Đại tá, NSND Hoàng Thành được biết đến là người chỉ huy dàn nhạc và chỉ đạo nghệ thuật tài năng có sức ảnh hưởng rất lớn trong môi trường nghệ thuật quân đội. Nhắc đến ông, người ta nhớ đến người nhạc sỹ sáng tác khí nhạc tài năng, nhớ tới những ca khúc vang bóng đậm chất xứ Nghệ, và nhắc đến ông người ta nhớ đến sự cống hiến không biết mệt mỏi của một nghệ sỹ mặc áo lính. Nhân 75 năm Ngày Thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với Đại tá NSND Hoàng Thành – Nguyên Trưởng Đoàn Văn công Quân khu 4.
P.V: Thưa ông, được biết ông từng tham gia Trường Âm nhạc Việt Nam những năm 70 và đã sớm có những thành công khi còn là một chàng nhạc công giàu nhiệt huyết và đam mê?
Đại tá, NSND Hoàng Thành: Từ bé tôi đã mê các loại nhạc cụ và ao ước lớn lên sẽ trở thành nhạc công, được dạo chơi trên những phím đàn và được nghe những âm thanh mà mình tạo nên khi hoà vào dàn nhạc. Khi đỗ vào trường Âm nhạc quốc gia với bộ môn Accordeon, như cá gặp nước, tôi đã học rất giỏi loại nhạc cụ vô cùng quyến rũ này.
Sau này được phân công về Đoàn Văn công quân khu 4, là nhạc công chỉ chơi một thứ nhạc cụ độc lập trong dàn nhạc dây của Đoàn nhưng với tôi đó là niềm vinh dự, tự hào và cả một chân trời nghệ thuật mở ra trước mắt với hoài bão say mê của tuổi trẻ. Accordeon luôn khiến cho người chơi có cảm giác được phiêu bồng cùng thứ âm nhạc lạ tai, dù chỉ một nhạc cụ mà nghe như một dàn nhạc. Thế nên, người nhạc công có thể vừa hoà âm vừa độc tấu, đó là điều khiến người ta say mê khi chơi loại nhạc cụ này.
Còn nhớ, những năm tháng chiến tranh, khi phong trào “tiếng hát át tiếng bom” luôn là tiêu chí hoạt động của những văn công áo lính, chúng tôi luôn nhận nhiệm vụ tuyến đầu đi phục vụ bộ đội ở những nơi hầm hào, địa đạo. Với nhiệm vụ chính trị thiêng liêng đó, chúng tôi luôn mang tất cả niềm say mê và tình yêu nghệ thuật của tuổi trẻ để tới những nơi xa nhất, sâu nhất, hiểm nguy nhất. Người lính nơi chiến trường cận kề với cái chết trong gang tấc thì chúng tôi cũng cận kề với họ để mang đến niềm vui, tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc và cả sự hiên ngang bất khuất trước kẻ thù.
P.V: Những tháng năm tuổi trẻ với nhiệm vụ của người lính mang tiếng hát, tiếng đàn phục vụ bộ đội ở chiến trường, điều cho ông những xúc cảm mãnh liệt có phải là những kỷ niệm trong mỗi chuyến đi, có phải là những lúc đứng trước bom đạn quân thù mà vẫn say mê đàn hát, cống hiến cho bộ đội những bài ca chiến thắng bằng cả tình yêu tuổi trẻ?
Đại tá, NSND Hoàng Thành: Đúng thế, tôi về Đoàn văn công Quân khu 4 năm 1971 và là người chơi Accordeon trong một dàn nhạc giao hưởng hoành tráng nhất, nhì miền Bắc, cùng anh em trong đoàn đi phục vụ bộ đội khắp nơi.
Tôi còn nhớ như in lần tôi vào chiến trường nơi Phỉ Vàng Pao hoành hành để phục vụ bộ đội ta, rồi bị thương ở ngón tay trỏ, thế nhưng dù vết thương đau nhức, phải băng bó, tôi vẫn chơi đàn bằng 3 ngón tay, và nhận được những tán thưởng nồng nhiệt của anh em bộ đội và anh chị em nghệ sỹ trong đoàn. Cũng trong khung cảnh đó, cảm xúc của người lính, người nghệ sỹ trong tôi thăng hoa vô cùng, diễn mà như không diễn, vết thương không là gì so với những cảm xúc đang tuôn trào trong tôi.
Sau chuyến đi đó tôi đã có ca khúc đầu tiên “Người lính tình nguyện và khúc hát lăm tơi” vào khoảng năm 1972. Đó là ca khúc được viết trên chất liệu điệu lăm vông có pha chút thính phòng. Ca khúc nhanh chóng được hát ở khắp nơi, nhất là sau mỗi cuộc hội họp. Kỳ lạ thay là cứ đến điệp khúc thứ hai hầu như ai cũng ra sân khấu cùng hoà nhịp lăm vông. Đến nay ca khúc vẫn nguyên sức sống mãnh liệt, cũng từ đó con đường sáng tác của tôi bắt đầu. Cả khí nhạc và ca khúc đều có những kết quả tốt đẹp.
P.V: Ông có thể nói rõ hơn về quá trình sáng tác và lĩnh vực nào mang đến cho ông những vinh quang cũng như cho ông nhiều cảm hứng?
Đại tá, NSND Hoàng Thành: Phải nói rằng từ nhạc công tôi trở thành Chỉ huy dàn nhạc Giao hưởng Quân khu 4 sau nhiều năm cống hiến ở đoàn. Cần phải nói cho bạn biết, dàn nhạc Giao hưởng Quân khu 4 của chúng ta lúc bấy giờ là dàn nhạc lớn vô cùng với khoảng 25 nhạc công có đầy đủ bộ gõ, gỗ, dây, chỉ sau Dàn nhạc giao hưởng thính phòng Trung ương. Tiếc là cho đến những năm 1984, sau khi xu hướng âm nhạc thay đổi, dàn nhạc giao hưởng mất dần, dàn nhạc chuyển hướng sang điện tử.
Tuy nhiên, với tư cách là chỉ huy dàn nhạc, tôi vẫn giữ được kèn trompet và saxophone, hai cây kèn chính cho âm nhạc quân đội. Và trong xu thế âm nhạc đó, tôi vẫn có nhiều tác phẩm khí nhạc cho đàn bầu, sáo trúc và đạt nhiều giải thưởng lớn trong các Hội diễn toàn quân. Khi chuyển sang nhạc cụ điện tử, tôi cũng là người tiên phong trong đoàn và phụ trách giảng dạy đàn organ. Sau này về hưu, tôi vẫn được tin tưởng mời chấm các giải piano chuyên nghiệp và không chuyên ở tất cả các tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh.
Lại nói về cái duyên sáng tác, sau ca khúc đầu tay “Người lính tình nguyện và khúc hát lăm tơi” viết năm 1972, tôi đã cho ra đời hàng loạt các ca khúc như “Người mẹ Làng Sen”, “Buông áo em ra”, “Tiếng sáo diều tuổi thơ”, “Hoa mua tím Truông Bồn” và gặt hái được rất nhiều giải thưởng Vàng, Bạc, Đồng trong các kỳ hội diễn toàn quốc, toàn quân. Năm 1984, tham gia hội diễn chuyên nghiệp toàn quân, tôi được cú hat-trick Huy chương Bạc (không có giải Vàng) cho Chỉ huy dàn nhạc; riêng nhạc múa “Bài thơ cánh võng giải Ba” – bài nhạc cho độc tấu sáo trúc giải Nhì.
P.V: Năm 1977 sau khi được cử đi học chỉ huy dàn nhạc và sáng tác, trở về đoàn, ông giữ trọng trách chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc và sau này là Trưởng đoàn Quân khu 4. Vậy trong suốt chặng đường theo nghề và tận hiến với nghề, ở cương vị nào ông thấy khó khăn mà vinh quang nhất?
Đại tá, NSND Hoàng Thành: Khi nhận trọng trách chỉ đạo nghệ thuật trong một chương trình hội diễn, người trưởng đoàn là tôi luôn phải trăn trở tìm tòi cho được sợi chỉ xuyên suốt cho chương trình của mình. Trong chương trình đó lại phải có ít nhất 5 – 6 tác phẩm đinh có đủ sức nặng về nghệ thuật lẫn nội dung tư tưởng. Vì vậy, nếu anh nhạc sỹ, nhạc công đơn thuần chỉ là ngưới sáng tạo trong một vai diễn. Nhưng người chỉ đạo nghệ thuật thì cần đóng nhiều vai, và vai chủ đạo nhất vẫn là vai diễn xuyên suốt cả chương trình. Vì thế khó nhất vẫn là người chỉ đạo nghệ thuật mà vinh quang nhất vẫn là họ. Vì trong dấu ấn của các cá nhân đều có dấu ấn của người chỉ đạo nghệ thuật.
Tôi chỉ tiếc rằng những năm tôi ở Đoàn đã dày công xây dựng được một ngôi trường đào tạo ca sỹ trẻ, nhạc công trẻ, cùng liên kết với các Trường Văn hoá nghệ thuật quân đội và đào tạo được rất nhiều ca sỹ trẻ thành danh như Bùi Lê Mận, Hồng Hạnh, Vũ Thắng Lợi… Thế nhưng sau này, sự liên kết đào tạo này không còn nữa, các tài năng được phát hiện vì thế cũng ít đi.
Phải nói rằng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật tôi là người hết sức may mắn khi hoạt động được đa lĩnh vực từ nhạc công, sáng tác, chỉ đạo dàn nhạc, chỉ đạo nghệ thuật. Điều này cho tôi nhiều trải nghiệm cũng như cho tôi những vinh quang. Nhưng điều quan trọng nhất là cho tôi được “tắm” trong môi trường nghệ thuật để luôn được sáng tạo, luôn được cống hiến hết mình.
P.V: Giờ ngẫm lại kỷ niệm thiêng liêng nào khiến ông luôn cảm thấy tự hào, hạnh phúc khi là một nghệ sỹ hoạt động trong môi trường quân đội?
Đại tá, NSND Hoàng Thành: Đến giờ về nghỉ hưu, chỉ quẩn quanh với vài đơn đặt hàng, vui thú cờ tướng với mấy ông bạn già, nhưng mỗi khi nghĩ đến những năm tháng hào hùng tôi vẫn thấy thật tự hào, thật hạnh phúc. Hạnh phúc vì vai trò nhân chứng ở những thời khắc lịch sử, hạnh phúc vì mình là một nghệ sỹ áo lính, vì sứ mệnh phục vụ người lính phục vụ nhân dân, nơi đâu cần là ta có mặt. Nhắc đến đây có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên kỷ niệm về màn chứng kiến việc trao trả 4 bên ở bờ sông Thạch Hãn.
Sau Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), đầu tháng 3/1973, cuộc trao trả tù binh – tù chính trị giữa ta và đối phương được triển khai đồng loạt trên các địa điểm tại sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Các cuộc trao trả được Phái đoàn Quốc tế giám sát (ICCS) và Phái đoàn Quân sự 4 bên ấn định 4 đợt trong năm 1973, ngày 12/3 là đợt đầu tiên trao trả tại sông Thạch Hãn, tiếp đó các địa điểm khác cũng được tiến hành. Khỏi phải nói hết sự xúc động trào dâng của những ai có mặt chứng kiến. Những người lính của ta trở về mừng mừng tủi tủi, ôm chầm mẹ già con thơ, nhiều người từ bờ bắc chạy ùm xuống sông khóc vì sung sướng. Chúng tôi là những văn công được giao đến địa điểm này để biểu diễn chào mừng bộ đội ta, đồng thời diễn cho tù binh xem, và có nhiều buổi chúng tôi nước mắt tuôn rơi, nhiều khoảnh khắc diễn xuất thần như chưa bao giờ được diễn.
Thế nên càng ngẫm càng thấy giá trị của hoà bình, thấy sự hy sinh to lớn của cha ông ta để chúng ta có được ngày hôm nay quả không có gì có thể ví von được. Đó là hành trang theo tôi suốt cả quãng đời, là cảm hứng bất tận trong các tác phẩm âm nhạc của tôi.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!