Mặc dù còn đó những khó khăn, thánh thức, nhưng Nghệ An vẫn được đánh giá là tỉnh đã quyết liệt trong công tác quản lý kinh doanh xăng dầu với nhiều hành vi vi phạm được phát hiện, nhiều doanh nghiệp bị xử lý. Tuy nhiên, thực trạng gian lận xăng dầu trong kinh doanh xăng dầu đang có xu hướng phức tạp hơn, rất cần có giải pháp đấu tranh hiệu quả hơn nữa của các cơ quan chức năng nói riêng.
Có thể khẳng định rằng, Nghệ An là địa phương làm quyết liệt trong công tác đấu tranh với các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu. Nhiều thủ đoạn gian lận mới đều được các cơ quan chức năng phát hiện đầu tiên so với các tỉnh, thành khác. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, các cơ quan chức năng ở Nghệ An đã phanh phui nhiều hình thức gian lận mới, mở đầu cho những “chiến dịch” của cả nước sau này.
Có thể điểm lại như, vào năm 2008, các ngành chức năng của Nghệ An phát hiện và xử lý nhiều cơ sở lắp mạch đo lường phụ chạy song song với mạch đo lường chính, sử dụng công tắc chuyển mạch để điều chỉnh sai số có lợi cho người bán. Thanh tra 145 cơ sở kinh doanh xăng dầu, ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện và xử lý 32 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 315 triệu đồng; 36 cơ sở bị thu hồi giấy chứng nhận kiểm định, 45 phương tiện đo lường buộc phải kiểm định lại.
Đến năm 2014, Nghệ An là địa phương đầu tiên trong cả nước phát hiện và xử lý nghiêm hành vi gian lận của các cơ sở kinh doanh xăng dầu bằng cách tác động hoặc thay thế IC chương trình nhằm điều chỉnh sai số phương tiện đo vượt quá mức cho phép. Thanh tra 51 cơ sở kinh doanh xăng dầu, cơ quan chức năng phát hiện 23 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính gần 1,4 tỷ đồng. Liên quan đến đường dây sản xuất, mua bán IC nhằm gian lận trong kinh doanh xăng dầu này, có 8 đối tượng bị xử lý hình sự bằng các bản án từ 7 tháng tù treo đến 24 tháng tù giam.
Và có lẽ “chấn động” nhất là đến tháng 10/2017, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp Sở KH&CN phá Chuyên án X917-XD và bắt giữ 42.000 lít dung môi, 22.000 lít xăng đã được pha chế và 3 lọ chất tạo màu. Đoàn thanh tra tiến hành lấy 12 mẫu đưa đi kiểm nghiệm thì kết quả cho thấy 11 mẫu không đạt chất lượng, chỉ tiêu không đạt là chỉ số octan.
Sau mỗi đợt phát hiện vi phạm, các cơ quan chức năng đều đề ra các giải pháp để ngăn chặn, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục dùng nhiều thủ đoạn mới để hòng “qua mặt”. Như từ năm 2004 – 2007, nhiều cửa hàng có hành vi tháo kẹp chì để điều chỉnh thủ công. Sau đó, cơ quan chức năng không kẹp chì nữa mà dán niêm phong màn hình, thì nhiều cơ sở lại lắp mạch phụ đo lường để điều chỉnh sai số. Khi bị phát hiện, nhiều cơ sở lại chuyển sang thủ đoạn thay cả IC chương trình.
Sở KH&CN đề xuất dán tem IC chứ không kẹp chì màn hình, thì các cơ sở này không lắp IC giả nữa mà chuyển sang pha chất dung môi vào xăng dầu. “Phải khẳng định rằng, các thủ đoạn gian lận trong kinh doanh xăng dầu luôn đi trước sự phát hiện và xử lý của các cơ quan chức năng”, ông Nguyễn Mạnh Hà – Chánh Thanh tra Sở KH&CN nói và cho rằng, nhiều doanh nghiệp hoạt động hám lợi, mặc dù bị phát hiện và xử phạt nhưng họ vẫn không từ bỏ và tiếp tục vi phạm.
Lấy ví dụ doanh nghiệp tư nhân Toản Lợi, thủ đoạn cải tạo bể chứa nhằm gian lận chủng loại của doanh nghiệp này được xem là mới, nhưng không phải là cá biệt. “Cơ cấu bể thông nhau thì có nhiều doanh nghiệp làm, nhưng mình chưa bắt được quả tang. Doanh nghiệp tư nhân Toản Lợi không phải là trường hợp duy nhất, vì có nhiều cơ sở đã cải tạo lại hệ thống bồn bể, để có thể một tẹc nhưng thông ra 2 cột bơm”, ông Nguyễn Mạnh Hà nói và cho biết thêm, nhiều năm trước, trong quá trình đi thanh tra, lực lượng chức năng đã để ý đến hành vi này rồi nhưng không bắt được quả tang vì chỉ cần chậm một vài giây là doanh nghiệp có thể can thiệp bằng nhiều cách thức dẫn tới kết quả họ từ sai thành đúng. Vì thế, việc Thanh tra Sở KH&CN phát hiện được 5 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có hành vi bán xăng không đạt chất lượng có thể nói là sự thành công rất lớn.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh không phải có thủ đoạn “tinh vi” hơn ở các địa phương khác; bởi vì, qua nhiều vụ từ năm 2008 đến nay, thì nguồn gốc các thủ đoạn gian lận đều xuất phát từ ngoại tỉnh, các doanh nghiệp ở Nghệ An chỉ là học theo.
Nhưng Nghệ An lại là địa phương đầu tiên phát hiện, xử lý các thủ đoạn này. Bà Thái Thị Hồng Liên – Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng (Sở KH&CN) cho rằng: “Gian lận đo lường, chất lượng về xăng dầu là hiện tượng phổ biến cả nước, nhưng Nghệ An là tỉnh sâu sát, phát hiện sớm các kiểu gian lận để thanh tra, xử lý nghiêm túc. Điều đó chứng tỏ các lực lượng chức năng ở Nghệ An có sự đầu tư, chủ động và làm quyết liệt. Tất nhiên, cũng khẳng định rằng không phải đã làm triệt để hết được. Nhưng thông qua đó cũng góp phần ngăn chặn, ngăn ngừa ý định vi phạm của nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu khác”.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An từng cho rằng, muốn bắt và xử lý pháp luật hình sự, phải bắt được quả tang hành vi phối trộn, còn bắt trên đường vận chuyển thì nếu có kiểm định cũng chỉ xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh mặt hàng không đảm bảo chất lượng. “Muốn bắt quả tang những đối tượng như vậy, phải lập chuyên án đấu tranh, phải mất nhiều thời gian; ngoài lực lượng công an, cần sự phối hợp rất tốt của ngành khoa học – công nghệ trong giám định chất lượng xăng và quản lý thị trường để bắt quả tang khi đối tượng phối trộn. Từ đó mới mở rộng, kiểm tra sổ sách, giấy tờ việc mua, bán hóa chất, xăng…”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu nói.
Vì vậy, trong thời gian tới, các lực lượng chức năng liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ công tác đo lường, chất lượng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm, như: Gian lận về đo lường, không bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng… Đồng thời, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh nhằm nắm bắt cụ thể số lượng xăng dầu mua bán, tiêu thụ có nguồn gốc không hợp pháp hạn chế tình trạng lập khống hóa đơn, chứng từ để hợp thức hóa xăng dầu nhập lậu, trốn thuế và xử lý, truy thu thuế theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà – Chánh Thanh tra Sở KH&CN cho rằng, trong một mặt hàng, việc quản lý Nhà nước có thể phân khúc cho nhiều ngành, nhưng các hành vi vi phạm thì nó là một chuỗi, liền mạch. Quan trọng là các lực lượng có đồng lòng, quyết tâm hay không. Nếu giải quyết được vấn đề này thì việc xử lý gian lận xăng dầu là không khó…
Xăng dầu càng biến động về giá cả thì các thủ đoạn kinh doanh gian lận nhằm kiếm lợi bất chính sẽ càng tinh vi và phổ biến. Bên cạnh sự phối hợp mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở thì người dân cần tạo những áp lực xã hội mạnh mẽ để tẩy chay những cơ sở kinh doanh xăng kém chất lượng.
Có thể nói sự cảnh giác, tẩy chay của người tiêu dùng mới chính là hình phạt có tính răn đe cao nhất đối với các cơ sở vi phạm. Đồng thời, danh sách và thủ đoạn vi phạm của các cơ sở bán lẻ cũng phải cung cấp cho các tổng đại lý xăng dầu trên địa bàn, để các tổng đại lý có biện pháp xử lý các cơ sở này theo hợp đồng kinh tế mà hai bên đã ký kết, như phạt, cắt hợp đồng… Có như vậy, mặt hàng xăng dầu sẽ sớm được quản lý tốt, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.