Có lẽ chưa bao giờ một văn bản của Thủ tướng Chính phủ lại có tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội và lan truyền chóng mặt như Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100). Nghị định được ban hành sau khi Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia hồi tháng 6/2019.
Nghị định 100 được Chính phủ ký ban hành vào ngày 30/12/2019, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định này thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông.
Điểm đáng chú ý, Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 – 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. (Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt từ 16 – 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 – 6 tháng).
Theo Nghị định, điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng đối với người điều khiển xe mô tô. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm như trên sẽ bị phạt từ 400-600 ngàn đồng.
Khỏi phải nói mức độ “phủ sóng” và những “sang chấn” tâm lý mà Nghị định 100 tạo ra cho dư luận xã hội. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta chăm chú đọc những dòng title lớn: “Người điều khiển xe máy bị phạt 7 triệu đồng vì uống 2 chén rượu”, “Tài xế ô tô phải nộp phạt 40 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe hai năm”… Dù ngồi ở đâu, làm việc chỗ nào thì câu chuyện được bàn tán rôm rả, sôi nổi nhất vẫn là chuyện uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Trên không gian mạng, “cư dân” chế ra hàng loạt hình ảnh gây cười về dân nhậu. Nào cưỡi ngựa, cưỡi đà điểu, cưỡi heo… đi dự tiệc… Nhưng có một thực tế phản ánh khách quan và chính xác hơn, đó là các quán nhậu, nhà hàng trở nên vắng vẻ hơn, người ta cũng ít nghe thấy tiếng hò, dô ầm ĩ tại các góc phố mỗi chiều.
Về dư luận, có hai luồng ý kiến trái ngược nhau: Quy định mới quá hà khắc và hoan nghênh Nghị định 100. Một số người chưa đồng tình với quy định mới cho rằng, rượu là sản phẩm của nền văn minh nhân loại, là tinh hoa truyền thống, là quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Nếu không có rượu, tất cả các cuộc gặp gỡ, giao lưu trở nên nhạt nhẽo… Chiều hướng ngược lại, những người ủng hộ Nghị định 100 vẫn hùng hồn khẳng định và thừa nhận: đồ uống có cồn vẫn nguyên vẹn là tinh hoa, là quốc hồn, quốc túy nhưng không đồng tình uống rượu khi điều khiển phương tiện giao thông, cho dù là nửa giọt! Điều mà những người đồng tình với quy định này nhìn thấy: có tới gần 40% các vụ tai nạn giao thông xảy ra trong thời gian qua ở Việt Nam là liên quan đến tác hại của rượu bia. Vì vậy dân nhậu cứ vô tư cạn chén nhưng nhớ để xe ở nhà, vẫy taxi, xe ôm hoặc nhờ “bu nó” hộ tống, đón, đưa.
Thực ra khi dự Luật Phòng chống tác tác hại rượu, bia được đưa ra bàn bạc tại nghị trường Quốc hội đã xảy ra một cuộc tranh luận ngầm nhưng rất gay gắt. Đối với quy định không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông đã không được quá nửa số đại biểu bỏ phiếu thông qua sau 2 lần đầu tiên lấy ý kiến. Thậm chí, những người theo “thuyết âm mưu” cho rằng: đã có hành động “đi đêm” đối với đại biểu Quốc hội của các công ty, doanh nghiệp sản xuất, phân phối đồ có cồn!
Bất luận thế nào, nhưng khi Nghị định 100 của Chính phủ đi vào đời sống nó đã ngay lập tức tạo ra một “cuộc lật đổ” ngoạn mục đối với những ai còn mơ hồ về tác hại của rượu bia đối với đời sống. Những ngày này, thậm chí những vị khách đi dự tiệc cưới còn không dám chạm môi vào cốc bia nếu không chuẩn bị sẵn “phương án dự phòng”. Sung sướng hơn cả có lẽ là cánh chị em. Họ phấn chấn ra mặt: “Rồi cũng phải quen thôi!”.