Những người cả năm xa quê, cứ đến cữ tháng Chạp này là lòng dạ bần thần, nôn nao, làm gì cũng khó tập trung, trước sau chỉ nghĩ đến ngày về quê. Quê không phải chỉ là một địa danh, mà là nơi mà những người ruột thịt đang sống, và cũng đếm từng ngày để đón người đi xa trở về.
Từng có ý kiến, gộp tết tây tết ta vào làm một cho đỡ tốn kém, đỡ nhậu nhẹt, bớt tai nạn giao thông. Nghe thì cũng có lý, nhưng chắc chắn một điều là, chừng nào còn có người phải rời bỏ quê hương đi làm ăn xa, thì chừng đó chưa thể bỏ được tết cổ truyền. Mà trên đất nước này, đến khi nào mới không còn người đi làm ăn xa?
Tôi về quê dự đám cưới đứa cháu, mình bác tôi đã hơn tám mươi, sống trong một căn nhà ba gian hai chái, sân vườn mênh mông. Bác bảo, bác ở thế này vẫn còn ít. Hàng xóm kia kìa, một ông như bác, trông ba cái nhà. Ngày nào cũng mở cửa từng nhà, quét một lượt, rồi lại khoá để đấy. Ra vào cốt để cái nhà có hơi người. Con trai con dâu ra thành phố làm ăn, thuê nhà ở, đưa cả con cái ra đấy học. Tết mới về.
Tết mới về. Mấy từ này nghe mà thương tận tim gan.
Tết không phải là món đồ cũ, để muốn bỏ thì bỏ. Tết là thứ thuộc về tim gan, gắn với cha già mẹ héo, với làng quê thôn xóm họ hàng, gắn với những thương nhớ thắt ruột, những lo toan bất tận, những mong ngóng đến mòn mỏi.
Xưa, năm nào tầm này tôi cũng đếm từng ngày để được về quê. Tôi biết, ở nhà, mẹ đang chăm từng luống bắp cải, su hào, hành mùi, chăm đàn gà, tưới bụi lá dong góc vườn, phơi mẹt đỗ xanh, vò cum lúa nếp… Bao nhiêu năm nghèo khó hình thành trong mẹ cái nếp, thứ gì ngon nhất, đẹp nhất cũng để dành đến tết. Đến lúc no đủ thì thói quen ấy cũng ăn sâu rồi, vì thế, vẫn cứ “để dành đến tết”. Nhưng là để dành để đợi con cháu về. Con gái đi lấy chồng xa, con trai ở riêng, lũ cháu hàng chục đứa lớn bé, hễ mà chúng kéo về là ầm ĩ nhà cửa. Tối tối tranh nhau đòi ngủ với bà, sáng sáng tranh nhau ngồi quanh bếp sưởi lửa…
Giờ, quê đã ở nguyên vẹn trong kí ức rồi. Muốn về cũng không có nơi để về. Ấy thế mà cũng cứ cuối năm, tháng Chạp đến là y rằng lòng dạ lại bồn chồn, phấp phỏng, nôn nao như thể sắp ra bến xe với lỉnh kỉnh túi nhỏ túi lớn.
Cuối năm rồi đấy. Tết đến nơi rồi. Về quê thôi nhỉ.
Kỹ thuật: Chôm Chôm