là phái đẹp chứ không nên là phái yếu. Thế nên, trong Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), ngoài những lời chúc, những bó hoa và những món quà thì phụ nữ cũng cần được xã hội quan tâm, chia sẻ. Với riêng chị, chị mong muốn điều gì cho chị em trong ngày đặc biệt này?
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa: Điều tôi mong muốn nhất, người phụ nữ luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ gia đình, cộng đồng và xã hội. Bản thân người phụ nữ phải biết vượt lên chính mình, biết chăm sóc mình nhiều hơn.
P.V: Xin cảm ơn chị, chúc chị một ngày lễ thật nhiều niềm vui, hạnh phúc và thành công!