HÔNG thể phủ nhận được rằng trong các cuộc chiến tranh cách mạng của thế kỷ XX, chúng ta không có sự vượt trội về sức mạnh vật chất, nhưng chúng ta lại luôn là người chiến thắng, cho dù chiến thắng ấy có phải đánh đổi bằng rất nhiều máu xương, đánh đổi bằng các những khoảng thời gian đủ cho một thế hệ trưởng thành. Đành rằng chúng ta nhận được nhiều sự quan tâm động viên, giúp đỡ về cả vật chất và tinh thần của bạn bè quốc tế, nhưng những giúp đỡ ấy thật khó để khỏa lấp những chênh lệch nói trên. Nghĩa là chúng ta vẫn phải tiến hành các cuộc chiến tranh cách mạng với việc dựa vào sức mình là chính. Và một trong những yếu tố “sức mình” ấy chính là lòng yêu nước, là tinh thần lạc quan cách mạng. Lòng yêu nước ấy, tinh thần ấy xuất phát từ niềm say mê lý tưởng, tình yêu cố hữu, chân thành và tự nguyện với đất nước quê hương, được tui rèn qua thực tiễn chiến đấu và chiến thắng… Nhưng không thể không nói rằng nó còn được bồi đắp bởi những rung động tinh tế của tâm hồn qua tiếp nhận các tác phẩm văn học mang màu sắc sử thi của giai đoạn này, nhất là thơ, và thơ viết về người lính.
Sớm nhất là hình ảnh những người chiến sĩ trong tên gọi anh Vệ quốc quân. Đấy là lớp người đầu tiên đứng lên cầm súng theo tiếng gọi của Bác Hồ, đi kháng chiến và trở thành những người tiên phong, mà ngay tên gọi thôi cũng đủ để dấy lên một niềm thân thương kiêu hãnh: Anh Bộ đội Cụ Hồ. Đấy là những người lính phần lớn không được đào tạo một cách chính quy, không qua trường lớp và với mọi thành phần xuất thân – thể hiện tinh thần đoàn kết của cả một dân tộc luôn biết nắm chặt tay nhau để bảo vệ lãnh thổ, phong hóa, đời sống, số phận của chính mình. Những người chiến sĩ ấy xuất hiện một cách giản dị, đời thường, thậm chí đôi khi còn tội nghiệp nếu không chú ý đến phẩm chất anh hùng của họ:
Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “một hai”
Súng bắn chưa quen,
Quân sự mươi bài
(Nhớ – Hồng Nguyên)
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
(Đồng chí – Chính Hữu)
Dĩ nhiên trong khí thế toàn dân tộc lên đường, thì không thể thiếu thành phần “tinh hoa” trong đội ngũ ấy: những người lính xuất thân học sinh, sinh viên, trí thức… Vậy nên bên cạnh vẻ đẹp chân chất kia, người ta còn thấy ngời lên vẻ đẹp của sự hào hoa, lịch lãm của những học sinh, sinh viên, trí thức – nhất là những người con thủ đô. Đó là những thanh niên ưu tú “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Không phải ngẫu nhiên mà trong bài Ngày về của Chính Hữu, hình ảnh người lính phảng phất cái gì đó của những khách chinh phu truyền thống. Rồi vẻ đẹp ấy sẽ biến mất trong thơ Chính Hữu, để những con người ấy trở thành “đồng chí” cách mạng, nhưng dáng dấp thanh lịch ấy sẽ xuất hiện trong thơ Hữu Loan, Quang Dũng, với nét mộng mơ của một tráng sĩ xác định một đi không trở lại, Kinh Kha chẳng hạn, nhưng trong lòng không quên lưu luyến một giấc mộng đẹp của niềm tin khải hoàn:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
(Tây tiến – Quang Dũng)
Những người chiến sĩ ấy, có người xuất thân từ nước mặn, đồng chua để lại “Ít nhiều người vợ trẻ/Mòn chân bên cối gạo canh khuya” hay từ thành thị với “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, ở nơi “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”, hay “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”, cũng đều chung chiến hào, đã chiến đấu theo tinh thần “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm”, theo tinh thần biến tất cả những gì có trong tay thành vũ khí:
Lột sắt đường tàu
Rèn thêm dao kiếm
Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh
(Nhớ – Hồng Nguyên)
Và nếm trải bao gian lao, vất vả:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
…
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục trên súng mũ ngủ quên đời…
(Tây Tiến – Quang Dũng)
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt
Máu trộn bùn non
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu)
Nhưng cũng chính họ làm nên lịch sử, trở thành những nhân vật chính của lịch sử thời đại cách mạng, bởi tinh thần quả cảm, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp chung. Nhiều bài thơ, đoạn thơ miêu tả một cách sinh động, đau xót về tinh thần kiêu dũng ấy:
Gan không núng
Chí không mòn
Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân nhắm mắt còn ôm
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu)
Sau 1954, cả dân tộc lại bước vào cuộc trường chinh mới. Và đây cũng chính là cuộc thử lửa vĩ đại nhất với chất vàng ròng của tình yêu đất nước. Cùng một lúc, nhiều thế hệ người Việt Nam lại “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”:
Lớp cha trước lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành
(Tiếng hát sang xuân – Tố Hữu)
Người lính Cụ Hồ lúc này xuất hiện không còn với vẻ đẹp chân chất, đôi khi còn lấm láp đất bùn, mà đã trở nên kỳ vĩ, thậm chí lộng lẫy, và càng tiến sâu vào trung tâm của lịch sử. Thật khó để quên được hình tượng anh giải phóng quân trong thơ Tố Hữu:
Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất
Sống hiên ngang bất khuất trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỷ XX
(Bài ca mùa xuân 1968)
Hay hình tượng người lính trong thơ Lê Anh Xuân:
Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân
(Dáng đứng Việt Nam)
Sau 1975, đề tài chiến tranh và người lính vẫn tiếp tục là một đề tài quan trọng trong văn học, nhất là văn xuôi và trường ca. Thơ cũng tiếp tục theo đuổi việc miêu tả, thể hiện người lính nhưng với một tinh thần mở, với những nghiền ngẫm, suy tư về một thời đã qua theo tinh thần nhận thức lại. Dường như người đọc gặp nhiều hơn những anh hùng từ hình tượng những người lính biển. Những người lính anh hùng thầm lặng nhiều khi đến xa xót:
Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên
Cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người
Anh đứng gác, trời khuya đảo vắng
Biển một bên và em một bên
Cho dẫu mai kia thôi không còn biển nữa
Không có em yêu, anh chỉ còn với cỏ
Cho dẫu thế, thì anh vẫn nhớ
Biển một bên và em một bên
(Thơ tình người lính biển – Trần Đăng Khoa)
Ngoài ra chúng ta còn thấy vẻ đẹp ấy trong Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến, Mộ gió của Trịnh Công Lộc, Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Phan Quế Mai, Hào phóng thềm lục địa của Nguyễn Thanh Mừng, Người sau chân sóng của Lê Thị Mây…
Với hành trình bảy mươi lăm năm, hình tượng người lính đã trở thành một phần không thể thiếu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Không thể không có những day dứt, những trở trăn về lựa chọn, về tình thế và thân phận của người lính trong những tác phẩm được viết trong một độ lùi nhất định kể từ khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước hoàn toàn được thống nhất, bắt đầu từ trường ca. Đấy là quy luật của nhận thức. Nhưng cảm hứng ngợi ca, khẳng định trong thơ viết về người lính vẫn là cảm hứng quan trọng. Chính cảm hứng ấy, tinh thần ngợi ca ấy là nguồn cổ vũ, động viên kịp thời, nhiệt thành và da diết nhất đối với người lính, và cả toàn dân tộc. Một thời, thơ nằm trong ba lô người lính, trên báng súng người lính, trên cánh tay và trong trí nhớ người lính. Thậm chí, ngày nay một người già ở vùng nông thôn cũng có thể đọc làu làu nhiều bài thơ viết về người lính và cách mạng, nhất là thơ Tố Hữu. Đấy là một sự thật. Và sự thật ấy là kết quả của hành trình sáng tạo và tiếp nhận từ trái tim đến trái tim.
Yên Đồng, trọng đông 2019
Quỳnh
Tuyệt vời<3
Bui Le Bao Linh
Dẫn dắt cực lôi cuốn người đọc
Duc
Tuyệt vời=))
Ig: emladepnhat
Quá hay luôn nhó :)) bth toàn xem chùa nmaf bài này hay nên phải cmt
Erin
Nhận định hay quá :>
Hòa
Hay quá !!!
Phạm Đạt
Người lính Cụ Hồ trong thơ ca – Thơ ca dân tộc đậm trong mỗi người lính – Chỉ có thể nói là cực kì tuyệt vời của dân tộc ta.